Ung dung tự tại – Một biểu hiện nhất thể trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông

721

Hằng năm, vào đầu tháng mười một âm lịch, Phật giáo Việt Nam thường tổ chức đại lễ kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm vào cõi Niết-bàn. Nhân sự kiện này, người viết mạo muội chia sẻ đôi điều cảm nhận trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Ngài được nhiều người biết đến, nhưng chắc chắn phần huyền nghĩa của nó vẫn còn nhiều điều phải lắng lòng suy ngẫm để thẩm tuyệt hơn.

Thiên Trường vãn vọng

(Dạo chơi ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường)

天長晚望  

村後村前淡似煙,

半無半有夕陽邊。

牧童笛裡歸牛盡,

白鷺雙雙飛下田。

          陳仁宗

Phiên âm:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lý ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền

Dịch nghĩa:

Trước thôn, sau thôn, khí trời mờ nhạt như khói,

Bóng chiều tà nửa không, nửa có.

Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về hết,

Từng hàng cò trắng bay xuống ruộng.

Dịch thơ:

Xóm trước thôn sau tựa khói lồng

Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng thổi sáo trâu về hết

Cò trắng từng đôi hạ xuống đồng .

( Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Trong những năm tháng trị vì đất nước vua Trần Nhân Tông đã cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông lãnh đạo nhân dân tạo nên kỳ tích lịch sử: hai lần (1285, 1288) chiến thắng giặc Mông Nguyên – một đế quốc hung hãn nhất của thời đại, để giữ yên bờ cõi cả phương Bắc; rồi bình ổn cả phương Nam làm rạng ngời hào khí Đông A. Nhà vua cũng đã có công trong việc xây dựng và phát triển mọi mặt của đất nước. Kết quả của ngoại lực ấy bắt nguồn từ những nội lực: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…” của Trần Quốc Tuấn; “Công danh nam tử còn vương nợ / Luống  thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” của Phạm Ngũ Lão; “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng… đã chầu quanh một nội lực lớn – nội lực của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Liên tưởng và nối tiếp những điều này ta càng dễ thấy sự sung mãn của tâm lực, thiền lực thể hiện trong bài thơ trên. Một chủ thể đã từng làm chủ mọi gian khổ, mọi thách thức, mọi trở lực, mọi quyền lực, mọi vinh hoa phú quý thì lại càng tỏ rõ sự ung dung trong cách nhìn ngoại cảnh. Bài thơ không hướng vào chốn hoàng cung nguy nga tráng lệ mà lại vọng về nơi dân dã, đơn sơ. Có lẽ nhà thơ muốn để cõi lòng nơi ấy vì nó vừa là quê hương thân thiết của mình, lại vừa là cảnh rất tự nhiên nhi nhiên, phù hợp với chủ thể cảm xúc lúc này.

Cảnh chiều hiện ra trong cái nhìn của người thật lạ: có xóm thôn, bóng chiều, mục đồng, cánh cò rất quen thuộc trong nhiều cảm hứng thơ ca của các thi nhân, và thường mang một trạng buồn như bóng chiều trong thơ Thôi Hiệu “Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai “, trong thơ Bà Huyện Thanh Quan “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương“, hoặc sau này trong thơ Huy Cận “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà“… Cảnh ở trong thơ của Ngài thì đạm tự yên (tựa khói lồng), bán vô bán hữu (dường có lại dường không), mục đồng và trâu cũng quy tận (về hết). Rõ ràng, đây là cái nhìn toát lên từ nội lực của thiền gia. Cảnh đang bị chi phối bởi cái tôi trữ tình ung dung tự tại, phản ánh một tâm lực an nhiên, chứng ngộ. Cả không gian rộng lớn đều bao phủ bởi cái bóng chiều hư hư, thực thực. Có nắng mà không thấy nắng, nói bóng mà không nói hình, không khẳng định “có”, mà không phủ định “không”. Tất cả dường như đang hướng về tĩnh lặng nhuốm vị sắc sắc không không. Thật đúng là một cách nói bất khả thuyết của nhà thơ mang tâm cảm thiền đang bao trùm lên cả một không gian chiều và tạo ra một bức tranh Thiên Trường có vẻ đẹp thanh thoát. Những cái động trong thơ càng làm nổi bật lên cái tĩnh đạt đến cõi tịch tĩnh. Đây chính là điểm nhất thể hóa các đối tượng. Tính nhất nguyên này xuất phát từ một cái tâm đại định của vị Phật hoàng đang hiện ra trong cái nhìn đầy nội lực, rất an lạc của huyền môn, vững tin trước cảnh đất nước, triều đình, nhân dân chung một ý chí. Cái tôi của nhà vua đã hòa nhập vào cái ta thiên hạ đại định. Đúng là “tâm bình thế giới bình”….

Tất nhiên khi cảm nhận điều này tâm của ta còn lắm bụi trần vẩn đục, lòng của ta thì xao động trên mấy nẻo ưu tư dễ gì tiếp cận được thiền cảnh vị đại giác. Nhưng tôi vẫn tin rằng mình đã có một phút ngộ, một phút nhập vào tác phẩm để cảm thức một thần thái vô ngại của Điều Ngự Giác Hoàng đã ấn chứng cho cảnh vật từ đa chủ thể thành nhất thể hóa ung dung tự tại.

Đinh Công Tôn

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB