Vấn đề cúng tế và cứu độ hương linh trong kinh tạng Nikàya

1961
Có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ1
(Atthi āsavā patisevanā pahātabbā)2

Cúng tế cho người đã khuất là một thực thể văn hóa của nhân loại, được biểu hiện dưới nhiều hình thức lễ nghi, tùy theo quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng… của chủ thể văn hóa.

Với Phật giáo, cúng tế ở đây mang nghĩa cung cấp vật thực cho một đối tượng hay một nhóm đối tượng, được thực hiện thông qua một hình thức lễ nghi. Đối tượng cúng tế trong bài viết chính là người đã khuất, mà ở đây tạm thống nhất với tên gọi hương linh.

Trong giới hạn bài viết, cứu độ hương linh mang nghĩa chuyển hóa, khích lệ, cứu giúp một phần. Đây là những ước định ban đầu trước khi tiếp cận đề tài tuy gần gũi nhưng cũng rất mực đặc thù này.

cung te 2.jpg
Lễ cầu siêu, chẩn tế tại chùa Vĩnh Nghiêm 

Vì sao cần phải cúng tế? Tính chất và phẩm vật dùng để cúng tế

1- Vì sao phải cúng tế hương linh?

Trước hết, theo lời Phật dạy trong kinh Tăng chi (A.ii,65), trong những bổn phận của một người đệ tử lý tưởng, thuật ngữ gọi là Thánh đệ tử (ariyasāvaka), cần phải thực hiện năm loại hiến cúng (pañcabaliṃ). Một trong năm loại hiến cúng đó, chính là hiến cúng cho các vong linh quá khứ3 (pubbapetabaliṃ).

Thứ hai, tất cả loài hữu tình do các món ăn (āhāra) mà an trú4 (Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā. Bản kinh Hán tạng tương đương ghi: 一切眾生皆仰食存5). Muốn tồn tại phải có thức ăn. Việc cúng tế là một trong những cách thức cung cấp vật thực giúp cho chúng sanh tồn tại. Đây cũng là một phương cách nuôi dưỡng và phát triển lòng thương yêu.

Thứ ba, trong nhận thức chánh kiến, hiểu đúng về việc cúng dường cũng như tế tự là một trong những nội dung cơ bản. Kinh ghi: Và này các Tỳ-kheo, thế nào là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? Có bố thí, có cúng dường, có tế tự, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh…. là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y6.

Thứ tư, tri ân và báo ân là phẩm chất đạo đức không thể thiếu của người đệ tử Phật. Sở dĩ được gọi là con người lý tưởng (bậc thượng nhân: sappurisa7) là phải biết ân và nỗ lực báo ân. Cha mẹ và người thân là những ân lớn giúp chúng ta tồn tại và trưởng thành. Việc cúng tế cha mẹ và người thân là một trong những cách thức nhằm thể hiện lòng tri ân và báo ân.

Như vậy, việc cúng tế cho người đã khuất trong đó có cha mẹ và bà con là trách vụ cần làm của một người đệ tử Phật lý tưởng. Ở đây, việc chỉ rõ tính chất tế tự cũng như phẩm vật dùng để cúng tế là những nội dung cần làm rõ tiếp theo.

2- Tính chất và phẩm vật dùng để cúng tế

Với Bà-la-môn giáo, tế tự là một trong những phận sự cơ bản của con người, muốn thanh tịnh thân tâm, cần phải thông qua cúng tế8. Trong bốn bộ Veda, đã dành riêng bộ Yayur-Veda chuyên về cúng tế9. Chính vì vậy, có những Bà-la-môn chủ trương rằng sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ tế tự10 (yaññena suddhī). Một trong những bằng chứng về quan điểm này, đó là khi vua Ba Tu Nặc gặp phải ác mộng, các vị Bà-la-môn đã đề xuất một đại tế đàn11, mà chỉ tính riêng vật nuôi đã có năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, và năm trăm con cừu (urabbha) được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn (S.i,75)12. Truyền thống hiến tế bằng sinh vật sống này hiện còn được tổ chức ở một vài nơi tại Ấn Độ, Nepal và bị dư luận thế giới cực lực chống đối. Theo Đức Phật, tế đàn như vậy không có an lạc mà dẫn đến khổ đau.

Việc không đồng tình với những tế đàn tắm máu, đã làm cho nhiều đại diện tôn giáo và cả các bậc vương quan nghĩ rằng Đức Phật chống đối việc cúng tế. Ngay đây, Đức Phật đã giải thích rằng: Này Bà-la-môn, Ta không tán thán tất cả loại tế đàn. Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn… này Bà-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh (A.ii,42). (evarūpaṃ kho ahaṃ, brāhmaṇa, nirārambhaṃ yaññaṃ vaṇṇemi). Sự khẳng định này được tỏ rỏ qua những vần kệ do chính Đức Phật tuyên thuyết:

Tế đàn không sát sanh,

Làm đúng thời thích hợp,

Tế đàn vậy, các bậc,

Phạm hạnh khéo chế ngự,

Ðã vén rộng bức màn,

Khi còn ở trên đời,

Các bậc vượt thời gian,

Ði đến tế đàn ấy.

Bậc Giác ngộ thiện xảo,

Tán thán tế đàn ấy,

Hoặc tại lễ tế đàn,

Hoặc tín thí vong linh,

Tế vật cúng xứng đáng,

Tế lễ tâm hoan hỷ,

Hướng đến ruộng phước lành,

Ðối các vị Phạm hạnh,

Khéo cúng, khéo tế lễ,

Khéo dâng bậc đáng cúng,

Tế đàn vậy rộng lớn,

Chư Thiên đều tán thán,

Bậc Trí sau khi lễ,

Tín thành tâm giải thoát13.

Theo Đức Phật, với những tế đàn không sát sanh thì yêu cầu phẩm vật của những tế đàn này được hoàn tất chỉ với dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng14 (Sappitelanavanītadadhimadhuphāṇitena ceva te yaññā niṭṭhānamagamaṃsu). Trong thời Đức Phật, các loại thực phẩm đặc thù như bơ và dầu (sappitela), bơ tươi (navanīta), sữa đặc (dadhi), một ong (madhu) đường miếng (phāṇita) là những thực phẩm chay phổ dụng và dễ tìm. Từ cơ sở do Đức Phật đề xuất này, có thể linh động về phẩm vật cúng tế trong từng thời kỳ xã hội, miễn làm sao, phẩm vật cúng tế không bao gồm sinh mạng cũng như không chuyên chở sự đau khổ của chúng sanh.

Trong bối cảnh các tôn giáo ở Ấn Độ lúc bấy giờ đều phải vận dụng các hình thức hiến tế sinh linh, như là một phương tiện thông đạt với thần minh, thì việc mở ra một phương cách tế tự vừa thanh khiết, vừa đơn sơ vừa mang tính bảo hộ sự sống, đã khẳng định tính nhân văn trong quan điểm tế tự của Đức Phật.

Sau khi chết sanh về đâu và hương linh nào nhận được cúng phẩm?

1- Chúng sanh sau khi chết phần lớn sanh về đâu?

Trong năm cảnh giới tái sanh được đề cập trong kinh Trường bộ15 và Trung bộ16 bao gồm: địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, người và chư thiên, xét về giá trị phước báu thì cao nhất là chư thiên và thấp nhất là địa ngục. Một chúng sanh chưa chấm dứt các nguyên nhân tái sanh, thì sau khi chết phải sanh vào một trong năm cảnh giới vừa nêu.

Theo khảo sát, để sanh làm chư thiên là điều không dễ, vì ít nhất phải thành tựu niềm tin bất động đối với Đức Phật (S.i,26)17, là một trong những yếu tố để thành tựu quả vị dự lưu. Không những vậy, các bậc hữu tình này do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp chánh kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời này18.

Trong khi đó, muốn được tái sanh làm người thì cần phải từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham ái, không có tâm sân hận, có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh cộng trú với loài người (A.v, 269)19.  Nói rõ hơn, hoàn thiện đầy đủ năm giới là một trong những yêu cầu cơ bản để được sanh lại làm người. Sanh làm người rất khó. Hình ảnh con rùa mù được kinh Trung bộ20 và cả kinh Tương ưng (S.v,456)21 mô tả, sau một trăm năm mới nổi lên và chui lọt vào bọng cây lênh đênh trên mặt biển, là ví dụ sinh động về sự khó khăn này. Đó cũng là sự khẳng định của Đức Phật: này các Tỳ-kheo, rất ít là chúng sanh được tái sanh làm người! Còn rất nhiều là những chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài người! (S.ii,263)22.

Nếu như không thể tái sanh vào cảnh giới của con người hay chư Thiên thì chỉ còn ba cảnh giới còn lại, tức là địa ngục, quạ quỷ và súc sanh.

Cảnh giới địa ngục nhằm chỉ cho nơi thọ khổ báo. Kinh Thiên sứ mô tả nhiều loại địa ngục với những hình phạt liên tục và thảm khốc, nhưng người ấy không có thể mạng chung, cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ23.

Chúng sanh bị sanh vào cảnh giới ngạ quỷ là do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với tà kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi ngạ quỷ (pettivisaya)24.

Cảnh giới súc sanh dễ nhận thấy, vì phần lớn chúng cùng tồn tại trong cảnh giới con người, phương cách thọ dụng để tồn tại cũng như con người và phải chịu nhiều khổ đau mà chúng ta dễ dàng nhận thấy.

Với tuệ giác của Đức Phật, sau khi mất thân người, khả năng sanh vào loài ngạ quỷ chiếm một tỷ lệ rất cao. KinhTương ưng (S.v,475) đã khẳng định điều này:

Này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ25.

Như vậy, từ lời dạy của Đức Phật và từ thực tế nghiệp cảm của chúng sanh, đã cho thấy rằng, nếu như không nỗ lực tu tập và gìn giữ trọn vẹn năm giới, thì ba cảnh giới, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sẽ là nơi chốn dung thân của phần đông chúng sanh. Và ngay đây, một nghi vấn cần đặt ra là, khi đã tái sanh vào một trong ba cảnh giới đó, thì chúng sanh nào có thể thọ dụng cúng phẩm do sự tế tự của người thân?

2- Hương linh nào nhận được cúng phẩm?

Theo kinh Tăng chi (A.v,269), chỉ có chúng sanh đọa vào loài ngạ quỷ mới có thể thọ dụng cúng phẩm do người thân tế tự.

Kinh ghi: Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sanh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè , hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hướng cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy26.

Trong liên hệ ngữ nghĩa, trong kinh tạng Pāli, từ thông dụng để biểu đạt về người đã chết là peta. Peta có nghĩa làđã quá vãng (gone past), đã khuất (departed), vong hồn người chết (the departed spirit) 27. Peta là một dạng chúng sanh sống trong cảnh giới Pettivisaya, tạm gọi là quỷ giới28 (A.iv, 247). Trong kinh điển, tùy theo ngữ cảnh kinh văn mà định ngữ peta đi kèm với những danh từ tương ứng, nhằm tạo ra từng nghĩa cụ thể như pubbapeta(hương hồn quá vãng), ñātipeta (thân quyến đã khuất, hoặc còn gọi là ngạ quỷ quyến thuộc).

Phải chăng, khi kinh điển Pāli phần lớn sử dụng từ peta nhằm chỉ cho những người đã khuất, đã ẩn chứa một thực tế nghiệt ngã: phần lớn chúng sanh sau khi chết đều sanh vào ngạ quỷ? Khảo sát về các loài ngạ quỷ trong kinh điển Pāli là phương cách gián tiếp làm rõ câu hỏi này.

Lược khảo về quỷ giới (Pettivisaya) trong kinh điển Pāli

1- Các loài quỷ khổ trong kinh Tương ưng

Theo kinh Tương ưng (S.ii, 254 – S.ii,261), khi ngài Mahā Moggallanā từ núi Linh Thứu (Gijjhakūta) xuống thành Vương-xá (Rājagaha) khất thực, ngài đã thấy nhiều loài khổ quỷ được liệt kê như sau:

– Thân hình như bộ xương, kẻ ấy vốn là đồ tể giết trâu bò (goghatako).

– Hình dạng như một đống thịt, kẻ ấy vốn là một đồ tể giết trâu bò.

– Thân hình như miếng thịt, người ấy trước đây là kẻ săn bắt chim

– Thân hình như cái bị da, là kẻ trước đây làm nghề giết dê.

– Thân hình có lông như đao kiếm, là kẻ trước đây làm nghề giết heo.

– Thân hình có lông bằng những cây lao, là kẻ trước đây làm nghề thợ săn.

– Thân hình có lông bằng những mũi tên, là kẻ trước đây làm nghề tra tấn.

– Thân hình có lông bằng những cây kim, là kẻ trước đây làm nghề điều phục các loài thú.

– Thân hình có lông bằng những mũi tên đâm khắp cơ thể, kẻ ấy trước đây làm nghề do thám.

– Thân hình đặc thù với hai hòn dái lớn, kẻ ấy trước đây làm nghề phán quan.

– Nhân dạng đặc thù với phần đầu chìm trong hố phân, kẻ ấy trước đây là kẻ thông dâm.

–  Nhân dạng chìm trong đống phân, hai tay bóc ăn, kẻ ấy trước đây mắng nhiếc và mời chúng Tỳ-kheo ăn phân.

– Hình dạng người phụ nữ bị lột da, kẻ ấy trước đây là người gian phụ.

– Hình dạng một phụ nữ xấu xí, hôi hám bị chim chóc cắn rỉa, kẻ ấy trước đây làm nghề bói toán.

– Hình dạng người phụ nữ khô héo, dính đầy than, kẻ ấy trước đây là đệ nhất phu nhân ở Kalinga, hành hạ vương nữ khác, bằng cách đổ than nóng lên người.

– Một kẻ không có đầu, con mắt và miệng nằm trên ngực, kẻ ấy trước đây là kẻ cướp có tên là Hārika.

– Một Tỳ-kheo với y và toàn thân bị cháy đỏ, vị ấy vốn là ác Tỳ-kheo trong thời Đức Phật Kassapa.

– Một vị Tỳ-kheo-ni toàn thân bị cháy đỏ, vị ấy trước đây là một ác Tỳ-kheo ni.

– Một học nữ với toàn thân cháy đỏ, vị ấy trước đây là một ác học nữ.

– Một Sa-di với toàn thân cháy đỏ, vị ấy trước đây là một ác Sa-di.

– Một Sa-di-ni với toàn thân cháy đỏ, vị ấy là một ác Sa-di-ni29.

Trên đây là 21 loại quỷ khổ do chính Tôn giả Mahā Moggallāna trông thấy và mô tả chi tiết. Ngoài ra, trongPetavatthu, dịch là Chuyện ngạ quỷ, ghi nhận 51 câu chuyện về ngạ quỷ, đã mô tả chi tiết và sinh động về khổ cảnh của ngạ quỷ.

Sự thực về các loài quỷ và khổ cảnh của chúng, đã được Đức Phật xác tín: Xưa kia, này các Tỳ-kheo, Ta đã thấy chúng sanh ấy nhưng Ta không có nói. Nếu Ta có nói, các người khác cũng không tin Ta. Và những ai không tin Ta, những người ấy sẽ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài30. (Pubbeva me so, bhikkhave, satto diṭṭho ahosi, api cāhaṃ na byākāsiṃ. Ahañcetaṃ [ahamevetaṃ (sī.)] byākareyyaṃ, pare ca me [pare me (sī.)] na saddaheyyuṃ. Ye me na saddaheyyuṃ, tesaṃ taṃ assa dīgharattaṃ ahitāya dukkhāya).

Từ sự mô tả các loài khổ quỷ của ngài Mahā Moggallāna trong hành trình từ núi Linh Thứu (Gijjhakūta) xuống thành Vương-xá (Rājagaha), đã chuyển tải thông tin, quỷ giới (Pettivisaya) vẫn tồn tại song hành cùng cảnh giới loài người (Manussā) mà với mắt phàm, con người không thể thấy được. Quỷ giới (Pettivisaya) rất đa dạng, không chỉ bao gồm khổ quỷ mà còn có những loại có năng lực thần thông, đôi khi có khả năng giao tiếp cũng như tác động đến con người. Điều này sẽ rõ ràng hơn khi khảo sát về các loại quỷ thần có năng lực hộ pháp cũng như gây khổ đau cho người.

2- Các loại quỷ thần có năng lực

Nếu căn cứ vào năm cảnh giới tái sanh (pañcagati) như đã nêu trên, thì có một dạng chúng sanh không ở cảnh giới con người (amanussā), không thuộc hàng chư Thiên và cũng không hẳn là loài khổ quỷ. Dạng thức chúng sanh này vừa có khả năng bảo hộ con người vừa có khả năng gây hại với tên gọi là quỷ Dạ-xoa (Yakkha)31.

Theo Từ điển Phật học nhân xưng Pāli (Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names), với một số loại quỷ có phước báu đôi khi cũng được gọi là Dạ-xoa32. Khảo kinh tạng Pāli cho thấy, chúng sanh đặc thù này có chức năng bảo hộ hoặc đôi khi gây trở ngại cho người.

Trước hết, về phương diện bảo hộ, đầu tiên phải kể đến vị Dạ-xoa Kim Cang Thủ (Vajirapāṇi) cầm chùy sắt hăm dọa Niganthaputta Saccaka: Nếu Thế Tôn hỏi đến câu hỏi thứ ba, một câu hỏi hợp lý mà Niganthaputta Saccaka không trả lời, thì ta sẽ đánh bể đầu nó ra làm bảy mảnh33.

Trong kinh Tương ưng (S.i,204) và cả trong Jataka (No.392)34 đều đề cập sự kiện, có vị Tỳ-kheo, sau buổi khất thực thường đi xuống hồ ngửi hoa sen. Một vị thần khuyên vị ấy đừng nên như thế, vị ngửi hoa cũng là trộm hương (gandhatthenosi). Nghe lời cảnh tỉnh, vị Tỳ-kheo ấy hoảng sợ và từ bỏ thói quen xấu đó. Lời bộc bạch chân thành của vị Tỳ-kheo đã chứng tỏ sự tỉnh ngộ của vị ấy: Thật sự này Dạ-xoa/ Ông biết ta, thương ta/ Hãy nói lại với ta/ Khi thấy ta như vậy.35

 Có thể nói, trong cảnh giới quỷ thần, những vị có năng lực đôi khi tác động qua lại với cảnh giới con người. KinhTương ưng (S.i,61 và S.i,203) đã đề cập các vị Tỳ-kheo trú ở Câu-tát-la (Kosala), trên sườn Tuyết sơn (Himavanta), tại một cốc nhỏ trong rừng.  Họ tự cao, tự mãn, dao động, lắm mồm lắm miệng, ăn nói huyên thuyên, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tư tán loạn, các căn không chế ngự được ví như loài ngạ quỷ (yathā petā)36. Vị thần cư trú ở khu rừng ấy đã nói lên một bài kệ nhắc nhở các vị Tỳ-kheo. Sau khi nghe xong, các vị ấy xúc động và đã nỗ lực tinh tấn.

Về phương diện gây hại cho người, ngay cả Đức Phật cũng gặp phải sự gây hấn của loài Dạ-xoa, mặc dù chúng không thể làm gì được ngài. Theo kinh Āavakā (S.i,218 – Sn.3137), Dạ-xoa Āḷavakā đã ba lần yêu cầu Đức Phật đi vào, đi ra. Đến lần thứ tư, Đức Phật không thực hiện yêu cầu của Dạ-xoa Āḷavakā và đã hàng phục, chuyển hóa chúng38. Dạ-xoa Sūciloma cũng dùng thân mình đầy gai nhọn định cọ vào thân của Thế Tôn nhưng không chạm được Ngài (S.i, 207)39. Tương tự, một Dạ-xoa đã gõ vào đầu Tôn giả Sāriputta khi ngài vừa cạo sạch tóc, lấp loáng dưới ánh trăng, mặc dù không hại được Tôn giả, nhưng đã tạo nên một âm thanh chấn động (Ud.39)40.

Kinh Trường bộ đã ghi nhận có một loại Dạ-xoa ăn thịt những người thương buôn khi bị rơi vào quỷ kế41. Không những thế, trong Tương ưng Dạ-xoa còn ghi lại trường hợp một đứa trẻ con bị Dạ-xoa ám ảnh, nhờ đọc bài kệ của một vị La-hán mà thoát khỏi sự chi phối của Dạ-xoa (S.i,209)42.

Như vậy, quỷ giới (Pettivisaya) bao gồm cả khổ quỷ, quỷ đói và cả các dạng quỷ thần có năng lực. Theo khảo sát, các loài quỷ tồn tại trong quỷ giới (Pettivisaya), một số qua lại giữa chư Thiên và loài người (Yakkha), một số sống chung với loài người trong nhân dạng (Manussapeta)43.  Số lượng chúng sanh tồn tại trong quỷ giới rất đông, bao gồm nhiều hạng, loại; từ những chúng sanh làm nghề hạ tiện cho đến những bậc đi trên con đường cao quý như Sa-môn, Bà-la-môn. Một số chúng sanh trong quỷ giới đôi khi có những liên hệ với con người, như trường hợp người chồng vừa khuất của cư sĩ Velukantakī, mẹ của Nanda (A.iv,63)44.

Theo kinh Tăng chi, việc cúng tế của người thân thì chúng sanh ở quỷ giới có thể thọ nhận, vì thuộc tương ưng xứ. Ở đây, cần lưu ý rằng, kinh Tăng chi chỉ đề cập đến các loài quỷ nói chung mà không khu biệt chỉ có riêng loài quỷ nào mới được quyền thọ dụng. Cũng bàn về vấn đề này, kinh Mi Tiên vấn đáp (Milinda Pañha) xác định rằng, chỉ có ngạ quỷ Paradattū Pajīvī mới thọ dụng được, nhưng phải do sự hồi hướng từ chư Tăng45.

Xem ra, thân bằng quyến thuộc tái sanh ở quỷ giới có thể thọ dụng được phẩm vật cúng tế từ những người thân. Và người cúng tế không cần phải ưu tư về người thọ dụng, vì Phật dạy rằng, trong cảnh giới ngạ quỷ bao giờ cũng còn người thân46 (anavakāso ya ta hāna vivitta assa iminā dīghena addhunā yadida petehi ñātisālohitehi). Trường hợp ngạ quỷ quyến thuộc của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) phải sống trong quỷ giới suốt chín mươi hai đại kiếp (dvānavutikappā)47, điều đó cho thấy thời gian thọ khổ trong quỷ giới là không cùng.

Cần phải thấy, việc tế tự người thân đã khuất vừa là bổn phận, vừa xuất phát từ lòng thương yêu, nhưng thực chất chỉ đáp ứng phần nào nỗi bức bách đói khổ. Do vậy, việc giúp chúng sanh trong quỷ giới tìm cách thoát khổ, thông qua những giải pháp cứu độ, cũng là một nội dung được Phật giáo chú trọng, quan tâm.

Bàn về phương thức cứu độ ngạ quỷ

Như đã nêu rõ ở đề dẫn, cứu độ ở đây mang nghĩa là chuyển hóa, khích lệ, cứu giúp một phần đau khổ của chúng sanh trong quỷ giới. Giải pháp để thực hiện điều đó chính là hồi hướng công đức.

Hồi hướng công đức, Sanskrit ghi là Pariṇāmana48, Pāli viết là Pattidāna49. Trong một số trường hợp, hồi hướng công đức còn được gọi là Anumodati, tức là tùy hỷ công đức50.

Có nhiều quan điểm về hồi hướng công đức, nhất là việc hồi hướng liên quan đến các loài chúng sanh đang thọ khổ. Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi sẽ khảo sát việc hồi hướng công đức cho người hiến cúng cũng như tha nhân.

1- Hồi hướng công đức cho tín chủ và tha nhân

Việc cúng dường vật dụng đến chư Tăng (dāna)51 tạo ra phước thiện công đức (puñña). Chư Tăng tiếp nhận vật dụng và hồi hướng công đức đến người thí chủ theo sở nguyện của họ. Đây là phép ứng xử đối nhân tiếp vật trong sinh hoạt thiền môn, xưa cũng như nay.

Ngay như Đức Phật, sau khi thọ trai, Ngài cũng hồi hướng công đức cho thí chủ. Kinh ghi:

Khi ăn xong, Ngài ngồi im lặng một lát nhưng không để quá thì giờ nói lời tùy hỷ (công đức). Ngài nói lời tùy hỷ (công đức), không chỉ trích bữa ăn ấy, không mong bữa ăn khác; trái lại, Ngài với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ52.

Việc nói lời tùy hỷ công đức sau khi thọ trai xong cũng là một tiêu chí để xem một vị Tỳ-kheo uế nhiễm hay không uế nhiễm theo kinh Không uế nhiễm53. Từ đây có thể thấy, việc hồi hướng công đức cho thí chủ là thông lệ xuất hiện từ thời Đức Phật; việc thọ dụng cúng phẩm mà không hồi hướng, được xem là cấu uế của hạnh Sa-môn.

Ngoài việc hồi hướng công đức cho người trực tiếp cúng dường (sāhatthika dāna), trong một số trường hợp, người đứng cúng yêu cầu hồi hướng cho đối tượng ở ngôi thứ ba. Đây là một thực tế diễn ra trong sinh hoạt thiền môn ngày nay, và truyền thống này vốn có mặt rất lâu trong kinh điển.

Theo kinh Tăng chi (A.iv,63), trong một cuộc hội kiến đặc thù, nữ cư sĩ Velukantakī, mẹ của Nanda đã thay mặt Tỳ-sa-môn Thiên Vương (Vessavaṇassa) cúng dường bữa ăn sáng cho chúng Tỳ-kheo, ngài Sāriputta và cả Tôn giả Moggallāna với lời thưa rằng: Thưa Tôn giả, mong rằng mọi công đức của buổi cúng dường này sẽ đem lại an lạc cho đại vương Vessavaassa!54 (Yadidaṃ, bhante, dāne puññañca puññamahī55 ca taṃ vessavaṇassa mahārājassa sukhāya hotū.)

 Việc tự mình đứng ra cúng dường và hồi hướng cho tha nhân, mà đây là Tỳ-sa-môn Thiên Vương (Vessavaṇassa), được xem là một trong những cơ sở nền tảng để hình thành triết lý hồi hướng công đức cứu độ ngạ quỷ.

cung te 1.jpg

2- Hồi hướng công đức và thực chất việc cứu độ ngạ quỷ

Đã từng có quan điểm cho rằng không thể hồi hướng công đức nhằm cứu độ kẻ khác. Bởi lẽ, nghiệp do ai gây ra thì người đó phải nhận lấy kết quả. Đó cũng là lời khẳng định của Đức Phật trong kinh Tập (Sn. 112): Cha không cứu được con/ Hay bà con cứu nhau56 (Na pitā tāyate puttaṃ, ñātī vā pana ñātake).

Với Phật giáo, một trong những cơ sở đạo đức khởi nguồn từ lý thuyết nhân quả nghiệp báo. Không ai có thể đứng trên và làm thay đổi được quy luật nhân quả. Tạo nhân ngạ quỷ tất phải có ngày sống trong quỷ giới, đó là quy luật không thay đổi và không ai có thể thay thế, dù thân thiết như cha con.

Tuy nhiên, lý thuyết nhân quả của Phật giáo không thể hiểu một cách cứng nhắc, thô mộc. Vì lẽ, đi từ nhân đến quả là cả một quá trình dài với sự tham gia của vô số nhân duyên. Chỉ khảo sát riêng 24 duyên hệ trong Thanh tịnh đạo57, cũng phần nào thấy được tính phức tạp của lý thuyết này. Nỗ lực tạo ra nhiều duyên tốt, có thể góp phần thay đổi sự tiêu cực của kết quả ở hiện tại và ngay cả tương lai.

Từ những lẽ đó cho thấy rằng, vì hương linh đang bị đọa trong loài ngạ quỷ tích tập công đức (A.iv, 239)58, sau đó hồi hướng công đức cho ngạ quỷ quyến thuộc, cũng là một trong những phương cách cứu độ khả thi. Sự kiện Tôn giả Revata thay mặt nữ ngạ quỷ mẹ của Uttara cúng dường nước, vật thực và y phục đến chư Tăng bằng khả năng của mình, là sự kiện gắn liền với thực tế. Vì nước thì Tôn giả có thể tự lấy, thức ăn thì đi xin, và y phục thì nhặt nhạnh y phấn tảo, giặt sạch và khâu vá lại. Từ nỗ lực của Tôn giả, và sự hồi hướng công đức của chư Tăng, nữ quỷ mẹ của Uttara đã thoát khỏi khổ cảnh59. Đó cũng là trường hợp của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) vì ngạ quỷ quyến thuộc làm các công đức để hồi hướng cứu độ, và nhân đó Đức Phật đã thuyết kinh Ngoài bức tường(Tirokuḍḍasuttam)60. Hai trường hợp này là những minh chứng sống động về việc cứu độ ngạ quỷ bằng lý thuyết hồi hướng công đức theo kinh Tăng chi (A.iv,63).

Trên một phương diện khác, trong quá trình người thân vì ngạ quỷ quyến thuộc phát tâm bố thí và làm các thiện sự, là điều kiện thuận lợi để khổ quỷ khởi sinh một niệm tùy hỷ trong tâm, nếu như cả hai nối kết được truyền thông. Ở đây, sự thấu cảm giữa dương gian và quỷ giới là sự thật được ghi nhận ở kinh Ước nguyện61, và cả kinhTăng chi (A.iv,63). Đó cũng là sự kiện nữ cư sĩ Velukantakī, mẹ của Nanda đã gặp gỡ người chồng vừa khuất62. Nhờ sự nối kết này, mặc dù ngạ quỷ không có khả năng thực hiện các thiện sự, nhưng khởi tâm tùy hỷ với công đức mà người thân đã làm, thì khổ cảnh phần nào vơi đi. Đây là sự thật được bảo chứng bởi hai nguồn kinh điển từ Hán tạng cho đến Nikāya63.

Khảo sát kinh tạng liên quan đến ngạ quỷ cho thấy, sau những nỗ lực nêu trên của người thân, thì ngạ quỷ thân quyến tạm thời thoát ly những nỗi khổ vốn có và thọ hưởng một phần phúc lạc của Thiên giới. Đây dường như cũng là giới hạn của sự cứu độ khổ quỷ. Nói cách khác, tạo công đức nhằm hồi hướng cứu độ ngạ quỷ quyến thuộc chỉ là phương cách biểu đạt tình người, trong hữu hạn nhất thời, mà chưa phải là giải pháp mang tính tháo gỡ tận căn cơ.

Kết luận

Người không giữ trọn vẹn năm giới, sau khi chết phần lớn phải tái sanh vào ba khổ cảnh là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Từ lời dạy của Đức Phật và thực tế nghiệp cảm của chúng sanh, đã cho thấy rằng, sau khi mất thân người, phần lớn chúng sanh có khả năng đọa vào quỷ giới (pettivisaya). Với chúng sanh trong sáu cõi, chỉ riêng loài ngạ quỷ mới có thể thọ nhận cúng phẩm từ sự tế tự của người thân.

Do vậy, cúng tế cho người đã khuất không những là bổn phận của người đệ tử Phật lý tưởng, là biểu hiện của lòng tri ân, báo ân, mà còn là phương cách thể hiện lòng thương yêu đối với chúng sanh đang khổ đau trong quỷ giới. Phẩm vật có thể linh động, tùy theo phước duyên của người tế tự, nhưng trên hết là phải trong sạch, không được sát sanh cũng như không chứa đựng sự đau khổ của chúng sanh.

Muốn cứu độ chúng sanh trong quỷ giới thì phải tạo nhiều công đức lành như giữ giới, hành thiền, bố thí… và hồi hướng cho chúng, là những giải pháp có cơ sở từ kinh điển. Cứu độ chỉ mang nghĩa làm vơi khổ, đưa đến an lạc nhất thời, là tiền đề để khổ quỷ khởi phát thiện tâm. Trong tương quan nhân quả, không ai có thể đưa khổ quỷ ngay tức thời thoát khỏi quỷ giới. Tín niệm phá ngục cứu loài khổ quỷ nghe có vẻ gần giống với triết lý cứu độ của Phật giáo, nhưng thực tế mang nhiều dấu ấn của tín lý Veda và tín ngưỡng dân gian Trung Hoa.

Có thể nói, thực nghĩa của tế tự là cung cấp vật thực trong sự sùng kính (dakkhiā), với niềm tin (saddhāya), cùng với sự cẩn thận, chu đáo (sakkacca), vào thời gian phù hợp (kālena), gắn với lòng tử tế, thương yêu (anuggahitacitto), và không gây tổn thương bản thân cũng như đối tượng thọ dụng (attānañca parañca anupahacca dāna) (A.iii,172)64.

 Phật dạy: Có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ65. Đói khổ trong loài ngạ quỷ là những lậu hoặc có thể được đoạn trừ bởi tế tự. Tế tự đúng pháp, ngoài việc giúp loài ngạ quỷ giảm thiểu phiền não, khổ đau, còn nuôi dưỡng lòng thương yêu cũng như tăng trưởng phẩm hạnh của con người.

 Chúc Phú

______________________

(1) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 25.

(2) Toàn bộ trích dẫn Pāli trong bài đều sử dụng từ nguồn: http://www.tipitaka.org/

(3) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr. 411.

(4) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 647.

(5) 大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第八,眾集經第五.

(6) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 402.

(7) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 267.

(8) Arthur Berriedale Keith. The religion and phylosophy of the Veda and Upanishads. Vol 2. London: Humphrey Milford. 1925. p.454-468.

(9) Monier-Williams, M. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p.839.

(10) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.115.

(11) Kinh Tiểu bộ, tập 4. HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.309.

(12) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.144-146.

(13) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.382-383.

(14) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.136.

(15) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.661.

(16) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.106.

(17) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.69.

(18) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.509.

(19) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.719-720.

(20) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.500-501.

(21) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.811.

(22) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.608.

(23) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.498.

(24) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.509.

(25) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.830.

(26) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.720.

(27) The Pāli Text Society’s Pāli-English Dictionary. Rhys Davids T.W – Stede William (Ed). Part V (P-Ph). London: Published by he Pāli Text Society. 1952. p. 94.

(28) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.361.

(29) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.599-606

(30) Kinh đã dẫn, tr.600.

(31) The Pāli Text Society’s Pāli-English Dictionary. Rhys Davids T.W – Stede William (Ed). Part VII (Y-Vibh). London: Published by he Pāli Text Society. 1952. p.3

(32) Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper NamesVol 2. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p. 675. Cf:in fact, some of the happier Petas are called Yakkhas.

(33) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.289. Mười vị La-sát nữ trong kinh Pháp hoa cũng có chức năng tương tự như vị Dạ-xoa này. Xem, 大正藏第 09 冊 No. 0262 妙法蓮華經, 卷第七,陀羅尼品第二十六.

(34) Kinh Tiểu bộ, tập 4, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.572.

(35) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.313-315.

(36) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.124-125.

(37) Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.367-370.

(38) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.328-332.

(39) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.318-320

(40) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.150-152.

(41) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.477.

(42) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.321.

(43) The Pāli Text Society’s Pāli-English Dictionary. Rhys Davids T.W – Stede William (Ed). Part V (P-Ph). London: Published by he Pāli Text Society. 1952. p. 94. Cf: manussapeta a ghost in human form.

(44) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.498.

(45) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.223.

(46) Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT.Giới Nghiêm dịch, NXB. Tôn Giáo, 2003, tr.733-734.

(47) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.720. Nguyên văn: Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống đã chết, không sanh vào chỗ ấy, và các bà con huyết thống khác cũng không sanh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy? – Không có trường hợp ấy, không có cơ hội ấy, này Bà-la-môn, rằng chỗ ấy có thể trống không trong một thời gian dài, không có người bà con huyết thống đã chết.

(48) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.30.

(49) Monier-Williams, M. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. P.594.

(50) A.P. Buddhadatta Mahāthera, Consice Pāli-English Dictionary. University of Ceylon, 1949, p. 180. Cf: transference of merit.

(51) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.51. Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.166.

(52) The Pāli Text Society’s Pāli-English Dictionary. Rhys Davids T.W – Stede William (Ed). Part IV (Cit-No). London: Published by he Pāli Text Society. 1952. p.153.

(53) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.166. Xem thêm, Tiểu kinh Saccaka.

(54) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.51-52.

(55) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.223.

(56) Theo Sớ giải (Ṭīkā), gọi là công đức địa, đôi khi cũng dịch là quả phước vẻ vang.

(57) Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.455.

(58) Bhadanta Cariya Buddhaghosa, Thanh tịnh đạo, Tập 2, TN.Trí Hải dịch, NXB.Tôn Giáo, 2001, tr.895.

(59) Có ba việc tạo ra công đức: bố thì, trì giới và thiền định. Xem, kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.356.  Xem thêm ba pháp ở kinh Phúng tụng, thuộc Trường bộ.

(60) Kinh Tiểu bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.99-101.

(61) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.32-34.

(62) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.57-58.

(64) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.223

(63) Xem, Thích Chúc Phú, Kinh Tứ thập nhị chương – đối chiếu và nhận định, NXB.Tôn Giáo, 2014, tr.87.

(64) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.761.

(65) Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.25.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB