Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: VỢ LÍNH

66

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: VỢ LÍNH
MS 119 Văn xuôi

Lần đầu tiên anh nhận lệnh đi xa lúc đứa con trai còn đỏ hỏn. Anh viết mấy dòng để lại: “Con trai bé bỏng của ba! Ba phải đi rồi, xa lắm, nơi ba chưa một lần đặt chân tới. Nhưng ở đó người dân, đất nước đang cần những người lính. Con ở nhà ngoan nhé, không được quấy khóc, để mẹ con nhiều sức khỏe chăm con”. Đã 18 năm rồi mà chị không bao giờ quên giây phút ấy, anh cứ thế mà bước, không hề ngoảnh lại, xốc ba lô lên và đi.

Mỗi lần đi công tác, anh tự chuẩn bị hành trang lên đường. Hành trang người lính bao giờ cũng vậy, một ba lô trong đó vài bộ quân phục, chăn, màn, võng, một cái chén, đôi đũa, đèn pin… Nhưng không bao giờ chị an tâm, phải bỏ thêm vài thứ trong ba lô. Trước đây là cuốn sổ, cây bút, ít con tem… vì 18 năm trước điện thoại coi như là thứ xa xỉ. Còn bây giờ là cục pin dự phòng, dầu chống muỗi…

Trước tết anh chẳng về vì trực tết, sau tết thì dịch bệnh bùng phát ở nước bạn bên kia biên giới. Người lính quân y ở vùng biên nhiều việc phải làm. Nơi phên dậu của Tổ quốc, chống dịch càng căng thẳng hơn. Cùng với cán bộ, chiến sĩ tuần tra người vượt biên trái phép về Việt Nam, tổ chức kiểm tra thân nhiệt, điều tra khai báo y tế, dịch tể, phân luồng, vận động đưa người đi cách ly, những trường hợp có sốt, có bệnh lý Covid-19 đưa về nơi cách ly. Cung cấp cơm ăn, nhu yếu phẩm cho những người bên kia biên giới trở về.

Lúc nhớ anh, chị lại lôi tin nhắn ra đọc: “Anh không về được, ba mẹ con yên tâm nhé! xong dịch anh sẽ về”.

Anh bảo yên tâm đi, mà yên tâm làm sao được, tâm trạng ai cũng bất an khi người thân của mình đang hằng ngày phải gặp, phải đối đầu với dịch bệnh nguy hiểm đang giết chết hàng ngàn mạng người trên khắp thế giới.

Một ca, hai ca, lên con số hàng chục, rồi lên hàng trăm, rồi hơn hai trăm, cứ mỗi ngày, mỗi tăng. Một tỉnh, thành, rồi hai ba địa phương. Đi đâu người ta cũng nhắc đến tên vi rút đó. Hắn biến đổi khôn lường, nhiều tên, nhiều chủng loại, từ dịch rồi đến đại dịch…

Con trẻ nghỉ học một tuần rồi ba tháng. Người ta cứ nói đùa rằng, kỳ nghỉ tết dài nhất lịch sử. Ngày nào cũng vậy, việc đầu tiên khi mở mắt ra, chị đọc tin về dịch, bao giờ con trẻ đến trường. Hôm nay bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu bệnh nhân được khỏi bệnh… Thằng nhóc 18 tuổi bị kéo dài thời gian kỳ thi tốt nghiệp trung học quốc gia, thằng nhỏ thì không còn thời gian nghỉ hè. Ve kêu râm ran đầu ngõ, cái trống nằm yên suốt từ tết đến giờ, trường vẫn vắng tanh!

Chúng lại bảo, “mẹ đừng buồn, mỗi người dân là một chiến sĩ, con cũng là một chiến sĩ, tự hào lắm đó mẹ”! Thằng lớn tự giác học online và làm giàu thêm ngôn từ mới như giãn cách xã hội, cách ly xã hội, F0, F1, F2, chủng mới vi rút, dịch tể, lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng, dập dịch… Nó còn dự đoán rằng, đề văn năm nay con đoán không lầm là có nói vấn đề về đại dịch.

Còn thằng nhỏ, mỗi ngày cách ly xã hội, nó vẽ một bức tranh, để tặng những chiến sĩ áo trắng, bộ đội và những người dân tham gia phòng chống dịch, trong đó có “đồng chí ba của con”… Nhìn những bức vẽ thấy không khí khẩn trương, các chiến sĩ áo trắng trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi nhễ nhại – nó gọi đó là siêu nhân xanh, siêu nhân xanh diệt vi rút. Và cả hình ảnh vũ điệu “Ghen cô vy” vui nhộn đã vang lên toàn cầu.

Anh lại nhắn tin cho chị. “Quân đội là trụ cột của quốc gia, đặc biệt khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thiên tai, dịch bệnh”. Chị và bao người cũng từng cho rằng “bộ đội thời bình” có gì đâu! Nhưng làm vợ lính, mới hiểu rằng, thời bình hay thời chiến “Bộ đội Cụ Hồ” cũng vẫn là đầu sóng, ngọn gió. Xen lẫn niềm tự hào là bao nỗi lo âu. Anh bảo, đồng bào cưu mang bộ đội nhiều lắm. Dù thời tiết khắc nghiệt, dù bữa ăn vùng biên còn thiếu thốn nhưng nghĩa đồng bào đã làm quên đi tất cả nhọc nhằn. “Ngày 27.2 bà con hái hoa rừng để tặng bộ đội chữa bệnh trong vòng cách ly nữa”. Tin nhắn mới nhất của anh khiến chị nghĩ đến hai từ cách ly. Một năm, gặp mặt nhau có bốn, năm lần, chủ yếu trên online, trên thư từ, tặng quà online, tâm sự cũng online, thậm chí cũng hôn nhau online. Người ta 14 ngày cách ly, 15 ngày giãn cách xã hội, làm vợ lính thì “thường xuyên cách ly”.

Nhưng chị không để ngày tháng trôi qua một cách lặng lẽ và vô nghĩa! Chị sẽ cùng gom góp cứu giúp những mảnh đời gặp khó khăn, bất hạnh trong mùa dịch bệnh. Chị sẽ ghi lại những gì xảy ra quanh chị, trên đất nước này để thành một tập bút ký tặng anh – bút ký vợ lính.

————————————

Tác giả dự thi: Phan Thị Quế Hà
Địa chỉ: Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam (Số 5, Nguyễn Chí Thanh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam)

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB