Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: ĐÔI ĐIỀU VIẾT CHO TUỔI TRẺ

171

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: ĐÔI ĐIỀU VIẾT CHO TUỔI TRẺ
MS 081 Văn xuôi

Chạy dọc trên con đường quê Vinh Phú vắng vẻ, đi hết đến cuối đường có một ngôi nhà mang tên “Ngoại” đẹp đến nao lòng. Đó chẳng phải là thiên đường của những con người giàu có, một ngôi nhà nhỏ nằm giữa khu vườn rộng lớn. Bốn mùa, cây trái sum suê, những loại cây ăn quả, hoa lá do chính tay Bà vun trồng. Bóng dáng của một bà già tay chống gậy với dáng đi lom khom quơ tay đuổi gà, nghe tiếng xe Bà vội quay đầu ra nhiu mắt nhìn rồi mỉm cười “không làm chi na về rứa bây?”

Ngôi nhà lụp xụp với những vết nứt chạy dài theo đường chân tường, Bà nằm trên chiếc giường tre, phe phẩy cái quạt nan. Mà đấy là trước kia, ngày Bà còn ở bên lũ trẻ chúng tôi, ngày ai cho đồng nào thì để dành đó, đợi cháu về rồi vùi tay “cất đồng để dành đi học”. Bây giờ căn nhà nhỏ, di ảnh của bà chưa kịp hơi bụi thì ông cũng đã bỏ gia đình tôi đi về nơi thế giới người hiền.

Ngày lên năm, được bà dẫn đến chùa, nghe pháp và tụng kinh. Đôi tay thô ráp nắm chặt tay tôi trên con đường làng vắng vẻ, tay còn lại rọi pin soi đường cho cháu. Bà bảo sau này hãy tìm cho bản thân một tôn giáo tốt nhất để làm điểm dựa tựa vào. Tôn giáo nào là tôn giáo tốt nhất? Phật giáo hay Hồi giáo? Mãi đến khi bản thân đủ sức hiểu được câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma, câu nói ấy như sau: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất, là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn. Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”.

Phàm là tuổi trẻ thì dễ thích ứng với những cái gì mới mẻ. Đặc biệt là giai đoạn hiện nay, lúc mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, kèm theo đó là những làn gió văn hóa phương Tây ào ạt tràn vào, thì tuổi trẻ càng dễ sa ngã vào những con đường sai trái. Bất chợt bản thân tự đặt ra câu hỏi “Làm gì để giới trẻ tìm được cho mình một tôn giáo tốt nhất như lời dạy của Bà ngày trước?” Trong những lời dạy, đạo lý là điều quan trọng nhất nhưng đứng đầu vẫn là “đạo hiếu”.

Hiếu là đạo, đạo hiếu xuyên suốt trong mọi phomg tục của nhân dân ta và giá trị chữ Hiếu lại không phải được định vị riêng bởi một phạm trù vật chất hay phạm trù tinh thần nào. Chữ hiếu trong cuộc đời này rộng lắm! Trong Kinh Đức Phật từng nói: “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa trả đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha…” (Tăng Chi I, 75). Nói như vậy để thấy ơn cha mẹ to lớn đến chừng nào, nhưng nhìn kìa, ngoài kia có biết bao nhiêu câu chuyện ngày ngày xảy ra con đánh cha mẹ, cháu giết bà…

Mỗi khi hè về, những khóa tu mùa hè bắt đầu lan rộng khắp mọi miền đất nước với những chủ đề, bài pháp thoại về “Ơn Cha, nghĩa Mẹ”, những bức thư gửi Cha, gửi Mẹ đã lấy đi biết bao nhiêu những giọt nước mắt. Này những người con gái, con trai! Dừng một tí về bên mái nhà lam cùng nhau nghe một, hai pháp thoại ngắn, cùng nhau dành thời gian ít ỏi nghĩ về cha mẹ. Thử nhìn lại đi, những con người lưu lạc ngàn phương, những bạn nhỏ mồ côi vẫn mong muốn trở về ngôi nhà có đầy ắp tiếng cười nói của cha, của mẹ. Trong khóa tu về Đạo hiếu đấy, biết bao nhiêu nước mắt muộn màng của những con người hững hờ, biết bao tiếng nấc nghẹn ngào gửi mẹ ở nơi xa mãi mãi.

Cứ nghĩ đạo hiếu lớn lao vô cùng, như Mục Kiền Liên cứu mẹ từ địa ngục, như mua cho mẹ những món sơn hào hải vi, mua cho cha những chiếc áo đắt tiền. Nhắm mắt lại, thử hỏi lòng có bao giờ rót cho mẹ ly nước, lấy cái tăm cho cha, vội vã mua thuốc khi đêm về nghe tiếng ho của mẹ chưa? Thử hỏi lòng có bao giờ khoanh tay thưa cha mẹ đi học, thử hỏi lòng có đôi lần nói dối về mẹ về cha với mọi người chưa? “Mẹ tôi không đẹp nhưng bà là người tuyệt vời nhất, cha tôi nghiêm khắc nhưng là người thương tôi vô điều kiện” bạn đã nói bao giờ chưa? Những hành động nhỏ cũng có thể làm nên những điều lớn lao, từng hạt cát hiếu đạo vẫn hằng ngày được vun bồi ở mỗi người xung quanh mà ta không nhận thấy và dễ dàng lãng quên. Chữ Hiếu được thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong ánh mắt yêu thương, trong cử chỉ thân thuộc chứ chẳng xa vời lớn lao và vĩ đại như trong kinh Báo Ân hay cảm thán.

Mỗi mùa Vu lan về, con người ta lại loay hoay tìm cho những mình những ngôi chùa trang nghiêm nhất, bày một lễ thật lớn, làm việc thiện nhằm tạo phúc an lành báo hiếu cho cha mẹ hiện tại cũng như đã khuất. Còn những người con hiếu đạo, họ vẫn ở đó, mọi tháng đều là Vu lan, có khác chăng chỉ là lễ để người cảm niệm, tri ân công đức của cha mẹ. Tôi tự hào biết bao nhiêu khi lễ Vu lan được cài trên ngực bông hông đỏ thắm thì lại nghẹn ngào bấy nhiêu khi cài trên ngực mẹ bông hồng trắng tinh. Mẹ chẳng giàu có nhưng mẹ đã làm tất cả để có thể nuôi chị em tôi ăn học thành người, mẹ bảo “Ngày trước Bà làm việc gấp bội mẹ bây giờ, nhịn ăn nhịn mặt để nuôi 4 người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Mệt mỏi chẳng ca thán, vất vả chẳng dám nói ra…”

Nói ra để biết, đừng đợi đến khi ba mẹ mất rồi, mới làm mâm cỗ thịnh soạn “tiếp đãi”, lắng lòng mỗi dịp Vu lan đến, dành thời giờ hỏi thăm cha mẹ khi còn có thể, chị em hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau. Khi ai cũng sống trân trọng, yêu thương nhau, lấy hiếu làm đầu thì làm gì có cảnh con cái ngỗ nghịch mẹ cha.

Sư phụ luôn dạy tuổi trẻ là tuổi dám đương đầu với khó khăn, luôn dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhưng dù như thế nào vẫn phải biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ cùng mọi người, mỗi nỗi bất hạnh, khổ đau vì đạo Phật đã dạy chúng ta về Bi – Trí – Dũng, có như vậy phải đặt hiếu kính với cha mẹ hàng đầu, bởi cha mẹ là Phật sống, là báu vật của mỗi con người. Nay chẳng nhân dịp gì, cũng chẳng phải sự trở mình giao mùa của mùa đông, chỉ là Vu lan cận kề, muốn viết một cái gì đó gửi cho tuổi trẻ, để khi nhìn lại mỗi người đã tìm được cho mình một tôn giáo tốt nhất để học hỏi và noi theo. Để nền tảng hiếu đạo trong xã hội bây giờ mãi mãi giữ gìn và phát huy truyền thống của một dân tộc có bề dày lịch sử hơn 4000 văn hiến.

 

                                                                           —————————-

Tác giả dự thi: Cao Thị Anh Thư

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB