Tìm lại sự tử tế trong kinh doanh

27

Chuyện rau Trung Quốc được “phù phép” thành rau VietGAP vào hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh và có thể nhiều siêu thị khác (?) đang gây chấn động dư luận những ngày gần đây.

Sự cố bất thường hay bình thường?

Sự cố này được cho là “bình thường” vì với giá khá rẻ, thậm chí chỉ bằng một nửa so với hàng Việt cùng chủng loại, nguồn cung lại dồi dào, nhiều mặt hàng nông sản Trung Quốc được các nhà cung cấp cho thay tên đổi họ, “hô biến” thành nông sản Việt đã diễn ra từ lâu mà chúng ta không biết hay “giả vờ” không biết (!).

Báo chí, tiên phong là báo Tuổi Trẻ, các phóng viên đã dành thời gian quan sát chuỗi cung ứng từ những chợ đầu mối mà riêng chợ Thủ Đức, theo báo cáo có trên 500 tấn nông sản Trung Quốc nhập vào mỗi ngày. Và họ thấy công nhân thay nhãn mác trong các phân xưởng “đặc biệt” để cho ra hàng loạt rau củ quả, nấm các loại với bao bì in dòng chữ “Tươi ngon từ nông trại đến bàn ăn” và có logo thể hiện đạt chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).

Cũng theo các phóng viên, việc mua giấy phép VietGAP cũng dễ như “mua rau” (!). Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã thâm nhập thực tế trong vai người đi xin giấy phép đến gặp công ty tư vấn – một công ty nằm ở quận Tân Bình, và được hướng dẫn “chỉ cần nộp hồ sơ gồm giấy phép kinh doanh, số liệu về quy mô vườn rau củ và gửi tới văn phòng này mẫu đất, nước, cây rau củ để thử nghiệm là có thể được cấp giấy chứng nhận VietGAP. “Thủ tục đơn giản, giấy chứng nhận nhanh, không qua đào tạo”.

Và giấy phép được cấp với phí tổng cộng 25 triệu đồng, gồm 20 triệu đồng giấy chứng nhận, 2 triệu đồng phí thử nghiệm đất, nước và 3 triệu đồng phí thử nghiệm hai mẫu rau củ. Người xin chỉ cần gửi giấy phép kinh doanh và khai thông tin, còn lại kể cả mẫu để thử nghiệm công ty cũng lo cho. Nhân viên tư vấn cũng cho biết khi được cấp giấy chứng nhận VietGAP rồi cứ yên tâm đưa hàng vào bán trong siêu thị, vì siêu thị không kiểm lại, chỉ khi lô rau củ xuất đi nước ngoài mới bị kiểm lại. Giấy chứng nhận VietGAP có giá trị ba năm kể từ ngày cấp.

Những người có trách nhiệm nói gì?

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản tuyên bố hùng hồn ra quyết định kiểm tra, Cục Quản lý thị trường TP.HCM lập tức vào cuộc. Chúng ta tự hỏi họ đã ở đâu trong suốt những năm tháng dài mà theo chỗ chúng tôi biết, từ những năm 2015 hàng loạt bài báo về tình trạng thiếu nông sản sạch đã gióng lên tiếng nói của người dân.

Một khảo sát về hành vi mua sắm với đối tượng phụ nữ, làm công việc văn phòng, người quyết định việc mua sắm trong gia đình cho thấy thời điểm hiện nay, mọi người đều rất lo lắng về vấn đề sức khỏe nhưng có đến 80% người được hỏi trả lời không biết về nguồn gốc rau, quả đang mua. Khảo sát cũng cho thấy, nơi họ thường xuyên mua rau, quả nhiều nhất là chợ truyền thống, chợ cóc, vỉa hè (gần 47%), siêu thị (40%), cửa hàng tiện lợi (9%), các nguồn khác như: tự trồng, ở quê gửi lên hoặc cửa hàng chuyên rau, quả rất ít người chọn. Nguyên nhân được trả lời là do yếu tố “tiện lợi” (70%), “chất lượng” bị xếp sau rất xa.

Chị Lê Thị Tường Lam (Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM) thực hiện đề tài luận văn cao học về “Hành vi mua rau hữu cơ của người tiêu dùng Việt Nam” cũng ghi nhận một thực tế là nhiều gia đình mua rau, quả hữu cơ (không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng), nhưng chỉ dành cho trẻ em, còn người lớn vẫn mua hàng thường về ăn vì hàng hữu cơ giá quá cao (đắt gấp 3-4 lần), nghĩa là người lớn phải chấp nhận “sống chung với chất bảo quản”.

Việc này cần sự chung tay đồng lòng của nhiều cơ quan chức năng, cho đến thương lái vì người làm vườn trồng trọt trước giờ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và đã bị thương lái làm “biến chất” thông qua việc hướng dẫn sử dụng thuốc để làm cho rau, quả có hình thức đẹp, bất chấp an toàn. Ngay giữa mùa bơ, sầu riêng, mít, nhưng muốn tìm trái già trên cây rất khó vì chúng đã được hái non, sau đó xử lý hóa chất. Có người tâm sự “Khi tôi đặt vấn đề với chủ vườn ký hợp đồng thu mua mùa sau và đưa ra các yêu cầu về thu hoạch để chín tự nhiên nhưng bị từ chối do cách gom một lần của thương lái hiện nay tiện hơn”.

Có những băn khoăn về hàng trăm ngàn tấn thuốc bảo quản các loại nhập hàng năm với sự cho phép của các cấp thẩm quyền đi về đâu nếu không phải vào vườn hay ra đồng ruộng? Vậy ai quản lý và quản lý như thế nào? Còn hàng rau quả Trung Quốc nhập hàng ngày có ai lấy mẫu kiểm nghiệm hay chặn lại khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu không? Chúng ta đã có bài học nông sản xuất khẩu, mì gói xuất khẩu bị trả về vì dư lượng thuốc nhưng trong nước thì sức khỏe người dân trở thành một lãnh vực bỏ ngỏ, không rào giậu ngăn phên nên có nhiều bác sĩ gặp chúng tôi than phiền ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư, và tuổi đời ngày càng trẻ!

Trách nhiệm doanh nghiệp

Chúng ta biết một doanh nghiệp có ba loại trách nhiệm: đạo đức, xã hội và pháp lý.

Những doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ bị pháp luật sờ gáy và xử lý nhưng cao hơn là trách nhiệm với xã hội khi gây tai họa cho cộng đồng chỉ vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe và sự tồn vong của người khác. Và sau cùng trách nhiệm về mặt đạo đức.

Chúng ta hiểu làm kinh doanh, ai cũng mong muốn có nhiều lợi nhuận, cũng là tự đặt mình vào những thách thức lớn. Đặc biệt trong xã hội đầy tính cạnh tranh ngày nay, người làm kinh doanh càng cần phải biết giữ một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, nghĩa là làm giàu mà không hổ thẹn với lương tâm. Hàng ngày, chúng ta vẫn nghe nhiều thông tin nhan nhản về hàng giả, hàng nhái, về thuốc trừ sâu trong rau củ, về chất tăng trọng trong thịt động vật, về chất lượng cầu đường kém,… làm thành một vòng tròn khép kín vì chúng ta phải ăn, phải sống, phải hít thở trong môi trường đó.

Cái nhìn của người Phật tử

Phật dạy ta giữ tâm trong sáng nghĩa là chúng ta phải trung thực với sản phẩm mình làm ra và bán, bán cái mà mình và gia đình mình cũng dùng được chứ không phải như một số người chia ra “rau nào ra chợ, rau nào cho nhà mình ăn”, giữ vững chất lượng hàng hóa để tạo chữ tín.

Ở nước ngoài có những doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm bằng uy tín. Có như vậy, chúng ta mới tạo nên thương hiệu vững bền. Hãy nhớ nguyên tắc tự lợi và lợi tha. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh, chúng ta cùng sống với một cộng đồng nên phải giữ sự tương dung, tương tức và kết nối truyền thông.

Theo kinh tế hiện đại, cái lợi của mình cũng là cái lợi của người theo nguyên tắc win-win. Mục đích cuối cùng của việc kinh doanh là tạo ra lợi nhuận vật chất phục vụ cho cuộc sống con người và mục tiêu sau cùng là hạnh phúc cá nhân trong hạnh phúc chung của cộng đồng. Có những doanh nhân kiếm được rất nhiều tiền, nhưng lại rất cô đơn vì họ đánh đổi hạnh phúc và thời gian cho công việc, những mưu tính…

Tiền mua được nhà cao cửa rộng nhưng không mua được tổ ấm, mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe. Dấn thân vào kinh doanh, chúng ta trôi theo những thăng trầm của thị trường, và có lúc nào đó chợt nhận ra tính vô thường của nó. Chiêm nghiệm về vô thường sẽ giúp con người bình tĩnh hơn, không suy sụp khi thất bại và tự mãn khi thành công, có động lực để vươn lên mỗi khi thất bại, và biết tiết chế ham muốn bản thân để kiến tạo cuộc sống hiện tại.

Cuối cùng phải nhớ đến lý nhân quả. Một khi doanh nghiệp bất chấp đạo lý sẽ gặp phải tai họa ngay khi bị phát hiện, mất uy tín, bị tẩy chay, phá sản, và còn nhiều hệ lụy khác.

Nếp sống được khuyến khích trong đạo Phật là thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ. Nghĩa là mỗi người phải biết thực hành giáo pháp để bỏ bớt lòng tham, từ bỏ ham muốn không cần thiết, một khi đã cố gắng tối đa trong công việc của mình thì nên bằng lòng với kết quả đạt được. Đừng muốn vượt hơn khả năng mình, rồi phải buồn khổ, thất vọng, hay ganh tức, đố kỵ, hãm hại người để tiến thân, chiếm lợi cho mình.

Sống thiểu dục tri túc, tinh thần chúng ta được thảnh thơi, an vui, sáng mắt, sáng lòng, dễ thấy được sự thật của cuộc sống. Nếu có đủ tài năng thì nỗ lực phát triển tri thức càng cao càng tốt, nếu có khả năng kinh doanh thì mạnh dạn làm giàu chính đáng, nếu có tâm giúp người thì dang tay nâng đỡ người kém may mắn.

Tấm gương của người Nhật: Thành công bằng sự tử tế

Năm 1982, đạo diễn Trần Văn Thủy làm phim “Chuyện tử tế” gây xôn xao trong dư luận hồi ấy, nhưng ông chỉ muốn gửi tới một thông điệp “Chúng ta hãy làm cẩn thận từ những việc nhỏ bé nhất và tử tế không phải chuyện tiền bạc muốn có là có ngay. Người ta phải được học hành, dạy dỗ, tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu của cuộc đời. Tử tế trong mỗi con người, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó thì một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”. Ông đã muốn người Việt hãy là những con người tử tế, nghĩa là suy nghĩ và và hành động phù hợp với lẽ phải.

Người Nhật là tấm gương cho chúng ta học tập và noi theo về “chuyện tử tế”, chúng ta thấy những cửa hàng rất lạ của họ ở Tokyo và cả những thành phố khác.

Những cửa hàng không người bán là những kiểu mô hình có tên là 無人販売所, với những đặc điểm:

– Diện tích các gian hàng tương đối nhỏ, thường nằm cạnh các trang trại trên đường cao tốc

– Mặt hàng được bày bán chủ yếu là các loại nông phẩm tươi được người dân lấy trực tiếp từ trang trại của mình với giá bán bình dân, rẻ hơn rất nhiều so với giá trong siêu thị, dao động trong khoảng 100 đến 200 yên. Ngoài ra, còn có một số cửa hàng bán đồ uống, nước ngọt giải khát.

– Mỗi buổi sáng chủ cửa hàng chỉ cần sắp xếp các món hàng lên kệ kèm theo bảng giá ghi sẵn. Người đến mua hàng chỉ cần việc lấy món hàng đó và bỏ tiền vào nơi mà người chủ đã quy định, thông thường họ sẽ đặt một cái lon hay cái thùng cạnh những sản phẩm được bày bán.

– Người chủ có thể lao động ở nhiều nơi mà không cần bận tâm về gian hàng của mình. Đến chiều họ chỉ cần quay lại dọn dẹp và nhận lấy số tiền đã thu được từ việc bán hàng.

– Điều đặc biệt là chủ của những cửa hàng này luôn nhận lại đủ số tiền tương đương với các món hàng được bán ra và không bị trộm mất bất kỳ thứ gì.

Cũng chính vì điều này mà cuộc sống tử tế ở Nhật được người nước ngoài rất ngưỡng mộ trở thành đề tài của nhiều câu chuyện ý nghĩa về bài học đạo đức mà không phải quốc gia nào cũng có thể xây dựng được. Trong tác phẩm Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, Inamori Kazuo viết: “Ngay cả trong buôn bán cũng vậy, nếu chỉ nghĩ đến riêng mình thu lợi thì thành công cũng không kéo dài được lâu. Phải làm sao mà những người liên quan đến việc mua bán đều hài lòng, người bán cũng vui mà người mua cũng mừng, không để chỉ một bên lợi, một bên thiệt như trò zero-sum”.

Nói cách khác, họ chủ trương: Giao dịch một cách công bằng, chính trực; Định giá bán sản phẩm và dịch vụ hợp lý, không tùy tiện tăng giá, không tăng giá một cách phi lý; Phục vụ chu đáo, cung ứng sản phẩm có chất lượng cao; Đối đãi, tôn trọng khách hàng như đối tác bình đẳng của tổ chức kinh tế cung ứng sản phẩm và dịch vụ; Chân thật trong cả giao tiếp và hành động; Duy trì tính liêm khiết cá thể; Trung thành trong khuôn khổ các nguyên tắc đạo đức cổ truyền; Thể hiện lòng từ bi và sự quan tâm thật sự đến hạnh phúc của những người khác…

Hãy xây dựng lại sự tử tế, thứ mà chúng ta đã từng có trước đây một thời gian, nhưng bị phôi phai theo cơn lốc của cái gọi là chủ nghĩa thực dụng, chỉ chăm chăm lợi nhuận chảy vào túi mình, chủ doanh nghiệp bất chấp mọi thủ đoạn.

Nếu không bắt đầu như thế thì nền kinh tế sẽ đứng trên một nền tảng văn hóa đạo đức lỏng lẻo và nguy cơ sụp đổ không xa nếu chúng ta cứ làm ăn gian dối, để đến một ngày niềm tin của người tiêu dùng hay toàn dân sẽ biến mất.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB