Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: ĐỪNG BAO GIỜ NHẮC ĐẾN CHỮ CON NUÔI

38

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: ĐỪNG BAO GIỜ NHẮC ĐẾN CHỮ CON NUÔI
MS 104 Văn xuôi

 

Hưng là một công tử chính hiệu, đúng vậy, một cậu con trai được ăn sung mặc sướng đầy đủ từ bé. Ông Hoàng và bà Lan, cha mẹ Hưng đã phất lên từ kinh doanh tiệm vàng. Do bận buôn bán mà ông bà thường cho tiền để Hưng tự xoay sở.

Do được nuông chiều quá đáng, lại bị ảnh hưởng bởi tính cách cha me, Hưng cũng trở thành “đại ca” trong nhóm bạn bè, thường xuyên chơi bời, học hành không lo, thả phanh đàn đúm.

Chuyện không có gì đáng nói, cho đến khi bố mẹ Hưng dắt về một đứa bé gái và nói với Hưng:

“Đây là em của con”

Câu đầu tiên đáp lại của Hưng là: “bố tha con này về đây làm osin hả?”

Rồi Hưng đã bị nhận một cú tát đầu đời của mẹ, người mà từ nhỏ chưa bao giờ mắng Hưng chứ nói gì đánh. Hưng ngỡ ngàng đưa tay lên má. Không quá đau, nhưng cảm giác tủi hổ cứ bừng lên gay gắt. Hưng gào lên trước mặt con bé “Mày nhớ lấy, có tao thì không có mày”

Hai đứa trẻ sống chung một nhà, nhưng Hưng chưa bao giờ có một chút tình thương đối với em gái nuôi của mình. Cậu bày đủ trò để hành hạ cô bé đáng thương. Đúng như tên gọi, Hiền, cô bé xuất thân từ làng trẻ mồ côi luôn biết thân biết phận. Dù bố mẹ nuôi không tỏ ra phân biệt đối xử nhưng họ lại quá bận rộn với việc kinh doanh nên không có thời gian quan tâm đến việc của hai con. Họ nhận con nuôi với tấm lòng thiện nguyện nhưng lỗi của họ là thiếu quan tâm chăm sóc đến con nuôi. Hiền thường xuyên bị Hưng bày ra nhiều trò nghịch độc ác, từ dội nước ướt hết người khi đi học cho đến bày ra các việc nặng nhọc bắt cô bé làm như khuân đồ đạc hay mang vác rác rưởi. Đỉnh điểm, Hưng “Đặt bẫy” một chậu nước mắm, rồi bêu xấu Hiền với lũ trẻ hàng xóm, đặt biệt danh “Hiền hôi”.

“Nói vậy chứ ngay cả con đẻ họ còn không quan tâm thì nói gì đến con nuôi?”, Hưng thường nói với người khác để bao biện cho hành vi của mình. Nhưng khi họ hỏi lại “Thế sao cậu không yêu thương em nuôi?” thi Hưng không trả lời được. Có lẽ trong thâm tâm, Hưng cũng biết việc mình đối xử tệ bạc với em nuôi là không đúng, nhưng tâm tính công tử, luôn cho mình là đúng, muốn giành hết tình thương yêu của cha mẹ là điều khiến Hưng hành động nhẫn tâm, hay như chính cậu nói sau này: “ngày đó, cháu đã nhận được quá ít sự chăm sóc của cha mẹ mà còn phải chia sẻ cho em nuôi nữa nên sinh ra oán hận”.

Đó là chuyện của ngày sau, còn khi đó, sự việc khiến Hưng phải hối hận xuất phát chính từ sự ích kỷ của cậu. Chúng ta vẫn thương hay nói về sự phân biệt đối xử giữa con nuôi và con đẻ, nhưng giữa những đứa con với nhau thì lại ít được nhắc đến. Đối với Hiền, cô bé chưa bao giờ nhận được tình cảm của một người anh trai, điều mà cô luôn mong muốn.

Hưng vẫn thường khóc mỗi khi cậu nói về chuyện cũ. “Em ấy không có lỗi, giờ cháu mới nhận ra, mới hối hận thì đã quá muộn rồi”. Đúng, đó là nỗi đau đớn, dằn vặt nhất khi Hưng đã đủ trưởng thành để nhận ra rằng, sự độc ác của cậu đã góp phần giết chết một con người. Cậu không trực tiếp ra tay giết người, nhưng chấn thương tâm lý cậu tạo ra đã khiến Hiền chịu tổn thương nặng nề. Bạn bè học cùng lớp kể lại, Hiền lúc nào cũng buồn bã, lủi thủi một mình, không nói chuyện với ai và cũng không có bạn. cô bé chỉ lầm lũi đến trường và về khi tan học. Dù giáo viên và bạn học đã cố gắng nói chuyện, kết bạn, rủ tham gia hoạt động nhưng cô bé luôn né tránh với thái độ hờ hững. Ở trường thì như vậy, không ai biết khi về nhà Hiền lại phải chịu những trò độc ác của anh nuôi. Ngày định mệnh đó, Hưng đặt mấy xô nước bẩn để “bẫy” Hiền như thường lệ, rồi tiếp tục lăng mạ, nói cô bé là “con hủi”. Dồn nén chịu đủ, Hiền lao ra đường trong tâm trạng phẫn uất. Nhìn dòng xe đông đúc, Hưng cảm thấy sợ và muốn cản Hiền lại nhưng không kịp…

Giờ đây, Hưng lại làm một việc như thường lệ, nhưng không phải là bày trò chọc em gái nuôi, mà là đến thăm mộ cô. Cậu biết, có lẽ em không thể tha thứ cho mình, nhưng vẫn phải đến xin lỗi, bởi sự hối hận muộn màng, bởi nó đã quá muộn để giữ lại một người trong gia đình.

Một điều tốt trong câu chuyện buồn này là việc Hưng đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Cậu nhận nuôi hai đứa trẻ, tích cực hoạt động từ thiện. Nhưng đời là vậy, với cậu, những việc đó không thể coi như bù đắp cho tội lỗi cậu gây ra cho em gái. “Đó là hai chuyện khác nhau, việc cháu làm bây giờ là từ tâm của cháu, còn việc cháu là tội đồ thì vẫn mãi là thế. Có lẽ cháu sẽ xuống địa ngục”. Cha mẹ Hưng cũng mang một nỗi buồn khôn nguôi, ông bà cũng tự trách mình mỗi khi đến ngày giỗ con gái. Họ cũng có tâm trạng gần giống như con trai, khi sự hối hận muộn màng đã để lại một khoảng trống mà họ sẽ mang đến cuối đời. Họ nhận con nuôi nhưng thiếu sự quan tâm, đó cũng là một cái tội.

Vậy lỗi lớn là ở ai? Có thể có nhiều ý kiến khác nhau như lỗi ở chính bố mẹ Hưng, hay lỗi lớn chính là Hưng. Thậm chí còn có người cho rằng lỗi ở chính cô bé Hiền, khi đã không đủ can đảm để tự cứu lấy mình, hay lỗi ở hàng xóm, ở trường lớp khi họ đã bàng quan về chuyện của Hiền. Đó chỉ là nhận xét, là đánh giá của đời, còn trên thực tế, Hưng vẫn đang làm việc tốt, đó chắc chắn là việc tốt hơn Hưng của ngày trước. Và chắc chắn, hai đứa con nuôi của cậu sẽ không phải chịu số phận như người cô của chúng, khi bố mẹ không những thương yêu, quan tâm như con đẻ mà còn luôn dặn con ruột của mình: “hãy thương yêu em như bố mẹ thương yêu con, đừng bao giờ nhắc đến chữ con nuôi”.

—–

Tác giả dự thi: Đinh Thành Trung
Địa chỉ: B4/261 Thụy Khuê, Tây Hồ, TP. Hà Nội

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB