Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Truyện ngắn ƯỚC MUỐN

95

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ngắn ƯỚC MUỐN
MS 053 Văn xuôi

Chiếc áo tràng lam đơn sơ, giản dị,
Những ngày cuối cùng cha truyền lại cho con!

Cha tôi là Phạm Ngân, pháp danh Như Trân, ra đi khá bất ngờ vì chỉ bị cảm có mấy ngày. Khi người lâm bệnh, chúng tôi không thông báo nên đạo hữu, hàng xóm, bà con không ai biết. Nghe tin cha tôi qua đời, Ban Đại diện chùa Phú Triêm và quý đạo hữu sửng sốt, đến thăm rất đông, quý bác trong Ban Đại diện chùa và gia tộc sắp xếp tổ chức ma chay cho cha tôi rất chu đáo.

Cuộc sống của cha tôi những ngày sau cuộc chiến có nhiều thay đổi . Sau 1975, tôi cùng gia đình trở lại quê nhà, lúc đó cha tôi đã trên 60, cuộc sống của người từng trải, có tuổi, ngoài việc tham gia lao động nông nghiệp để kiếm sống, tham gia Hội Lão thành của thôn, cha tôi còn đi chùa lễ Phật, tụng kinh, … Chiến tranh đã đi qua, cảnh đạn lạc, bom rơi không còn nữa. Tôi là con út, các anh chị của tôi đều có gia đình, là con út nên được ở bên cha mẹ…Ngày ngày theo cha làm ruộng, cha rất thương tôi vì tôi đã đỗ Tú tài, đã được cha mẹ cho đi học Đại học…  Nhưng lúc đó trường lớp chưa tổ chức học lại, chuyện học hành của tôi còn dang dở, công việc làm đúng sở nguyện của tôi chưa có, những ngày ở nhà, tôi được gần gũi cha mẹ, cha tôi thường trao đổi với tôi về cuộc sống, về đạo Phật…Trong năm 1980, người đi thọ bát ở chùa Long Tuyền, Pháp Bảo, Bảo Thắng…Có lúc người trò chuyện với tôi, người thường nhắc lại lời người xưa nói: “Đắc nhất nhật, quá nhất nhật. Đắc nhất thời, quá nhất thời” (Được một ngày hay một ngày. Được một giờ hay một giờ) câu nói đó đã trở thành quan niệm sống của người. Người giảng giải cho tôi: Nên yêu quý, quan tâm những gì đang có, không nên thờ ơ những việc chung quanh.  Mọi thứ chung quanh đều thay đổi, theo quy luật (vô thường), sanh, trụ, dị, diệt, người nắm rõ qua các lần Thọ Bát nên người luôn tự tại, thoải mái chấp nhận để được sống an nhiên, hàng ngày làm lụng, tối đến, tụng kinh, niệm Phật, sau này người quyết định trường trai…

Đến năm 1990, tôi cùng với người đi đưa tang một người em họ của người, qua đời đột ngột vì bị tai biến mạch máu não, nhà ở Bằng An, Điện An,  tôi với cha ở lại nhà chú một đêm trước khi an táng chú. Trên đường về, hai cha con đi trên hai chiếc xe đạp, cha kể lại chuyện  về thời thơ ấu của người ở quê nhà (lúc còn nhỏ, người sống với ông bà nội tôi ở gần Tháp Bằng An, xã Điện An)…lúc nước lụt, người được ông bà nội của tôi đưa cho cha tôi chiếc nắp bầu (nông thôn ngày xưa mỗi nhà thường sắm một đôi bầu, đan bằng tre, trét dầu rái để chứa đồ đạc…hoặc để gánh khi trời mưa cho khỏi ướt đồ vật chứa ở bên trong bầu) làm ghe bơi trong ruộng…Tuổi thơ của cha tôi thật yên bình trong lũy tre quê và người được ông bà cho đi học chữ Hán và tiếng Pháp theo chương trình lúc bấy giờ và người đã đỗ Yếu lược trong một kỳ thi tại Hội An… Từ việc qua đời của chú (em họ của cha tôi), cha tôi nói: Con ơi! Cha muốn như chú của con, “đau một giây, chết một giờ” cho khỏe, nhưng mọi người không ai muốn như rứa, đau ốm cho con cháu lo để nó trả hiếu!

Khi còn sanh tiền, người luôn nhắc anh em chúng tôi hãy sống tốt theo đúng đạo lý của người xưa… cha tôi thường dạy anh chị và chúng tôi, phải làm mới có ăn, người dẫn câu tục ngữ: “Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho”, phải tự mình làm lụng theo đúng nghề mình đã chọn, không được lấy của người ta không cho…Sống ở đời cho có nhân nghĩa, đạo đức, kính trên nhường dưới, biết ơn và đền ơn…Hiếu thảo với cha mẹ, thương quý anh chị em, giúp đỡ nhau khi khó khăn…Phải lo học tập để biết chữ mà sống với đời…Người còn dạy nên đi chùa tu học Phật pháp, ăn chay… quy y, giữ Tam quy, Ngũ giới của Đức Phật đã dạy. Ngoài ra, người thường bảo tôi theo người đi giỗ chạp để gắn kết tình thân Tộc họ. Nhất là khi sắp qua đời, người còn thể hiện thân bệnh, chỉ đau nhẹ rồi ra đi một cách quá bất ngờ cùng với việc niệm danh hiệu Phật…nhằm đánh mạnh vào tâm thức của những người thân yêu!

Lúc tại thế, với gia đình, cha tôi luôn lo cho con cái, cho học hành, học nghề, lập gia đình và lo nơi ăn chốn ở. Với tộc họ, năm 1976, thực hiện chủ trương quy hoạch mồ mã, cha tôi cùng với các chú em và các con cháu  trong tộc họ, lo di dời mồ mã, chôn cất đúng nơi quy định. Hằng năm, đến gần Tết âm lịch, người cùng tôi luôn ra nghĩa trang để quét vôi mồ mã của quý ngài đời trên và của ông bà nội, cha mẹ của người. Ngày xưa, do sự kết nối tộc họ rất khó khăn, nhất là thời Pháp thuộc, rồi chiến tranh xảy ra lâu dài, sự gắn kết trong dòng họ bị gián đoạn, sự kết nối mỏng dần rồi mất liên lạc.  Người và những chú, và các cháu trong tộc vẫn đau đáu về dòng tộc của mình. Cha tôi đã bàn bạc với các em, con cháu để tìm cách kết nối dòng tộc. Ông bà ngày xưa có nhắc: Tộc cả ở Xuân Đài (Điện Quang), sau nhiều lần đi lại, tìm hiểu, rất may gặp được một ngưòi bà con trong tộc cả, có sự hiểu biết rõ về dòng tộc và có phổ hệ, đem ra đối chiếu thấy trùng khớp, cha tôi về báo cho các em, cháu biết và sắp xếp để đến Tộc cả trong dịp  Chạp mã (Nhân ngày tiết Thanh Minh). Vui mừng hết sức vì sự tìm về, kết nối thành công! Sau khi việc kết nối dòng tộc như tâm nguyện đạt kết quả tốt đẹp, việc bổ sung, nối tiếp các đời trước trong Gia phả và tục biên các đời sau được cha tôi hoàn tất vào năm 1985. Vậy là nguyện ước của người được hoàn thành. Với xã hội, người tham gia Hội Lão thành của thôn và đã được giấy khen của Huyện, Với hàng xóm láng giềng, người luôn thân ái, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ, góp ý khi cần …Đến tuổi trên 60 người bắt đầu lo cho bản thân, tham gia Phật sự tại chùa Phú Triêm, đí dự các khóa Bát quan trai giới…Trường trai trước khi ra đi hơn 3 năm…

Trong cuộc sống, từ việc gia đình đến tộc họ, bạn hữu, hàng xóm, bà con, xã hội, việc tu học…Cha tôi là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo!

Từ khi đi chùa, làm Phật sự, tu học, mỗi lần kỵ giỗ ông nội tôi, cha tôi cúng chay, lúc đó ít ai biết nấu chay, cha tôi nhờ người cháu dâu ở Hội An lên nấu phẩm vật để dâng cúng. Sau này, ông đã qua đời, việc này vợ tôi đã được chị dâu hướng dẫn rồi tự nấu…

Đến lúc tôi lập gia đình, được ở cùng nhà với cha mẹ, Vợ chồng tôi sinh đứa con đầu lòng, chúng tôi phải đi làm, cha tôi giúp chúng tôi ngày ngày trông cháu, đến khoảng 6 giờ chiều, người luôn xuống chùa (chùa Phú Triêm ngày xưa – chùa Nhơn An ngày nay, chùa cách nhà tôi không xa, khoảng 300m) để công phu, tụng Kinh A Di Đà… Năm 1985, nhân dịp Đại lễ Phật đản, Ban Đại diện mời thầy trụ trì chùa Viên Giác từ Hôi An về thuyết pháp và truyền giới. Cha tôi trao đổi với ba mẹ và các cháu đồng ý rồi xin ghi tên hai người cháu nội, một cháu ngoại quy y. Vậy là nhà tôi lúc đó có thêm nhiều Phật tử….Khi các cháu nội ngoại quy y Tam Bảo, cha tôi đã cùng hai cháu đã học lớp 7 là Đoàn sinh gia đình Phật tử, sau khi học tại trường xong về cùng ông đến chùa tạo thành Đạo tràng cùng tụng kinh với ông. Ông hướng dẫn hai cháu thỉnh chuông mõ, vậy là cả ba ông cháu trì Kinh A Di Đà vào mỗi chiều!

Những năm tháng cha tôi công quả tại chùa, ngoài việc kinh kệ, quét dọn, sửa sang nơi thờ tự, đón tiếp khách giúp cho quý bác trong Ban Đại diện. Mỗi ngày xuống chùa, cha tôi thường nấu một ấm nước chè, để có khách hoặc quý đạo hữu tới, cha tôi mời nước…Trò chuyện và có thể cùng nhau làm công quả (nếu những vị khách đó là những đạo hữu), Chùa ở vùng thấp lụt, đến tháng 9, 10 âm lịch, Ban Đại diện họp, bàn công việc sắp đến, thế nào cha tôi cũng nêu việc dọn lụt, đưa Kinh sách lên gác lửng, đưa bàn ghế ở nhà Tổ đưa lên để ở một gian bên phải của Chánh điện, vì Chánh điện cao hơn nhà Tổ…Mỗi lần sắp xếp như vậy, tôi luôn được cha bảo cùng đi, đến chùa có đạo hữu khá đông, họ đến để làm công quả, rất khí thế…Nước nửa buổi, thường là một ít mì lá chấm tương hoặc xì dầu, có khi là bữa xôi với mấy nải chuối cúng Phật ở Chánh điện được cha tôi lễ Phật rồi đem xuống cho quý đạo hữu dùng…Chuyện trò rôm rã…Dọn dẹp gọn gàng, đâu vào đấy, xong công việc, mọi người mới ra về. Khi lụt lội vào chùa, nước lụt rút, một số đạo hữu ở gần chùa, có ghe bơi đến dọn bùn non…Chánh điện dọn trước, vì nước rút trước, sau đến nhà Tổ rồi ra ngoài sân…Tranh thủ lúc nước chưa rút hết, chứ nước rút hết, không có nước để dội, nếu thiếu nước, muốn dội được phải ra sông (sông gần chùa, cách chùa khoảng 50m) gánh nước về dội, đây là chuyện cực chẳng đã…

Sau ngày cha tôi qua đời, Ban Đại diện phân công người giữ chìa khóa, trông coi chùa…. Hằng năm khi đến gần mùa lụt, được Ban Đại diện huy động dọn lụt, tôi và những Đoàn sinh Gia đình Phật tử đã về chùa cùng nhau làm việc, công việc này chúng tôi đã quen, nên khi dọn dẹp, đâu cũng vào đấy như xưa…

Cha tôi công quả ở chùa, lúc đó, Gia đình Phật tử tái sinh hoạt, Các em Đoàn sinh khá đông…Các em thường tập trung về chùa vào chiều chủ nhật…Sau khi Lễ Phật xong (Theo nghi thức của Gia đình Phật tử), và các em sinh hoạt, học Giáo lý, ca hát…Các em sinh hoạt xong, cha tôi thường lấy chuối thờ đã chín xuống cho các em ăn…Các em Đoàn sinh quý ông lắm. Đến khi cha tôi qua đời, Đoàn sinh khiêng bàn linh (Kiệu chia làm 2 phần, phần phía trước tôn trí  tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương, ảnh chân dung của cha tôi được để ở phần phía sau), đến nghĩa trang. Sau khi an táng xong, bàn linh được khiêng về trí linh tại nhà. Không chỉ có vậy, hằng đêm, Phật tử phát nguyện đến nhà tôi để tụng kinh cầu siêu cho ông. Suốt 49 đêm! Nhờ vậy mà gia đình tôi vơi bớt nỗi bi thương!

Hồi còn sinh tiền, cha tôi trong Ban hộ niệm của chùa, thường hay đi cầu siêu hoặc cầu an cho một số gia đình đạo hữu hoặc những người tín tâm. Có một gia đình, bác đó là đạo hữu đã trông coi chùa khá lâu, trước giải phóng, sau đó bác qua đời, đến ngày kỵ giỗ hằng năm, các con của bác đã đến chùa mời Khuôn hội về nhà cầu siêu, cha tôi cùng quý bác trong Ban hộ niệm cùng đến, khi thực hiện nghi lễ, thỉnh Phật, thỉnh linh, cúng ngoài xong, các bác trong Ban nghi lễ nghỉ ngơi…Phân công từ 1, 2 đến 3 vị trì kinh Di Đà, lúc đó cô con dâu trong gia đình xin quý bác cùng được trì kinh. Cha tôi về kể cho vợ chồng tôi nghe, ông rất vui khi trong gia đình có con cái như vậy. Và người mong ước, sau này nếu thuận lợi, chúng tôi cũng sẽ thực hiên như những gì mà người trao đổi với vợ chồng tôi. Trước đó, cha tôi hay nhắc chúng tôi nên ăn chay ít nhất 2 ngày trong tháng và luôn dặn dò chúng tôi sống cho tốt, đúng đạo lý…

Năm 1984, Ban Đại diện chùa họp bàn việc trồng dương liễu trong vườn chùa, cha tôi được quý bác phân công chăm sóc, sau này nếu bán cây sẽ chi cho ông một phần, ông hằng ngày xuống chùa trông coi, sửa soạn quét tước, hương khói… Tưới nước cho dương liễu, có một đạo hữu thỉnh thoảng đến chùa giúp ông… Đến năm 1992, khi chùa vận động tu sửa nhà Tổ, quý bác trong Ban Đại diện quyết định bán dương liễu, có gọi mẹ và chúng tôi đến trình bày sự việc…Chùa sẽ chia cho cha tôi công chăm sóc, coi ngó dương liễu, chúng tôi nghĩ đó là công quả do chồng, cha của mình thực hiện, chúng tôi xin cúng dường và kính mong Ban đại diện hồi hướng công đức cho ông! Quý bác trong Ban Đại diện lúc đầu không chịu, nhưng với lòng chí thành của mẹ và chúng tôi, qúy bác mới đồng ý!

Pháp môn người tu tập là Tịnh độ, người thường xuyên niệm Hồng Danh Đức Phật A Di Đà và luôn tin tưởng, hành trì nhất là khi được quý thầy giảng trong các kỳ bát quan trai, đường về với Phật ngày càng rõ. Gần cuối năm 1990, cha tôi bị bệnh, chỉ cảm nhẹ vài bữa. Thời tiết lúc đó trước  23/10 âm lịch, trời mưa phùn gió bấc lạnh lẽo thấu xương, ngày 23/10, trời hửng nắng, cha tôi lấy đôi dép cao su ra ngồi ngoài hiên, rút dép, tôi thấy cha lụi cụi làm, tôi hỏi:

Cha rút dép làm chi rứa?

Cha tôi bảo: Để vài ngày nữa đến ngày kỵ Tổ Vạn Đức, cha đi kỵ Tổ!

Rút dép xong, người đứng dậy cất đôi dép và đi ra ngoài sân, tôi đi theo, cha tôi nói:

Hơn tháng trước, cha mơ thấy mình chết, có người tới dắt đi, đi tới ngã ba Hương Đàn, có một bà lão chống gậy can ngăn, không cho cha tôi và người dắt di chuyển và nói để lão trở về coi ngó chùa… Cha giật mình tỉnh dậy thấy mình còn nằm trên giường… Rồi người nói tiếp: Rứa là bữa ni 23 rồi, gần hết tiết rồi, người ta nói: “Tiền tam hậu nhị” (Trước ngày tiết chính 3 ngày, sau ngày tiết chính 2 ngày) nội trong năm ngày tiết, người cao tuổi thương hay đau nhức. Sau những ngày tiết, thân thể sẽ trở lại bình thường. Người đi vào nhà, ngồi vào ghế, tôi theo sau, đứng bên cha, cha tôi nói:

Khi cha qua đời nhớ mời Khuôn hội nhập liệm nghe con! Người đứng dậy đến bên chiếc tủ, mở tủ lấy hai gói đồ, đem đến để trên bàn, người lấy riêng một gói nói: Đây là đồ liệm của cha và một gói nói: Đây là đồ liệm của mẹ con, khi cha ngủ (người hay nói tránh) nhớ đem ra nghe, lúc đó rối trí dễ quên lắm đó! Người kể hồi đi Thọ Bát ở chùa Bảo Thắng, người quen với một bác đạo hữu tên Thiện Minh, biết may đo, người nhờ bác may giúp hai túi xách để đem theo áo khi đi thọ Bát và một túi lớn hơn để khi đi hộ niệm cùng với các bác trong Ban Nghi lễ của chùa, người mang theo chuông mõ, quyển Kinh.và đặt may hai bộ đồ liệm cùng với hai chiếc mền Quang Minh đúng quy cách nhà chùa để khi cần thì có.

Đây là bộ đồ liệm! Tôi chỉ biết vâng dạ. Người đi lấy: Hai chiếc tíu xách và một chiếc áo tràng người thường mặc khi đi chùa hành lễ. Người nói: Chiếc túi lớn ni cho thằng cu Cườm (đứa con đầu lòng của tôi, cái túi nhỏ ni cho thằng cu Ngói (đứa con thứ hai của tôi), chiếc áo tràng ni cho lão (cho tôi) để khi đi chùa có mà mặc. Sau này, khi đi Thọ Bát ở Long Tuyền, Pháp Bảo, Bảo Thắng tôi lấy chiếc áo tràng ấy đem theo để mặc như lời cha dặn, tôi rất quý tấm áo tràng ấy, áo như là “chiếc y” của Tổ truyền cho đệ tử và phó chúc việc mai hậu! Tôi luôn gìn giữ chiếc áo tràng đó, nó là kỷ vật của tôi! Không chỉ có vậy, chiều ngày 24/10 (âm lịch) người lấy một cái thẩu mà tôi mua từ lâu, người dùng để chứa  nước muối gia thêm vào tương trả cho tôi và lấy nửa lít dầu phụng đưa cho con dâu, vợ tôi, người nói: Cha cho mấy đứa đó!

Người còn căn dặn:

– Khi người qua đời, bà con cô bác tới giúp đỡ, họ nói chi con phải nghe, vâng dạ, lấy đầu (cúi đầu: Không đựợc cãi lời của họ, để họ giúp mình trong việc tang ma) mà chịu nghe con! Người còn dặn: Không được khóc nhiều, rối loạn chứ chẳng ích chi! Lúc đó tôi vô tư, chẳng nghĩ gì vì thấy cha tôi khỏe hơn mấy bữa trước, sau này tôi bình tâm mới biết đó là những gì người muốn dặn dò chúng tôi trước lúc đi xa! Và ngẫm kỹ đó là sự biết trước ngày giờ qua đời của người!

Đến ngày 25.10 năm Canh Ngọ tức 11.12.1990, sáng hôm đó, người đau ở ngực, tuy trong cơn đau thắt ở ngực nhưng người ngồi trên giường, xếp bằng niệm Phật! Và cảm thấy mệt, người bảo vợ tôi gọi người anh rể đến để cho có người thân. Thấy cha tôi mệt, vội mờì Y tá gần nhà, cô đến và đo huyết áp, thấy mạch yếu, cô bảo gia đình tôi đưa người đi bệnh viện. Gia đình định đưa người đi nhưng người không chịu, người bảo chỉ ở nhà thôi! Một thầy thuốc Đông y là người bà con với gia đình, nghe cha tôi bệnh, thầy thuốc đến coi mạch, cha tôi đang niệm Phật, người ngừng giây lát, trao đổi với những người thân, người nói: “Các chú, các con…lo làm ăn, sống cho thật tốt”… Người vẫy tay chào mọi người. Rồi, người tiếp tục niệm Phật, nhìn thẳng ra đường cái, trút hơi thở cuối cùng, người ra đi vào lúc 10 giờ trong sự an nhiên (người trụ thế 74 năm). Khi lâm chung, bên cạnh cha tôi không có quý sư và đạo hữu hộ niệm, tiếp dẫn. Cha tôi niệm Phật hiệu, tự tiếp dẫn theo lời quý thầy chỉ dạy khi người đi Thọ Bát! Người qua đời rồi, bà con hàng xóm đến nhà, thấy cha tôi ngồi xếp bằng, họ vội đỡ người nằm xuống, sửa soạn chân tay cho ngay thẳng, theo quan niệm thường tình. Người ra đi, đối với gia đình tôi là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng…Khi bình tâm, tôi mới biết người muốn đánh thức tâm trí của chúng tôi, lấy sự giã từ cõi tạm để răn nhắc con cháu cuộc sống là phù du…nhằm thức tỉnh con cháu trong nhà!

Người qua đời là một mất mát rất lớn đối với gia đình chúng tôi mà cũng là một tổn thất với Chùa Phú Triêm… Sau khi cha tôi qua đời, nghi lễ nhập liệm và tang lễ do Chùa (Giáo hội) và tộc họ tổ chức, rất trang nghiêm, trọng thể, chu toàn.

Người mất trong giai đoạn đó là một sự kiện lớn ở thôn xã chúng tôi, Ban Đại diện chùa Phú Triêm đã tổ chức lễ viếng thật trang nghiêm, trọng thể, trong điếu văn của Giáo hội Phật giáo chùa Phú Triêm có nhắc: “Đạo hữu Phạm Ngân, pháp danh Như Trân đã chọn pháp môn Tịnh độ để thực hiện hạnh nguyện của mình. Trong số tín đồ Phật tử ở địa phương, đạo hữu là một trong những con chim đầu đàn thể hiện tinh thần tinh tấn, siêng năng tu học. Những Phật sự thường xuyên ở chùa, đạo hữu đã phát tâm thực hiện. Ngày cũng như đêm từ những khóa lễ thường kỳ đến những ngày lễ lớn của Giáo hôi, đạo hữu không lúc nào xao lãng. Trước Tam Bảo với mõ sớm chuông chiều trì kinh, chuyên niệm. Trong thời kỳ khó khăn nhất của việc sinh hoạt Phật giáo, đạo hữu không lúc nào tỏ ra giải đãi với hạnh nguyện của mình. Ngoài công sức thực hiện Phật sự, đạo hữu còn theo học các khóa Bát quan trai, dù bận việc gia đình, phải dự tu ở những địa điểm xa xôi (các chùa ở Hội An), dù tuổi già sức yếu, đạo hữu cũng đã cố tâm đến lãnh thọ và học hỏi để gây thêm phước huệ cho mình và rồi từ đó đạo hữu đã khuyên nhủ con cháu của mình tin theo  thực hành công quả, nay là những đạo hữu, Phật tử nối gót cha ông”

Ngày đưa tang của cha tôi, người đi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng mặc dù đường xa, nghĩa trang cách nhà tôi trên 8km, phải đi bộ vậy mà bà con, hàng xóm láng giềng, nhất là quý đạo hữu, Phật tử vì lòng quý mến, yêu thương, gắn bó, mến tiếc và trân trọng ông, họ đi đưa rất đông. Sau này tôi nghe kể lại: “Từ ngày giải phóng đến chừ (1990), chưa có đám tang nào to lớn, nhiều người đưa như đám tang của ông Phiên (tên thường gọi của cha tôi)…” và khi đám tang đi đến ngã ba Hương Đàn, có người nói: “Sao mà đông quá vậy, mà toàn là những bà con gần gũi quen biết,  …Đúng là đám ma của những người đi chùa!”. Những đạo hữu có tuổi đều mong sau này mình qua đời cũng sẽ được như thế!

Cha tôi qua đời, mỗi lần tuần tự, gia đình chúng tôi đều mời Ban nghi lễ của Khuôn hội đến cầu siêu. Tuần thứ 7, 49 ngày, được sự hướng dẫn của Ban Đại diện chùa, một đạo hữu cùng với chúng tôi lên chùa Bồng Lai cung thỉnh thầy Trưởng Ban đại diện Huyện hội Phật giáo huyện (Hòa thượng Thích Như Thùy) đến nhà tôi tác lễ cầu siêu! Sau đó, đến Tiểu tường (Giáp năm) và Đại tường (Mãn khó) chúng tôi cung thỉnh quý thầy ở Long Tuyền về tác lễ… Cha tôi rời cõi tạm quá bất ngờ với gia đình chúng tôi vì chúng tôi nghĩ ông còn khỏe…Nhưng cũng từ đó, chúng tôi dần dần  ngộ ra cuộc sống này luôn đổi thay, không như ý, có đó, mất đó, nhất là đời người quá ngắn ngủi như “ánh chớp, bóng câu cửa sổ, phù du bay vào ngọn đèn…”, Và người còn lấy sự ra đi đột ngột, bất ngờ của mình làm bài học để thức tỉnh anh chị em chúng tôi, răn dạy giúp chúng tôi hiểu rõ hai chữ “Vô thường” và bằng con đường tu tập để giải thoát khỏi những đau khổ của thế gian vì không ai không gặp năm điều bất như ý mà Đức Phật đã dạy. Đặc biệt là cách sống và hướng tu tập của cha tôi, người thấy con đường về với Phật rất đầy đủ, rõ ràng đã thức tỉnh chúng tôi. Chúng tôi thấy được việc là một Phật tử, đạo hữu, đi chùa học Phật gần gũi quý thầy và các bạn đạo thật có ý nghĩa, rất quan trọng trong cuộc sống, được nhiều niềm vui trong tu học.

Trước lúc đi xa, người dạy chúng tôi bằng lờì nói và việc làm đến lúc người sắp xa rời cõi tạm, người còn cảnh tỉnh chúng tôi bằng thân bệnh rồi ra đi với sự an nhiên, tự tại. Công sanh thành dưỡng dục như núi cao biển rộng, ân hướng dẫn vào Phật đạo không ngôn từ, bút mực nào ghi chép đầy đủ, diễn tả cho đến nghĩa tận cùng. Trước ngày Tiểu tường (Giáp năm cuả cha tôi), mẹ tôi, anh chị và các cháu  đều phát tâm quy y, thọ nhận và giữ gìn ngũ giới. Tất cả là 15 người, đa số là đệ tử của thầy Trụ trì chùa Long Tuyền. Vậy là gia đình tôi đã được Phật hóa! Nơi xa xôi kia, chắc thần thức cha tôi cảm nhận được sự phát tâm hướng thượng của con cháu trong gia đình! Đúng như ước muốn của cha tôi! Chắc người hoan hỷ lắm!

———————-

Tác giả dự thi: Phạm Sáu
Địa chỉ: Thôn Triêm Trung 1, xã Điện Phương, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB