Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ngắn TỰ NHẬN RA
MS 017 Văn Xuôi
Người đàn bà ấy khóc ngất trong đám tang con. Cả đoàn người đi viếng không ai cầm lòng nổi. Họ thương xót cho cậu bé ngoan hiền học giỏi, 18 năm đèn sách chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày thi tốt nghiệp THPT thì một vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của cậu. Giờ đây bố mẹ cậu đã lớn tuổi không còn khả năng sinh đẻ nữa, chỉ có duy nhất mỗi mình cậu thì cậu lại đi xa.
Sau đám tang ấy có rất nhiều lời bàn tán, thì thầm nhỏ to. Có người thấu hiểu thì thông cảm với người đàn bà ấy nỗi đau mất con, quạnh hiu. Nhưng có kẻ độc mồm độc miệng thì cho rằng “ ham làm giàu cho lắm, con chết rồi của ai hưởng cho hết, sát sanh nhiều quá bây giờ trả giá”. Không biết những lời độc địa ấy có đến tai người đàn bà ấy không mà sau 100 ngày của cậu con trai thì nhà hàng “ Đồng Quê” đóng cửa, thay vào đó là quán nước mía, chè, kem, sinh tố…
Ngày chủ nhật tôi dẫn các con đến quán “Đồng Quê” ăn sáng như mọi lần nhưng thấy khách khứa vắng vẻ chỉ có mấy cô cậu học trò ăn kem, uống nước mía. Tôi liền hỏi: Quán mình bữa nay không kinh doanh nhà hàng nữa à?
– Dạ! bữa ni nghỉ bán nhà hàng rồi chị ạ! O Thu – người đàn bà ấy đáp lại
Thấy nét mặt chị u buồn, trầm tư như đang khắc khoải cái gì đó tôi định hỏi chuyện thêm nhưng nghĩ lại nên thôi.
Ngày trước nhà hàng Đồng Quê của chị rất đông khách thuộc vào top dẫn đầu các quán ăn ở cái huyện nhỏ bé này. Cái tên nhà hàng tuy mộc mạc, thân thương gợi ai cũng nhớ đến và tìm về với quê hương ấy nhưng lúc nào cũng tấp nập người vào ra từ sáng đến tối, chủ yếu là thành phần thích ăn nhậu. Ở đây dân nhậu có thể thưởng thức những món ăn đặc sản như gà chỉ, lươn um chuối, lẩu cá lóc, tôm xốc tỏi…mà những món ăn này được chế biến khi đang còn tươi sống, vì vậy khách rất ưa chuộng. Hai vợ chồng phục vụ không kịp phải thuê thêm nhân viên. Mỗi lần khách đến hay có cơ quan đơn vị nào trên địa bàn đặt tiệc thì ngày đó vợ chồng nhà hàng Đồng quê sát sanh nhiều lắm. Kể từ khi mở quán cho đến lúc cậu con trai mất là 18 năm trời, việc sát sanh không biết bao nhiêu mà kể đem lại nguồn thu rất lớn. Từ hai bàn tay trắng chẳng mấy chốc mà cơ ngơi đầy đủ khang trang, nhà cửa 2 tầng, xe cộ, mua mấy nền đất mặt tiền ở phố huyện để kinh doanh bất động sản. Đúng là có duyên làm ăn “lên như dều gặp gió”.
Nhưng từ sau cái chết của cậu con trai, tâm tính của đôi vợ chồng ấy thay đổi hẳn. Người ta thấy hai ông bà thui thủi với nhau trong cái quán vắng vẻ khách khứa lui tới đối lập với cảnh buôn bán nhà hàng ngày xưa. Thỉnh thoảng người ta cũng bắt gặp ông chở bà đi chùa vào các ngày rằm, mồng một điều mà trước đây rất hiếm gặp.
Tôi cùng làng với O Thu, cùng sinh hoạt trong khuôn hội gia đình Phật tử ở thôn. Thỉnh thoảng O Thu lại đến rủ tôi đi chùa để cầu kinh lễ Phật. Qua những lần đi với O dưới những đêm trăng sáng trên con đường làng rợp bóng tre, nghe O giãi bày nỗi niềm tâm tư của mình tôi cũng chia sẻ với O nhiều lắm. Có lần O vừa nói với tôi vừa khóc:
– Khi tôi nhận ra thì mọi việc quá muộn rồi chị ạ! trước đây vì ham đồng tiền mà tôi mở nhà hàng sát sanh nhiều quá nên ông trời trừng phạt tôi, cướp đi đứa con của tôi. Tôi biết tội lỗi của tôi nhiều lắm “trời không dung, đất không tha”. Nếu con trai tôi không chết có lẽ tôi vẫn tiếp tục công việc ấy đến cuối đời. Giờ tôi nghĩ rồi tôi ngừng kinh doanh công việc nhà hàng, chuyển sang bán đồ giải khát . Tuy lợi nhuận ít nhưng tôi thấy lòng mình thảnh thơi nhẹ nhõm đi nhiều, không còn chứng kiến cảnh sát sanh máu me đầm đìa, mùi tanh tao nữa. Mà bấy lâu nay vợ chồng tôi tích lũy nhiều rồi hưởng không hết. Tôi nguyện quãng dời còn lại làm từ thiện nhiều hơn.
– O nhận ra như vậy là tốt, theo tôi không muộn đâu, miễn là O có cái tâm hướng thiện thì mọi nỗi khổ của O được giải thoát.
“Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người sinh ra bản tính đã là thiện thì hãy giữ lấy cái thiện để sống với đời, giúp cho người. Từ ngày làm việc thiện đến nay, O đã giúp được cho bao nhiêu người, bao nhiêu tiền cho những người bất hạnh, khốn khổ. Và đó là niềm vui xua tan những phiền muộn và day dứt trong O như lời O nói: “Chỉ khi làm được nhiều việc thiện, tôi mới thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, thanh thản hơn”.
—————–
Tác giả dự thi: Hoàng Hữu Hóa
Địa chỉ: Trung tâm y tế thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB