Tác phẩm đạt giải khuyến khích: Truyện ngắn RÉT THÁNG BA…

158

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
GIẢI KHUYẾN KHÍCH

———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ngắn RÉT THÁNG BA…
MS 106 Văn xuôi

Nhiệt độ hạ đột ngột, thấp chưa từng có từ trước đến nay. Rét căm căm! Cô giáo Hạnh mặc những ba, bốn cái áo, khăn quàng, bít tất đầy đủ mà ra đường vẫn run cầm cập. Trên đường, người qua lại co ro, hít hà. Trừ hàng quán, đa số các ngôi nhà đều cửa đóng then cài.

Một bà lão ngồi cứng đơ ở một góc hiên, mặt tím tái. Hai quai hàm không còn răng, cứ va vào nhau. Bà đang cóng. Người qua kẻ lại chép miệng… Cô Hạnh dừng lại ái ngại, chần chừ rồi kiên quyết tháo khăn quàng cổ, choàng cho bà lão. Hơi lạnh thốc vào cổ làm cô Hạnh rùng mình. Bà lão hấp háy đôi mắt trắng đục như cảm ơn, như cầu cứu, miệng không thốt nên lời. Cô Hạnh lập cập định cởi bớt một chiếc áo, khoác lên mình bà lão. Lạnh! Chần chừ! Cô Hạnh bắt đầu run. Làm sao bây giờ nhỉ? Lúng túng chưa biết xử lý thế nào. Khéo không bà lão nguy mất.

Cô để đó em. – Cô Hạnh giật mình quay lại

Một thanh niên đã cởi phăng áo ngoài của mình nhanh tay trùm kín bà lão, rồi bế thốc bà lên, xăm xăm về phía Trung tâm y tế. Cô Hạnh chạy theo như một cái máy, trong lòng thèn thẹn. Các bác sĩ đang ra sức cấp cứu bà lão. Cậu thanh niên quay lại:

Chào cô! Cô còn nhớ em không?

Thoáng ngỡ ngàng, trước mặt cô Hạnh, một cậu thanh niên da ngăm đen, rắn chắc nhưng vẫn còn phảng phất nét thư sinh:

Ôi, có phải Thiện. Em về hồi nào? Bây giờ đóng quân ở đâu?

Dạ, em mới về hôm qua. Đại đội em đang canh giữ Trường Sa. Cô khỏe không?

Khỏe!

Thấy vẻ bồn chồn của cô Hạnh, Thiện vui vẻ:

Cô vội đến trường phải không? Cứ để em lo, bà ấy sẽ không sao. Cô cứ đi đi, đừng ngại. Có gì em sẽ liên lạc với cô sau.

Tan trường. Cô Hạnh vội vã thu xếp sách vở. Định bụng sẽ ghé lại Trung tâm y tế xem sao, thì nhận được điện thoại của Thiện, báo rằng bà lão đã khỏe rồi nhưng cứ khóc hoài, cô tới đây giúp em với.

Tới nơi, cô Hạnh thấy một cảnh tượng hết sức cảm động. Thiện đang vừa thổi vừa lóng ngóng bón cho bà lão từng thìa cháo, vừa dỗ dành “bà cố gắng ăn cho khỏe”. Bà lão miễn cưỡng nuốt mà nước mắt chảy ướt cả áo gối.

Cô đến rồi, cô nói cho bà ăn, chứ bà không chịu ăn, mà cứ đòi chết.

Cô Hạnh dịu dàng:

Sao thế bà , bà cố ăn mới khỏe chứ

Thấy cô Hạnh, bà lão khóc tức tưởi. Khóc với tất cả nỗi uất nghẹn chất chứa trong lòng cả một đời người. Cô Hạnh ôm lấy bà vỗ về và cứ để cho bà khóc. Chừng như đã vơi, bà run run giọng:

Cảm ơn cô và cháu đã cứu sống già, nhưng cứ để già chết đi thì tốt hơn .

Đừng nói thế .- Cô Hạnh nhẹ nhàng an ủi. – Cuộc sống quí giá lắm bà ạ. Con cháu bà đâu, có cần…

Cô Hạnh chưa kịp nói hết lời, bà lão xua tay lắc đầu quầy quậy. Hai hàng nước mắt lại lăn dài trên gò má nhăn nheo.

-Thôi đừng nhắc đến chúng nữa, cô ơi!

Rồi bà xót xa kể:

Già sống dưới quê, đang bình yên. Tuy không lao động được nữa nhưng bà con chòm xóm giúp đỡ làm giúp cái vườn, đám ruộng để già nuôi con heo, con gà … Không khá giả nhưng cũng đủ ăn. Bà con tối lửa tắt đèn có nhau.

Năm ngoái, nhà nước mở con đường qua trước vườn. Đất quê bỗng có giá. Vườn nhà già rộng nhưng chưa bao giờ già nghĩ đến chuyện bán đất tổ tiên để mà ăn. Bà đưa ống tay áo gạt nước mắt rồi kể tiếp :

Một hôm, hai cặp vợ chồng của hai đứa con trai già về quê. Chúng đem rất nhiều thứ làm một bữa cỗ linh đình, mời hết bà con làng trên xóm dưới. Tiệc xong, thằng Cả long trọng thưa:

Thưa bà con, hôm nay anh em con về đây, làm mâm cơm đạm bạc trước cáo với tổ tiên, ông bà, sau xin phép bà con, cho chúng con đem mẹ lên thành phố phụng dưỡng, để chúng con có cơ hội báo hiếu mẹ già.

Phải, phải đó … mọi người đồng thanh.

Thiệt tình lúc đó già cảm động chảy nước mắt. Tuy không muốn xa mảnh đất quê cha đất tổ gắn bó cả một đời, nhưng trước sự hiếu thảo của con, già cũng vui vẻ nhận lời.

Những tháng đầu, chúng tranh nhau mời mẹ ở nhà mình. Mới ở nhà đứa này năm bảy bữa thì đứa kia đem xe đến rước mẹ về nhà con. Thú thật già chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thời gian đó.

Bà lại sụt sùi:

Một hôm chúng nó thỏ thẻ thưa “mẹ ơi, chúng con cần vốn để đầu tư cho công ty. Mẹ cho phép chúng con bán mảnh vườn dưới quê. Ở đó giờ không còn ai…

Đất tổ tiên mà! Già chẳng muốn bán chút nào.

Chúng cứ tỉ tê mãi. Thương con, già đành gật đầu, lòng thầm mong tổ tiên tha lỗi. Và rồi nhà thằng Cả, thằng Hai lần lượt lên tầng khang trang. Còn già vì cuộc sống tù túng, ít vận động, nên sức khỏe yếu trông thấy, đi đứng khó khăn, chân tay lóng ngóng vụng về. Các con dâu bắt đầu khó chịu. Chúng cứ bóng gió hoài. Đứa nào cũng bắt già ăn riêng trong phòng, kẻo khi ăn vung vãi bẩn bàn ghế.

Bà dừng lại xịt mũi, nước mắt không thôi chảy trên gò má nhăn nheo. Rồi bà sụt sùi kể tiếp . Một hôm, chúng họp nhau phân công mỗi đứa nuôi mẹ một tháng. Từ đó già như trái banh, bị đá qua, đá lại một cách khó chịu. Cứ mỗi tháng lại phải ôm đồ chuyển nhà.

Nói đến đây bà lại nấc lên. Đôi vai già nua rung rung đến tội nghiệp. Cô Hạnh, Thiện và các y bác sĩ nãy giờ nghe chuyện mắt ai cũng đỏ hoe. Không ai dám hỏi vì sao bà ra nông nỗi này.

Hãy để già chết đi. – Bà già lại nói trong tiếng nấc

-Tháng này già ở nhà thằng Cả. Nghe đâu hôm nay nhà có khách sang đến thăm, chúng bận rộn mở tiệc tiếp khách. Chiều hôm qua, vợ thằng Cả bảo “tháng này hết ngày 30 rồi. Mẹ qua nhà chú Út chứ tháng hai vừa rồi mẹ ở nhà chú ấy chỉ có 28 ngày”

Thế là Già phải ôm gói ra đi!

Đến nhà thằng Út, vợ thằng Út bảo “Chưa hết tháng, mới ngày 30, còn ngày 31 nữa mà mẹ lại đến đây! Bà Cả tính toán quá, con này không dại đâu. Mẹ qua nói với bà Cả như thế”. Nói rồi nó ngúng nguẩy bỏ đi.

Già ôm gói ra đi trong mưa gió….

Mọi người trong phòng lặng đi. Mắt bà lão ráo hoảnh, vô hồn …

Mặc cho ngoài trời mưa vẫn rơi nặng hạt, cái rét vẫn lang thang hù dọa mọi người. Thì tại nhà ông Cả, bia vẫn nổ lốp bốp, tiếng nói cười, chúc tụng vẫn rôm rả… Bác tài xế cũng vừa kịp đón cậu quí tử ở trường về, đưa đến trước mặt ông chủ. Ông Cả trong cơn vui quá đà, bế xốc đứa con trai mười hai tuổi, trịnh trọng tuyên bố với mọi người:

Đây là Phúc, con trai trưởng nam của tôi. Tương lai sẽ là người thừa kế công ty của tôi.

Những tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên.

Chúc mừng chủ nhân tương lai. Một… hai… ba…zô! – Tiếng hô làm nóng cả không gian sang trọng.

Cậu bé ngượng nghịu nhìn quanh. Rồi tụt khỏi tay bố, kéo bố ra góc nhà hỏi nhỏ:

-Bố! Bà nội đâu?

-Bà nội ở bên nhà chú Út. – Bố nó lúng túng.

-Không ! Không. Thằng Quang con chú Út nói, mẹ nó biểu bà nội trở lại nhà mình từ hôm qua vì chưa hết tháng. – Phúc bắt đầu mếu máo. Chạy vào phòng kiếm bà nội.

Ông Cả sượng mặt, nhưng kịp trấn tĩnh trở lại bàn tiệc, như không có việc gì. Bà Cả mặt mày tươi như hoa, cũng đang đon đả tiếp khách. Thằng Phúc kiếm hết các phòng vẫn không có bà nội. Nó linh cảm có việc chẳng lành. Mặc vội áo mưa, nó ra khỏi nhà mà không ai hay biết. Mưa vẫn nặng hạt, gió thốc từng cơn.

-Nội ơi! Nội ơi… – Thằng Phúc bật khóc.

Phúc chạy thẳng tới nhà chú Út, gọi thằng Quang. Quang vội vã chạy ra, nó hỏi dồn trong làn nước mắt hòa nước mưa:

-Có nội trong nhà em không?

-Không! Nội qua nhà anh từ hôm qua rồi mà.

-Nội không có bên nhà anh.

-Ủa vậy thì nội đi đâu? – Mặt thằng Quang biến sắc

-Anh sợ nội đi lạc. Mình đi kiếm nội đi em. – Mắt thằng Phúc rưng rưng.

-Dạ! Để em vào lấy áo mưa.

Hai đứa trẻ rảo hết các đường phố, miệng không ngừng gọi “nội ơi, nội ơi…”. Thường ngày bà nội quí hai đứa nó lắm. Có miếng ngon gì bà cũng để phần. Bà cười móm mém khi chúng vui. Vỗ về, an ủi khi chúng buồn. Bố mẹ chúng bận bịu vắng nhà suốt ngày. Nên lúc rảnh rỗi, bọn chúng thường quanh quẩn bên bà nội, nghe bà kể chuyện cổ tích, đọc thơ, chuyện dưới quê… Giọng bà hiền hiền, truyền cảm và âu yếm, làm rung động trái tim non trẻ của hai đứa. Yêu thương bà vô hạn. Một ngày không gặp bà, chúng thấy nhớ vô cùng. Lúc bà ở nhà, đứa này thì đứa kia thường xuyên chạy qua thăm bà. Thế mà bây giờ bà đi đâu? Mưa, lạnh, ướt sũng, môi hai đứa thâm tím. Nhưng thương nội, hai đứa quyết tâm đi tìm. Đêm, tối om, đèn đường cũng nhòe đi trong làn mưa, lâu lâu có vài chiếc xe phóng nhanh qua trước mặt chúng. Vô vọng, đói, mệt, người rã rời…thằng Phúc ngất xỉu bên vệ đường. Mặc cho thằng Quang lay gọi nó vẫn không mở mắt ra được. Thất thần, Quang lớn tiếng kêu khóc, gọi người đến cứu, nhưng tiếng nó bị mưa và màn đêm nuốt chửng. Thằng Quang ôm lấy thằng Phúc, hai đứa nằm dưới mưa.

Bác tài xế nhà Phúc, sau khi đưa một vị khách “víp” đến khách sạn trở về, bỗng ánh đèn pha quét qua soi rõ hai đứa trẻ đang nằm ôm nhau bên vệ đường … Bác ngờ ngợ cho xe chạy chậm. Thôi chết rồi, là cậu chủ … Bác vội vã dừng xe, hốt hoảng mở cửa chạy xuống bồng xốc thằng Phúc, rồi thằng Quang vào xe  đưa thẳng tới Trung tâm y tế quận.

Đang khoái chí tận hưởng niềm vui mà bữa tiệc đem lại, kết quả ngoài tưởng tượng. Ông Cả, bà Cả bỗng nghe tiếng chuông điện thoại gọi giật. Tiếng bác tài xế gấp gáp:

-Ông chủ ơi, cậu Phúc và cậu Quang ngất xỉu giữa đường. Tôi đang đưa hai cậu đến bệnh viện đây.

Không kịp để ông Cả hỏi lại, bác tài xế đã dập máy. Ông bà Cả hoảng hốt giục nhau đi tìm con. Ông Cả quýnh quáng mãi mới đề được xe. Bà Cả tru tréo, lồng lộn:

-Khổ thân con tôi! Sao ông không để ý đến nó?

-Ông chậm như rùa bò vậy? Nhanh nhanh lên!

-Trời ơi! Con ơi là con.

-…

Bà Cả còn tuôn ra đủ thứ, lời lẽ khiếm nhã, nhưng ông Cả dường như không nghe thấy. Sự lo lắng cho thằng con trai độc nhất choáng ngợp tâm trí ông. Đến bệnh viện, cũng vừa lúc vợ chồng chú Út hớt hơ, hớt hải chạy tới. Mặc cho bác sĩ đang ra sức cứu chữa, bà Cả và vợ chú Út khóc rống lên, lăn xả vào ôm con trai mình. Mấy cô điều dưỡng phải ra sức ngăn hai bà mới chịu buông. Hai đứa trẻ trong cơn mê sảng vẫn ú ớ gọi “ nội… ơi…nội ơi…”. Hai người đàn ông giật mình vì tiếng mê sảng của con. Không biết hai ông đang nghĩ gì mà cứ đi đi, lại lại, đầu cúi gằm, hai tay ôm đầu, dáng điệu khổ sở. Thời gian trôi chậm. Những tiếng ồn ào pha tạp. Tiếng thút thít của hai bà vợ chìm dần, chìm dần. Rồi bừng tỉnh khi có tiếng ai đó thốt lên “tỉnh rồi”. Hai cậu bé vừa mở mắt đã gọi toáng lên:

-Nội đâu? Nội đâu?

-Con ghét ba, con ghét mẹ. – Hai cậu bé giãy nẩy

-Tìm nội cho con! Hu hu …hu hu ….

-Nội ơi,…nội ơi…-Tiếng khóc làm xé lòng những người chứng kiến.

Hai bà, hai ông thay phiên nhau dỗ dành hai đứa trẻ nhưng vô hiệu. Tiếng ồn ào làm kinh động cả khu bệnh viện. Mọi người tò mò đến xem chật ních. Bà lão lọm khọm chống gậy đi một cách khó nhọc, quờ quạng. Bà kêu lên trong nước mắt:

-Nội đây! Nội đây. – Mọi người tản ra nhường đường cho bà cụ vào.

Hai cậu bé mừng rỡ lao đến ôm chầm lấy bà, hôn lấy hôn để gò má nhăn nheo đầy nước mắt của bà, suýt nữa ba bà cháu ngã nhào. Hai người đàn ông bây giờ mới ôm lấy cả mẹ và con mình bật khóc như trẻ con. Có tiếng xì xào:

-Cảm động quá!

-Tội quá!

-Hai ông này chắc ân hận lắm.

-…

Hai bà mẹ của hai cậu bé, không biết đi đâu, không thấy trong phòng!

 ——————————–

Tác giả dự thi: Lê Thị Điểm
Địa chỉ: Thôn Phước Dương, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB