Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Truyện ký LẶNG LẼ MỘT TẤM LÒNG

86

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ký LẶNG LẼ MỘT TẤM LÒNG
MS 029 Văn xuôi

(Kính tặng cô giáo Lê Ngọc Xương,
quê Lấp Vò, Đồng Tháp)

 Đêm tháng mười mưa tuôn không dứt. Những tia sáng xoèn xẹt từ phía bầu trời vần vũ xám om om thỉnh thoảng lại giáng xuống con đường sình lầy lội trơn trợt kèm theo những tiếng kêu ầm ầm nghe thật chói tai.

Một bóng người nhỏ bé khoác chiếc áo mưa nhỏ xíu đang cố vượt qua con đường “đau khổ” ấy với chiếc xe đạp “cà tàng”. Hai chiếc dép đã mòn cũ mèm máng vào chiếc “ghi đông” . Gió ngược và mạnh quá nên đành dẫn bộ vậy. Lâu lâu, bà dừng lại dõi nhìn về phía ngôi chùa đang lúc ẩn, lúc hiện phía đằng xa. Ở đó vẫn ngân nga tiếng chuông chùa trong đêm mưa tầm tã. Lạ. Mưa càng lớn thì tiếng chuông ngân càng vang xa lan tỏa khắp cánh đồng đang mùa nước nổi. Ở đó có mười ba con người bất hạnh đang mang trong người cơn bệnh thế kỷ “Hát” đang thắc thỏm chờ bà trong mưa giông, gió lạnh.

Càng nghĩ thì càng thương học trò đến đứt ruột đứt gan. Mang tiếng là dân thị trấn Lấp Vò mà một chữ bẻ đôi hổng biết. Mà hổng biết cũng phải thôi. Tiền đâu mà học. Nội cái chuyện đi bán vé số, “móc bọc” ni lông, làm cỏ mướn, rửa tô, chén cho người ta còn làm hổng rồi, huống hồ chi nói tới cái chuyện học hành. Đã vậy nhiều người biết bệnh họ dửng dưng xa lánh, miệt khinh. Vậy là dốt. Chịu. Thà dốt mà còn có cơm ăn, có tiền phụ giúp gia đình. Mai mốt tính sau. Tới đâu hay tới đó.

Ký ức mười bảy năm về trước lại tái hiện về đây mồn một như mới hôm qua. Ký ức đẹp và gian nan tưởng chừng như không thể vượt qua lại kéo nhau về trong tâm trí của bà – Một người phụ nữ đã ở tuổi bảy mươi tư.

– Má à! Má dạy học cả đời rồi. Giờ nghỉ hưu cho thoải mái. Rảnh rỗi thì đi thăm con, thăm cháu. Má muốn gì, đi đâu thì tụi con cũng chịu hết. Má cực với tụi con cả đời rồi. Má nghĩ sao lại mở lớp học nầy mà toàn là người mang bệnh ngặt nghèo. Tiếng Sơn con trai trưởng của bà nhỏ nhẹ, năn nỉ.

– Má biết tui bây thương và lo cho má. Nhưng thấy họ vướng bệnh, trẻ em mồ côi, thất học, mình là cô giáo thấy tụi nó vậy má chịu hổng nổi.

– Má ơi! Không có má thì có người khác lo. “Không mợ thì chợ cũng đông”. Vả lại má cũng có khỏe mạnh gì đâu. Mà quên ba có ý kiến gì về chuyện nầy hôn ba ?. Thôi vậy nghe má. Tiếng Vân, con gái thứ ba của bà xen vào câu chuyện.

Nãy giờ nghe các con can ngăn vợ mình mở lớp học tình thương, “tử thần” nầy, ông Lâm ngồi nín lặng, đăm chiêu suy nghĩ mông lung. Điếu thuốc cứ cháy rực trên môi. Thiệt tình mà nói trong cái chuyện nầy “bỏ thì thương, vương thì tội”. Ai chớ cái đám nhỏ mồ côi thị trấn nầy, ông rất rành tánh nết từng đứa. Từ thằng Thịnh “Si Đa”, ba má nó xóm nầy chớ đâu, ba nó hồi đó cũng là cán bộ huyện, ăn chơi kiểu nào hổng biết mà vướng bệnh rồi lây sang cho vợ lúc nào không biết. Thằng Thịnh lãnh đủ hậu quả. Được cái nó cũng lì lượm, gan trời. Mỗi tháng tới trạm lãnh thuốc đều đặn nên sống tới ngày nay. Còn con Thúy mồ côi mẹ, nghe đâu đi bán “cà phê” đèn mờ tận Sài Gòn lấy tiền nuôi ba nó bị bệnh liệt giường được mấy năm thì mắc bệnh phải về quê chờ chết. Thằng Nhân thì ba má còn đủ nhưng bỏ nó đi biệt, nó phải đi bán vé số nghe lời rủ rê của mấy đứa bạn miệt Cần Thơ đâm ra chích choác ma túy rồi vướng bệnh…. Mỗi đứa mỗi cảnh nhưng đứa nào cũng khổ. Thôi thì….

– Ba thấy tụi con nên ủng hộ mẹ. Ba và mẹ đều là thầy, cô giáo. Dù đã nghỉ hưu nhưng còn làm gì giúp ích được cho xã hội thì cứ làm. Ba thì tuổi già lại nay yếu, mai đau nên phải ở nhà. Còn mẹ con tuy không khỏe nhưng còn đạp xe đi dạy được. Ý ba là vậy.

Thấy ông Lâm nói chắc như đinh đóng cột, cả bốn người con im phăng phắc với nỗi buồn trĩu nặng trong lòng. Biết làm sao được.

Lớp học rồi cũng ra đời. Mỗi ngày trong cái văn phòng bé xíu dùng làm nơi làm việc của chính quyền ấp đã được ngăn đôi bằng tấm manh bồ. Hàng chục trẻ em đến đây hoc tập với sự cảm kích, phấn chấn vô chừng. Đã nhiều lần, cô giáo về hưu đã nhận được nhiều món quà “đặc biệt”, đặc biệt đến rơi nước mắt.

– Bà ơi! Mà ….mà cô ơi. Má con nói con đem nải chuối già hương tới tặng cô ăn lấy thảo. Nhà con nghèo, hổng có gì đáng giá tặng cô. Thằng Trung vừa nói, vừa mếu máo trông rất thảm hại.

– Còn con xin tặng bà hộp bánh bông lan với cái thiệp con tự vẽ nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Con Huệ khóc rưng rức, mặt mày đỏ hoe.

-Bà cảm ơn tất cả các con. Đây là những món quà vô giá với bà. Các con phải cố gắng học giỏi để sau nầy bớt khổ. Nhớ là phải hiếu thảo với người lớn nghe hôn. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, hổng có đứa nào hư hỏng là bà vui rồi. Nói đến đó bà bật khóc vì xúc động làm xấp nhỏ khóc theo.

Mười bảy năm đã trôi qua. Lũ học trò cũ rồi cũng thưa dần. Chúng nó mất vì căn bệnh “ết” không thuốc chữa. Riết rồi dần quen. Bà đã quen cái cảm giác chia tay đau đớn nầy đến nỗi không còn nước mắt để khóc nữa. Lóp học trò mới lại đến với cái lớp học “đặc biệt” nầy. Đứa quê Lấp Vò, đứa ở Vàm Cống. Lai Vung… nghe đồn cũng đã tìm đến.

Ngày nhà giáo năm nào bà cũng nhận được những lời chúc chân thành, biết ơn kèm với những món quà “ngộ nghĩnh”. Lúc là những lá thiệp tự viết và vẽ của lũ học trò nghèo kèm với những gói thuốc bổ rẻ tiền. Có lẽ chúng nó mong bà sống hoài để dạy dỗ chúng. Khi thì những hộp kẹo trị ho vì chúng lo bà khan cổ không kể chuyện đời xưa cho chúng nghe sau mỗi buổi lên lớp. Kể riết tụi nhỏ thuộc lòng mấy cái chuyện cổ tích “ Phạm Công – Cúc Hoa”; “ Cây Tre trăm đốt”; Công Dã Tràng”; “ Thạch Sanh – Lý Thông”… Có lần cũng nhân ngày nhà giáo hai mươi tháng mười một, lũ học trò rủ nhau làm một chương trình văn nghệ “không chuyên” để tặng bà, một “bà” giáo nghỉ hưu trong niềm vui bất tận.

Nhiều lúc bà lại ngẫm nghĩ : trời không phụ người ngay. Bà nhớ như in cũng cái ngày nhà giáo mười lăm năm về trước. Trong lúc đang loay hoay tát nước trong cái lớp học “dã chiến” mượn chỗ văn phòng ấp để chuẩn bị các tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn” thì bà bất chợt nhìn thấy bóng dáng cao lớn của một thiền sư bước vào thật nhẹ nhàng:

– Cô dạy ở đây lâu chưa ? lớp có bao nhiêu em ? sao mấy cháu ăn mặc rách rưới nhiều quá. Chỗ nầy chắc bị ngập thường xuyên lắm hả cô? Còn tiền ở đâu mà duy trì lớp. Cô có lương hôn ? dạy vầy cực lắm đa.

– Tui không có lương. Còn tiền thì tui lấy lương hưu của tui hàng tháng, có thiếu thì đi xin ở mấy tiệm bách hóa, xin mấy đứa học trò cũ khấm khá, xin bạn bè. Lớp có 30 em. Chật lắm, Mùa nước nổi thì ngập te tua. Được cái hổng đứa nào bỏ học thầy ơi.

Những giọt nước mắt của người thiền sư lăn dài trên đôi má. Ông lặng lẽ hí hoáy ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay rồi ra đi. Mười ngày sau ông trở lại với nhiều quà vật dành cho các em. Không thể tả hết nỗi vui mừng của thầy lẫn trò khi nhận được rất nhiều quần áo, giày dép mới, sách vở, đồ chơi. Cũng chính ông hỗ trợ tiền để xây dựng một phòng học khang trang để bà và xấp nhỏ yên tâm giảng dạy học tập.

Rồi lớp học đã phải di dời đến nơi khác theo qui hoạch chung của huyện.Vậy là đêm đêm trong cái lớp học mới xây dựng trong khuôn viên nhà chùa, thầy và trò lại miệt mài với những con chữ nghĩa tình trong tiếng chuông chùa ngân nga, huyền diệu. Còn bà, mỗi đêm phải đạp xe gần năm cây số mới tới được lớp học ở chùa. Cách đây ba năm, trong một đêm lên lớp, bà tiếp năm người khách khá “đặc biệt”.

– Cô ơi!. Tụi tui muốn nhờ cô giúp giùm một chuyện. Một người khách trinh trọng nói.

–  Có chuyện gì mấy chú, mấy dì cứ nói.

– Tui muốn cô dạy biết đọc, biết viết để đọc kinh Phật. Ai đời mỗi ngày đọc kinh theo trí nhớ chớ có biết chữ nào đâu. Một người trong nhóm bẽn lẽn nói.

– Tưởng gì. Dễ mà. Mai mình bắt đầu nghe.

Từ đêm ấy, lớp học tình thương có thêm năm thành viên mới tóc bạc pha sương nhưng chăm chỉ học hành làm lũ nhỏ trố mắt kinh ngạc và thán phục. Giờ thì họ đã biết đọc, biết viết và đọc kinh Phật thuần thục với niềm sung sướng vô biên.

Mưa đã tạnh dần. Gió lạnh đã ngưng thổi cũng là lúc bà đã dẫn xe tới trước cổng chùa. Thoáng thấy bóng bà, cả lớp ùa ra chào mừng. Đứa dẫn xe, đứa lấy khăn cho bà lau mặt, lau mình mẩy.

Thấy mưa lớn quá trời. Tụi con sợ bà không tới được.

Mưa mấy bà cũng tới với các con.

Cả lớp im phăng phăng vì xúc động, vì thương bà quá đỗi. Có đứa không kiềm chế được bật khóc làm mấy đứa còn lại cũng khóc theo. Bà cũng khóc.

Bà giật mình khi bắt gặp trên bảng đen dòng chữ nắn nót “Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, chúng con kính chúc bà khỏe mạnh, sống lâu để dạy dỗ chúng con hoài…”.

Tất bật quá khiến bà đã quên rằng ngày mai là ngày kỷ niệm của bà, một cựu giáo chức đã gần 40 năm đứng trên bục giảng nhà trường. Và hạnh phúc lại nhân đôi khi bà lại đứng trên bục giảng của một lớp học “đặc biệt”, lớp học của lòng nhân ái bao la.

Nhìn đức Phật từ bi đang tỏa những ánh hào quang lấp lánh dìu dịu xuống khuôn viên nhà chùa, bà mơ một ngày nào đó, thế gian nầy sẽ có thuốc đặc trị loại bệnh quái ác kia để những đứa học trò bất hạnh kia sẽ mãi mãi tồn tại cùng bà giữa cuộc đời.

—–—–

Tác giả dự thi: Trương Thanh Liêm
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB