Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: LÒNG BIẾT ƠN ĐỐI VỚI CHA MẸ QUA NHỮNG CÂU CA DAO

950

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020

Vòng chung khảo

———————-

Tác phẩm dự thi: LÒNG BIẾT ƠN ĐỐI VỚI CHA MẸ QUA NHỮNG CÂU CA DAO

Mã số: 010 Văn xuôi

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, là trường học đầu tiên của con người. Mỗi con người đều được sinh ra từ một người cha, người mẹ, vì vậy đứa trẻ gắn bó và lắng nghe được những âm thanh của cuộc sống đầu tiên từ cha mẹ mình đặc biệt từ người mẹ. Khi sinh ra con người ta được tiếp xúc với văn hóa dân tộc từ lời ru, giọng hát của bà của mẹ, tiếp xúc với ngôn ngữ dân tộc từ lời nói của cha mẹ. Những bước đi chập chững đầu đời, người đầu tiên chỉ dạy cho bé cách đi đứng, nói năng đó là cha mẹ. Vì vậy giáo dục gia đình rất quan trọng đối với mỗi con người, khi con người chưa có hiểu biết về mình, về xã hội thì đã được định hướng và chỉ dạy từ gia đình; trường học đầu tiên ấy là gia đình, trong đó cha mẹ là người thầy đầu tiên. Do đó bài học làm người ta ghi nhớ đầu tiên là lòng biết ơn đối với bậc sinh thành.

Có khi nào ta chợt nghĩ: sở dĩ ta được như hôm nay, được nuôi nấng, thành người chính là nhờ công lao của cha mẹ. Công lao của cha mẹ như trời biển, ca dao từng nói:

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Người đã tự tay nuôi ta khôn lớn, từ lúc lọt lòng chưa nhận thức được gì cho tới lúc lớn khôn, thật sự trưởng thành, biết phân biệt thế nào là phải trái. Người đã lo lắng săn sóc hết lòng khi con đau ốm cũng như vui mừng lúc thấy con được mãn nguyện “ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Tình mẫu tử luôn là tình cảm ngọt ngào, quấn quýt mà bao giờ cũng được nhắc đến với lòng quý mến:

“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ năm canh”

Đọc câu ca dao trên ta mới thấm thía nỗi nhọc nhằn của người mẹ, hết lòng hy sinh vì con. Cho con được ấm êm, no đủ mẹ chẳng quản ngại gì. Cho con được cứng cáp, đủ lông đủ cánh như hôm nay, cha mẹ đã trải qua biết bao vất vả “ Nuôi cho con được vuông tròn. Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối cong”

Cái cụm từ kỳ lạ mà sâu sắc biết mấy, gợi hình biết mấy! Tưởng như chẳng còn gì buộc cha mẹ phải nhọc nhằn như vậy nữa:

Ân cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ một ngày chín tháng cưu mang”

Công sinh thành đã là một công to lớn, nhưng dạy con nên người đó cũng là công ơn. Ca dao ví von rằng: “Có cha có mẹ thì hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây”

“Thuyền không bánh lái thuyền quay

Con không cha mẹ ai bày con nên?”

Con không cha mẹ ví cũng như thuyền không bánh lái. Một khi con thuyền không bánh lái thì bơ vơ, lưu lạc giữa dòng sâu, trôi dạt mông lung chẳng biết về nơi nào. Người con cũng vậy một khi thiếu sự dạy bảo của cha mẹ thì sớm hư như câu ca dao đã nói:

“ Cá không muối cá ươn. Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư”

Chính vì vậy mà “Uốn cây từ thuở còn non. Dạy con từ thuở con còn thơ ngây”

Công ơn cha mẹ không thể diễn tả hết được

“Công cha nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân
Thức khuya dậy sớm chuyên cần
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con”

Chính vì tất cả những điều đó mà chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn tất cả những người đối với ta nhất là đối với bậc sinh thành. Những người đã vì ta mà chịu hy sinh, phải nhọc nhằn khổ sở

Ngày nào em bé cỏn con

Bây giờ em đã lớn khôn thế này

Cơm cha áo mẹ công thầy

Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao

Đọc những câu ca dao trên luôn nhắc nhở chúng ta về những điều đáng nhớ, về đạo lý, về mặt trái, mặt phải. Đọc những câu ca dao về lòng biết ơn ta càng thấy thấm thía công lao của cha mẹ đều là những người yêu thương ta hết mực “thứ trái cây ngon nhất trần gian là lòng biết ơn”. Thế thì tại sao ta không đem tặng thứ trái cây ngon nhất đó cho cha mẹ, những người đã nâng đỡ ta, dìu dắt ta trên con đường đời. Đó mãi mãi là bài học sâu sắc và lời răn dạy đúng đắn. Bởi vì bất cứ con người nào đều có một tổ tông, một bậc sinh thành. Bất cứ thời đại nào, nhân cách con người cũng đều được xây dựng trên đạo lý và lẽ phải.

Tác giả dự thi: Lê Thị Thu Thanh

Địa chỉ: Đội 2, Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị

—————————-

Tôi cam đoan đây là bài viết của riêng tôi. Nếu nhận được bài, kính mong anh (chị) vui lòng hồi âm cho tôi biết theo địa chỉ đã cung cấp.

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB