Câu Chuyện: Làm báo đạo

1210

Bạn bè hỏi, giờ làm báo nào. Tôi nói, mình làm báo đạo. Bạn biết liền: vẫn còn làm ở Giác Ngộ hả? Có một niềm vui, Giác Ngộ là cái tên được bạn biết trong phạm trù báo đạo hay báo Phật giáo, tờ báo có ba sản phẩm (nguyệt san, tuần báo, online cập nhật hàng ngày) để thông tin, chuyển tải các nội dung liên quan tới Phật giáo trong và ngoài nước.

Tan Khoi.jpg
Tác giả Tấn Khôi (Lưu Đình Long) trong một lần phỏng vấn HT.Thích Viên Minh, 
GĐ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng thiền Vipassana – Viện Nghiên cứu Phật học VN – Ảnh: Vũ Giang

Thi thoảng, bạn bè làm báo của tôi vào đọc Giác Ngộ và… “thấy nhẹ nhàng, những bài viết thấm thía, hay thật, người Phật tử hay người-bình-thường như mình đọc đều hiểu, nếu ứng dụng được hết thì cuộc sống sẽ an vui lắm, và liền”, bạn nhận xét. Trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn, nhất là báo điện tử và mạng xã hội với những tin, bài, hình ảnh cập nhật liên tục, báo Giác Ngộ vẫn có một “chỗ đứng” trong lòng độc giả và tất nhiên trong làng báo tiếng Việt với những tin, bài nghiêm túc, được biên tập kỹ càng, chất lượng, nhiều cây bút trong, ngoài nước tham gia cộng tác.

Làm báo đạo vì thế sướng lắm, ở chỗ mình học nhiều điều hay mà như bạn nhận xét – thật nhẹ nhàng; ở đó không chỉ làm nghề mà còn học làm người, biết cách làm người hiền giữa cuộc sống xô bồ, phức tạp giữa thị thành và cả rừng thông tin thật giả lẫn lộn.

Bạn tôi làm ở nhiều tờ báo, đôi lúc thở dài bảo “mệt mỏi lắm”, không phải chỉ là áp lực công việc mà còn là vì tiếp xúc với nguồn tin chứa đựng nhiều nỗi khổ niềm đau nên cũng tưới tẩm hạt giống tương tự ở trong lòng, thấy cuộc sống có gì đó hơi xam xám. Mình bảo, hãy đọc báo Giác Ngộ, ở đó có nhiều “chìa khóa” giúp bạn mở những ngăn cửa thương yêu, hiểu biết, gợi ý cho bạn hướng nhìn tích cực, để dẫu có tiếp xúc với “bùn” thì vẫn không “nhiễm bùn” và lỡ có nhiễm thì cũng biết chuyển hóa bùn thành dưỡng chất nuôi sen, cho sen nở ra trong lòng tươi mát. Rồi nói với bạn về triết lý trong bùn có sen hay trong rác có hoa của nhà Phật, bạn nghe và chia sẻ, đúng là nhà Phật giúp người ta an vui chứ không phải yếm thế như nhiều người nhìn cạn cợt đã nghĩ – thông qua mấy vở cải lương lụy tình đi tu…

Làm báo đạo sướng lắm. Tôi hay nói với bạn và tự cảm thấy hạnh phúc vì mình được làm trong môi trường báo chí mà ở đó, những giá trị đạo đức, tình thương, sự hiểu biết được đặt lên hàng đầu, bởi làm báo chính là hoằng pháp, là làm cho mình tốt lên mỗi ngày (trước tiên) cũng như trước khi nói tiếng nói của tử tế đến với bạn đọc thân thương của mình.

Bạn bè tôi ở ngoài hay nói, có nhiều nhà báo kỳ lắm nha, ở trên mặt báo thì kêu gọi sống tốt, sống tử tế… nhưng chính người ấy lại sống tệ. Tôi bảo, đối với Phật giáo thì người đó “nói một đàng, làm một nẻo” – khi hành xử, cách sống của tự thân không phải là phương tiện để giúp người cảm nhận thì việc trao thông điệp tử tế từ những con chữ, lời nói sẽ trở nên vô hồn, phản tác dụng. Nghĩ thế, nên tôi nghĩ và tin những người làm báo đạo, điều đầu tiên là lòng mình phải có Phật, phải có con đường sáng và đi trên con đường sáng ấy (tức sống tử tế, là người hiền, có an vui) thì mới có thể truyền thông điều “tốt đời đẹp đạo” đến với người khác, mới đi vào lòng người được.

Người làm ở báo không phải chỉ là phóng viên, nhà báo mà từ trong ra ngoài, các bộ phận đều chứa “tâm đạo”, nhẹ nhàng, sẻ chia, nhường nhịn, yêu thương, hiểu biết… thì mới có thể gắn với báo lâu dài.

Tôi nghĩ, người làm báo, dù là báo đạo hay báo nào cũng cần giữ tâm trong sáng trước tiên vì mình cũng là con người, vì trong sáng trong làm nghề thực ra không phải chỉ là yêu cầu của riêng nghề báo mà của những ai cần sự tử tế đồng hành trong đời mình. Chở đạo vào đời hay nhìn cuộc đời để thấy ý đạo trong đó mà sống, mà viết chính là bài học không bao giờ cũ mà tôi nhận về từ những tháng năm làm báo, gắn với công việc viết lách.

Thực ra, đọc báo đạo cũng sướng lắm. Không có gì gai góc hay giật gân, càng không có những thông tin khiến bạn hoài nghi về cuộc sống hay sẽ phải thở dài, lắc đầu ngán ngẩm như những trang báo có nội dung hàm chứa khổ đau, nhưng ở đó, bài vở nuôi dưỡng bạn rất nhiều. Vì thế, người làm báo đạo sướng và người đọc báo đạo cũng an vui không kém – như thế, người làm báo và người đọc cùng kết thiện duyên với nhau, để có duyên gặp nhau thì đều hoan hỷ, thành bạn đồng tu, thành thân bằng quyến thuộc trên bước đường tu nhân học Phật!

Tấn Khôi

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB