Tiểu sử cố Hòa Thượng THÍCH TỪ Ý (1919 – 1990)
Hòa thượng pháp húy thượng Tâm hạ Niệm, tự Từ Ý, hiệu Chơn Thiện, nối pháp đời 43 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Liễu Quán, thế danh Trần Văn Chí, sinh ngày 21 tháng 01 năm 1920 (tháng chạp năm Kỷ Mùi – 1919) tại xã Trà Tây, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Thân sinh là cụ ông Trần Văn Thi pháp danh Thanh Y và thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Thời pháp danh Tịnh Vận.
Sớm kết duyên cùng Tam Bảo, mười sáu tuổi Bính Tý (1936), Ngài theo học Phật pháp với Thượng tọa Thích Như Đào – tọa chủ chùa Tế Nam, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Năm Canh Dần (1950), Ngài đến đảnh lễ xin xuất gia với Hòa thượng Tăng cang Thích Tôn Thắng tại chùa Phổ Thiên (nay là chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng). Trong quá trình tu học tại đây, Ngài được Đức Tăng cang hết lòng thương mến, ban cho pháp danh Tâm Niệm.
Năm Giáp Ngọ (1954), rời Đà Nẵng, Ngài về Tam Kỳ tu học tại chùa Tịnh Độ, kế đến trú tại chùa Minh Hương do hội người Hoa tại Tam Kỳ sáng lập. Hai năm sau, Bính Thân (1956), Ngài đến xây dựng cơ sở chi hội Phật học Tam Kỳ (tức là Hội quán Phật học Tam Kỳ, ngày nay là chùa Hòa An).
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài được Đức Tăng cang cho thọ giới Sa Di và ban cho pháp tự là Từ Ý. Mùa hạ năm Canh Tý (1960), Đức Tăng cang lại tiếp tục cho Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Ấn Quang, Sài Gòn, do Hòa thượng Thiện Hòa làm Đàn đầu. Sau khi đắc giới, Ngài trở về Tam Kỳ phụng hành Phật pháp, tu bổ và phát triển chùa Hòa An thành cơ sở của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Tín và được Viện Hóa Đạo bổ nhiệm làm trụ trì. Từ đây, Ngài khởi đầu cho sự nghiệp hoằng hóa rộng lớn sau này.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, Hòa thượng đã đem hết tâm lực, trí lực và sức lực phục vụ cho Giáo Hội. Năm 1960, Ngài đảm trách sứ mệnh phát triển chi hội Phật học Tam Kỳ, đã tạo tiền đề cho quá trình lớn mạnh của Phật giáo huyện Tam Kỳ và các huyện lân cận sau này.
Năm Đinh Tỵ (1977), nhận lãnh chức vụ Chánh đại diện Phật giáo huyện Tam Kỳ. Ngoài ra, Ngài thường âm thầm thực thi những Phật sự trọng yếu khác vào những thời điểm khó khăn và cần cấp như: dự phần tổ chức Đại giới đàn tại chùa Long Tuyền, Hội An (1984), mở Phương trượng Giới đàn truyền giới Sa Di tại chùa Hòa An (1988) v.v… Tất cả Phật sự với Ngài đều là sứ mệnh Như Lai nên trước hay sau, thuận hay nghịch duyên, Hòa thượng đều không nề hà mệt mỏi và chùn bước.
Vì muốn xiển dương Đạo pháp ngày một sâu rộng hơn nữa nên Ngài liên tiếp phát nguyện khai sơn, trùng tu xây dựng nhiều cơ sở tự viện, Phật đài nhằm có chỗ để cho chư Tăng tu tập và tín đồ xa gần quy ngưỡng. Năm Nhâm Dần (1962), Ngài khai sơn xây dựng chùa Từ Quang tại xã Kỳ Hương, huyện Tam Kỳ (nay là phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ); năm 1968, đại trùng tu chùa Hòa An; năm 1969, đại trùng tu chùa Từ Quang.
Năm Nhâm Tý (1972), tại quê cha đất tổ huyện Núi Thành, Hòa thượng khai sơn xây dựng chùa Hưng Quang, xã Tam Xuân; cùng năm, khai sơn chùa Lộc Tân, xã Tam Tiến, dựng tượng Phật Thích Ca tại Thiên Long Thạch Động (chùa Hang, xã Tam Nghĩa) và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại đập Bà Quận.
Thương tưởng hàng nữ xuất gia thiếu nơi tu tập, năm Giáp Dần (1974), Hòa thượng khai sơn xây dựng chùa Sư nữ Diệu Quang, phường Hòa Hương, Tam Kỳ. Sau khi khai sơn, Hòa thượng đã mời Ni trưởng Thích nữ Diệu Trí tại Ni trường Diệu Đức – Huế vào đảm nhận trụ trì tiếp độ nữ giới tại tỉnh Quảng Tín.
Trên đường hóa duyên phương Nam, năm Bính Dần (1986), Ngài khai sơn xây dựng chùa Phước Quang tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau ngày đất nước thống nhất, Ngài còn hổ trợ tu bổ cho cho một số chùa chiền bị hư hoại bởi chiến tranh tại các vùng nông thôn Quảng Nam.
Sự nghiệp “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức” và chí nguyện độ sanh là điểm son sáng nhất trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài. Với cái nhìn trìu mến ban phát từ bi và giọng nói nhẹ nhàng trầm ấm, Ngài đã khuyến hóa không thể đếm được số người theo về cửa Phật. Ngài độ cho hàng đệ tử xuất gia trên năm mươi vị – trong đó, đã có nhiều vị nhận lãnh chức vụ trụ trì, có những vị phục vụ cho Giáo hội, còn một số đang theo tu học, hành đạo tại nhiều nơi trong nước và nước ngoài.
Hòa thượng thường xuyên quan tâm hỏi han, thăm viếng, tặng quà và khuyến khích tu tập nên đã có hàng ngàn đệ tử tại gia nương về Quy y Tam Bảo, hướng theo hạnh nguyện của Ngài. Thật là:
Bất từ bì quyện tiếp chúng độ Tăng, linh chánh lý thời thời quảng bá
Vô tích gian lao lợi sanh hoằng đạo, tỷ pháp luân xứ xứ xương minh.
Tạm dịch:
Không nề nhọc mỏi, tiếp chúng độ Tăng khiến chánh lý luôn luôn truyền bá.
Chẳng quản nhọc nhằn, lợi sanh truyền đạo cho pháp luân mãi mãi xương minh.
Thuận lý vô thường, thân tứ đại trả về tứ đại, duyên sanh đã mãn, hoằng hóa đủ đầy, lão bịnh tử thong dong thọ nhận, mùa Đông năm 1989, Ngài lâm trọng bệnh. Vào lúc 1 giờ 25 phút ngày 21 tháng 7 năm Canh Ngọ (9-9-1990), tại chùa Hòa An, Ngài dự tri thời chí, chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho cuộc ra đi vĩnh viễn, Ngài bảo đồ chúng đở ngồi dậy rồi an nhiên hòa tiếng niệm Phật cùng tứ chúng đệ tử, ngay đó thâu thần thị tịch trong tư thế kiết tường, thọ 72 tuổi đời, tròn 30 hạ lạp.
Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã đi 2 câu đối tán thán công đức của Ngài như sau:
Từ tâm mẫn niệm hậu lai, đệ tử vĩnh hoài ân hóa dục.
Ý chí đốc hành tiên huấn, Tăng già cộng ngưỡng đức đề huề.
Tạm dịch:
Từ tâm thương nghĩ hậu lai, Đệ tử mãi ghi ân hóa dục
Ý chí dốc theo tiên huấn, Tăng già luôn nhớ đức đề huề.
Bảo tháp Ngài được kiến tạo trang nghiêm trong khuôn viên chùa Từ Quang, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nơi mà Ngài đã dày công kiến tạo.
Ban TTTT PG Quảng Nam – tổng hợp
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB