Tác phẩm đạt giải khuyến khích: ẨN SÂU DƯỚI CHÂN NÚI HÒN TÀU

618

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
———————
Tác phẩm dự thi: ẨN SÂU DƯỚI CHÂN NÚI HÒN TÀU
MS 090 Báo viết

      (Ghi chép)

Tuy gọi là ‘Hòn’ nhưng núi Hòn Tàu không phải một ngọn, mà là dãy núi khá dài. Tên gọi Hòn Tàu kéo dài từ phía cực Tây của Quế Sơn xuống đến xã Duy Trung của huyện Duy Xuyên. Qua thời chiến tranh chống Mỹ, dãy Hòn Tàu đã lưu giữ biết bao chiến tích bi hùng của quân và dân ta. Nhiều đơn vị chiến đấu đã dựng “Bia Di Tích”, tạc tượng “Anh Linh Đài” hoành tráng trên dãy núi này.  Thế nhưng, dưới chân núi Hòn Tàu- thuộc địa phận huyện Quế Sơn- có một gia đình hiển hách và hy sinh tất cả cho cách mạng, đến nay vẫn không có nhiều người biết đến. Đó là gia đình ông Ngô Châu và bà Nguyễn Thị Tạ, ở thôn Nghi Sơn thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Lịch sử một “Gia đình vẻ vang” tưởng chừng đã rơi vào im lặng qua bốn thập niên sau ngày đất nước hòa bình, nếu như không có tấm lòng hiếu nghĩa của người con rể Phạm Hùng.

Gia đình ông Ngô Châu là một điển hình về “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng” suốt chiều dài của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Từ khi dấy lên phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam (1954), lần lượt cha, mẹ và ba người con trai đều ra trận, bảo vệ quê hương, xóm làng. Nhưng bi kịch thay! Từ cha mẹ đến anh em trai, tất cả đã lần lượt hy sinh. Ngoài người cha là ông Ngô Châu sau nhiều năm bị tù đày, tra tấn về chết tại nhà; còn mẹ và các con đều là những chiến sỹ hy sinh ngoài mặt trận. Niềm an ủi duy nhất của gia đình này là còn giữ lại được cô gái út. Cô bé sống sót cũng nhờ sự đùm bọc của bà con xóm giềng và nhất là đơn vị bộ đội Đặc công cưu mang, nuôi dưỡng…

Như có vị ‘thần hộ mệnh’ nào đã mang đến sự may mắn vi diệu cho cô Ngô Thị Thuật. Cô gái côi cút ngay từ bé, nhưng sự may mắn ngẫu nhiên cứ nối dài cho đến lúc trưởng thành. Mẹ của bé Thuật hy sinh, khi cô chưa tròn 6 tuổi. Các anh đều ra trận và có người đã hy sinh. Cô bé được các chú bộ đội nuôi dưỡng và theo đơn vị lưu lạc nhiều nơi. Lớn lên, cô được đưa ra miền Bắc ăn học; rồi sau ngày nước nhà thống nhất lại trở về Nam… Thậm chí không còn nhận biết gia đình, làng xóm của mình ở đâu? Mãi đến khi cô gặp được người bạn đời thủy chung là anh Phạm Hùng, cô gái cút côi này mới có cơ hội được “an cư, lạc nghiệp” ở Thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ). Và thêm một lần may mắn nữa, trong một dịp tình cờ cô gặp và biết được bác Nguyễn Văn Vân (hưu trí ở Núi Thành) là đồng đội cũ gắn bó với anh trai mình! Từ đây, tấn “bi hùng sử”của gia đình cô, từng bước được “vén màn”.

Nhờ sự tiếp sức, giúp đỡ chí tình của bác Vân (lúc này đã gần 80 tuổi), vợ chồng cô giáo Thuật cùng bác lần tìm về Huyện đội Quế Sơn và làng Nghi Sơn. Từ năm 2006 đến năm 2016, bằng sự quyết tâm của người con rể, mọi thông tin, nhân chứng về gia đình cách mạng Ngô Châu mới được sáng tỏ. Trước nỗi ngậm ngùi, tưởng tiếc vô hạn về gia đình vợ, anh Phạm Hùng đã không quản ngại khó khăn, cách trở để tìm lại dấu vết mái nhà xưa của ông bà Ngô Châu và tìm thấy bằng chứng đầy đủ của Nhà nước, công nhận về công đức của mẹ vợ và ba người anh trai. Tất cả hồ sơ, văn bằng của gia đình ông Ngô Châu, đã được đơn vị của các anh và chính quyền xã Quế Hiệp, từ lâu đã lo chu toàn. Nhưng, vì không biết con gái út sống sót, hiện lưu lạc nơi đâu, nên họ đành phải “lưu kho” tất cả ở UBND xã Quế Hiệp !

Bằng: Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tạ và Anh Hùng LLVTND Ngô Viết Hữu

Năm 2009, vợ chồng cô Thuật mới chính thức được chính quyền xã trao lại các văn bằng, được Nhà nước công nhận. Tất cả có 06 Bằng, gồm: 04 bằng Liệt sỹ; 01 bằng “Mẹ Việt Nam Anh Hùng”; 01 bằng “Anh Hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” và rất nhiều Huân, Huy chương Kháng chiến của ba anh trai…

Khi vợ chồng Hùng- Thuật tìm về làng Nghi Sơn, cũng được bà con trong làng dẫn đến tận nơi khu vườn nhà cũ của cha mẹ mình. Chưa kịp mừng vì tìm lại được nơi “chôn nhau, cắt rốn”, cô Ngô Thị Thuật đã quỵ ngã trước cảnh hoang tàn, lạnh lẽo. Dấu vết căn nhà gỗ năm xưa, nay còn lại một hố bom nham nhở, cỏ mọc um tùm! Còn khu vườn khoảng hơn sào đất, hiện đã mọc lên hai ngôi nhà của người “ngoại tộc”. Vì sau ngày nước nhà thống nhất khá lâu, khu vườn nhà này đã trở thành “vô chủ”. Chính quyền địa phương đem bố trí chỗ ở cho hai gia đình mới tản cư chiến tranh trở về…

       “ Một gia đình đã ‘tận hiến’ cho đất nước, cho cách mạng như thế, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, một mái nhà nhỏ làm nơi hương khói cũng không còn”! Anh con rể xót xa bộc bạch. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Hùng “hạ quyết tâm” với vợ: Dù khó khăn đến mấy, vợ chồng mình cũng phải có trách nhiệm với hương hồn những người quá cố. Trước hết phải về quê tìm nơi dựng nhà thờ, có chỗ để hương khói…

Và từ đầu năm 2016, anh Phạm Hùng đi gõ cửa nhiều cơ quan, chính quyền các cấp để “xin” lại mảnh đất, cất ngôi nhà thờ cho gia đình vợ. Chính quyền huyện, xã thấu cảm với gia cảnh của vợ chồng anh, nên sớm bố trí cho một lô đất mới, nằm cạnh ngã ba đường vào thôn Nghi Sơn của xã Quế Hiệp. Ròng rã hai năm trời vay mượn khắp nơi và được sự hỗ trợ một ít của Huyện đội Quế Sơn, tháng 12 năm 2018 “ngôi thờ tự” gia đình ông Ngô Châu cũng kịp hoàn thành. Nhận thấy tinh thần và tình cảm thiêng liêng của vợ chồng anh, nhiều đồng đội và đơn vị cũ của các Liệt sỹ cũng vào cuộc, giúp đỡ. Người thì cung cấp tư liệu, hình ảnh; người thiết kế, hoàn thiện không gian trưng bày trong và ngoài ngôi thờ tự…

Nhờ đó, đúng vào dịp Kỷ niệm ngày QĐND-VN ( 22/12) năm ấy, ”Nhà Tưởng Niệm” chung của gia đình ông Ngô Châu được tổ chức khánh thành long trọng, tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp. Nhưng để ghi dấu ấn công trạng nổi bật của những Anh hùng, Liệt sỹ trong gia đình này, mọi người thống nhất tạc chữ trên cổng ngôi thờ tự này là “ Nhà Tưởng Niệm- Anh Hùng Liệt Sỹ Ngô Viết Hữu”.

Trong không khí trang nghiêm mà ấm áp nghĩa tình của buổi lễ Khánh thành, ngay cả bà con, cán bộ địa phương, không ai giấu được nỗi bàng hoàng, xúc động. Vì chưa kể trong thời chiến, đã hơn 40 năm quê hương được giải phóng vẫn không còn mấy ai biết về sự hy sinh lớn lao của gia đình ông Ngô Châu như thế!

Trước ban thờ khói hương nghi ngút, bác Mai Xuân Hương- Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn- bồi hồi phát biểu: ” Có lẽ cả huyện Quế Sơn này không có gia đình nào có nhiều vinh quang và đau thương hơn gia đình ông Ngô Châu. Ngay từ buổi đầu chính quyền Diệm ra Sắc lệnh 10/59, kéo dài đến khi Mỹ rút quân về nước (1973), lần lượt từ cha, mẹ đến ba người con trai cùng tích cực tham gia cách mạng và rồi lần lượt hy sinh. Trừ ông Ngô Châu qua đời sau khi ở tù về, còn lại mẹ và 3 người con đều hy sinh anh dũng ở chiến trường… Sau khi kết thúc chiến tranh, chính quyền xã và Phòng Thương binh-Xã hội huyện mới làm hồ sơ để công nhận: Liệt sỹ- Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Tạ; Liệt sỹ- Anh hùng Lực lượng Vũ trang Ngô Viết Hữu và 2 người em của anh Hữu là Liệt sỹ Ngô Viết Tiến và Liệt sỹ Ngô Viết Tường…”. 

Nhà Tưởng Niệm- Anh hùng, Liệt sỹ Ngô Viết Hữu tại thôn Nghi Sơn

Bên trong gian trưng bày của “Nhà Tưởng Niệm”, những tấm Bằng, Huân- Huy chương treo kín hết vách tường. Mục kích cảnh tượng này, mọi người từ già đến trẻ đều cảm thấy tự hào mà xót đắng. Nỗi xa xót trước hết vì cả 5 người ruột thịt ra đi, không ai còn để lại một tấm hình làm di ảnh. Đau thương hơn, ngoài Anh hùng Ngô Viết Hữu có được đồng đội chứng giám, kể lại; còn hầu hết chỉ được biết qua hồ sơ công nhận Liệt sỹ. Như trường hợp vợ chồng ông Ngô Châu và bà Nguyễn Thị Tạ được trích chép lại từ hồ sơ, mấy dòng ngắn ngủi:

– Cha là Ngô Châu… Tham gia cách mạng trong thời kỳ chống Pháp. Sang thời Ngô Đình Diệm, bị bắt và bị tra tấn nhiều năm trong tù. Ra tù gần 4 năm, lâm bệnh qua đời (1964).

– Mẹ là Nguyễn Thị Tạ… Một mình nuôi 6 người con. Khi giặc Mỹ vào làng đốt phá, mẹ phải tay xách nách mang, đưa đàn con vào trú ẩn trong hang núi Hòn Tàu. Thiếu đói, dịch bệnh, hai người con nhỏ đã bỏ mẹ ra đi. May mắn là con gái út và 3 người anh trai lớn còn sống, dắt nhau về làng cũ Nghi Sơn. Nhưng rồi cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, 3 người con trai của mẹ cũng lần lượt ra trận chống Mỹ- ngụy. Mẹ Tạ ở lại quê nhà, vừa nuôi con gái út còn bé vừa tích cực tham gia công tác cách mạng.

Nhưng khi con gái út Ngô Thị Thuật chưa tròn 6 tuổi, đã nghe tin 2 người anh hy sinh ngoài chiến trường. Năm 1972, người con trai lớn Ngô Viết Hữu lại hy sinh. Mẹ cố gắng gượng nuôi đứa con còn lại và tiếp tục làm công tác tiếp lương cho bộ đội. Nhưng đầu năm 1973, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tạ đang trên đường đi công tác, đã bị lính ngụy phục kích bắn chết…”

Vì chẳng còn ai nhớ rõ ngày, tháng qua đời của cha mẹ, nên người con gái út chỉ ghi lại năm hy sinh và chọn ngày giỗ chung cho cha mẹ. Nhưng với 3 người anh trai thì được các đơn vị cũ ghi chép cụ thể, rõ ràng. Xin tóm lược lại đôi nét về ”hành trạng” của các anh:

Thứ nhất là Ngô Viết Tiến: Lúc chưa tròn 17 tuổi, anh đã giấu mẹ vào du kích để trả mối thù nhà. Hai năm sau, anh được chuyển lên Huyện đội Quế Sơn, giữ chức Đại đội phó- đại đội 105.  Thế nhưng, trong lúc anh chỉ huy đơn vị đánh chặn quân Ngụy đi càn ở Phú Diên, Ngô Viết Tiến đã anh dũng hy sinh ( ngày 02/7/1970).

Thứ hai là Ngô Viết Tường: Vừa đúng 18 tuổi, anh Tường đã xin phép mẹ để nối gót 2 anh, tham gia bộ đội địa phương. Chỉ trong thời gian gần 5 năm ( 1969- 1973) Ngô Viết Tường từ chiến sỹ của Huyện đội Quế Sơn, anh được đề bạt làm Đại đội trưởng D2- quân chủ lực. Anh chỉ huy nhiều trận đánh với quân Mỹ- ngụy phối hợp và dành được những chiến công vang dội. Nhưng trong trận đánh chặn Tiểu đoàn Ngụy ở xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn (ngày 15/4/1973), bất ngờ Đại đội trưởng Tường bị quả đạn pháo rơi trúng… Ngô Viết Tường hy sinh khi vừa sang tuổi 23!

Đặc biệt với người anh lớn Ngô Viết Hữu: Anh tham gia du kích trước cả anh Tiến và anh Tường. Từ tiếng vang ‘ngoan cường như Bảy Hữu’, anh sớm được điều về giữ chức Đại đội trưởng đơn vị Đặc công V.16. Về đơn vị Đặc công, người gắn bó suốt những trận đánh vào sinh ra tử với “Bảy Hữu” là Chính trị viên Nguyễn Văn Vân. Nhờ đó, bác Vân đã ghi lại khá đầy đủ, chi tiết những trận “nở hoa trong lòng địch” độc đáo và thắng lợi chóng vánh của “Bảy Hữu”.

Từ đầu năm 1968 đến tháng 4 năm 1972, Ngô Viết Hữu chỉ huy Đại đội Đặc công V.16 đánh thắng 20 trận lớn nhỏ – từ Quế Sơn, Thăng Bình đến huyện Bắc Tam Kỳ. Thế nhưng, đến trận đánh cuối cùng vào đêm 13/4/1972 trên cứ điểm Chà Vu (xã Tam Phước) anh Hữu đã hy sinh, khi đơn vị anh vừa chiếm được cứ điểm Chà Vu!

Đại đội trưởng Ngô Viết Hữu ra đi, khi mới tròn 24 tuổi đời và 8 tuổi quân. Với 8 năm quân ngũ, “Bảy Hữu” đã được Nhà nước và Quân đội trao tặng:

– 03 Huân chương Chiến công Giải phóng (hạng Nhì); 01 Huân chương CCGP (hạng Ba); 03 lần được bầu là “ Chiến sỹ thi đua” cấp Quân khu; 11 lần được vinh danh ”Dũng Sỹ”..

–  Sau khi hy sinh, được Nhà nước trao tặng: 02 Huân chương Kháng chiến (hạng Nhất và Nhì) và ”Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” (3/6/1976)…

Để có được những cứ liệu xác thực cả gia đình nêu trên, người đầu tiên phải nói đến là công sức lớn của người cựu binh- bác Nguyễn Văn Vân (ở Núi Thành). Vì thế, trong buổi Lễ khánh thành “Nhà Tưởng Niệm”, con rể Phạm Hùng đã có lời đáp từ: “ …Với vợ chồng chúng tôi, bác Nguyễn Văn Vân là vị Bồ Tát sống dốc cả tâm nguyện,  giúp đỡ chúng tôi hoàn thành công trình thiêng liêng này”!

——————————-

Tác giả dự thi:  Ngô Đăng Khoa (Phú Thiện)
Địa chỉ: 6B – Điện Biên Phủ, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB