Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: “Con chợt nhận ra…” của tác giả Diễm Hằng

63

Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018

Vòng chung khảo

———————-

Tác phẩm dự thi: CON CHỢT NHẬN RA…

Tác giả: Đoàn Thị Diễm Hằng

Ảnh minh họa

 

“Mẹ ơi con hiểu một điều

Khi con mất mẹ như diều đứt dây

Cuộc đời như ớt chín cây

Trái ngọt thì ít trái cay thì nhiều

Mẹ ơi con chịu bao điều

Nhưng không chịu nổi thân diều đứt dây.”

   Tôi tình cờ đọc dược đoạn thơ lục bát này trong một lần lướt facebook. Quả thật khi đọc lần đầu tôi cũng chỉ có ấn tượng một chút, nhưng khi đọc đến lần hai, lần ba tôi mới thật sự bất giác nghĩ về chính mình, nghĩ về ý nghĩa từng câu từng chữ mà nó mang lại. Rồi, tôi lại nghĩ đến mẹ. Bấy lâu nay, từ khi xa vòng tay thân yêu bao bọc từng ngày của mẹ, tôi ít khi nghĩ đến mẹ hơn, tôi chỉ lo toan cho việc học hành, rồi lại chỗ ăn, chỗ ngủ, bạn bè thầy cô, mà quên mất rằng mẹ vẫn ở đó, vẫn mãi luôn dõi theo tôi.

Tôi là một cô bé được sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh chị em. Ba mẹ thì ngày ngày vất vả làm công việc đồng áng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Anh chị em tôi thì rất thương yêu ba mẹ, đặc biệt là mẹ. Chắc có lẽ nhiều người sẽ hỏi tại sao lại là mẹ mà không phải là ba, trong khi hai người đều yêu thương con cái như nhau ? Vâng, là mẹ, vì tất nhiên mẹ dễ gần gũi với con cái hơn, cách thể hiện tình cảm cũng sâu sắc hơn là ba nên con cái thường thương mẹ hơn, nhưng không phải vì thế. Chúng tôi thương mẹ hơn vì mẹ đã chịu rất nhiều đau thương, gánh nặng mỗi khi ba tôi say men rượu. Ba tôi lúc trước có thói quen cứ chiều nào cũng phải nhâm nhi rượu với mấy bác hàng xóm, nhưng dần dần cái thói quen đó không thể bỏ được cứ mỗi ngày một tăng lên. Từ một ly rượu với hai ba miếng mồi, đến một chai, rồi lại đến 2, 3 chai một hôm. Bỏ mặc những lời khuyên của vợ con những lúc tỉnh táo, ba tôi lại chứng nào tật nấy không thể bỏ được. Nhưng uống không thì ai dám nói gì, sau khi uống vào mới là chuyện kinh hoàng. Tôi biết câu chuyện đau thương mà men rượu mang lại đã quá quen thuộc với biết bao gia đình trong cái xã hội này rồi nhưng tôi vẫn không thể nào chịu được khi cứ mỗi ngày chưa kịp học hành đã thấy ba mẹ cãi cọ, ba lại đánh mẹ, đòi đuổi mẹ đi. Tôi đã khóc, đã khóc rất nhiều khi chỉ mới là học sinh tiểu học. Nghĩ về mẹ phải ngày ngày còng lưng làm ruộng, vào những lúc không phải lo việc đồng án mẹ lại lấy chiếc xe đạp cũ-hư hỏng không biết bao nhiêu lần, đạp trên từng con đường ngõ nghách, mà gọi mua: “Ai ve chai không…, bữa ni có chi bán không cô Sáu, bác Hai…” rong ruổi hết từ nhà này đến nhà khác, rồi từ xã này đến xã khác khiến tôi lại phải tiếp tục cố gắng. Tôi còn nhớ một lần, được nằm trong vòng tay mẹ, nghe mẹ tâm sự về chuyến hành trình buôn bán xa xôi mà mẹ đã từng trải qua:

-Mẹ ơi, sao mẹ đi mua xa thế, sao không ở nhà chơi với con, con ngủ dậy lại chẳng thấy mẹ đâu.

-Mẹ phải đi làm sớm để có tiền cho con ăn học chứ, đúng không nào ?. Hôm nay chân mẹ đau nên mẹ chỉ có thể đạp tới xã A, ngày xưa khi mẹ còn trẻ mẹ đã từng đạp xe đến xã B kia- Mẹ tôi nói với ánh mắt đầy tự hào của một người lao động chân chính.

Đến tận bây giờ tôi mới biết là dù cho xã A có gần hơn xã B đi chăng nữa nhưng tất cả đều rất xa, xa tận mấy mươi cây số, mất cả giờ đồng hồ khi chạy bằng xe máy- thế mà mẹ tôi lại trên chiếc xe đạp ấy.

Lúc trước khi còn nhỏ, tụi bạn thường chọc tôi về nghề nghiệp của mẹ. Ban đầu tôi rất buồn, có sợ khi phải bắt gặp mẹ trên đường, thật sự là vậy. Nhưng hằng ngày phải chứng kiến mẹ còng lưng lượm từng cái lon, chai nhựa, chui rúc từng ngõ ngách làm tim tôi thắt lại. “ Sao mày khờ vậy Hằng, sao mày lại có ý nghĩ ghét cái nghề của mẹ vậy chứ, mẹ làm việc đó là vì ai, là vì mày đó Hằng à, vì miếng ăn cái chữ lo cho tương lai của mày đó, biết không?”- Tôi tự đấu tranh tư tưởng chính mình không khác nào một phiên tòa đang diễn ra trước lời phán xử của thục phán phân minh. Kể từ giây phút đó, tôi yêu mẹ hơn yêu cái nghề mà mẹ đã chọn, cái nghề chân chính làm ra từng đồng tiền chân chính , giúp dọn dẹp được từng cái đồ phế phẩm của biết bao nhà như bác Sáu, bác Hai. Nhưng hơn hết là mẹ làm là vì chúng tôi, vì ước vọng lớn lao một ngày nào đó không xa chúng tôi sẽ thành người và thành công trên con đường chúng tôi đã chọn. Tôi và anh chị gắng ra sức học tập, phải tự mình học, vì ngày xưa mẹ không có điều kiện để đi học nên chưa được học hành đến nơi đến chốn, do đó mẹ không thể chỉ tôi giải bài toán này hay bài văn kia. Nhưng mẹ lại giúp tôi rất nhiều chính là tinh thần học tập. Có nhiều lúc tôi như sắp gục ngã với đống bài tập khó, cũng như áp lực học tập đè nặng, mẹ nhìn tôi không thể giúp được gì trong lòng cũng vô cùng đau , rồi mẹ lại gần tôi khẽ nhỏ: “Con gái yêu của mẹ à, cố lên con nhé, rồi mọi chuyện cũng sẽ có cách giải quyết nếu con bình tĩnh, nhìn nhận.” Mẹ tôi nói đúng: “Cứ bình tĩnh rồi sẽ có cách giải quyết”. Mẹ luôn là vậy, luôn ở bên tôi những lúc tôi tuyệt vọng nhất và cả những lúc tôi hạnh phúc nhất vì những thành quả mà mình đã nhận được sau bao ngày vất vả học tập rèn luyện. Mẹ lại đứng ở vị trí đó, xa xa kia đó để nhìn tôi nhận những món phần thưởng, tôi chợt thấy mẹ đưa tay để lau những giọt nước mắt, nhưng tôi thấy rất rõ đó không phải là nhũng giọt nước mắt mà mẹ đã từng khóc vì ba, mà là những giọt nước mắt của sự hạnh phúc, của lòng tự hào. Tôi thấy vui lắm.Thấy vui khi mẹ đã mỉm cười. Nụ cười thật hiền dịu và ấm áp biết bao. Tôi thầm cảm ơn mẹ vì đã dõi theo tôi suốt những ngày vất vả đó, thầm cảm ơn cả những chồng sách giấy cũ mà mẹ đã mang về cho tôi học tập. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn rất vui khi cứ thấy mẹ đem giấy vở cũ của con nhà người ta về cho tôi làm giấy nháp hay đóng thành tập vở để học.Tôi vui hơn cả được quà, mà cũng lạ nhỉ chắc vì  thói quen này đã theo tôi từ khi tôi mới được cất bước đến trường. Tôi nhanh nhảu cùng mẹ phân loại cái chồng sách vở đó, rồi rất vui khi vở nguời ta học vẫn còn nhiều trang giấy trắng. Càng nhiều trang giấy trắng chưa học tôi lại càng vui hơn, cái cảm giác đó khó có thể nào nói lên thành lời. Nhưng có lẽ mẹ là người hiểu tôi rõ nhất, mẹ nhìn từng bước nhảy chân sáo của tôi , líu lo hát từng lời ca vì một niềm vui khôn xiết của người như mới được nhận quà.

Vui là vậy, có những giọt nước của niềm hạnh phúc là vậy, nhưng, đôi lúc, tôi lại thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má khắc khổ của mẹ đúng nghĩa là những giọt nước mắt thực thụ, mà người làm mẹ rơi những gọt nước mắt ấy không ai khác chính là tôi- là cô bé bướng bỉnh, không chịu vâng lời, suốt ngày để mẹ phải bận lòng. Tôi còn nhớ rất rõ cái buổi trưa hè nóng bức của mùa hạ năm ấy, là lúc  tôi học hè tại trường năm lớp 2. Sau khi tan học, như thường lệ tôi sẽ cùng chúng bạn dắt tay nhau băng qua những hàng cây bóng mát trải dài khắp con đường làng để về đến nhà, thế nhưng hôm ấy, không biết vì lí do nào, nghe theo lời xúi giục của chúng bạn, tôi đã không về nhà mà chạy ngay ra bờ sông để đùa nghịch nước mát dưới cái nắng oi ả của trưa hè, mặc dù lúc ấy tôi chả biết bơi. Đến giữa trưa, tôi nghe có tiếng ai đó vọng gọi: “Hằng ơi, con đâu rồi, mẹ đây con, con về nhà đi…”. Bất chợt tôi mới nhận ra đó là tiếng mẹ, tôi hoảng hốt tóm lấy cặp sách trốn vào bụi tre ven đường. Mẹ vẫn cứ gọi, vẫn  gọi mãi. Thế nhưng tôi lại cứ trốn, lại tìm cách để chạy về nhà trước mẹ. Về đến nhà, tôi không thấy ai cả, lúc đó tôi mới thực sự hoảng sợ, tôi la lên: “ Anh hai ơi, chị ba ơi , chị 4 ơi, mọi người đâu rồi”. Thấy tôi hét ầm lên thế, bác hai mới chạy sang bảo: “Ủa Hằng, con đi đâu mà cả nhà chạy tìm con cả trưa đó biết không hả”. Tôi mới sựt nhớ lại thì ra là lỗi của tôi, tôi trở vào nhà thì cũng là lúc cả gia đình tôi quay trở về. Tôi còn nhớ rất rõ những khuôn mặt ấy đều nóng đỏ hừng hực Mặt ba và anh hai thì nhễ nhại toàn là mồ hôi, còn hai chị của tôi thì mặt xanh loét có lẽ là do bị say nắng. Nhưng lúc ấy khuôn mặt mẹ mới là điều tôi cảm thấy ấy náy nhất. Từng giọt mồ hôi pha lẫn những giọt nước mắt sợ hãi cứ chảy, cứ chảy mãi trên khuôn mặt khắc khổ ấy. Rồi mẹ nhìn sang tôi hỏi: “Hằng con đã đi đâu, khiến cả nhà phải lo lắng thế hả con”. Lời mẹ thật nhẹ nhàng, khoan dung nhưng chính nó đã đủ để khiến tôi phải rùng mình hoảng sợ, thà mẹ cứ la, cứ mắng, cứ đánh đòn còn hơn. Thế nhưng bỗng từ đâu cái ý nghĩ biện lí do hợp lí để tránh tội lại xuất hiện trong cái đầu khờ dại của tôi. Thế rồi tôi định thốt ra câu trả lời gian dối ấy thì bổng nhiên tôi bắt gặp ánh mắt của mẹ.Vẫn là ánh mắt ấy, ánh mắt của sự từ bi khoan dung, đang mòn mỏi chờ đợi câu trả lời của đứa con thơ ngây không biết bao giờ mới chịu lớn. Chính ánh mắt ấy như xát muối vào những ý nghĩ gian dối của tôi. Nhìn ánh mắt mẹ tôi càng không thể nào thốt ra thành lời, tôi càng không thể nào dám nói dối mẹ thêm được nữa, tôi phải thành thật, phải thành thật thưc sự. Tôi cứ ngỡ mẹ sẽ la tôi, sẽ mắng tôi sau khi tôi nói ra sự thật thế nhưng mẹ đã thấy được con người thành thật của tôi, mẹ đã bỏ qua cho đứa con thơ dại và ôm tôi vào lòng thì thầm: “Có biết mẹ lo cho con thế nào không…, giỏi lắm con gái của mẹ vì con đã thành thật”. Tôi vui lắm, vui không phải vì tôi không bị la bị rầy mà vui vì tôi đã thành thật với cả gia đình, với mẹ và đặc biệt với cả chính mình, Tôi đã làm được lời dạy mà mẹ vẫn hay khuyên bảo tôi thật rồi, tôi vui vì điều đó, và tôi tin mẹ cũng vậy.

Qua lần đó tôi ngoan hơn, sợ mẹ hơn nhưng là sợ mẹ buồn, tôi cố gắng chăm chỉ học tập rèn luyện, giúp đỡ gia đình công việc nhà vừa với sức của mình để có thể làm mẹ vui và được nhìn nụ cười tươi sáng luôn nở trên môi của người phụ nữ dù có làm việc vất vả như thế nào đi chăng nữa vẫn luôn hướng về con cái. Mẹ là niềm vui của tôi, là mục đích sống của tôi, là ngọn đuốc soi sáng trên con đường tôi bước đến. Tôi luôn giữ niềm tin là vậy, và mẹ mãi sẽ luôn bên cạnh tôi. Mặc dù, sau đó, càng lớn lên đôi lúc tôi cũng làm mẹ buồn phiền vì mấy chuyện lặt vặt như chuyện nấu ăn, ngủ nướng, vv… Nhiều lúc tôi cũng cáu với mẹ nhưng rồi nghĩ lại thì suy cho cùng mẹ la như vậy cũng là vì thương tôi, lo cho tôi sau này có ra xã hội còn biết này biết kia, phải phép với người đời,…

Và quả thực là vậy, năm tôi 15 tuổi, tôi đã đậu vào một ngôi trường chuyên cách xa nhà gần mấy chục cây số, vì thế tôi ít khi về nhà hơn.  Nhớ nhũng ngày đầu mới xuống đó, mẹ phải đèo tôi đi học từ sáng sớm khi những chú gà trống vừa mới gáy báo hiệu một ngày mới tinh mơ bắt đầu, để kịp giờ cho tôi vào lớp. Trong khi tôi ngồi trong phòng học mát mẻ được lắng nghe những kiến thức hữu ích từ các thầy cô, thì ngoài kia mẹ tôi đang phải đứng đợi tôi dưới bóng của một góc cổng trường, mồ hôi thì cứ chảy hoài, chảy mãi mà không một lời than vãn.Tan học dù có mệt thật nhưng nhìn mẹ tôi thấy nỗi mệt nhọc của mình chẳng thấm thoát gì với mẹ cả, tôi lại cố gắng mỉm cười, kể cho mẹ nghe những điều bổ ích mà tôi đã được học, để mẹ tin rằng việc tôi quyết định học xa nhà là việc làm đúng đắn dù bước đầu có khó khăn cho cả mẹ và tôi. Rồi cũng được một thời gian mẹ đèo tôi đi hoc, gia đình tôi quyết định mua lại cho tôi một chiếc xe máy cub cũ và đồng ý cho tôi ở lại kí túc xá gần trường để tiện việc đi lại. Tôi thấy rất vui vì quyết định của ba mẹ vì như thế mẹ tôi sẽ đỡ khổ vì tôi hơn rất nhiều, nhưng một phần nào đó tôi cũng thấy rất lo lắng cho chính bản thân mình. Vì dù sao đi chăng nữa thì đây cũng là lần đầu tiên tôi xa nhà,phải đối mặt với cuộc sống tự lập phía trước. Không còn tiếng gọi kêu dậy đi học của mẹ vang lên, không còn được hằng ngày thưởng thức những món ăn đạm bạc với hương vị của tình thương yêu mà mẹ nung nấu, không còn được nghe tiếng mẹ la rầy vì những lúc không chịu làm việc nhà nữa,… Tất cả sẽ không còn được chứng kiến hằng ngày, mà chỉ có tôi phải tự mình lo liệu, tự mình lo việc học hành, ăn uống, giặt giũ, ngủ nghỉ… Nhưng tất cả những điều này là do tôi chọn, tôi đã chọn cho con đường tương lai của mình thì dù có khó khăn vất vả đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua với tất cả niềm tin và sự động viên của ba mẹ luôn dành cho tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ từng khoảnh khắc khi mới xuống kí túc xá đó và có lẽ đó là bước đi đầu đời khi phải ra khỏi vòng tay thương yêu của cha mẹ. Mọi thứ đều bỡ ngỡ.Bạn mới, chỗ ở mới, tất cả đều lạ lẫm. Thường ngày tôi chỉ phải lo việc học hành nhưng bây giờ tôi phải bận tâm xem hôm nay mình phải ăn gì ?, nước uống trong bình còn hay không ?, hay đống áo quần mà mấy hôm lo việc học quá đã giặt hay chưa?,.. Nghĩ đến đó thôi tôi lại thấy đau đầu, lúc trước tôi cứ ngỡ việc học là việc khó nhất thế nhưng không phải như thế. Lo cho cuộc sống, lo cho con cái, lo cho từng miếng ăn giấc ngủ, cái áo, cái quần mà bổn phận như người làm ba làm mẹ, đặc biệt vai trò người mẹ mới là điều khó khăn nhất. Tôi thầm nể phục mẹ, cảm thấy trân trọng và biết ơn mẹ nhiều hơn vì mẹ đã hi sinh bản thân mình để lo cho tôi được như ngày hôm nay. Cứ mỗi tối, lại đúng cái giờ đó, mẹ lại cất điện thoại hỏi thăm tôi, tôi vui lắm và chỉ mong chờ cái giây phút đó cứ kéo dài mãi để tôi có thể được lắng nghe giọng nói trìu mến của mẹ làm bao mọi căng thẳng trong ngày đều tiêu tan đi tất cả. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, được nạp thêm năng lượng để chuẩn bị cho ngày mới hôm sau.

“Người ta có rất nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về… Gia đình”. Đây là câu nói mà tôi đã từng được nghe từ rất lâu nhưng cho đến khi xa nhà tôi mới thật sự cảm nhận rõ. Quả thật đúng như vậy. Gia đình là cái nơi ta bập bẹ tiếng nói đầu tiên, là nơi ta bi bo tập bò, tập chạy, là nơi chứng kiến ta trưởng thành từng ngày và dù cho ta có đi đến đâu đi chăng nữa thì gia đình luôn là điểm tụa duy nhất để ta quay về sau những mệt nhọc, xô bồ của thế giới ngoài kia. Và tôi cũng như thế , cái giây phút chờ đến ngày thứ bảy cuối tuần, cái tiết học thể dục cuối tuần đó sau mà lâu thế, tan học tôi liền chạy về nhà với niềm vui khó mà có thể tả thành lời. Thật sự khi đi xa tôi mới biết quý trọng gia đình hơn, biết quý cái giây phút thiêng liêng này biết nhường nào. Về đến nhà tuy mệt thật, tuy xa thật nhưng được nhìn thấy khuôn mặt ba mẹ rạng rỡ chào đón tôi, tôi vui lắm chẳng bận tâm dù lúc nãy có té xe hay phải dắt bộ vì xe hết xăng đi chăng nữa.Tôi cùng ba mẹ ăn bữa cơm buổi xế chiều. Vẫn hương vị ấy không lẫn vào đâu được,còn vẹn nguyên từng mùi vị của bát canh rau muống thơm ngon, từng miếng cà tím thấm đượm hương vị của tình yêu thương. Tôi thích lắm, đây mới thật sự là hạnh phúc mà bấy lâu nay tôi cứ tìm mãi, tìm mà không biết nó đã luôn hiện hữu quanh tôi. Thế rồi tôi cùng ba mẹ trò chuyện, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện trong tuần.Tôi thấy vui khi từ ngày tôi đi học xa ba tôi cũng không còn uống rượu nữa, cũng đã biết quan tâm đỡ đần cho mẹ tôi hơn vì giờ đây chỉ còn có ba và mẹ thui thủi bên nhau vì anh chị e tôi đều phải  đi học tập và làm việc xa nhà.

Sau khi ăn xong bữa cơm đạm bạc ấy, tôi cùng mẹ trên chiếc xe cub cũ – người bạn đồng hành chí cốt của tôi trên con đường tương lai-đèo nhau trên đường làng mà lòng đầy thanh thản để đi đến chùa. Ngày xưa tôi không có thói quen đến đó, nhưng từ lúc anh tôi bị đau, tôi thường xuyên cùng mẹ đến chùa hơn để xin trời Phật phù hộ cho bệnh tình anh tôi được thuyên giảm. Như chứng được tấm lòng của người mẹ mà vì con không biết đã làm bao nhiêu điều, mà trời Phật thương yêu đã phù hộ cho anh tôi tai qua nạn khỏi. Kể từ lúc đó bắt đầu đến chùa nhiều hơn. Nhưng khi học xa tôi chỉ có thể đợi đến giây phút cuối tuần để được đi cùng mẹ. Tuy ngắn ngủi chỉ hai hôm, tối thứ bảy và chủ nhật nhưng hai ngày đó thật sự là những giây phút tôi cảm thấy thanh thản và yên lòng nhất. Tôi được đến chùa được đọc những bài kinh kệ mà Phật tổ đã từng truyền dạy cho hàng đệ tử của người và bây giờ là chúng tôi – những người con phật, luôn có một niềm tin vào ánh sáng phật pháp sẽ soi rọi cho bước đường chúng tôi đi. Được nghe những lời Phật dạy, được hiểu hơn về những nỗi vất vả tận cùng mà mỗi một người mẹ phải chịu đựng trong kinh Vu lan Bao Hiếu hay những lời sám hối từ tận đáy lòng trong kinh Thủy Sám, mà tôi mới thấy thực sự trân trọng những gì mình đang có và biết ơn rất nhiều vì  những điều đó. Chính những lời trong kinh dạy đã giúp ích được rất nhiều trong cuộc sống của tôi, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn, yêu mọi người xung quanh hơn, yêu cuộc sống này hơn, yêu gia đình tôi hơn, và đặc biệt là mẹ. Được thấy nụ cười giản dị của mẹ khi trò chuyện với mấy cô đạo hữa hòa lẫn vào tiếng chuông chùa ngân vang mà lòng tôi nghe sao yên ấm quá! Tôi thấy được sự thanh thản trong cõi lòng mình và sự thư thái trong tâm hồn. Những giây phút tôi được bên cạnh mẹ thật sự là những phút thiêng liêng nhất, hạnh phúc nhất mà tôi từng trải qua.

Rồi thời gian lại cứ trôi đi, trôi đi mãi giữa dòng đời xô bồ của cuộc sống. Hơn một năm sau, tôi ít khi về nhà hơn ít cùng mẹ đến chùa để cùng nghe những bài giáo pháp, vì càng lớn bài vở càng nhiều hơn, vào những buổi cuối tuần tôi phải vò đầu vào những lớp học thêm tăng tiết để chuận bị cho kì thi tốt nghiệp, đại học. Rồi những cú điện thoại trò chuyện với mẹ cũng vơi dần,  tôi cũng ít khi bắt máy hơn vì phải đi học khuya mới về. Khi thấy những cú điện thoại gọi nhỡ ấy tôi cũng định gọi lại nhưng rồi thôi. Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc học mà chẳng nghĩ gì khác, cứ dần dần tôi cũng không còn thấy nhớ nhà nữa, không còn thấy nhớ mẹ như lúc ban đầu nữa. Rồi đến một hôm trên đường đi học tôi bắt gặp hình ảnh vô cùng thân quen mà bấy lây nay tôi ít khi thấy lại được. Đó là hình ảnh của cô ve chai quen thuộc mà ngày xưa mẹ tôi với chiếc ve đạp cũ vẫn ngày ngày đạp trên con đường làng để kiếm sống mưu sống lo cho tôi ăn học. Tôi bất giác nghĩ tới mẹ, thì ra là mẹ, là mẹ vẫn mãi ở đó vẫn đằng sau lưng tôi dõi theo tôi trên con đường phía trước. Vậy mà đã có giây phút tôi đã quên rằng mẹ vẫn còn đang hiện diện, đã có giây phút tôi quên đi nụ cười của mẹ -là mục đích sống của tôi, đã có giây phút tôi trách mẹ vì sao cứ điện thoại hỏi thăm tôi suốt ma không biết tôi đag bận. Thực sự bấy lâu nay tôi đã quên mẹ thật rồi, quên đi những gì mẹ đã hy sinh vì tôi.Tôi thấy mình tệ quá, tệ khi đổ lỗi cho việc học mà không có thời gian điện mẹ, tệ khi viện cớ đang bận học nhưng thật ra đang vui chơi cùng chúng bạn. Tôi tệ quá, thật sự quá tệ. Tôi đã khóc, những giọt nước mắt cứ tuôn hoài , tuôn hoài dẫn lí trý của tôi phải điện mẹ ngay lập tức. Một giọng nói khàn khàn cất lên: “Cháu là Hằng à, mẹ cháu nhập viện nhưng không cho chú điện báo, cháu tới với mẹ liền nghe”. Tôi hoảng hốt liền chạy về quê, vào thẳng nơi bệnh viện mẹ tôi đang điều trị. Vẫn là căn bệnh ấy, thoái hóa cột sống, cộng thêm đau khớp khiến mẹ tôi tạm thời không thể đi lại nhiều được. Tôi đã chạy đến bên mẹ như đứa trẻ lầm lỡ chạy về bên người mẹ già luôn tràn đầy tình thương yêu trìu mến và lòng bao dung vô bờ bến .Nhìn tóc mẹ điểm bạc, cộng thêm nhiều vết nhăn đang hằn sâu trên tráng mẹ tôi lại thấy mình thật có lỗi, tôi thấy ân hận lắm, tôi chỉ biết gắng nuốt nước mắt vào trong để nở một nụ cười thật tươi cho mẹ tôi yên lòng. Rồi tôi lại tình cờ đọc được đoạn thơ lục bát mà ngày đầu câu chyện tôi đã nói với các bạn khiến tôi càng thêm ân hận biết nhường nào. Trong suốt quãng đường từ khi tôi còn nhỏ cho đến  ngay lúc này, tôi đã chợt nhận ra được nhiều điều. Đó là khi mẹ vất vả làm cái nghề chân chính để kiếm từng đồng tiền chân chính nuôi tôi, đó là khi mẹ lo lắng sốt sắng khi tôi chưa về nhà,vv… Nhưng đến lúc này tôi mới chợt nhận ra một điều quan trọng nhất chính là mẹ tôi đã già, đã thật sự già rồi thế nhưng tôi, chính tôi lại chưa lớn, chưa trưởng thành, chưa làm được những gì để bù đáp cho phần nào công sinh thành dưỡng dục mà mẹ tôi đã mang lại cho cuộc đời của tôi. Dù biết  cuộc sống là vô thường nhưng làm sao tôi có thể” chịu nổi thân diều đứt dây”. Nghĩ đến đó thôi tôi chỉ muốn thời gian như ngừng trôi để tôi có thêm nhiều thời gian bên mẹ hơn, được chăm sóc cho mẹ, được nấu những món ăn mà trước kia mẹ có chỉ tôi học nhưng tôi cũng không không bao giờ nghe, được trò chuyện cùng mẹ được tâm sự, được đến chùa để cùng mẹ đọc những bài kinh kệ hay giáo lí có ích cho đời. Rồi tôi chỉ biết thầm xin đức Phật, các chư vị bồ tát phù hộ cho người mẹ khắc khổ của tôi tai qua nạn khỏi để tôi có thể thực hiện lời hứa của mình là sẽ yêu mẹ nhiều hơn, chăm sóc mẹ nhiều hơn, cùng mẹ tâm sự trò chuyện trong những lúc đau ốm, tuổi già,… Tôi chỉ biết sám hối những lỗi lầm mình đã gây ra và thầm cầu mong mẹ sơm khỏi bệnh .Và thật sự mẹ tôi đã qua được cơn sóng gió của cuộc đời để trở về bên tôi, chỉ bảo đứa con chưa chịu trưởng thành này.

Quả thật mỗi người ta gặp trên thế gian này đều gắn với nhau bởi chữ “duyên”. Có thể là cái duyên đôi lứa, có thể là cái duyên bạn bè. Nhưng đối với tôi cái duyên đơn thuần chính là cái duyên khi tôi được gặp mẹ, cái duyên khi tôi dược làm con của mẹ trong kiếp này. Tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó, và tôi càng thấy trân trọng hơn những giây phút thiêng liêng khi tôi còn được ở bên cạnh mẹ, được chăm sóc yêu thương mẹ như thuở nào. Và tôi mong bạn cũng vậy, hãy trân trọng những gì mình đang có đặc biệt những người thân yêu là ba, là mẹ của bạn. Vì chính họ là chốn quay về cuối cùng, là chốn quay về sau những ngày tháng rong ruổi xồ bồ của cuộc đời ngoài kia dù bạn có là ai,có làm gì, đi đâu hay đến nhiều nơi đi chăng nữa, bạn nhé. Và cũng sẽ đến lúc bạn chợt nhận ra điều quan trọng mà tôi đã từng nhận ra: đó chính là gia đình, là hai chữ “ gia đình” thiêng liêng nhất./.

Đoàn Thị Diễm Hằng

Năm sinh: 2002

Nghề nghiệp: học sinh

Địa chỉ: thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB