Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Truyện ký PHẬN LÀM DÂU

124

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ký PHẬN LÀM DÂU
MS 025 Văn xuôi

Riết thành quen, Sơn nhẵn mặt từng người hay đến đây buổi sáng, từ mấy chú, mấy cô cán bộ hưu trí đến tập thể dục dưỡng sinh, mấy cặp “choai choai” mang tiếng là thể dục nhưng thiệt ra đến đây để hú hí đùa giỡn, nũng nịu với nhau, mấy cô cậu sinh viên rời ký túc xá tới ôn bài buổi sáng cho “ép-phê”…

Cũng đã mười năm rồi, cứ khoảng 6 giờ sáng là Sơn lại bắt gặp bóng dáng quen thuộc của hai người phụ nữ ở công viên thành phố này, chỉ những khi mưa bão mới vắng họ. Người già ngồi trên xe lăn độ khoảng tám mươi tuổi, tóc bạc phơ, thỉnh thoảng lại cười vô hồn, có lẽ do tuổi cao, đãng trí. Người đẩy xe phía sau xấp xỉ sáu mươi, tóc cũng hoa râm, dáng người lam lũ, chân quê. Họ cười nói rôm rã.

Ba hôm trước, Sơn tình cờ nghe họ nói với nhau:

– Má ráng ăn hết tô cháo này nghe, ngon lắm đó. Chị ôn tồn.

– Ừa, thì má ráng chớ. Thiệt bây cực khổ quá, má hổng “đành đạn” chút nào. Lạy trời… Nói đến đó bà im bặt, nước mắt chảy dài xuống đôi gò má nhăn nheo trông thật thảm hại.

– Má lạy trời vụ gì vậy má? Chị hỏi.

– Thì tao lạy trời đất cho tao mau đi theo ông bà để bây bớt khổ, chớ cái “mửng” này, sao chịu nổi con ơi! Bà lại khóc.

– Má đừng nói vậy. Má còn sống ngày nào là tụi con vui ngày đó. Chị nhẹ nhàng trả lời rồi lấy chiếc khăn nhỏ lau lên trán, lên mặt bà. Đôi mắt của chị cũng đỏ hoe.

Nhiều lần Sơn bắt gặp bà cụ ho rồi sặc lên phun đầy thức ăn tung tóe vào mặt chị. Chị vẫn cười, lặng lẽ rút khăn lau mặt cho mình và cho bà, rồi lại đút ăn, kể chuyện, ráy tai, đấm lưng như chưa hề xảy ra chuyện gì. Sau đó chị lại bón từng muỗng cháo, vừa kể chuyện, vừa dỗ dành để bà cụ ăn cho ngon miệng. Cũng có lúc chị làm ra vẻ hờn giận để bà cụ cố ăn hết phần rồi cả hai cùng cười vang. Khoảng tám giờ sáng thì họ ra về. Chiếc xe lăn nhỏ dần trên phố đông người qua. Sơn thầm nghĩ, ít có người con gái nào hiếu thảo và thương yêu, kính trọng mẹ đến như vậy trong thời buổi hiện nay – thời buổi mà người ta chạy theo đồng tiền, danh vị, dễ quên đi đạo lý, cội nguồn, lòng hiếu thảo.

Hôm nay, Sơn bất ngờ khi thấy chị ngồi thơ thẩn khóc một mình trên ghế đá công viên, nơi mà hai mẹ con có mặt thường xuyên hàng chục năm qua. Bà cụ mất đã ba hôm.

– Nhà chị ở đâu? Sơn hỏi nhỏ.

– Ở cái xóm nhỏ mé sông kia kìa. Chị đáp.

– Mẹ chị có bao nhiêu người con? Chị là con thứ mấy trong nhà vậy?

– Đó là má chồng của tôi. Chị nói lí nhí.

Im lặng rất lâu, chị nhìn chiếc xe lăn trống vắng cạnh băng đá, đôi mắt buồn xa xăm lơ đãng như cố tìm về kỷ niệm bốn mươi năm trước. Quê chị ở tận Chợ Lách, Bến Tre. Hồi nhỏ theo tía má chị chạy máy “cô-le” với chiếc ghe chín lá qua đây buôn bán trái cây. Trời xui đất khiến nên nhà chị hay cột ghe đậu nhờ dưới mấy cây cột nhà sàn của bên chồng bây giờ. Cái anh chàng sinh viên con một nhà phía trên cứ mỗi đêm xách cây đờn ghi-ta ra phía sau nhà ca vài bản mà đôi mắt cứ lom lom nhìn chị, người con gái đẹp nết, đẹp người, có đôi má lúm đồng tiền “chết người ta”.

– Mai mốt anh nói ba má anh qua “bển” cưới em, chớ thấy em cực trần thân anh đứt ruột, đứt gan quá. Anh nói.

– Thôi đi, thương tui, tui nhờ, tui cám ơn. Ưng anh rồi, tía má tui ai nuôi. Chị bẽn lẽn trả lời. Mặt mày cứ đỏ hừng lên.

Biết chuyện sắp nhỏ, hai gia đình đồng ý làm đám cưới. Số phận may mắn không mỉm cười với chị. Hai năm sau ngày cưới, chồng chị mất vì tai nạn giao thông khi đứa con trai duy nhất mới chào đời. Người cha chồng cũng đi xa sau một cơn bạo bệnh. Tay xách nách mang, chị làm đủ mọi nghề, kể cả nghề mà người ta miệt thị, rẻ khinh như “quét rác”, “rút hầm cầu”… Mặc. Chị làm tất cả với lời nguyền sẽ ở vậy vừa nuôi con nên người, vừa lo toan cho mẹ chồng chu tất.

Nhớ cái ngày thằng con trai đậu vào đại học, chị khóc đến sưng mắt vì hạnh phúc, vì vui sướng, vui đến nỗi quên luôn cái buồn phải bán đôi bông tai và cặp nhẫn cho con đóng học phí, mua sách vở. Đứng đốt mấy cây nhang trước di ảnh chồng mà hai mẹ con cứ rưng rưng nước mắt.

– Ông dìa đây chứng giám cho tui. Tui đã giữ đúng lời hứa với ông lúc mãn phần, ở dưới đó ông yên tâm phò hộ cho má và mẹ con tui mạnh giỏi, thằng Quang học hành giỏi giang. Ông tha lỗi cho tui, nhà nghèo quá tui đành bấm bụng bán đôi bông và cặp nhẫn cưới của mình cho nó có tiền ăn học, ông đừng giận tui nghe, tội nghiệp. Chị khấn vái.

– Còn con, con hứa sẽ học thật tốt để có việc làm nuôi nội, nuôi má, để ba yên lòng nhắm mắt, con hứa sẽ ngoan ngoãn, hiếu thảo. Quang cũng khấn theo.

May mà thằng nhỏ chăm học. Nó tốt nghiệp loại giỏi và được ông nhạc gia tương lai nhận vào làm việc tại công ty do ông làm giám đốc ở thành phố này. Đám cưới hoành tráng đãi đến hai ngày tại nhà hàng. Đàng gái lo hết mọi chi phí, nghe đâu tốn đến mấy trăm triệu đồng. Chị mắc cỡ không dám mời ai bên đàng trai. Chị lóng ngóng, luộm thuộm, luống cuống trước đám đông. Thằng con chị đỏ mặt tía tai xấu hổ vì có một bà mẹ quê mùa. Thỉnh thoảng nó trừng trừng đôi mắt nhìn chị như một người xa lạ, như oán trách sự có mặt của một người đàn bà lam lũ, quê mùa.

Đám cưới chưa xong, vợ chồng Quang vội vã kêu một chiếc taxi rồi xô chị vào băng ghế phía sau như một sự trút bỏ hình ảnh má nó thật phũ phàng, cay đắng.

– Nè, taxi, ông đưa bà già này về cái xóm nhỏ dưới mé sông càng sớm, càng tốt, đây là hai trăm ngàn, còn dư bao nhiêu “boa” cho ông luôn. Vọt đi.

Nói xong, nó đóng mạnh cánh cửa chiếc xe nghe cái rầm rồi chạy thật nhanh vào nhà hàng đang tưng bừng tiệc cưới. Trên xe, chị đã mím chặt môi để không bật ra tiếng khóc tủi hờn. Chị đã mất con sau những ánh hào quang rực rỡ phố phường, sau những cám dỗ tiền tài danh vị. Chị đã có lỗi với vong linh chồng vì đã không giữ nó được nữa rồi.

Mẹ chồng chị bị tai biến. Cô dâu mới sang trọng đỏng đảnh đi làm về là đóng kín cửa phòng hú hí với chồng, để mặc chị chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, làm vệ sinh cho bà cụ. Đau đớn nhất đối với chị là những lúc vô tình đi qua chỗ bà cụ nằm, nó cuống cuồng chạy qua vội vã, tay bịt chặt lấy miệng mũi như đang trốn chạy, tránh né một cái gì dơ bẩn, hôi hám, xấu xa nhất. Chị khóc thầm.

Thằng con trai sợ vợ kia dù thương mẹ, thương nội nhưng cứ lặng im chịu đựng. Nó không đủ can đảm và nghị lực để khuyên can vợ dù chỉ một lời. Có lần thấy cô con dâu ấy vui vui, nó tranh thủ khuyên lơn:

– Em nên làm gì đó để giúp mẹ, chăm sóc nội, con dâu gì mà từ lúc về nhà chồng chẳng thấy thăm hỏi người lớn một câu. Em thấy đó, má anh làm dâu cho nội còn “ngon” hơn con gái nữa đó.

Một tiếng rầm, kéo theo tiếng loảng xoảng của thủy tinh khô khốc vang lên. Vợ Quang đang trang điểm, nghe nói, hùng hổ ném mạnh cái kéo vào chiếc gương to soi mặt sát tường. Những mảnh vỡ văng tung tóe khắp phòng.

– Anh nói tôi làm dâu vụng về, mất dạy phải hôn? Được. Tôi về bển luôn với ba má tôi. Hứ. Nói thiệt nghe, tôi hổng ở không để làm “ô-sin” cho gia đình này đâu. Tu mấy kiếp mới gặp được tôi. Hễ có thương tôi thì dọn đồ về bển. Còn không thì ở một mình, tôi “bái bai” căn nhà này.

– Kìa em, anh chỉ nói vui vậy thôi, em không bằng lòng thì thôi vậy. Quang nài nỉ.

Cái khoảng cách lạnh lùng giữa hai người đàn bà làm dâu cứ tăng dần lên, dù chị đã hết sức nhỏ nhẹ, chiều dâu hết mức. Hai tháng sau, vợ chồng nó ra riêng. Thỉnh thoảng thằng Quang cũng lén vợ ghé thăm nhà giây lát rồi dúi vào tay mẹ nó những tờ giấy bạc mới cứng.

– Con khổ tâm lắm má ơi, nhưng biết làm sao hơn! Con là đứa con bất hiếu, tội lỗi, yếu đuối, con… con… Nó lặng im rất lâu, mắt cứ đăm đăm nhìn lên di ảnh ba nó như van lơn, như xin lỗi, như nguyện cầu tha thứ.

– Có gì đâu con, má hiểu mà, vợ chồng phải biết thương yêu dạy dỗ lẫn nhau, nhường nhịn nhau mà sống tới răng long đầu bạc. Má còn khỏe, còn lo cho nội con được. Con về đi, để vợ con trông. Chị xua đuổi, khẩn khoản.

Nhìn bóng dáng thằng Quang liêu xiêu bước ra đầu hẻm, chị bật khóc nức nở. Chị không thể giữ nó trong hoàn cảnh éo le này. Chị không một lời trách móc, oán thán. Có lẽ chị sinh ra để chịu đựng những đắng cay, chua xót, bạc bẽo nhất của cuộc đời này.

Giờ thì nàng dâu hiếu thảo ấy cô đơn thật rồi.

———

Tác giả dự thi: Trương Thanh Liêm
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB