Thông tư: Hướng dẫn về tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giai đoạn 2023-2026

88

(QCB) – Ngày 14/6/2023, Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành Thông tư số 658/TT-HĐTS Hướng dẫn tổ chức triển khai chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023 – 2026, gửi đến Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố.

Nội dung Thông tư như sau:

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX và Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022 – 2027) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 12/5/2023 Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ký kết phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an kế hoạch phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2023 – 2026. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chương trình phối hợp theo nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

– Phát huy hiệu quả phối hợp giữa Cục CSGT và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; phát huy ưu thế của Phật giáo trong truyền thông, lồng ghép các thông điệp về ATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn thông qua hình thức truyền tải giáo pháp Đức Phật đến với các Tăng Ni, Phật tử cũng như cộng đồng xã hội.

– Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Tăng Ni, Phật tử khi tham gia giao thông, đồng thời tiếp tục lan tỏa thói quen, nếp sống, văn hóa, văn minh, tham gia giao thông an toàn trong cộng đồng Phật giáo và các tầng lớp Nhân dân.

– Phối hợp đẩy mạnh truyền thông về hoạt động bảo đảm TTATGT của các Tăng Ni, Phật tử.

– Thông qua công tác tuyên truyền giúp ổn định tình hình TTATGT, hạn chế UTGT, giảm đến mức thấp nhất TNGT, đặc biệt không để xảy ra các vụ TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong Tăng Ni, Phật tử.

2. Yêu cầu:

– Tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quy chế, nội quy, quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mỗi bên.

– Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, phát huy hiệu quả vai trò của mỗi bên trên tinh thần hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể, phân định rõ trách nhiệm giữa các bên trong công tác phối hợp.

– Quá trình thực hiện phối hợp không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đảm bảo sự đoàn kết, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi bên.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP:

1. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TTATGT bằng những thông điệp bảo đảm ATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, bảo đảm toàn vẹn tính mạng con người theo giáo lý đạo Phật đến Tăng Ni, Phật tử trong cả nước.

2. Phối hợp khắc phục những bất cập về tình hình TTATGT tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT khu vực lưu thông, cổng ra vào các cơ sở thờ tự Phật giáo.

3. Phối hợp vận động Tăng Ni, Phật tử trong cả nước tham gia bảo đảm TTATGT, triển khai xây dựng các mô hình “Tăng Ni, Phật tử tham gia giao thông văn hóa – an toàn”, trọng tâm là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn trong cộng đồng Phật giáo.

4. Phối hợp tổ chức tập huấn cho Tăng Ni trong cả nước làm công tác tuyên truyền, thuyết pháp; triển khai giảng dạy cho các Phật tử, kết hợp trong các khóa tu truyền giảng Phật giáo trong năm, gắn các nội dung về ATGT trong các bài thuyết giảng Phật pháp: như văn hóa người Phật tử tuân thủ nghiêm pháp luật, chấp hành tốt luật giao thông, không vi phạm ngũ giới của người Phật tử khi truyền đạt thông điệp không uống rượu bia; thái độ ứng xử từ bi, chia sẻ, yêu thương khi răn dạy văn hóa ứng xử trong trường hợp va chạm giao thông…

5. Phối hợp tuyên truyền, lan tỏa thông điệp về ATGT kết hợp với những điều răn dạy của Phật giáo trên các phương tiện thông tin đại chúng tới mọi tầng lớp Nhân dân, phát clip ngắn trên các trang mạng xã hội, treo băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi với nội dung tuyên tuyền về ATGT ngắn gọn, dễ hiểu tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trên cả nước.

6. Phổ biến những kinh nghiệm hay, những cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác bảo đảm TTATGT; phê phán những hiện tượng tiêu cực và hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT.

III. CÁCH THỨC PHỐI HỢP:

Hàng năm, tổ chức các chương trình tuyên truyền gắn với những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cụ thể:

– Quý I, trọng tâm vào tháng Giêng (Âm lịch): lồng ghép nội dung về ATGT, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trong mùa lễ hội đầu năm, tập trung tuyên truyền thông điệp không uống rượu bia khi đi lễ hội, “Đã uống rượu bia không đi lễ hội”,  “Đã uống rượu bia, không lái xe” thuyết giảng nhân dịp Tết nguyên Đán, lễ cầu an đầu năm.

– Quý II, trọng tâm vào tháng Tư (Âm lịch), mùa Phật Đản: tổ chức các buổi thuyết giảng nhân mùa Phật Đản, trong đó lồng ghép các nội dung tuyên truyền về ATGT cho Tăng Ni, Phật tử và Nhân dân đến các cơ sở thờ tự Phật giáo để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

– Quý III, mùa An cư kết hạ của chư tôn đức Tăng Ni: tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT, huấn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với sự tham gia hướng dẫn của lực lượng CSGT trong toàn quốc; trong đó trọng tâm vào ngày rằm tháng Bảy (15/7 Âm lịch) (1): trong các buổi thuyết giảng về lễ Vu lan, lồng ghép giáo dục về việc chấp hành pháp luật về TTATGT, bảo vệ an toàn tính mạng cho chính mình, cho người tham gia giao thông cũng là thực hiện báo hiếu với tổ tiên, cha mẹ; Thời gian tổ chức các khóa tu mùa hè dành cho đối tượng thanh thiếu niên (tháng Tám Âm lịch) (2): lồng ghép hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, xây dựng văn hóa giao thông văn minh trong các buổi tu học giáo lý của Đức Phật, thực hành lối sống chính niệm, thực hành giáo pháp của Đức Phật trong cuộc sống.

– Quý IV: chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền về ATGT phù hợp với điều kiện của từng địa phương, phù hợp với các sự kiện Phật giáo có liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố:

Tổ chức triển khai ký kết phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, thành phố về kế hoạch phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2023 – 2026.

Phổ biến và tổ chức triển khai nội dung Thông tư đến các cơ sở tự viện, Tăng Ni để lập kế hoạch tuyên truyền.

2. Ban Hoằng pháp Trung ương:

Soạn bài giảng mẫu về nội dung văn hóa tham gia an toàn giao thông theo giáo lý Phật giáo và ý nghĩa của việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông.

Phổ biến và tổ chức triển khai nội dung Thông tư đến các Ban Hoằng pháp thuộc Ban Trị sự địa phương, các Giảng sư và chương trình thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương.

3. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương:

Phổ biến và tổ chức triển khai nội dung Thông tư đến các Ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Ban Trị sự địa phương để lập kế hoạch tuyên truyền.

Đưa nội dung Thông tư này vào nội dung các khóa sinh hoạt của các Gia đình Phật tử, các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử, các khóa tu mùa hè, hội trại của Thanh thiếu niên Phật tử.

4. Ban Thông tin Truyền thông Trung ương:

Tổ chức tuyên truyền theo nội dung Thông tư và mở chuyên mục tuyên truyền về văn hóa tham gia an toàn giao thông theo giáo lý Phật giáo và ý nghĩa của việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông trên các báo, tạp chí, kênh truyền hình và các phương tiện truyền thông của Giáo hội.

5. Ban Văn hóa Trung ương:

Tổ chức các cuộc thi về nội dung tuyên truyền văn hóa tham gia an toàn giao thông theo giáo lý Phật giáo và ý nghĩa của việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông.

6. Ban Nghi lễ Trung ương:

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức nghi lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp “ Tưởng nhớ người ra đi vì người ở lại” giáo dục xã hội về văn hóa tham gia an toàn giao thông theo giáo lý Phật giáo và ý nghĩa của việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự rất mong Chư Tôn đức các Ban ngành Trung ương và Ban Trị sự các địa phương tập trung triển khai thực hiện tinh thần thông tư này.

Trân trọng!

Thay mặt Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã ký!.

Phatsuonline

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB