Đức hạnh hay công danh và tiền bạc cao hơn?

567

(QCB) – Có quan niệm rằng người có danh phận, giàu sang là do phước và cúng dường, hộ trì người có phước thì được phước nhiều hơn? Có thể là như vậy nhưng cũng có thể không như vậy.

Ảnh minh họa: Làng Mai

Bởi giữa công danh, tiền bạc, tài năng, phước báo, đức hạnh có khi liên quan với nhau, làm nhân quả cho nhau nhưng cũng có khi chỉ liên quan rời rạc hoặc không liên quan gì với nhau. Vì thế, Đức Phật đã xác định nhân quả là phạm trù mà không thể hiểu trọn vẹn đối với người phàm.

Thật ra, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì chúng ta không thể nào biết được người đó có phước hay không, phước nhiều hay ít, như dân gian thường nói “thấy đỏ chưa hẳn là chín”, “thấy lấp lánh chưa chắc là vàng”. Có phải giàu là do phước và ngược lại nghèo do vô phước? Không hẳn là vậy! Có phước thì được giàu nhưng không phải cái giàu nào cũng do phước. Có cái giàu do phước đã tạo từ quá khứ, có cái giàu do tài năng nhưng cũng có cái giàu do lừa gạt, làm ăn bất chính. Nếu nói giàu nào cũng do phước thì những người giàu do tham ô, buôn gian bán lận cũng là phước sao? Nếu là phước thì tại sao sau đó họ lại bị bắt, bị ngồi tù?

Nếu giàu không hẳn là do phước nhưng nghèo thì chắc chắn là do thiếu phước rồi? Cũng không hẳn là vậy! Người thiếu phước, phước ít thì không thể giàu, như người xưa đã nói “tiểu phú do cần, đại phú do phước”. Có một số vị quan chức thì rất giàu nhưng cũng có những vị không giàu như thế. Cho nên giàu hay không còn do cách sống của người đó nữa. Nhiều người có khả năng kiếm được nhiều tiền nhưng người ta không thèm kiếm vì họ chỉ thích cuộc sống an yên. Cái giàu của những người như thế là giàu về tinh thần.

Ngay cả cái gọi là tài năng và mối liên hệ giữa tài năng và thành công, giàu có cũng có năm bảy kiểu khác nhau. Có người dùng tài năng của mình để kiếm tiền nhưng cũng có người dùng tài năng của mình để cống hiến, giúp đỡ người khác một cách vô tư, không điều kiện. Ví như những bác sĩ hay thầy giáo đều là người có trình độ, tài năng nhưng họ tình nguyện đi lên miền núi, vùng sâu vùng xa để giúp đỡ đồng bào thì làm sao mà giàu được!

Gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác có lẽ cũng là một loại tài năng, vì không tài thì không thể nghĩ ra những chiêu trò để qua mặt được người khác, nhưng đó là cái tài đáng khinh chứ không phải cái tài đáng trọng. Cho nên có phước hay thiếu phước không thể nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá được. Có người hôm nay có vẻ rất “có phước” nhưng hôm sau lại bị bắt giam hoặc mất trắng cơ nghiệp chẳng còn gì.

Trong lĩnh vực tôn giáo cũng như vậy. Không phải thấy vị nào làm chức lớn, có chùa to, nhiều tiền, nhiều tín đồ là có phước. Ngược lại những vị không có công danh, tài sản thì cho là kém phước. Đức Phật là người có phước báo vô lượng nhưng mà Ngài có công danh, có tài sản nào đâu? Người chỉ lo tu thôi, tránh duyên thanh tịnh thì làm sao có tiền tài và danh phận được, nhưng không phải là họ không có phước.

Đức Phật dạy rằng: “Cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người giữ Ngũ giới ăn. Cho một vạn người giữ Ngũ giới ăn không bằng cúng dường một vị Tu-đà-hoàn. Cúng dường một trăm vạn vị Tu-đà-hoàn không bằng cúng dường một vị Tư-đà-hàm. Cúng dường một ngàn vạn vị Tư-đà-hàm không bằng cúng dường một vị A-na-hàm. Cúng dường một ức vị A-na-hàm không bằng cúng dường một vị A-la-hán…”.

Ta thấy Đức Phật không hề nói cúng dường cho người có phước thì được phước mà Ngài xác quyết rằng cúng dường cho người thiện, người lành, người biết tu và người chứng đạo mới được phước. Mà người thiện, người lành, người biết tu và người chứng đạo tức là những người có phẩm hạnh, đạo đức và làm lợi ích cho người khác. Chúng ta đừng thấy người thiện, người giữ năm giới hay các bậc chân tu chứng Thánh không trực tiếp làm lợi ích cho ai theo kiểu làm từ thiện, bố thí vật chất mà cho rằng họ không có phước. Bản thân việc không làm ác đã là một hành vi bố thí, giúp đời rất lớn rồi. Nếu xã hội mà ai ai cũng không làm ác thì xã hội đó sẽ không có tệ nạn, tốt đẹp biết bao.

Đơn cử như giới không sát sinh chẳng hạn. Ta không cần phải phóng sinh nhưng chỉ cần không sát sinh thôi thì cũng đã đem đến sự an ổn, an lạc, an vui cho muôn loài rồi. Còn việc phóng sinh chưa chắc đã được như vậy, có khi tác hại và hệ lụy còn nhiều hơn. Việc bắt rồi thả, thả rồi bắt… làm cho môi trường sinh thái không lúc nào được yên. Bao nhiêu tệ nạn, biến tướng cũng từ đó mà phát sinh.

Cho nên việc giữ giới không sát sinh coi có vẻ như không làm gì cả mà thật sự đã làm rất nhiều, nhìn như không có phước mà phước đức lại tròn đầy. Ngoài ra, người không sát sinh hay những người giữ giới nói chung, tâm tư lúc nào cũng hiền lành, trong sáng khiến cho người xung quanh luôn cảm thấy bình yên. Chúng ta chỉ giữ giới thôi mà còn được phước như thế thì các bậc Thánh chứng đạo phước đức sẽ sung mãn biết dường nào.

Nếu cho rằng cúng dường người có phước thì được phước nhiều sao Đức Phật không dạy hàng Phật tử cúng dường cho cư sĩ Cấp Cô Độc mà lại dạy Phật tử cúng dường cho chư Tăng? Chư Tăng là những người không có tài sản gì cả, có thể nói là rất nghèo nhưng Đức Phật lại hết lời ca ngợi và còn nói rằng chính họ mới là phước điền vô thượng: “Chúng đệ tử Như Lai là bậc phạm hạnh, bậc diệu hạnh, bậc trực hạnh, bậc ứng lý hạnh, bậc chánh hạnh, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chắp tay, đáng được cúng dường, là vô thượng phước điền ở đời”. Rõ ràng không phải cung kính, cúng dường người có phước thì được phước mà là cung kính, cúng dường người giữ giới thanh tịnh, có trí tuệ sáng suốt và làm lợi ích chúng sinh thì mới có phước vậy.

Điều quan trọng mà chúng ta nên biết rằng, trong Phật pháp và cả ở thế gian, phước báo không phải là điều quan trọng nhất, quý giá nhất và đáng kính nhất. Điều mà tất cả mọi người đều kính trọng là đức chứ không phải phước. Một người giàu sang, danh phận có thể được rất nhiều người vây quanh, nhưng họ vây quanh để tìm kiếm lợi ích chứ không phải vì kính trọng. Thậm chí bề ngoài họ tâng bốc nhưng trong lòng có khi còn khinh khi và nói xấu sau lưng. Và khi lợi ích không còn nữa thì họ liền bỏ đi. Cho nên mới có chuyện “Còn tiền còn bạc còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”.

Nhưng người có đức thì lại khác. Những người vây quanh người có đức không phải để tìm kiếm quyền lợi mà là do lòng kính ngưỡng. Họ đến để học hỏi và mặc dù người có đức có thể rất nghèo, không danh phận nhưng trong thâm tâm họ luôn luôn kính trọng, dù là ở trước mặt hay sau lưng. Người có đức không chỉ được bạn bè thân hữu kính trọng mà ngay cả kẻ thù, nếu có, cũng phải kính trọng cái nhân cách và đức độ của họ. Ngay cả quỷ thần cũng phải nể nang, kính sợ người có đức, “đức trọng quỷ thần kinh”.

Có một sự thật đáng buồn là ngày nay một số người không còn coi trọng đức độ cũng như kính trọng người có đức như ngày xưa. Vật chất càng phát triển thì lòng tham, dục vọng của con người càng lớn. Người ta mê đắm, say sưa vào vật chất và lấy nó làm thước do giá trị con người với nhau. Trong xã hội, người giàu, người có quyền thì được đề cao, được tuyên dương. Quyền lợi lấn át cả đạo đức, nhân nghĩa, tình người, và tình thân. Vì “có tiền là có tất cả”. “Lúc nghèo thì chẳng ai nhìn/ Đến khi đỗ trạng trăm nghìn nhân duyên”. “Vai mang túi bạc kè kè/ Nói quấy, nói quá người nghe rần rần”. Vật chất nó đem lại cho con người nhiều lợi ích đến nỗi mà ngay cả một số người tu cũng bị lệ thuộc. Một số trường hợp tiếng nói của người nhiều tiền có sức nặng hơn tiếng nói của người có giới hạnh. Đây thật sự là dấu hiệu không tốt trong đạo pháp vậy.

Có người nói xã hội giàu lên thì tốt chứ có gì xấu mà phàn nàn? Thì đúng là tốt nhưng không phải là không có cái xấu kèm theo. Điển hình là xã hội giàu lên, con người hưởng thụ nhiều nhưng họ thực sự có hạnh phúc chưa hay còn đau khổ nhiều hơn? Rồi sự khai thác quá mức của con người làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. Những điều này gây ra biết bao thiên tai nhân họa. Nói một cách không quá đáng rằng, con người càng hưởng thụ vật chất nhiều thì càng tự tiêu diệt mình nhanh hơn mà thôi.

Trên đời này hễ người ta trọng cái gì thì cái đó trở nên quan trọng, được đề cao và thống trị xã hội. Nếu người ta trọng đồng tiền thì đồng tiền sẽ thống trị xã hội. Nếu người ta trọng đức hạnh thì đức hạnh sẽ thống trị xã hội. Cho nên chúng ta cần tôn trọng đức hạnh hơn công danh, tiền bạc để cho đức hạnh ngày càng được đề cao trong xã hội.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB