Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: XA VÀ GẦN, NHỚ VÀ THƯƠNG – NỖI NIỀM HỌC XA GIA ĐÌNH

199

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: XA VÀ GẦN, NHỚ VÀ THƯƠNG – NỖI NIỀM HỌC XA GIA ĐÌNH
MS 088 Văn xuôi

Sài Gòn dạo này bắt đầu vào mùa mưa rồi. Những cơn mưa bất chợt kéo đến, xối xả như trút nước. Bầu trời xám xịt, chỉ một màu tối đen đầy âm u. Hôm nay trời lại mưa! Một mình co ro trong chiếc chăn mỏng, thu mình lại trong góc nhà. Trời không lạnh mà lòng tái tê. Căn phòng trống vắng. Cô đơn lạnh lẽo và trong lòng bỗng ùa về hình ảnh bố mẹ. Nhớ gia đình da diết. Lòng thắt lại. Ánh mắt vô định với những ước ao. Ước ao được nghe một tiếng cười, tiếng nói của bố mẹ, của em thơ để lòng vơi đi nỗi nhớ, nỗi cô đơn, để căn phòng bớt lạnh lẽo. Nhưng sao xa vời! Và tiếng khóc nấc lên từng hồi xen lẫn tiếng mưa nhạt nhòa.

Cuộc đời, có mấy ai mà không lớn, mấy ai mà chẳng rời xa vòng tay của bố mẹ. Năm ấy, con 18 tuổi, bỏ lại quê hương ở phía sau, khăn gói hành trang một mình vào Sài Gòn xa hoa theo đuổi con đường học vấn. Trước ngày nhập học, háo hức về một cuộc sống mới, về một cuộc sống tràn đầy màu hồng với sự tự do, tự lập ở đất Sài thành, nhưng khi đặt chân đến đây mới thấu hết mọi khó khăn vất vả và tủi thân của cuộc sống trọ khi học xa nhà. Vẫn chưa thể quên lần ấy con sốt xuất huyết, một mình nằm trong bệnh viện truyền dịch, lấy điện thoại gọi cho mẹ. Đầu kia vang lên tiếng alo, bên này con chợt òa lên khóc nức nở, cổ họng nghẹn ứ lại không thể thốt nên lời. Mẹ cứ hỏi, và con chỉ khóc, một phen làm cả nhà hoảng sợ. Thế đấy, từ bé đến lớn ốm đau đều có mẹ săn sóc, bố chăm lo. Lần đầu xa nhà, chưa quen nhịp sống thành phố, đau ốm cũng chỉ một mình. Cảm giác trong lòng dấy lên toàn sự hối hận khi quyết định học xa quê. Lúc ấy trong con chỉ có mong muốn duy nhất là được trở về nhà cạnh bố mẹ. Thấm thoát đã hai năm rồi, có lẽ cuộc sống nơi đất khách quê người không còn khiến con phải lạc lõng như những ngày đầu mới chân ướt chân ráo vào thành phố. Thế nhưng đâu đó trong những ngày mệt nhoài, con vẫn hằng mong ước được về nhà gục đầu vào vòng tay của bố mẹ.

Quả thật, chỉ khi chúng ta xa nhà mới có thể thấu hiểu thế nào là “nhớ“. Con từng tham gia rất nhiều cuộc trại, không về nhà có khi một tuần. Thế nhưng chưa bao giờ có cảm giác nhớ mong như ngày con khăn gói vào thành phố. Có lẽ vì con biết chắc sau cuộc trại con vẫn được quay về bên bố mẹ để ăn mâm cơm ấm cúng. Bây giờ lại khác, con đã là cô sinh viên năm hai – học xa quê. Nhớ lúc còn ở quê nhà, khi con đi học về “đã sẵn cơm mẹ nấu”, chỉ việc tranh giành với em. Còn bây giờ đi học về con chỉ thả nhẹ chiếc balo đầy sách vở rồi ngã mình lên chiếc giường nhỏ để trút bỏ bao mệt mỏi của một ngày áp lực, không muốn đi chợ, nấu nướng. Không phải vì không biết làm mà là vì sợ sự cô đơn và cần lắm những bữa cơm gia đình, sự quan tâm của bố mẹ, tiếng nói cười của em thơ. Có khi vừa ăn cơm, trong lòng vừa thổn thức suy nghĩ: “Lúc mình ở nhà, giờ này bố mẹ và em đang đợi mình về ăn cơm”. Nụ cười của mẹ, giọng nói của bố và cảnh tượng gia đình quây quần bên nhau cứ hiện lên trong tâm trí. Mỗi khi gọi điện về cho mẹ để được nghe giọng nói, những lời an ủi, động viên và giọng mẹ đầy quan tâm: “trưa nay con ăn gì, cả nhà đang ăn cơm, thiếu mình con, em không phải tranh giành với ai nữa cả”. Mẹ vừa cúp máy bản thân lại ngồi khóc thút thít.

Nỗi nhớ cứ thế cùng những giờ học miệt mài, những bữa cơm, những giấc ngủ với tiếng nấc xen lẫn giọt lệ lăn dài. Và con thấy mình như một con chim non lần đầu tập bay, yếu ớt và khập khễnh, cảm thấy cuộc sống sao mà khó khăn quá! Vừa thiếu thốn tình cảm vừa khó hòa nhập. “Con nhớ quê, nhớ câu la rầy của bố, nhớ cả mâm cơm giản dị của mẹ thật nhiều! “

Sài Gòn – Quảng Nam, quãng đường dài gần 1000km xa xôi. Những ngày nghỉ ít ỏi không đủ thời gian để con bắt vội chuyến xe về với bố mẹ. Nhìn bạn  bè về nhà với gia đình, nhất là vào những dịp lễ, con thực sự tủi thân đến bật khóc. Chỉ có con là cô đơn nơi đất khách, trống trải và đơn độc. Cảm giác thèm thuồng về quê lúc nào cũng túc trực trong tâm trí của cô gái 20 tuổi.  Xa và gần, nhớ và thương, con đường về với gia đình làm sao có thể rút ngắn? Con từng nghĩ mình là đứa con gái mạnh mẽ, ấy thế mà bố mẹ chính là điều khiến con trở nên yếu đuối đi nhiều. Bình thường hoạt náo, vui vẻ bao nhiêu nhưng chỉ cần nói về bố mẹ, bất giác nước mắt cứ thế chảy ra không kiềm nén được. Lúc bé, con luôn tìm cách trốn bố mẹ để được đi chơi.  Nhưng bây giờ luôn tìm cách trốn mọi cuộc chơi chỉ vì muốn được ở cạnh bố mẹ. Học xa quê dạy con nhiều thứ, trong đó thứ con trân quý nhất chính là tình yêu thương bố mẹ dành cho con. Đã không ít lần con oán trách bố mẹ, giận thật nhiều vì những thứ bố mẹ áp đặt lên vai con. Cho đến tận ngày vào nơi xứ người, xa gia đình, sống tự lập mới thấy thấu hiểu và yêu biết bao nhiêu những điều nhỏ nhặt bố mẹ làm. Lặng lẽ quan sát từng điều từ nhỏ bé đến to lớn nhất, để con có thể thấy được bao sự vụng về trong cách thể hiện yêu thương của bố. Âm thầm ngắm nhìn từng nếp nhăn trên trán đến những sợi tóc bạc trên mái tóc mẹ để thấy được bao mất mát hy sinh đánh đổi cho cuộc sống của con.

Cuộc sống Sài Gòn nhiều lúc khiến con mệt mỏi quá. Áp lực từ việc học tập, công việc đến những mâu thuẫn bất đồng với các mối quan hệ cứ thế đè nặng lên đôi vai con. Nhiều lúc muốn buông bỏ tất cả, nhưng lại nghĩ về bố mẹ con lại thấy lý do con phải cố gắng và thành công. Chỉ mong tốc độ thành công của con có thể nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ. Người ta hay bảo với nhau rằng: “con đường đẹp nhất là con đường trở về nhà”. Đẹp không phải vì phong cảnh, mà đẹp vì lòng người – ở nơi ấy có hai đấng sinh thành hằng đêm đứng ngóng trông mong mỏi chúng ta.

Hôm nay, đang mải rong ruổi trên đường phố Sài Gòn, con bất chợt nghe thấy tiếng chuông chùa vang vọng từ xa, đánh vào tim can con. Con mới giật mình nhận ra lại một mùa Vu Lan nữa sắp về. May mắn thay, con vẫn được cài trên ngực áo bông hồng thắm nơ xanh. Thương thay những ai lau vội dòng nước mắt hoen mi, cài lên ngực áo bông hồng trắng tan thương. Chỉ mong những ai may mắn đang còn hai bậc dưỡng dục ở bên, hãy nhìn lại quãng đường vất vả bố mẹ đã đi qua để thấu hiểu và trân quý tình cảm thiêng liêng ấy, Chúng ta dễ dàng nói thương một người xa lạ, nhưng với những người đã sinh ra ta, nuôi nấng ta có lẽ chúng ta chưa bao giờ thử nói với họ rằng: “Bố mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều.” Có chăng những lời đó chỉ là những câu chữ các bạn gõ vội trên bàn phím để bình luận một dòng trạng thái nào đó trên facebook, hoặc là những dòng trạng thái kèm theo một tấm ảnh của bố mẹ. Những câu chữ khô cằn đó có thể hiện được tình cảm của chúng ta không? Những bức ảnh yêu thương đó liệu bố mẹ có nhận được không? Hãy nói yêu bố mẹ ngoài đời thực, đừng mãi nói trên mạng xã hội ảo. Bố mẹ vất vả sinh ra ta, đừng để nụ cười hay nước mắt phụ thuộc vào người khác. Bố mẹ gian khổ nuôi ta lớn, đừng vội nói

thương ai, nếu chưa nói câu thương với chính bố mẹ mình.

Vu lan lại về, con lại nhớ bố mẹ da diết. Không thể cùng bố mẹ dự lễ cài hoa, không thể rửa chân cho mẹ, dâng lên bố món quà tự tay chuẩn bị. Chỉ có thể ở nơi Sài Gòn xa xôi cố gắng học tập, lấy thành tích làm quà, lấy yêu thương làm động lực gửi về quê nhà dấu yêu. Học xa nhà không hẳn khiến con hối tiếc. Quảng Nam là nhà, nhưng Sài Gòn là nơi dạy con biết trân quý tình cảm gia đình.

Gửi về Quảng Nam muôn vàn yêu thương!

                                                              —————————-

Tác giả dự thi: Liên Nga – Trần Huyền Linh
Địa chỉ: 434/28A Bình Quới phường 25 quận Bình Thạnh, Tp HCM

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB