Ứng xử của Giáo hội trong cơn bão mạng xã hội

139

Trong một phát biểu tại Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, đại ý rằng mạng xã hội không hề ảo như ý kiến trước đây, những ảnh hưởng và tác động đến đời sống của nó là rất thật. 

TT.Thích Minh Nhẫn

Nhiều ý kiến bạn đọc là Tăng Ni phản ánh về tòa soạn Báo Giác Ngộ, cho rằng hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin liên quan tới hình ảnh của người tu sĩ, có nhiều hành vi không phù hợp với người tu, được đăng tải và chia sẻ với tốc độ chóng mặt, đi theo đó là những chỉ trích rất ác ý với Phật giáo, gây nhiều bức xúc, mong Giáo hội quan tâm, xác định thực hư để định hướng dư luận.

Trao đổi với PV báo Giác Ngộ, TT.Thích Minh Nhẫn (ảnh), UV HĐTS, Phó ban Thông tin – Truyền thông (TT-TT) T.Ư, Tổ Trưởng Tổ Thông tin – Tuyên truyền thuộc Văn phòng II TƯGH, cho biết:

– Trước hết phải nhìn nhận rằng, sức ảnh hưởng của mạng xã hội là vô cùng lớn, dù cho nó thuộc phạm trù nào, văn hóa, xã hội, hay ngay cả chính trị… và tất nhiên, tôn giáo cũng không nằm ngoài sự tác động này. Cơ bản, xét cho đến nay, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, có thể nói là khó, thậm chí không thể bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Ở đó, người ta bày tỏ quan điểm mang tính cá nhân, thể hiện hay phơi bày những mặt xấu tốt của mình và người, một cách vô cùng tự do và bất cần hậu quả sẽ như thế nào.

Tất nhiên không phải thông tin nào được đưa lên mạng xã hội cũng là xấu, song, cần nhìn nhận thực tế rằng thông tin tiêu cực thu hút hơn rất nhiều những thông tin tích cực. Điều này cũng đã được minh chứng trên phương tiện đại chúng, thông qua nhiều nghiên cứu, khảo sát. Có thể lấy các thông tin tiêu cực liên quan đến hình ảnh người tu sĩ Phật giáo bị lan truyền trên các trang mạng xã hội gần đây, là một ví dụ điển hình cho mức độ tác động của mạng xã hội đến đời sống thực. Do vậy, quý Tăng Ni trong thời đại 4.0, hơn ai hết cần ý thức được điều đó, để có những sự cân nhắc, cẩn trọng hơn không chỉ trong việc sử dụng công nghệ số, các trang mạng xã hội, mà còn ngay trong hành vi ứng xử và cung cách hàng ngày của mình.

Thưa Thượng tọa, ai là người có trách nhiệm lên tiếng trước những vấn đề đang diễn ra trên mạng xã hội, liên quan trực tiếp đến Phật giáo – đặc biệt là các thông tin ảnh hưởng không tốt liên quan tới phẩm hạnh của Tăng Ni luôn có lượng xem, đọc, chia sẻ rất lớn? 

– Nếu để nói về trách nhiệm, thì mỗi thành viên thuộc Tổ Truyền thông – Tuyên truyền đều có trách nhiệm trước mỗi thông tin diễn ra trên mạng xã hội có sự liên quan trực tiếp đến Phật giáo, đặc biệt là phẩm hạnh Tăng Ni. Xét trên cương vị của tôi, Phó ban TT-TT T.Ư GHPGVN, Tổ trưởng Tổ Thông tin – Tuyên truyền Văn phòng II TƯGH, tôi càng có trách nhiệm chuyên trách trong tiếp nhận, xử lý và đề xuất hướng giải quyết trước những thông tin phản ánh đời sống Tăng Ni thuộc sự quản lý của GH. Nhiều phản ánh về tòa soạn Báo Giác Ngộ cho biết hiện trên mạng xã hội có nhiều clip, hình ảnh liên quan tới người tu được cho là có hành vi, biểu hiện không phù hợp với giới luật, gây nhiều bức xúc cho tín đồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Phật giáo, sự tôn nghiêm của Tăng đoàn.

Những clip, hình ảnh này được lan truyền một cách chóng mặt, song lại không được Giáo hội quan tâm xác định và xử lý, gây hoang mang và mất tín tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ (như việc một người trong hình thức người xuất gia có lời nói khiếm nhã trên đường và trong tiệm cắt tóc, lan truyền gần đây…). Không biết các ngành chức năng của Giáo hội đã có ý kiến gì chưa và nếu có, thì đã có biện pháp xử lý ra sao? Là người đứng đầu Tổ Thông tin – Tuyên truyền của Văn phòng II TƯGH, Thượng tọa có quan niệm và hướng xử lý như thế nào? 

– Như đã đề cập, trong bối cảnh thông tin xuất hiện trên mạng xã hội liên quan đến hình ảnh tu sĩ Phật giáo thuộc sự quản lý của Giáo hội, chúng tôi luôn nắm bắt, tiếp nhận một cách nhanh chóng. Tiến hành xác minh độ chính xác của thông tin ngay sau đó, là điều không thể thiếu. Có thể nói, cho đến nay, có khoảng 2/3 trong số 19 sự việc liên quan đến Tăng, Ni Phật giáo được lan truyền gần đây nhất, đã được Tổ Thông tin – Tuyên truyền điều tra làm rõ và đề xuất hướng giải quyết đến chư tôn đức lãnh đạo.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, sau khi được xác minh là các clip giả mạo nhằm mục đích cố tình hủy báng phẩm hạnh Tăng Ni, hay làm chia rẽ, gây hoang mang dư luận đối với Phật giáo, chúng tôi đều có tiến hành trả lời trên mạng xã hội, xác thực và đính chính độ tin cậy của thông tin bằng các biện pháp thích hợp.

Có nhiều trường hợp, thông tin cũ liên quan tới hình ảnh xấu của người tu sĩ nhưng thỉnh thoảng lại được “làm mới” bằng cách này hay cách khác trên mạng xã hội, theo Thượng tọa, có cách gì để xử lý dứt điểm những vụ việc như vậy? 

– Thật sự không hề đơn giản để có thể giải quyết triệt để những thực trạng này. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, việc các thông tin diễn ra trên mạng xã hội là khó, thậm chí không thể kiểm soát được. Đối với các thành phần cố tình chống phá Phật giáo, thì dù thông tin có phải sự thật hay không, không phải là điều họ bận tâm. Đối với các Phật tử thuần thành, tôi tin chắc, trước sự minh bạch của chư tôn đức trong đường hướng giải quyết sắp tới, cũng như những dẫn chứng đáng tin cậy sau khi thông tin được xác thực, sẽ vững tâm với tôn giáo mình.

Người ta ví việc theo đuổi thông tin trên mạng xã hội, nếu không có biện pháp căn cơ, thì như cuộc rượt đuổi trong bóng đêm, bởi mỗi ngày có hàng triệu thông tin mới, vậy để hạn chế những thông tin xấu liên quan tới Phật giáo, theo Thượng tọa, nên làm gì?

– Thực tế, cho đến nay, không thể chối bỏ việc chúng ta hàng ngày vẫn phải đuổi theo những thông tin trên mạng xã hội. Song, nói như vậy không phải là không có hướng xử lý phù hợp. Hiện nay, Văn phòng II TƯGH đang nỗ lực trong việc tuyên truyền, đưa vào giảng dạy, hướng dẫn phương pháp sử dụng, cũng như giáo dục cho Tăng Ni tác hại và lợi ích của các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Thông qua sự nối kết với các Ban TT-TT tại nhiều tỉnh thành, cho đến nay, chúng tôi đã cùng kết hợp, lồng ghép vào giảng dạy tại phần lớn các tỉnh thành.

Theo tôi, chỉ khi chính mình ý thức được cái lợi, cái hại của những diễn biến, công cụ, phương tiện xung quanh, chúng ta mới biết cách tự bảo vệ mình, tự rèn giũa mình, đặc biệt là tư cách người tu sĩ Phật giáo, để không lạm dụng cũng như bị lạm dụng trước sự phổ biến của công nghệ hiện đại.

Xin cảm ơn Thượng tọa.

Giao Hảo thực hiện

(theo Giacngo.vn)

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB