Mùa Vu lan – Báo hiếu: Bông hồng vàng dâng "Ông Sư bắt bẻ"

1447

10519255_486472664830830_3866228560473133664_n

5 năm về trước con vẫn là một cô bé nghịch ngợm, ương bướng và cứng cỏi. Lần đầu tiên lên chùa còn không biết phải xưng hô với thầy thế nào. Con bé tự nhiên quá mức: “Em chào thầy”.
Thầy mỉm cười: “Thầy là thầy tu không phải là thầy giáo nhé”. 

Vốn chẳng thích chùa chiên, chỉ vì bị cô bạn “bắt cóc bỏ dĩa”, đành phải làm vật thế thân đi cùng, ai có dè lên chùa gặp ngay ông Sư bắt bẻ “ghét”.

Điện thoại đổ chuông:

– A Di Đà Phật!

Tuy còn đang say giấc nhưng từ bé đến giờ chưa có ai gọi cho nó mà A Di Đà Phật cả, nó ngờ ngờ là ông Sư bắt bẻ hôm trước, giọng nó miễn cưỡng: “Ai thế ạ”.

– Con có rảnh không, lên phụ thầy làm ít hoa Vu lan nhé, thầy gọi cho Nghĩa mà không được.

– Dạ… dạ…

Chưa đợi cho nó kịp định thần với cuộc điện thoại lạ hoắc lạ huơ, đầu dây bên kia cúp máy cái rụp. Kệ! Ai mà thèm chứ. Ai biết làm mấy đồ con gái đó chứ. Nó chạy vù sang nhà nhỏ bạn: “Ê mày, ông Sư bắt bẻ gọi lên làm hoa Vu lan. Thầy có nói khi nào lên không?

– Tao đâu biết, tao còn chưa đồng ý mà ông bắt bẻ đó đã cúp máy rồi.

Vậy có lên không? Nhỏ bạn nhìn lém lỉnh hỏi nó.

– Không! Lên làm chi! Kệ ổng, cho ổng làm.

Nhỏ bạn năn nỉ ỉ ôi mãi, cuối cùng nó cũng gật đầu cái rụp: “Ờ”.

Một đám trẻ con đang ngồi quanh một đống nào lá, nào hoa, nào nhụy bên ông Sư bắt bẻ. Bữa nay khá khẩm hơn, nó miễn cưỡng “con chào thầy”.

– Thầy là thầy giáo dạy làm hoa, không phải thầy tu.

Đúng là cái ông bắt bẻ đáng ghét, nó quay qua lườm đứa bạn như thể tất cả là tại mi, ai bảo mi bắt ta lên đây làm chi chứ. Nó xấu hổ đỏ bừng mặt, giữa tiếng cười của đám trẻ con. Nếu không phải nhỏ bạn dặn lên chùa ai nói gì cũng không được “bật” thì nó đã cho ổng một trận tơi bời.

Nó ngồi im lặng trong một không khí vô cùng náo động. Tiếng cười đùa của đám trẻ trước những câu chuyện hài hước của ông Sư bắt bẻ. Dù rất buồn cười nhưng nó cố tỏ ra như chẳng có gì thú vị cả, nhưng khi nghe tới câu: “Không đi ăn trộm là không có tuổi thơ” – nó phá lên cười, khiến tất cả mọi ánh mắt đổ dồn về nó như thể nó là một sinh vật lạ. Sau những câu chuyện vui, ông Sư bắt bẻ bắt đầu kể cho đám trẻ về công ơn cha mẹ, về lý do tại sao thầy lại đi tu.

Đằng sau vẻ hài hước mà nó nghĩ, là một người thầy đầy nội tâm. Những giọt nước mắt bắt đầu rơi, đâu đó tiếng nấc nghẹn ngào, khi nghe những câu chuyện về ân nghĩa sinh thành… Nó bắt đầu có cái nhìn khác về ông Sư bắt bẻ.

Nó tự nguyện lên chùa mà không cần nhỏ bạn phải hộ tống. Vẫn cái dáng vẻ lạnh lùng, im lặng, trước những câu chuyện của ông Sư bắt bẻ cho đám trẻ trong đạo tràng. Nó lắng nghe, suy ngẫm và thay đổi từ những câu chuyện rất gần gũi về cách sống, cách học làm người và đặc biệt là cách báo hiếu cha mẹ.

Vu lan đến…

“Mẹ có thành hiển nhiên trong trời đất

Như mặt trời không thể thiếu ở trong con

Nhưng nếu có đi vòng quanh quả đất tròn

Người mong con mỏi mòn vẫn không ai ngoài mẹ

Nhưng có một lần mẹ không hề ngăn con khóc

Mẹ không thể nào lau nước mắt cho con

Là khi mẹ đã không còn”

Giọng MC – ông Sư bắt bẻ vang lên trên hội trường cao rộng, không gian như lắng đọng, nhỏ chợt giật mình nghĩ tới công mẹ ơn cha. Hình ảnh mẹ ốm mà vẫn nấu cơm; bộ quần áo vừa to vừa dày của nó mẹ giặt đến cóng tay giữa trời lạnh như cắt; bàn tay chai sần của mẹ; những giọt mồ hôi thấm áo cha; hình ảnh lam lũ, tảo tần, đôi mắt sâu thẳm như mong chờ ở nó một tương lai tốt đẹp hơn chợt ùa về cùng tiếng cười đùa những buổi nó trốn học đi chơi với đám bạn; những giọt nước mắt lã chã rơi khi ông Sư bắt bẻ đọc lại điệp khúc:

“Nhưng có một lần mẹ không ngăn con khóc

Mẹ không thể nào lau nước mắt cho con”

Tiếng mẹ vang lên “Con đang ở đâu đó, về nhà thổi cơm nhé, mẹ ốm rồi”.

– Con đang ở trường, hôm nay phải học thêm giờ.

Những lời nói dối ráo hoảnh khiến nó ân hận. Nếu một ngày mẹ không còn… không còn…

Nó thay đổi một cách lạ thường. Không nghịch ngợm, không bướng bỉnh mà trái lại hiền dịu, nhu hòa. Nó phát nguyện ăn chay trường. Ba tháng sau nó quyết định đi tu. Ông Sư bắt bẻ mỉm cười: “Suy nghĩ kỹ chưa con, đi tu khổ lắm đó, ai nói gì cũng không được “bật” lại đâu?”.

***

5 năm đã trôi qua, thầy ạ! Giờ con đã là một ni cô. Nếu không có thầy thì giờ con vẫn sẽ là một con bé cứng đầu và bất hiếu. Vu lan về, con xin được kính dâng lên thầy – “ông Sư bắt bẻ” một bông hồng vàng, thiêng liêng và cao đẹp thay cho lời tri ân: “Con cảm ơn thầy nhiều, thật nhiều…”.

Minh Tâm

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB