Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: Truyện ngắn ĐẠO HIẾU

370

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ngắn ĐẠO HIẾU
MS 102 Văn xuôi

Sinh ra trong một gia đình nề nếp có cha làm nghề giáo dạy các trẻ em trong làng, Tuấn là đứa con duy nhất trong gia đình. Từ nhỏ, Tuấn đã là một đứa trẻ ngoan, biết vâng lời cha mẹ, ông bà. Nhà Tuấn cách chùa không xa, đi bộ chừng mười phút là tới. Mỗi buổi sáng sớm tiếng chuông chùa ngân nga lúc khoảng bốn giờ, tiếng chuông như thức tỉnh báo hiệu một ngày mới bắt đầu dù bên ngoài trời vẫn còn tối đen. Tuấn lọ mọ ngồi dậy xuống bếp lấy mấy cây củi chụm lại nhóm lửa bắt nồi nước sôi để pha trà, để khi ba má Tuấn dậy là đã có trà để uống. Thức dậy vào buổi sáng sớm đối với Tuấn đã trở thành một thói quen, một phần vì không khí yên tĩnh của buổi sớm mai làm cậu rất thích thú, một phần Tuấn lại có thêm thời gian để ôn bài trước khi đi học. Thường thường, cậu hay thắp một cây đèn dầu nhỏ nhỏ để trước bàn gần cửa sổ ngồi học bài, Tuấn chỉ đọc thầm, miệng lẩm bẩm không thành tiếng vì không muốn gây ra tiếng ồn đánh thức cha mẹ và các nhà hàng xóm sát bên cạnh. Cũng có những hôm cậu ngồi ôn bài bên bếp lửa, tiếng củi lửa tí tách nghe thật vui tai.

Bữa ăn sáng thường là củ khoai lang luộc hay trái bắp luộc, sau đó Tuấn cắp sách đến trường, và cho đến trưa thì cậu đi bộ từ trường về nhà. Vào những buổi chiều, Tuấn hay bác bộ qua chùa chơi. Đó là một ngôi chùa nhỏ có khoảng sân rộng, phía bên phải của chùa có một cây bồ đề lớn, tán cây rất rộng che bóng mát cả một khuôn viên. Từ cổng chùa phải đi bộ thêm độ một trăm mét nữa thì mới tới chánh điện, và có hai hành lang hai bên với các bậc tam cấp. Phía bên trái nhìn từ cổng chùa là hàng dậu nơi có các bụi cà chua với những trái nhỏ xanh chúm chím, bên phải là các cây cảnh chùa trồng. Ngoài ra, chùa còn có một miếng đất rộng cách chùa khoảng ba trăm mét, nơi đó các Sư thầy trồng lúa, trồng đậu và khoai lang. Những hôm tan trường vào giờ trưa, nhìn từ xa thấy các thầy đang làm việc trên đồng, Tuấn thường chạy ra, bỏ cặp sách sang một bên, xoắn quần tới gối và phụ các thầy làm đồng. Tới ngày thu hoạch đậu phộng hoặc khoai loang là vui nhất, sản phẩm thu được thường được các thầy phơi khô rồi trữ trong kho, dùng làm lương thực cho chùa. Tuấn rất thích việc phụ giúp các công việc trong chùa cũng như không khí tĩnh lặng nơi đây luôn mang lại sự tươi mát trong lòng. Được trò chuyện với các Sư thầy, Tuấn lại càng cảm thấy thích thú. Dần dần, mong muốn tìm hiểu về các kinh sách, về giáo lý đạo Phật trong cậu ngày một tăng. Chỗ nào đọc trong sách không hiểu, Tuấn thường hay đem hỏi các Thầy và được các Thầy chỉ dẫn một cách tận tình. Tuấn còn được các Sư trong chùa, đặc biệt là Thầy trụ trì bày cho cách bấm huyệt, để hễ khi trên đường thấy một người nào bất thình lình ngã bệnh, nếu cảm thấy giúp được hoặc sơ cứu trong thời điểm đó thì Tuấn sẽ hỗ trợ kịp thời.

Hôm đó là một ngày hè oi bức. Sau khi kết thúc năm học cuối cấp, Tuấn và một nhóm bạn trong lớp rủ nhau xuống biển tắm. Trên đường từ nhà tới biển, họ chỉ mang theo mấy trái dưa leo thả trôi bồng bềnh trên mặt biển, bẻ trái dưa làm hai hòa chung với vị mặn của nước biển, đối với họ đó là món giải khát tuyệt vời. Bỗng nhiên đằng xa, một tiếng kêu xé lòng làm nhóm của Tuấn ai cũng thảng thốt. Khi chạy tới, Tuấn thấy một người thanh niên đang nằm bất tỉnh trên bãi biển, những người bạn của anh ta thì xúm lại xung quanh, khuôn mặt ai cũng bàng hoàng, các cô gái đầu tóc quần áo ướt nhẹp ngồi khóc thút thít, hỏi ra mới biết người thanh niên này bị vòng nước xoáy ngầm cuốn, vùng vằng kiệt sức, bị uống nước nhiều và anh ta gần như chết đuối, may mắn được các bạn cứu giúp và kéo được lên bờ. Người anh ta lạnh toát với khuôn mặt trắng bệch. Lúc đó, Tuấn đã bấm huyệt vào các đầu ngón tay, ngón chân cho anh, nhằm kích thích tim và làm ấm cơ thể. Tuấn lặp đi lặp lại việc đó đến lần thứ ba, thì anh ta lờ mờ kêu nhỏ một tiếng ‘á’, phá vỡ bầu không khí lo lắng xung quanh. Anh thanh niên mắt mở từ từ, lờ đờ, dần dần tỉnh lại, mọi người ai cũng vui mừng và xúc động. Bản thân Tuấn cũng ngạc nhiên về chính anh, lần đầu tiên trong đời Tuấn đã cứu giúp được một người khỏi bàn tay của tử thần. Anh quan niệm rằng, đó cũng là nhờ ơn đức của các Thầy trong chùa đã chỉ dạy và hôm nay anh được thay mặt họ giúp đỡ người khác kịp thời.

Ngày nào Tuấn cũng ghé chùa, không sáng thì chiều, không chiều thì tối. Có những hôm Tuấn túc trực luôn trong chùa, phụ giúp các Thầy phát thuốc miễn phí, khám và điều trị cho những người dân quanh vùng. Thuốc chính là các loại thảo dược mà thỉnh thoảng các Thầy thường lên núi hái về, phơi khô và bào chế thành. Đa số người dân ở đây đều nghèo, đến bệnh viện thì lại rất xa mà lại tốn tiền. Do vậy hễ có bệnh thì họ hay đến chùa, trước là viếng Phật, sau thì xin thuốc về uống, cũng đã có nhiều người được chữa bệnh khỏi hẳn, tiếng lành đồn xa.

Ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, dần dần tình yêu đối với Phật pháp càng ngày càng thấm nhuần trong Tuấn. Một hôm, anh nói với cha mẹ:

Ba ạ, con muốn đi tu.

Con nói sao ? Sao lại muốn đi tu ?

Con muốn sống cuộc đời của một tu sĩ, giải thoát cho chính mình và con cũng muốn trả công ơn của cha mẹ đã sinh thành và nuôi nấng. Con đã tìm thấy một cái hang trên núi, rất thích hợp cho việc ngồi tĩnh tọa, tham thiền và tu học. Ba đừng lo. Thỉnh thoảng con sẽ về thăm nhà để gặp ba má.

Người cha ngạc nhiên, ông sững sờ một hồi, cuối cùng cũng nói ra được ý ông muốn:

Nếu con thích, con có thể ngồi tu tập ở nhà, rồi con có thể ghé chùa hàng ngày như trước đây. Bố mẹ đâu có ngăn cấm gì con. Việc gì phải bỏ nhà đi tu.

Ba ạ, con đã quyết rồi. Ở một mình nơi vắng vẻ con cảm thấy tĩnh tâm hơn.

Ông bố lặng người đi, không biết nói gì hơn. Từ lâu ông đã biết tính con trai mình, rất ít nói, nhưng hễ nói là làm. Ông nghĩ chắc phải nói cho bà vợ biết điều này để khuyên nhủ đứa con, ông liền đi thẳng xuống nhà bếp.

Năm ấy Tuấn hai mươi sáu tuổi. Cái hang trên núi trở thành một cái am nhỏ, nơi trú ngụ và cũng là nơi tu hành của anh. Cứ hai tuần một lần, anh về nhà gặp cha mẹ và mua một số nhu yếu phẩm cần dùng. Anh ăn uống rất ít, mỗi ngày một bữa vào giờ trưa, thời gian còn lại anh chủ yếu sử dụng cho việc tu thiền. Cơ thể anh tuy có ốm hơn lúc trước, nhưng khuôn mặt thì lúc nào cũng rạng rỡ, phảng phất nét hiền từ.

Đối với một số người khác thì đây có thể là một nơi chán ngắt, buồn tẻ, nhưng đối với Tuấn thì ngược lại, mọi thứ xung quanh dưới con mắt của anh đều trở nên đẹp vô cùng, từ những bụi cây nhỏ thấp thoáng đằng xa, đến những cành lá rung rinh trước gió như hân hoan chào đón anh đến với mảnh đất này. Không khí luôn trong lành và mát mẻ. Vào những ngày hè oi bức, trong hang gió thổi nhè nhẹ như một cái máy điều hòa nhiệt độ, thậm chí trong hang còn có nước. Nước nhỏ giọt từ trên đỉnh hang xuống phiến đá dưới nền lâu ngày tạo thành một ô lõm nhỏ và không bao giờ tràn ra ngoài mặc cho Tuấn có sử dụng để uống nước, rửa mặt cũng không thấy cạn. Đây là điểm đặc biệt của cái hang núi nơi Tuấn ở, trong chôm đá bị lõm luôn luôn có nước mát và trong.

Thời gian như con gió thoảng trôi thật nhanh, dạo gần đây hằng ngày Tuấn chỉ ăn những viên dạng hình tròn, to bằng khoảng lóng tay được làm từ các loại đậu do chính anh tạo ra cộng với các bài chú anh đọc khi luyện những viên thuốc này trong lò. Mỗi ngày ba viên cho các buổi sáng, trưa, chiều, ngoài ra anh không ăn thêm thứ gì khác, chỉ uống nước.

Thấm thoát thời gian đã hơn bốn năm từ ngày Tuấn sống trên hang núi. Một buổi sáng đẹp trời, nghe tiếng lá khô xào xạc, từ trong hang đi ra, Tuấn thấy ba mẹ của mình đang tiến về phía cửa hang. Cả hai người đôi mắt ngấn lệ, bà mẹ trông có vẻ tiều tụy hơn hẳn, đứng dựa vào chồng vừa thở dốc vừa nói :

Con ạ, ba mẹ chỉ có mỗi một mình con là đứa con trai duy nhất trong nhà. Nay con bỏ nhà đi tu cũng đã lâu, mẹ vô cùng sầu khổ.

Người cha nói tiếp lời bà mẹ : Ba biết đi tu là một điều tốt cho con, cho cả ta và mẹ con, cho những người xung quanh. Nhưng con thử nghĩ xem, năm nay con đã hơn ba mươi tuổi rồi. Con đi tu mãi như thế này thì làm sao nhà ta có con cháu nối dõi tông đường, chẳng lẽ tuyệt tự mất sao.

Con hãy nghĩ mà thương cho cha mẹ nay đã già yếu, cần có con cái bên cạnh sớm hôm- bà mẹ vừa nói vừa sụt sùi khóc.

Từ ngày Tuấn rời khỏi cái am trên núi để về nhà chăm sóc ba mẹ già tính đến nay đã mười năm trôi qua. Nay đã trở thành trung niên, cậu có 3 người con, 1 gái, 2 trai. Cậu giờ là giáo viên dạy chữ cho các trẻ em trong làng. Cuộc sống của gia đình Tuấn luôn vui vẻ, hạnh phúc, đặc biệt với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, cậu lúc nào cũng hoan hỷ trong mọi tình huống. Thời gian rảnh cậu cũng thường hay lên núi hái cỏ thuốc về trị bệnh miễn phí cho những người nghèo xung quanh với những căn bệnh như cảm, ho, sốt, sổ mũi thông thường. Thói quen thiền tọa vẫn còn, đôi khi có một số người đến nhà để nghe Tuấn giảng giải về giáo lý đạo Phật, họ thường gọi cậu là sư phụ. Hằng tuần, số đệ tử đến rất đông để nghe thuyết pháp. Tuy nhiên, việc luyện những viên thuốc như lúc xưa thời còn ở trên am núi không còn thành công được nữa.

Khi về già cậu dành thời gian cho việc thiền nhiều hơn, ngồi thiền, đi thiền, nằm thiền, thiền trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, lúc ăn uống, lúc nói chuyện, trong mọi hành động, cử chỉ. Lúc cuối đời, trong một lần giảng đạo cho các môn đồ của mình, cậu nói rằng :

Các đệ tử, có rất nhiều pháp môn tu. Một trong những pháp môn tu đó là đạo hiếu. Ta muốn nói rằng, hiếu đạo cũng là một trong những pháp môn tu, đạo hiếu động đến cõi thiên.

Sau đó một thời gian ngắn, trong tư thế thiền tọa, cụ Tuấn đã trút hơi thở cuối cùng với hai dòng nước mắt còn đọng trên má. Trước đó ông có báo ngày mất của mình cho các đệ tử biết nên họ tu tập rất đông vào ngày hôm ấy.

Tháng 7/2020

—————–

Tác giả dự thi: Trần Giao Phượng Hà
Địa chỉ: Colmar, Pháp

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB