Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Truyện ký MÙA VU LAN NHỚ MẸ

224

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ký MÙA VU LAN NHỚ MẸ
MS 023 Văn xuôi

Khi con viết lá thư này cho mẹ, cũng là lúc mẹ không còn sống trên cõi đời này nữa. Vậy mà con vẫn viết. Viết vào mùa vu lan tháng bảy.

Mẹ ơi, con không làm sao quên được những đêm khuya khi tiếng còi xe dưới mặt đường của thành phố không còn vang lên inh ỏi, không gian trở nên yên tĩnh, mẹ ngồi trầm ngâm trên lan can lầu hai nhà mình nhìn xuống phố phường đang rực rỡ ánh đèn đêm trong chiếc áo lạnh bằng len cũ kỹ màu xám tro, đăm chiêu nhìn về phía trời xa.

Cách đây ba tháng, thấy mẹ cực khổ ở quê, vợ chồng con năn nỉ mãi mẹ mới chịu về đây sống với con cháu. Ba con mất đã hơn hai mươi năm, mình mẹ sống thui thủi một mình ở quê nghèo nắng gió. Lâu lâu mẹ lại đón xe đi thăm từng đứa con với vài chục bánh tráng, bánh lá gai kèm theo mấy nải chuối già cho lũ nhỏ.

Mùa Phật Đản, mẹ không ngủ. Bão số 04 đang tràn về. Gió thổi phần phật kèm theo tiếng rú rít hù hù, hàng cây sao bên đường chao qua chao lại để chống chọi cơn giận dữ của bão giông. Mẹ vẫn ngồi đó lặng im như pho tượng. Chiếc áo ấm xam xám nhập nhòe trong màn đêm. Có lẽ mẹ đang nhớ về quê nghèo gió rát. Ở đó quanh năm dịu mát, những nương đồi xanh mát hiền lành đầy ắp cây cà phê, cao su như đang kể chuyện núi rừng hùng vĩ. Mẹ thường nói gió ở quê xa thật mát dịu, thật ngọt lành, chân chất. Có lần đi làm về sớm con thấy mẹ soạn gióng gánh ra rồi cẩn thận lau chúng bằng chiếc khăn sạch. Mẹ trân trọng nâng niu chúng như một bảo vật thiêng liêng lắm. Mắt mẹ cứ rưng rức nỗi buồn tiếc nuối một thời đã qua. Hình như mẹ đang cảm nhận hồn quê cứ phảng phất đâu đây, vẫn nghe rì rào trong gió, có tiếng ầm ập của con sông rộng, có mùi chan chát mằn mặn thơm lừng của cà phê mùa trái chín.

Lần này lên ở với con, mẹ cũng không mấy vui. Lúc nào cũng đau đáu nhớ quê. Buổi sáng mẹ cứ nhất định đòi ăn cơm nguội hấp lại với món “ kho quẹt ” và nằng nặc tắm sớm. Nhớ cái ngày ra đón mẹ ở bến xe, vợ chồng con phải giật mình với bao nhiêu dụng cụ mẹ mang theo. Nào là thúng tre, chổi tàu cau, cây đòn gánh và cả quang gióng. Về đến nhà, mẹ lặng lẽ xếp những vật dụng dưới quê mang lên ra đặt phía trong gầm cầu thang. Con nhớ như in cách đây gần hai mươi năm khi ba con mất, cũng gióng gánh đó mỗi ngày kẽo kẹt trên vai, mẹ đi bán sương sâm sương sa, bánh tráng nướng để nuôi mấy anh em con ăn học. Có khi tối mịt mẹ mới về đến nhà. Đôi chân trần đã lội không biết bao nhiêu cây số đường dài đến nỗi chay sần lên thành từng lớp. Chị hai tôi thường lấy lưỡi lam gọt đi những lớp vảy chay sần, vừa gọt mà hai mẹ con nước mắt rơi tầm tã. Ngày nào đi bán về mẹ cũng mua cho các con khi thì vài trái bắp luộc, lúc thì một mớ khoai lang, khoai mì. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất của chúng con bên mẹ, nghèo nhưng thật ấm cúng và hạnh phúc ngọt ngào.

Mỗi tối năm anh em con và mẹ ngủ chung một chiếc mùng to tướng vá víu rất nhiều chỗ đến nỗi chúng con gọi đùa là cái mùng “ Cái bang”. Mẹ cẩn thận mắc mùng cứ lo sợ muỗi chui vào cắn sẽ làm chúng con thức giấc. Hôm nào có đứa bệnh là mẹ nằm cạnh bên nhúng khăn nóng lau trán suốt đêm, có khi mệt mỏi quá mẹ ngủ lúc nào không biết. Có lúc con tự nghĩ sao đời mẹ vất vả gian nan quá và hình như mẹ sinh ra đời để chịu đựng và lo toan cho chồng con không phút giây nào ngơi nghỉ. Những đêm thức khuya để vò sương sâm kịp phiên chợ sớm mai, chúng con được mẹ kể rất nhiều câu chuyện mà con còn nhớ mãi cho đến bây giờ. Mẹ kể rất hay dù chưa hề được đi học ngày nào.

Buổi sáng mùa Vu Lan năm trước, khi thức giấc, con đã thấy mẹ thu xếp quần áo cho vào chiếc giỏ đệm cũ kỹ. Cạnh đó là cây đòn gánh và hai cái gióng, chiếc chổi tàu cau được buộc cẩn thận gọn gàng. Mẹ quyết định về quê. Mẹ nói nhớ quê và mồ mã ông bà, nhất là mộ của ba, xong rồi mẹ lại lên với con. Con đưa mẹ ra bến xe. Qua khung của sổ nho nhỏ của chuyến xe đò cũ kỹ, con thấy mắt mẹ thật buồn, trầm tư nghĩ ngợi. Mái tóc bạc phơ lòa xòa trên vầng trán nhăn nheo cứ bay bay trong gió sớm. Mẹ cố gượng cười nhưng trong nụ cười đó con thấy có gì như giận dỗi, như trách hờn nhưng cũng đầy sự tha thứ cảm thông. Linh tính mách bảo cho con một điều là mẹ sẽ không còn đến với vợ chồng con nữa, những đứa con đang mất dần hồn quê, đang thờ ơ và bỏ quên quá khứ.

Định mệnh trớ trêu đã cướp mẹ của tôi. Mẹ về quê được hai hôm thì mất do cơn bệnh bất ngờ. Giờ đây mỗi lúc đêm về nhất là trong mùa Vu Lan con lại nghe nhói trong tim và nhớ mẹ vô chừng.

Mẹ. Ngàn lần xin lỗi mẹ. Mẹ ơi !

—————–

Tác giả dự thi: Phan Thị Anh Thư
Địa chỉ:Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

 

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB