Phật giáo Quảng Nam thành kính tổ chức Đại lễ tưởng niệm 710 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn

58

Sáng nay, ngày 07/12/2018 (01/11/Mậu Tuất), tại Trụ sở VP BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam (chùa Đạo Nguyên, TP.Tam Kỳ), BTS PG tỉnh Quảng Nam đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 710 ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn (1308 – 2018), người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.

Quang cảnh buổi lễ
Trưởng lão HT.Thích Thiện Duyên, Phó Pháp chủ HĐTS GHPGVN, Chứng minh BTS PG tỉnh Quảng Nam cùng chư tôn Giáo phẩm BTS chứng dự

Quang lâm chứng minh, tham dự lễ có Trưởng lão HT.Thích Thiện Duyên, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS PG tỉnh Quảng Nam; HT.Thích Thiện Thành, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh; cùng chư tôn đức Thường trực BTS PG tỉnh, các ban ngành trực thuộc, BTS PG các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa, Ban Giám hiệu và Tăng Ni sinh Trường Phật học Quảng Nam…

Đại diện quan khách chính quyền tỉnh tham dự

Đại diện quan khách có ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Mính, Phó ban Tôn giáo tỉnh; ông Trần Văn Hùng, Phó đội trưởng đội an ninh phòng PA.88, cùng quý đạo hữu, GĐPT tham dự.

TT.Thích Đồng Nguyện cung tuyên tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tại buổi lễ, TT.Thích Đồng Nguyện, Phó BTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp PG tỉnh Quảng Nam đã cung tuyên tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo đó, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 7-12-1258 (11-11-Mậu Ngọ), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh.

Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tâm đắc nhất là câu: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được) và tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy. Ngài thường tới lui chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam bảo.

Năm 21 tuổi (1279), ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy hiệu là Thiệu Bảo. Năm 1285, với tinh thần bảo vệ dân tộc, ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất và lần thứ hai (1288). Đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, ngài đã củng cố triều đình, phủ dụ, đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước trong thời hậu chiến. Năm 41 tuổi (1293), ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng.

Sau khi chinh phạt Ai Lao (1294), ngài trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Năm 1301, ngài hạ sơn, đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành và nghiên cứu về tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang, trở về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường giảng kinh, thuyết pháp, mở hội đại thí vô lượng cho nhân dân. Năm 1304, ngài chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan… Ngài đến Bố Chánh – Quảng Bình lập am Tri Kiến và lưu lại đây một thời gian. Sau đó, được Vua Trần Anh Tông thỉnh vào nội cung để truyền giới Bồ-tát cho bá quan văn võ, quần thần.

Năm 1307, ngài truyền y bát lại cho tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm và Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trong thời gian đó, ngài thường lui tới chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm Hải Duơng, Vĩnh Nghiêm Lạng Giang, chùa Từ Lâm, Quỳnh Lâm Đông Triều để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội.

Ngài đã để lại cho đàn hậu học một số kinh sách, ngữ lục, tài liệu vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục… Trước khi nhập diệt, ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ “Tất cả pháp không sanh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi” (Nhất thiết pháp bất sanh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu).

Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 1-11-Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh. Xá-lợi của ngài thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng (Thái Bình) và chùa Vân Yên – Yên Tử (Quảng Ninh), lấy hiệu là Huệ Quang Kim tháp, dâng thánh hiệu: Đại Thánh Trần Triều, Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.

HT.Thích Thiện Thành, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam dâng lời tưởng niệm

Thay mặt BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam, HT.Thích Thiện Thành đã dâng lời tưởng niệm, tri ân người đã khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, phái thiền Việt Nam đầu tiên do Tổ sáng lập, đã được lập cước trên những di sản văn hóa muôn đời cho nhân thế.

“Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ sư đã dạy ‘Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi’. Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau. GHPGVN hôm nay nguyện tiếp tục sự nghiệp quang huy của Tổ, xây dựng một Tịnh độ tại nhân gian bằng tinh thần Phật giáo Việt Nam, con người Việt Nam và dân tộc Việt Nam”, Hòa thượng Trưởng BTS PG tỉnh dâng lời tưởng niệm.

Dâng hương tưởng niệm

Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ tưởng niệm, chư tôn đức và đại diện lãnh đạo chính quyền tỉnh đã thành kính dâng nén tâm hương chí thành đảnh lễ, tưởng niệm Đức Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ đã khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông khép lại sau lời phát biểu của ĐĐ.Thích Viên Trừng, UVDK HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS PG tỉnh, đại diện Ban Tổ chức cảm tạ.

Nhân dịp này, BTC cũng đón nhận những phần quà, lẵng hoa tưởng niệm của gia đình Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các ban, ngành chính quyền tỉnh Quảng Nam.

Một số hình ảnh được ghi nhân:

Ban TTTT PG Quảng Nam

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB