Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: “Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi” của tác giả Lê Thị Thu Thanh

47

Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018

Vòng chung khảo

———————-

Tác phẩm dự thi: MẸ LÀ MẸ CỦA CHÚNG MÌNH ĐẤY THÔI

Tác giả: Lê Thị Thu Thanh

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đây thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong”.

Đó là những câu thơ trong bài thơ “Mẹ của anh” của thi sĩ Xuân Quỳnh viết tặng mẹ chồng mình, mà đến nay con vẫn còn yêu thích. Bởi từ xưa, ca dao đã có câu: “Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” để ám chỉ những mâu thuẫn không thể điều hòa nổi giữa mẹ chồng và nàng dâu trong xã hội cũ. Không ít gia đình tan vỡ chỉ vì mẹ chồng quá khắt khe, cổ hũ hay tại nàng dâu đanh đá, quá trớn. Hoặc mới đây trên VTV1 đã chiếu bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”, phản ánh mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu hết sức căng thẳng. Sau khi xem xong bộ phim ấy có nhiều bình luận khác nhau, riêng đối với con bộ phim đã nói quá về mẹ chồng và như thế chẳng khác nào khắc họa thêm hình ảnh mẹ chồng khắt khe ghê gớm trong lòng người con dâu.

Trong thực tế thì sao, rất may con không có một mẹ chồng như trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” ấy. Con làm dâu của mẹ đến nay đã hơn 10 năm rồi, khoảng thời gian ấy biết bao biến cố xảy ra trong cuộc đời nhưng khắc ghi trong đầu mình về hình ảnh của một người mẹ chồng chịu thương chịu khó vì con vì cháu.

Cuộc đời mẹ sinh ra trong một gia đình nghèo khó giữa thời kỳ chiến tranh loạn lạc chia cắt đất nước. Đặc biệt vào năm 1972, trong những ngày hè đỏ lửa ở Quảng Trị, tiếng súng giao tranh nổ ra rất ác liệt, dân trong làng ai cũng lo sợ và họ đã tìm cách sơ tán. Gia đình mẹ cũng trong hoàn cảnh ấy. Để ra khỏi làn đạn của chiến tranh cả làng phải di tản vào Đà Nẵng.  Mẹ lúc đó có 5 đứa con, 3 đứa thì chạy bộ, còn 2 đứa thì mẹ  bỏ vào 2 đầu quang gánh.

Ảnh minh họa

Mọi người chạy bộ vào hướng tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi đến Cầu Dài – Mỹ Chánh, tiếng súng giao tranh càng dữ dội hơn, vì thế xác người chết ngổn ngang. Gia đình mẹ thật may mắn qua khỏi cuộc chiến ác liệt đó không ai bị thương cả. Mẹ nhớ lại:“lúc đó mẹ cầu trời khẩn phật cho các con của mẹ được bình an, còn mẹ ra đi cũng được”. Ngày đó, đoạn Quốc lộ 1A đi từ thị xã Quảng Trị vào Mỹ Chánh còn được gọi là “Đại lộ kinh hoàng” với rất nhiều người chết.

Sau giải phóng trở về quê hương Quảng Trị, cuộc sống của mẹ hết sức cực khổ. Mẹ kể thời đó gia đình mẹ nghèo lắm, cái thời mà ăn độn cơm với sắn. Mẹ làm việc quần quật suốt cả ngày, mở mắt là đã ra đồng, cặm cụi làm cho đến khi mặt trời lặn, sương đã vương áo mới trở về. Những ngày hè oi ả, cái nắng và gió Lào ở Quảng Trị rát bỏng cả da mặt, mẹ gánh từng gánh lúa về mồ hôi nhễ nhại, nhìn đàn con mẹ nở nụ cười thật hiền hậu vì mẹ nghĩ mình có vất vả nhưng đem lại cuộc sống ấm no cho các con đó là niềm hạnh phúc của mẹ rồi. Gánh lúa của mẹ nặng trĩu bao nhiêu thì mồ hôi của mẹ đỗ trên cánh đồng bấy nhiêu.

Đến năm mẹ 49 tuổi thì bố chồng qua đời, bao nhiêu gánh nặng của cuộc sống đè nặng lên đôi vai của mẹ cùng với đàn con thơ. Lúc đó mẹ tưởng như đất trời sụp đổ vì biết lấy gì để nuôi các con đây, mẹ lại chẳng có nghề nghiệp gì chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mẹ cần mẫn làm việc, chịu khó thức khuya dậy sớm chăm lo cho gia đình trong lúc vắng bóng người đàn ông trụ cột. Nhờ sự chịu thương chịu khó của mẹ cộng với giúp đỡ của bà con lối xóm, mẹ cũng vượt qua được những năm tháng khó khăn gian khổ ấy, nuôi đàn con thơ ăn học nên người thành tài. Thân hình gầy gò bởi gánh nặng của cuộc sống đã làm mẹ già hơn trước tuổi. Nhìn mái tóc pha sương của mẹ con cảm nhận được nỗi vất vả mà mẹ phải trải qua, nhất là nỗi cô đơn của người phụ nữ không có chồng đi bên cạnh cuộc đời. Đó là điều sâu thẳm trong trái tim mà con cảm nhận được từ mẹ. Con thương mẹ nhiều lắm. Nghĩ lại, con thấy mình may mắn hơn mẹ rất nhiều.

Ngày về làm dâu nhà chồng, con hết sức bỡ ngỡ trước mọi thứ. Nhà anh đông anh em lại có nhiều mối quan hệ chằng chéo. Chỉ riêng việc điều hòa các mối quan hệ trong gia đình của anh thôi cũng đủ làm con đau đầu lắm rồi, vì phải làm thế nào không để mất lòng mọi người mới khó. Các cụ thường nói “làm dâu trăm họ” quả là không sai! Bát đĩa úp vào nhau còn không tránh khỏi gây ra tiếng động, huống hồ cuộc sống gia đình tránh sao khỏi va chạm, vấp váp. Thế nên, trong những năm đầu mới cưới, vợ chồng con bất đồng quan điểm về nhiều chuyện. Dĩ nhiên, chuyện “mẹ chồng nàng dâu” không thể tránh khỏi. Từ đó, cuộc sống vợ chồng con đôi khi xảy ra tình trạng “chiến tranh lạnh”, con rất buồn và chán. Những lúc như thế con thấy mẹ là người khó xử nhất khi đứng giữa con trai và con dâu. Đứng về phía con trai thì sợ con nói “mẹ nào chẳng bênh con”, mà nếu đứng về phía con dâu thì sợ con trai nói “cùng phe với nhau mà”.

Nhưng rồi cứ mỗi lần như vậy, mẹ đã điều hòa được tất cả, mẹ phân tích cái sai cái đúng cho mỗi đứa. Mẹ khuyên anh “làm người đàn ông mình nên rộng lượng một chút, với một câu xin lỗi thì không người vợ nào mà không tha thứ. Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về”. Còn đối với con, mẹ nhẹ nhàng dạy bảo “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Mẹ nói thời mẹ làm dâu chịu nhiều khổ cực  vì quan niệm mẹ chồng nàng dâu ngày xưa phong kiến lắm, bây giờ mẹ cũng có con dâu, mẹ sẽ không để con phải khổ như mẹ nữa, mỗi thời mỗi khác. Con đã rớm nước mắt khi nghe mẹ nói câu này và thấy mẹ là người bao dung độ lượng, có quan điểm tiến bộ.

Và thế là vợ chồng, mẹ con hòa thuận với nhau, ngôi nhà lại đầy ắp tiếng cười, xua tan không khí nặng nề của những ngày trước đó. Dần dần mẹ và con hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Sau những lần như thế, con nghiệm ra một điều mà xưa nay người ta thường khuyên nhủ: “một điều nhịn bằng chín điều lành”. Mỗi khi ai cũng bỏ đi một ít tính cá nhân, vị kỷ, hiếu thắng của mình thì mọi chuyện đều thuận lợi, êm đẹp cả.

Con về làm dâu chưa kịp giúp gì được cho mẹ, đã bụng mang dạ chửa. Mẹ lo lắng, chăm sóc cho con thật chu đáo từ việc ăn uống cho đến kiêng cữ cái gì, tất cả chỉ vì “mẹ tròn con vuông”. Sau khi sinh em bé được 6 tháng con phải đi học cao học ở Huế. Thế là nhờ bà nội vào trông cháu giùm. Nhớ nhất là những lần Huế mưa lụt, nước ngập cả phòng trọ, mẹ tất bật gói ghém đồ đạc và chăm sóc cháu. Được hơn một năm thì con gửi cháu cho mẹ chăm sóc để tiếp tục chương trình học. Mẹ ở nhà vừa làm vai trò người mẹ vừa vai trò người bà, chăm bẵm cháu từ bữa ăn giấc ngủ cho đến vui chơi. Trẻ con thì hay hiếu động tinh nghịch, mà mẹ thì sức khỏe ngày càng giảm sút rất vất vả khi trông cháu. Nhiều người nói đùa “tuổi già thì nghỉ ngơi chứ trông cháu làm gì cho mệt”, nhưng mẹ vui vẻ trả lời “giúp được cho con cháu ngày nào được thì giúp, đến lúc không thể thì thôi”. Từng đó đủ để con thấy mẹ thương con thương cháu đến nhường nào.

Mẹ chồng tôi cùng các cháu, ảnh Thu Thanh

Con, một người sống trong thời hiện đại nhiều quan điểm sống khác với người thế hệ trước. Mẹ không những không chê trách, không áp đặt mà còn cảm thông. Mẹ rất tâm lý, bất cứ khi nào có vấn đề gì hai mẹ con cũng mở lòng tâm sự với nhau, bày vẽ con dâu kinh nghiệm đối nội đối ngoại, việc làng, việc họ. Mẹ đã cho con một cái nhìn khác về hai tiếng mẹ chồng. Sống với mẹ chồng lâu, con lại càng cảm thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Mai này cuộc sống có ra sao, tình người thay đổi thế nào nhưng hiện tại con rất may mắn vì được làm dâu của mẹ.

Ký ức về mẹ trong con là như thế đó, con nhận được niềm hạnh phúc từ sự thương yêu của mẹ. Tất cả tạo nên một miền kí ức trong con, thật đẹp, thật ấm áp. Cho đến bây giờ trong tâm trí con hình ảnh mẹ chồng luôn là một người phụ nữ dịu dàng, điềm đạm, chịu thương chịu khó, rất mực thương yêu con cháu.

Và một mùa Vu Lan nữa lại về trong tiết mùa thu, mùa của rộn ràng yêu thương, mùa của tri ân xum vầy. Mọi người đang háo hức chào đón Lễ Vu Lan. Con cũng thế, đây là cơ hội để con báo hiếu với mẹ, yêu thương mẹ nhiều hơn nữa. Vì “Mẹ tuy không đẻ không nuôi/Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong”. Con muốn chạy về sà vào lòng mẹ, muốn nghe giọng nói và hơi ấm của mẹ từng ngày để con lấy đó làm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống. Con biết những gì con đem đến cho mẹ chỉ là một phần nhỏ nhoi so với công lao của mẹ. Tình yêu của mẹ rất thiêng liêng và sâu sắc, lúc nào cũng hướng về con, yêu thương con và dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Cảm ơn cuộc đời đã cho con một người mẹ chồng tuyệt vời như mẹ. Con yêu mẹ nhiều lắm!

Lê Thị Thu Thanh

Đội 2, Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị

——————————–

Tôi xin cam đoan đây là bài viết của riêng tôi, những tình tiết trong câu chuyện là có thật đó là kỷ niệm tuổi thơ tôi với mẹ.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB