Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: GIẢ CHẾT

94

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: GIẢ CHẾT
MS 098 Văn xuôi

Ông Bốn nằm chéo chân trên võng đưa cót két coi truyền hình. Nhà ông mới sắm tivi – loại siêu mỏng mới toanh mà người ta kêu bằng thiết bị thông minh, đời mới nhất bây giờ, xịn lắm. Chỉ cần mắc cái in-tơ-nét là có thể coi biết đủ thứ trên trời dưới thế, bên Tây bên Tàu, tái hiện được quá khứ, hiện tại và dự đoán cả tương lai.

Ngon lành. Ông gật gù. Đời nay quả có nhiều công nghệ tân tiến thiệt ngộ. Chứ như ông sống qua cuộc chiến tranh đế quốc, đến tận những năm lên đổi mới rồi, chỉ thèm cái tivi đen trắng mười bảy inch để coi thời sự, hẹn hết mùa này qua vụ lúa khác, mà nhà vẫn trống hoác buồn hiu. Tiền đong gạo còn thiếu trước hụt sau thì tiền đâu mà mua đồ chơi chỉ nhằm phục vụ cho việc giải trí.

Ông Bốn cầm cái điều khiển, thuần thục bấm chuyển kênh. Dễ ợt chứ có gì đâu mà con Lan gọi nhắc đi nhắc lại hoài, bảo ông sang nhờ mấy đứa nhỏ hàng xóm qua chỉ dẫn. Nó biểu tụi nhỏ bây giờ làm quen công nghệ sớm, chúng nó rành. Nói vậy con ông nó chê ông già cổ lỗ sĩ rồi hay sao mà không theo kịp phát minh của thời đại mới.

Mà cũng phải. Ông già rồi. Ở cái thời trẻ của ông dễ gì có cái truyền hình phẳng phiu, mỏng dính hiệu đó mà biết, mà xài. Một cái tivi màu màn hình lồi hai mươi mốt inch hiệu Belco của ông bảy Hạnh nhà đối diện đã là uy tín nhất ấp những năm hai ngàn hồi đó.

Sau hai chục năm, tất cả đều được nâng cấp lên một tầm cao. Một bữa con Lan gọi về cho siêu thị đồ điện đâu ngoài thị xã rồi họ chở hàng đến giao tận nơi cái rụp. Tiền bạc vợ chồng ông khỏi trả. Con Lan đã bắn tiền trực tuyến đâu đó xong xuôi rồi. Vợ chồng ông chỉ cần nhận lại tờ hóa đơn, đã được thanh toán vị chi mười ba triệu rưỡi.

Ngày tụi điện máy vô nhà lắp đặt chiếc tivi tổ chảng, ông Bốn lóng ngóng chạy tới chạy lui, coi ngó nhìn ngắm hệt như lũ con nít ngày xưa mừng điện đóm về làng. Gần sáu chục tuổi đầu mới sở hữu một món đồ điện tử có giá trị để ra oai. Oai nhất là khi hàng xóm tới chơi, ông ngồi chéo nguẩy uống nước trà, chuyện vãng dăm ba câu, chỉ chờ khách khen cái tivi treo ngay mặt tiền chính diện chỗ ra vô là ông lập tức chỉnh giọng, “của con Lan tui bên Mỹ gởi tiền về sắm đó, nó sợ vợ chồng tui buồn.”

Buồn chứ. Buồn đứt ruột nhiều lúc chứ chẳng chơi.

*

Ông Bốn lại rà rà cái rề-mọt (điều khiển), tìm đài có hát cải lương nghe chơi. Mấy bữa nghe hoài “Đời cô Lựu” buồn chơi vơi, bữa nay ông mở tuồng “Vị đắng đời cha” nghe cho đỡ lặp. Ông khen ông soạn giả soạn đâu cái tuồng nghe thiệt hay. Hay ở chỗ nói giùm tâm sự của người cha như ông, là tía mày cũng biết nhớ con, biết khóc biết đau, đều không ít hơn má bây đâu, Lan à.

Mà cái gì hay cũng buồn. Tuồng cải lương lấy bao nhiêu nước mắt người nghe cuối cùng để người cha ôm cây đờn kìm tỉ tê rồi về với đất. Mãi đến khi lìa đời vẫn không nhìn được đủ mặt các con. Ông Bốn rùng mình, tắt tivi cái bụp. Ông có độc một đứa con gái một.

Bà Bốn đang ngồi bên cái cà ràng chụm bếp lửa nấu nước ở nhà sau. Chắc bà sắp pha cho ông bình trà sáng uống cho tỉnh táo.

Ông Bốn ra hàng ba, lom khom lấy tay che đôi mắt leo nheo dưới nắng. Ông trìu mến nhìn khóm hoa nhài con Lan trồng vẫn còn nở nụ tốt tươi. Con nhỏ thiệt là khéo nịnh, nó bảo trồng nhài, hái nụ sao khô để ướp trà cho ông. Ông Bốn nhắm mắt và hít hà chén trà con Lan pha năm nó mười bảy tuổi, sao ngọt và thơm như thể đó là thứ nước tuyệt dịu nhất trần đời. Mùi vị cũng có ký ức.

Bà Bốn khệ nệ bưng khai bộ bình trà trái dừa ra chiếc bàn tre gỗ gần chỗ ông Bốn đương ngắm ngó mây trời. Bà lật chiếc tách sành kiểu xưa, rót một ly ngun ngút khói, chép miệng.

“Trà đi ông.”

Ông Bốn một tay chống hông bước vô, một tay cầm tách trà lên ngửi ngửi rồi cho vào cổ họng khô khát từ năm giờ sáng đến giờ. Ông lắc đầu buồn hiu, hỏi mà như biết như không. “Có ướp bông lài không bà?”

Bà Bốn mở nắp bình trà, những hoa nhài sao khô còn nổi lờn cợn bên trên, đưa cho chồng xem. Tánh ông này phải mắt thấy tai nghe thì mới chịu tin là thật. Bằng không sẽ hoài cằn nhằn chào mào sáo sậu nói bà lẩn thẩn quên trước quên sau.

Ông Bốn bất đắc dĩ ráng ngó qua cho êm rồi mắt cụp cúi đầu, có phần thất vọng. Không phải bà vợ ông quên cái sở thích uống trà ướp một chút hương hoa. Mà vì giờ con ông nó biền biệt trời xa, hoa nhài hay hoa ly gì khi thêm vào trà với ông cũng đều vô vị.

*

Được một tuần trà thì ông Bốn sực nhớ buổi sáng nay vắng lặng tiếng chuông điện thoại gọi về. Ông lật đật chạy ra cửa sau, dõi mắt nghiêng nghiêng tìm dáng hình người vợ ba mươi năm tào khang đang cho gà ăn thóc.

“Con Lan sáng nay điện về chưa bà?”

Bà Bốn liên tay bốc từng vốc thóc hất vào tấm lưới rào. Bầy gà vườn đủ loại từ tre, ác, nòi, mái dầu, đang lục tục cục tác làm dậy cả một khoảng vườn thưa. Nghe tiếng ông Bốn, bà đáp nhẹ bẫng.

“Chưa. Đâu ông vô cái máy điện để trên đầu giường coi. Thường giờ này con ông nó mới về, chừng nó điện mà mình không hay.”

Ông Bốn lại lật đật trở vô, nheo mắt lần tìm cái cục sắt bóng bóng dài dài hình chữ nhật. Máy xịn, cũng của con Lan mua đem về. Dân chợ và tụi con nít hàng xóm kêu bằng điện thoại cảm ứng, cũng là dòng thông minh, sáng suốt. Thông sáng nhất ở khoản tích hợp nghe nhìn đồng thời, nên dù không sờ chạm gì được con Lan, nhưng thấy nó nói, nó cười, ông tạm cũng gọi là chút đỉnh đỡ nhớ.

Cái điện thoại nằm đen ngòm. Ông Bốn vừa chạm tay vào thì nó phát sáng trưng. Ông Bốn giật mình, “tao đã bấm gì đâu”. Cái điện thoại lại phụt đen ngòm như cũ. Bởi người ta khen nó thông minh cũng phải, nói thầm một cái thôi, nó đã nghe đã hiểu liền. Con Lan từ nhỏ nhà trường đã quả quyết là bậc kỳ tài, hiếm có, nhận học bổng du học, nghiên cứu sinh, lấy bằng tiến sĩ nọ kia, vậy mà tấm lòng của ông, nỗi khao khát ngóng mong của ông, nó nghe mẹ nó rõ ràng rành mạch hát ru từng ngày mà vẫn không hiểu được.

Có bữa sau khi con Lan vội vàng tắt máy vì hàng đống lý do và công chuyện gấp, hai vợ chồng ông Bốn, kẻ nằm dào dào trên võng, người ngồi trên chỏng thườn thượt thở dài.

“Không biết nó mê cái gì ở bển?”

“Tiền, tất nhiên là tiền.”

“Ờ phải ha. Vợ chồng mình thì ít tiền.”

“Mai mốt nó mà lấy chồng ngoại rồi ở lại định cư thì tui với ông hổng cẳng.”

Ông Bốn hết hồn xua tay, bảo vợ nói chuyện tầm phào. Con Lan mà ở luôn bên Mỹ thì đời nó coi như thành công chứ đời ông thì xem chừng thất bại quá.

Con Lan ở bển kiếm tiền được lắm. Một tháng nghe đâu cả chục ngàn. Lương tiến sĩ, cống hiến thời gian, đầu óc, nghiên cứu phát minh toàn thuốc men có giá trị cho nhân loại mà ít tiền thì ai đâu mà dốc lòng dốc sức. Nó khen nước Mỹ không tiếc lời. Nó nói chỉ khi ở đây, nó mới thấy tài năng và trí tuệ hơn người của nó được vinh danh rõ ràng thông qua sự đãi ngộ. Cứ an tâm mà ngồi nghiên cứu, cơm bưng nước rót có người lo hẳn hòi. Tìm tòi, phát minh được cái gì mới mẻ, có tính sáng tạo là được bằng sáng chế, công bố toàn ngành, biểu dương toàn quốc ngay. Sống vậy, thử hỏi ai mà không muốn sống?

Nên mỗi lần ông Bốn có muốn rành rẽ nói nhớ con thì cũng lo nó phân tâm rồi không sống được như cuộc đời mà nó vẫn luôn mong chờ. Sợ tình thương vô bờ bến của người cha lại trở thành nỗi giằng co ngán đường con Lan bước lên chuyến tàu sao Hỏa, hội ngộ cùng những vĩ nhân lưu danh sách sử và được nhân loại tôn thờ. Nhưng Lan con ơi, dầu là vĩ nhân nào, phi thường đến ra sao thì đều không phải được sinh ra từ đá. Con là máu thịt mẹ cha bồi đắp mà tượng hình, cưu mang đủ ngày đủ tháng rồi dứt ruột sinh ra. Trắng da dài tóc của con là nỗi vui cũng là lời nhắc nhở hai đấng thân sinh đang đi dần về đất.

Ông Bốn lại ra võng nằm. Ngày kia đã ba mươi mà xóm làng vẫn bình yên như không phải những ngày giáp tết. Hỏi thăm láng giềng sát vách thì ai cũng kêu “sắp nhỏ chưa về”. Xóm này tụi nhỏ đi xuất khẩu lao động, đi làm công nhân Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai gần như cả. Ông Bốn lại lắc đầu. “Cái nghèo làm ly tán, lực bất tòng tâm”. Con Lan vẫn chưa gọi về.

*

Thằng thanh niên cao ráo, làn da rám nắng ở đâu lỉnh kỉnh tay xách quà cáp ghé vô hồ hởi cười.

“Bác Tư khỏe không bác Tư?” – Thằng Phỉ nhăn cái hàm răng trắng bóc, đều như bắp.

“Đứa nào như thằng Phỉ, con anh hai Nghi vậy bây?”

“Con nè bác Tư. Con mới trên thành phố về. Mang ít quà sang biếu bác Tư ăn tết lấy thảo.”

Ông Bốn ngồi xổm dậy. Mắt yếu lại nheo nheo nhìn cậu thanh niên trạc tuổi con ông đang lễ phép đưa quà.

Ông Bốn tay nhận giỏ quà, đặt cẩn thận qua một góc rồi vui mừng vỗ vai thằng Phỉ. Cái thằng, dân quê mà ra phố rồi nhìn hệt như diễn viên.

“Thằng Phỉ. Tổ cha bây. Vẫn mạnh giỏi hả con?”

“Con mạnh bác Tư. Năm nay nhà mình sao, bác Tư định ăn Tết mấy heo?”

Ông Bốn xua tay, mặt rầu rầu. “Heo quéo gì bây ơi. Con Lan nó không về. Nhà không có con Lan, hai ông bà già tụi tao kể gì tết nhất mà bây hỏi thêm buồn.”

“Năm nay Lan lại không về sao bác?”, thằng Phỉ có vẻ cũng thất vọng không kém.

Ông Bốn cụp mặt. Không lẽ đi ôm thằng con hàng xóm mà khóc mà than “tao nhớ nó quá trời”. Đàn ông đàn ang, ủy mị như đàn bà phụ nữ sao mà được.

Mấy năm con Lan không về. Vậy mà năm nào thằng Phỉ cũng qua thăm. Nó hỏi cảnh nhà, vườn tược, ruộng nương rồi nó cũng úp mở bỏ ngõ hỏi “không biết chừng nào bé Lan về”. Con Lan gần ba chục tuổi, làm tiến sĩ mà thằng Phỉ ngộ đời vẫn tưởng nó nhỏ và gọi là con bé như hồi nào hai anh em còn chơi chung. Thằng Phỉ, nó để ý thương con Lan từ lâu mà chắc hổng dám nói. Con nhỏ ở xa quá, giỏi giang quá, thành đạt quá, thằng Phỉ dân tiểu nông lại sợ con gái nhà người ta chê mình nội đồng.

“Nó biểu đang có cái dự án nghiên cứu gì lớn lắm, chắc năm nay nó khất tết quê nữa bây ơi!”

“Thôi bác cũng đừng buồn. Chắc em Lan cũng muốn về…mà kẹt.”

Thằng Phỉ cố an ủi. Dù trong lòng nó cũng không vui hơn được nấc nào. Yêu đơn phương mà. Em gái ngày xưa hổng chừng đến giờ chỉ coi mình là anh trai hàng xóm. Dù từng cõng nàng trên lưng bơi qua sông, tếch cho em con cào cào lá tre như vật đính ước muôn đời thì chung quy chỉ có kẻ ở lại ngồi buồn. Con Lan nó đâu có thời gian rảnh rỗi mà gọi kỷ niệm ấu thơ về, nhắc nhở niềm hạnh phúc được nô đùa trên đám cỏ quê hương.

Là nhà khoa học ngành thuốc men, nó có ít thời gian dữ lắm. Một ngày làm việc mười mấy tiếng đồng hồ, làm sáng làm khuya, làm ngày thường đến lễ lộc tết nhất. Nó biểu bên Tây người ta ăn tết có một bữa mà bay về Việt Nam phải hai chục tiếng mới đến nơi. Còn những ngày tết ta lại rơi vào độ ra Xuân bên kia, lúc có nhiều công việc nhất. Thời gian, tiền bạc, đường nào cũng không thuận. Ba năm rồi con Lan không về.

Xã hội bây giờ bước lên theo chấm rồi. Nền văn minh lúa nước đã được thay thế bằng kỷ nguyên công nghệ số. Chắc con Lan nó nghĩ mua hàng, trả tiền còn không cần nhất thiết phải có mặt khách thì bất kỳ thủ tục gì, kể cả thể hiện sự yêu thương với ba má nó cũng có thể thu xếp bằng thiết bị thông minh.

Thằng Phỉ từ giã đứng lên, lủi thủi ra về. Nó hỏi xin số điện thoại con Lan bên Mỹ lâu rồi mà mãi đâu có dám gọi. Tội nghiệp thằng nhỏ. Hơn ba chục tuổi mà còn ở không. Mỗi lần trên thành phố về, xóm giềng hỏi chừng nào lấy vợ, nó chỉ cười hiền lành rồi đáp “không ai chịu lấy con”. Mấy bà tám dễ gì tin, bĩu môi nói trúng tim đen “mày thương con Lan con ông Bốn thì cứ nói đại”. Nó cười nhũn nhặn vì ai cũng thấy cũng biết nó thương con Lan, nhưng chuyện nó đau nó nhớ người dưng thì vai nữ chính dễ gì mà hiểu thấu.

Ông Bốn cũng thương và vừa ý thằng Phỉ hết sức. Nó hiền lành, lễ độ, học thức, biết chăm lo làm ăn lại con nhà đàng hoàng. Ngẫm con Lan mà chịu về, mở một phòng mạch vừa vừa trên thị xã, phục vụ cho khoa học tỉnh nhà, lập gia đình, sinh con đẻ cái rồi sống bình yên bên ông bà như những đám mây luôn đậu sẵn trên trời thì đời thiệt đẹp quá chừng. Mà phải nó thương thằng Phỉ, hai đứa về gần, chung tay làm giàu cho quê hương, thôn xóm, làng ấp thì thật đúng là chuyện như mơ. Nhưng con Lan qua Mỹ mười một năm, lý tưởng của nó đâu có dễ gì mà thẳng trơn như suy nghĩ của người cha nhớ con, luôn mong nó về cố sở.

Ông Bốn nằm xuống rồi lại ngồi bật dậy, ngó thằng Phỉ đã đi ra tận ngõ mà chân bước vẫn nặng nề. Giật mình, ông hỏi, “Phỉ, bây thương con Lan nhà tao phải không?”

*

Cơm nước xong, bà Bốn cầm hai cái chén con ra sau hè, ít quá chẳng buồn rửa ướt tay. Đợi chiều ăn thêm bữa nữa rồi bà tề tập rửa luôn một thể.

Bà ra hè đào mấy bụi gừng để mơi chiều xên mứt cho ông Tư. Hai ngày nữa hết năm, hàng xóm có qua chúc Xuân thì cũng có ít bánh kẹo uống trà mà đàm đạo.

Lúa thóc vụ Đông Xuân cũng mới vừa xong mùa. Ông Bốn không còn chuyện gì làm. Ông đi tới đi lui từ nhà trước ra nhà sau, từ bờ ao vào góc bếp rồi mà ngày vẫn chưa qua hết. Ông trồng bụi chuối, ông đào bụi khoai. Ông vác chài đi chài cá chẽm cá nâu. Ông đánh lọp đặt cá kèo, bắt cua, tôm càng, tôm thẻ. Ông mang biếu hàng xóm. Ông ngồi kể chuyện Lục Vân Tiên với ông Bảy, ông Mười. Bận rộn kiếm chuyện cho mình làm mà trời còn nắng đỏ chang chang. Ông về mé hè, lượm mớ chuối phơi khô cất giùm cho bà Bốn. Rồi ông lại vô nằm. Vẫn chưa hết một ngày.

Biết làm gì nữa, ông Bốn lại bật truyền hình lên xem.

Đài Cà Mau cứ cách lâu lại phát Đất Phương Nam mười tập. Bộ phim truyền hình được sản xuất đâu hơn hai chục năm rồi mà vẫn còn sắc nét không thua gì điện ảnh bây giờ. Nghe đâu phim còn xuất sang Mỹ, được bà con ngoại kiều bên đó chào đón dữ lắm. Chu cha, ông Bốn tưởng tượng, chỉ cần bật lên mà nghe đoạn nhạc dạo “nhắn ai đi về, miền đất Phương Nam” thôi là chắc cũng đủ cho người xa xứ buồn thúi ruột “ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều” rồi. Không biết con Lan nhà ông có lúc nào rảnh rỗi xem lại bộ phim mà hồi đó mỗi lần xem nó khóc lên khóc xuống, rúc đầu vào ngực ông khi thấy cảnh nhà Mười Chứt bị bắn, rồi chạnh lòng thương ba nhớ má nó không.

Ông Bốn vừa bấm nút chuyển qua kênh số năm thì trông thấy bộ vận tám Luông đang thắp hương cho mồ mả tổ tiên, coi ra buồn đứt ruột. “Cha già dịch, diễn gì mà diễn nhập tâm ác liệt vậy cha”. Ông Bốn ứa nước mắt. Hình như khói nhang ở trỏng bay ra ngoài.

Tám Luông hát. Ông cũng nghêu ngao hát. Chứ “Việc trong trời đất biết chi/Sao dời vật đổi còn gì mà trông/Hai hàng lụy ngọc ròng ròng/Tưởng bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu/Cánh buồm bao quản gió xiêu/Ngàn trùng biển rộng chín chìu ruột đau/Thương thay chín chữ cù lao/Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình”.

Rồi “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng”. Hình ảnh hai chân tám Luông thòng lòng giống như phim kinh dị. Cảnh đâu mà buồn quá. Người đâu mà tội quá. Ông Bốn ra sau hè coi bà Bốn cuốc đất trồng cà.

“Cho con Lan ra Xuân có về thì nó ăn. Con nhỏ ưa cà như khoái cha nó múa bộ.”

“Thiệt nó nói tết này hổng về sao bà?”

“Nó nói đang kẹt dữ lắm. Ngày nó ngủ có mấy tiếng. Hai mắt chỏm lơ.”

“Phải con Lan nó về, nhà mình đi tảo mộ ông bà nội ngoại của nó. Chắc họ hàng mừng lắm.”

Bà Bốn nguýt yêu, rõ chuyện không thể nào. Con Lan đã nói nó kẹt là chắc ăn không về. Ba năm nay đều vậy.

“Nãy giờ ông coi tuồng gì vậy?”

“Tuồng gì đâu. Tui coi Đất Phương Nam. Thấy tám Luông chết thòng chân não nuột quá nên tui tắt.”

“Phim buồn, coi lại trăm lần vẫn buồn heng.”

Ông Bốn tặc lưỡi, đâm thẳng vô luôn vấn đề vẫn ngứa ngáy sáng giờ. “Tám Luông có mười đứa con đứa chết đứa tù. Tui có một đứa, còn sống mà như chết. Hay tui thử chết coi nó chịu về thăm tui không nghen bà.”

Tự nhiên ông Bốn nói nhẹ hẫng, không hề là giỡn chơi. Bà Bốn định nhiếc ông tầm phào, mà thấy mắt ông bắt đầu ứa nước chứa chan thì bà im lặng. Nước mắt nước mũi ở đâu cũng thi nhau chảy xuống ròng ròng.

*

Vậy là ông Bốn chuẩn bị chết. Ông nằm lêu khêu như người chết cóng trên chiếc chiếu tre. Miệng khát, môi khô, giọng nói thều thào. Tiếng ho khản đặc. Hai mắt nhắm nghiền. Hơi thở yếu ớt.

Con Lan điện về. Bà Bốn ra nói chuyện mà hổng ra câu. Cứ lấy khăn rằn đậu trên chiếc áo nâu chặm chặm những dòng nước mắt làm con Lan sốt ruột khỏi nói.

Hoảng quá, con Lan gọi thằng Phỉ. Thì ra con nhỏ cũng có số thằng Phỉ lâu rồi mà không dám gọi anh hàng xóm ngày xưa.

“Anh ơi…”

Con Lan khóc rống lên khiến thằng Phỉ hết biết đất trời mây gì. Hồi nào tới giờ dễ gì đứa con gái sáng chói như con Lan chịu khóc trước mặt nó. Người nó bắt đầu run, miệng lắp bắp rặn từng chữ: “Lan, em, chuyện…chuyện gì vậy?”

“Anh qua nhà em liền đi, đưa tía em đi bệnh viện. Tía em, bệnh nặng lắm, sắp không qua được rồi.”

Thằng Phỉ chưng hửng. Mới sáng này nó còn qua chơi biếu ông Bốn giỏ quà. Thấy ông còn khỏe re, nằm võng kéo thuốc gò phì phèo, có bệnh hoạn gì đâu mà con Lan hốt hoảng dữ vậy. Nhưng chuyện đời cũng hên xui vô thường lắm, thằng Phỉ cầm nghe luôn điện thoại trên tai tức tốc chạy qua nhà ông Bốn để coi rõ thực hư.

Ông Bốn đang nằm. Mặt mày méc xanh đúng không phải mặt của người khỏe mạnh. Nó bủn rủn tay chân nhớ mấy lời con Lan hồi nãy, sợ ông Bốn bị tai biến hay đột quỵ bất ngờ. Nó bỏ điện thoại rơi chỏm xuống đất, lẹ làng xốc ông Bốn lên tay, định cho lên lưng cõng ra trạm xá.

Điện thoại hai cái, một của ông Bốn, một của thằng Phỉ vẫn còn nguyên tín hiệu rối rít của con Lan.

Bà Bốn nháy muốn đứt hàng lông mi vốn đã còn rất thưa, vậy mà thằng Phỉ, hơn ba chục tuổi còn khờ, không hiểu ý bà trong cái đá lông nheo với nó.

Mãi đến khi ông Bốn thì thào vào tai nó câu “tao giả chết”, thằng Phỉ mới như người đu dây lập tức rớt xuống hiện thực tức thì.

Nó thả ông Bốn lại giường như hư không. Cơ thể hơn năm chục ký của ông rớt như bịch muối, muốn trẹo be sườn. Ông Bốn đau cũng không dám lên tiếng. Giả đò buông tay nhắm mắt.

Thằng Phỉ nhặt điện thoại lên, phủi lớp bụi mờ như sương, thay hai ông bà nhớ con diễn tiếp vai phản diện.

“Bác Tư, Bác Tư…về đất rồi bé Lan ơi!”

Tiếng con Lan trong điện thoại khóc ngất, nhỏ thành lớn rồi không còn nên lời. Tiếng khóc của nó còn nghe đau hơn hồi coi Đất Phương Nam thấy nhà Mười Chứt bị giết. Khóc người dưng làm sao so nỗi với tiếng khóc cho thân tình.

“Em tính sao Lan? Em về không? Còn cái dự án nghiên cứu của em nữa…”

Con Lan tức tưởi như đứa trẻ. Giờ phút này rồi, bộ thằng Phỉ nghĩ nó không thương cha nó sao mà ăn nói kỳ cục. Hèn gì để ý thương nó lâu vậy rồi, nó biết, nó cũng mến đó, nhưng hổng thèm nói chi. Nó khóc nấc lên từng chữ.

“Về. Em về mà. Bỏ. Em bỏ hết. Chứ cha chết mà phải làm sao anh?”

Con Lan tắt máy còn nhanh hơn những lúc nó bận công chuyện rồi từ giã vợ chồng ông Bốn. Trời ơi, sao tới tận khi muộn màng như thế này nó mới nhận ra rằng nó bào chế biết bao nhiêu thuốc men cứu sống người ta nhưng lại chẳng phát minh được loại thần dược nào trì hoãn tuổi già và níu kéo sức khỏe của ba má nó. Đã vậy nó còn phiêu linh mãi bên Tây Bán cầu, quên mất cha mẹ mình chỉ có một người con, quên mất phải kề cận sớm hôm, quên mất cù lao chín từ dạy ta đạo hiếu. Nó loay hoay xếp lẹ một chút hành lý, giấy tờ hộ chiếu, thẻ đỏ thẻ xanh rồi bắt xe đi thẳng ra sân bay.

Thằng Phỉ hiểu nhưng còn lơ ngơ vì trông mặt mày ông Bốn khó coi dữ lắm. Còn bộ vận thì héo quắt như vừa trải qua một trận nhừ tử xác thân.

“Bác Tư không sao thiệt hả bác Tư? Con nhìn bác như người vừa giải quyết xong trận…tiêu chảy cấp.”

Ông Bốn hết hơi, thở hước chỉ tay thằng Phỉ gật đầu.

Bà Bốn ngồi kế bên, vừa tội vừa thương, trả lời gọn lỏn.

“Ổng uống thuốc xổ.”

*

Hăm chín rộn ràng bánh mứt. Cây mai vàng trước sân qua một đêm nở rộ, mọc lên những bao lì xì.

Thằng Phỉ lăng xăng chạy tới chạy lui, vừa trông chừng nồi bánh tét bên Tây lại chạy về bên Đông coi cái cà ràng đang kho nồi thịt kho hột vịt.

Nhìn nó ông Bốn cưng hết sức, hệt như mỗi ngày ông vẫn cưng con Lan. Nhìn lên bầu trời xanh, ông Bốn cười nụ cười không hở miệng, giấu bên trong nỗi hạnh phúc khó diễn tả được bằng lời.

*

Mâm cơm tất niên vẫn còn thiếu người. Đêm nôn nao, cả ông Bốn và bà Bốn đều không ngủ được. Cứ ở đâu xa xa vọng về tiếng chó sủa là hai ông bà lại ra trước sân ngó ngoài cổng rào.

Con Lan bay quốc nội từ Chicago đáp Los Angeles. Từ Los Angeles bay Châu Á, hóa cảnh Tokyo rồi về Tân Sơn Nhất nội trong một ngày đêm. Vừa đặt chân về đến Việt Nam đã đi taxi hỏa tốc từ Sài Gòn về quê hương nơi tận cùng của tổ quốc.

Vừa kéo vali bước xuống đất quê, nó đã nghe hai tiếng “thiêng liêng” bao bọc đến gợn người. Sống ở xứ người mười một năm, thời gian đã bỏ quên điều gì trong trí nhớ?

Thằng Phỉ chạy ra mé cửa, nhìn con Lan đứng lặng sững sờ. Ông Bốn bà Bốn, mặc áo dài khăn đống chỉnh tề, ngồi uy nghi trên bàn giữa. Trên tay mỗi người là bao lì xì cho người xông đất đêm nay.

Đứa con gái nặng chân bước lên thềm nhà. Nước mắt ở đâu rịn ra khi thấy những khóm hoa bung sắc vàng dưới đèn đêm tươi thắm. Bầu không khí trang nghiêm nhưng tuyệt không giống trong khung cảnh có ai đó vừa qua đời.

Ông bà Bốn ngồi một chỗ dễ gì yên. Vừa thấy bóng con Lan, hai ông bà đã chạy bổ ra ôm con, như sợ rằng nó lại vụt một cái là đi mất. Giữa ba tiếng khóc là một nụ cười, lặng lẽ cầm điều khiển bật tivi lúc nửa đêm.

Tiếng pháo giao thừa xì đùng, con Lan quên cả chuyện mình về nước để chịu tang cha.

Phúc Bình Lạc, 20/07/2020

 ——————————–

Tác giả dự thi: Hồ Thị Linh Xuân – Bút danh: Phúc Bình Lạc
Địa chỉ: Ấp 14, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB