Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
Vòng chung khảo
———————
Tác phẩm dự thi: Truyện ký NGƯỜI QUẢN TRANG
MS 027 Văn xuôi
(Tặng chú Nguyễn Văn Nghiệp, quản trang nghĩa địa Giồng Thành, xã Long Sơn,
huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)
Gió từ mé sông Tiền thổi vào dãy đất cù lao Phú Tân mát lạnh. Mới hơn bốn giờ chiều mà trời đất tối om om. Trời sắp mưa. Mà ngộ lắm. Ở cù lao dễ có mưa thiệt. Hễ thấy mây đen thấp thoáng vần vũ chút xíu là mưa liền. Ở đây đất rộng người thưa nên xa lơ xa lắc mới có một ngôi nhà. Tánh nết từng người ở đây ai cũng hiểu nhau tuốt tuồn tuột. Ông 7 Tới say xỉn tối ngày uống rượu trừ cơm, vậy mà mạnh như “ thần thừ”, quanh năm hổng thấy bệnh tật gì ráo. Ông 2 Nghiệp loanh quanh luẩn quẩn với mấy cái mồ mã ngoài nghĩa địa từ thiện cặp mé sông. Bà 3 Bớt sống “ choi loi” ngoài đầu vàm một mình bởi lũ con đi mần thuê mần mướn ở Sài Gòn lâu lâu mới về vài hôm rồi biến mất…Chị Tám Lắm tối ngày ngồi lê đôi mách hết đầu trên xuống xóm dưới, chuyện gì cũng biết nhưng mà biết theo cái kiểu tào lao, “tam sao thất bổn”.
Một chiếc ghe máy chạy băng băng từ bên kia sông tiến dần sang bên nầy. Một bóng người chậm rãi vác cây cuốc bước dần ra mé sông như đang chờ đợi. Điếu thuốc lá thỉnh thoảng cháy rực lên lộ rõ những nếp nhăn nhúm già nua đen thui, đen thít trên khuôn mặt khắc khổ. Đó là ông 2 Thiện.
– Mưa tới rồi. “chua” dữ đa. Phải “ổng” đừng mưa thì đỡ khổ. Mô Phật.
Lắm lúc ông nghĩ mình niệm Phật từ lúc nào ông cũng không nhớ hết được. Cứ mỗi lần tham gia chôn cất một con người tại nghĩa địa từ thiện xứ cù lao nầy, ông lại nghe gia đình người vắn số liên tục niệm Phật. Thấy vậy ông cũng niệm theo. Riết rồi quen. Cứ mở miệng ra là ông cứ niệm : mô phật, nam mô a di đà phật. Mà lạ lắm. Ông chưa từng chứng kiến chuyện chôn cất tại đây lại có người khóc lóc kể lể thảm hại như những cái đám ma bình thường khác. Họ hàng người chết chỉ lèo tèo vài người cho có rồi chôn cất vội vàng người thân rồi nhanh chóng rút lui. Tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt. Nói thì tội chớ hình như gia đình họ mừng lắm như vừa trút bỏ được một gánh nặng gì ghê gớm lắm. Cái lạ nữa là người chết toàn là cái đám nhỏ đáng tuổi con cháu của ông, ít thấy người lớn lắm. Có lần ông hỏi con nhỏ trưởng ấp :
-Sáu à ! Sao nghĩa địa nầy chôn cất toàn là xấp nhỏ không vậy? mà toàn là bị bệnh “ tà ma, chướng khí” gì lạ quắc, lạ quơ. Vụ nầy ngộ lắm, bây rành hôn ?
Thấy vẻ mặt trầm ngâm của người nữ trưởng ấp, ông chột dạ hỏi dồn:
– Tụi nhỏ bị bệnh gì vậy ? Nói huỵch tẹt ra cho tao nghe, Tao già rồi, từng đi bộ đội mười mấy năm, súng đạn tao hổng ngán, huống hồ chi là cái vụ nầy, vả lại mình là con người với nhau, nghĩa tử là nghĩa tận, chấp nhứt gì. Tao đã từng chôn cất cả trăm đứa ở nghĩa trang nầy chớ có ít ỏi gì đâu.
-Dạ con biết mà. Nhưng rồi con nói, chú có “ ớn” hôn ?
-Còn lâu mới ngán. Nói đi. Bây làm tao đánh “ lô tô” trong bụng đây nè.
– Dạ, mấy người đó bị bệnh “ Ết” đó chú. Thiệt tội…nhưng biết làm sao hơn. Có làm có chịu. Mình khuyên hoài mà họ có nghe đâu.
-Trời đất, hèn chi. Tao nghi nghi trong bụng ai dè ngay “chóc”. Bởi vậy có thấy ai khóc lóc gì ráo. Mấy tấm hình trước hòm toàn là tụi nhỏ không hà. Làm cha, làm mẹ ai lại muốn bỏ con, tại…tại…Nói tới đó chú im re.
-Rồi chú tính sao ? định bỏ cái chuyện là từ thiện miễn phí ở cái nghĩa địa“kinh khủng” nầy phải hôn?
– Nè, tao nói cho bây biết, thằng già nầy hổng có nhát gan đâu nghe. Giận gì thì giận, chớ chết rồi thì kể như huề. Vả lại tụi nó là con cháu mình lòng vòng đất cù lao khỉ ho cò gáy nầy chớ ai. Tao hỏi vậy thôi chớ mần thì cứ mần. Hổng lẽ mình làm chuyện thiện lại gặp bọn ác. Biết đâu vong hồn tụi nó ăn năn hối hận về đây phò hộ tao mạnh giỏi. Hà hà. Vừa nói ông vừa vuốt vuốt chòm râu bạc của một lão già tuổi bảy mươi với vẻ hả hê lắm.
Lắm lúc ông cũng không hiểu được vì sao ở cái xứ cù lao buồn chết mụ nội nầy lại có nhiều đứa nhỏ mắc cái bệnh “ếch”, bệnh “nhái” mắc dịch, mắc ôn đó rồi chết trẻ khô, để rồi xóm nầy liên tục xảy ra cảnh tre già khóc măng non. Ông đâu quên được cái con nhỏ xóm dưới mười bảy, mười tám tuổi gì đó đẹp người như Thanh Nga, Lệ Thủy bỗng nhiên biến mất. Người ta đồn đoán đủ chuyện trên đời. Nào là nó chết chìm, nào là nó theo trai, hay là tía má nó gã đi xa lớ, xa lắc. Đùng một cái nó trở về với thân hình như cây tre miễu, ốm nhom ốm nhách, xanh chành như tàu lá rồi trốn biệt trong nhà. Một năm sau thì nó chết. Làm sao chết thì nhà nó im re không nói một lời.
Cái con nhỏ xóm trên đầu vàm lại chết thật thảm thương hơn. Mười tám tuổi, nó được coi là đẹp nhứt xứ cù lao nầy. Mỗi tội nhà nó nghèo quá, nghèo cái kiểu “ rớt mồng tơi”. Vậy mà đùng một cái nó cũng biệt tăm. Nghe đồn nó đi làm điếm, làm gái gì đó ở mấy cái vũ trường bên CamPuChia tiền vô như nước. Đi làm mới vài năm là tía má nó cất được cái nhà nghe nói hai ba trăm triệu. Đi đâu má nó cũng vênh vênh cái mặt coi chiều khinh người phát ghét rồi còn đánh bài bất kể ngày đêm. Tía nó thì miệt mài với mấy thú vui : nhậu nhẹt, đá gà…Năm ngoái người dân xóm nầy còn thất kinh hồn vía khi thấy con nhỏ đó trở về với bộ dạng như người bệnh thâm niên cố đế. Nó đi phải có người dìu. Nói năng hổng ra hơi, đôi mắt như muốn rớt ra ngoài, tay chân nổi “ mề đai” vằn vện. Xóm nầy nói ra nói vào : con nhỏ bị bệnh “ung thư” hay bị bị “ Si đa, Si đe” gì đó, sắp chết tới nơi rồi. Chuyện tới tai, nó tối ngày ru rú trong nhà hổng dám ra ngoài. Một đêm mưa giông kèm nước lũ tháng tám tràn về, nó lén nhà ra bờ sông thắt cổ tại mấy cây bần. Nhà nó sợ không dám rớ vô cái xác nên mới nhờ ông tới tẩn liệm rồi đem vô cái nghĩa địa Giồng Thành nầy chôn cất. Gia đình nó nghe đâu cũng tan gia bại sản vì nợ nần, đề đóm, bạc bài nên bỏ xứ đi luôn, mấy năm nay hổng thấy về đây thắp nhang cho con nhỏ.
Đau xót nhất là trường hợp hai đứa con của vợ chồng cái tay chủ nhà máy xay lúa lớn nhất xứ nầy. Gia tài sự sản chỉ có được hai thằng quý tử nên cưng chúng như vàng, muốn gì có nấy. Bởi vậy mới hư. Tụi nó xài tiền như nước, đổi xe hon đa, điện thoại như cơm bữa. Để chúng ăn học “thành tài”, tía má nó mua hẳn một căn nhà ở Cần Thơ nghe đâu cả chục tỷ đồng để chúng lo chuyện học hành. Vậy mà có được đâu, hai năm trước thằng lớn “ngay đơ cán cuốc” nghe nói bị sốc ma túy chết không kịp trối trăn. Kinh khủng hơn là tía má nó còn phát hiện nhiều giấy tờ, thuốc men liên quan tới căn bệnh chết người. Bệnh “ Si Đa”. Nghe loáng thoáng cái tin rùng rợn nầy, chòm xóm hổng ai dám tới đốt nhang cho thằng nhỏ mới hai mươi hai tuổi. Lúc đem chôn chỉ có tía má nó với ông 2 Thiện cùng mấy lão già đất cù lao nầy. Vậy mà nỗi đau chưa chịu buông tha cho đôi vợ chồng giàu có chìu con ấy. Đúng một năm sau cái điệp khúc ấy lặp lại y hệt nhưng chỉ khác cái người nằm trong huyệt lạnh ấy là thằng con trai út của họ. Nó còn trẻ quá. Cũng đúng hai mươi hai tuổi tương tự anh nó lúc ra đi. Và thằng nhỏ lại ra đi vì căn bệnh “Si Đa” bởi nó đã đi theo vết xe đổ của anh nó. Nó bị lây lan bệnh Si Đa từ một cố gái điếm và sốc ma túy.
Cái nghĩa địa từ thiện nằm bên cạnh con rạch nầy bỗng nhiên chật dần dù đường vô ra cũng khá vất vả. Mặc. Nhiều gia đình cứ khăng khăng đem con cháu vô chôn ở đây để không mặc cảm với đời là sống ác đức, thiếu căn tu nên mới có con chết “yểu” vì căn bệnh nhơ nhuốc, ghê gớm. Và chỉ sau mười năm đã có trên một trăm ngôi mộ “ trẻ” xuất hiện tại nghĩa địa hoang vu nầy mà hiếm khi thấy người thân quay lại làm cỏ, đốt nhang, Tất cả công việc ấy giờ đây đã có ông 2 Thiện đảm đương. Rất nhiều lần những người bạn già can ngăn:
-Cha có khùng hôn ? ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Chuyện đó gia đình họ lo. Mình mắc mớ gì mà làm chùa cho mệt. Ông 8 Lắm nói lớn.
-Anh 8 nói phải đa. Anh 2 Thiện cũng đã tuổi bảy mươi rồi. Nghỉ ngơi là vừa. Không có mợ thì chợ vẫn đông mà. Bà 3 Tốt xen vào.
– Mấy ông, mấy bà nói ra nói vô làm chi cho rối rắm. Tui làm vậy để làm phước cho con cháu. Bỏ tụi nhỏ nguội lạnh ngoài nghĩa địa thấy «khổ» tâm lắm. Ông 2 Thiện nói nhỏ rồi đưa mắt nhìn về phía nghĩa địa đang trắng xóa mưa rơi.
Cơn mưa giông đột ngột rớt hạt đưa ông 2 Thiện trở về thực tại. Một chiếc ghe máy tấp vào bờ. Trên ghe là một chiếc quan tài. Phía trước là tấm hình một đứa con gái tuổi trạc hăm sáu khá xinh đẹp. Chỉ có bốn người đi theo để khiêng chiếc quan tài tiến vào nghĩa địa theo hướng dẫn của ông 2 Thiện. Không một tiếng khóc, không một dòng nước mắt. Tất cả nhưng người có mặt đều im lặng bởi tất cả đều hiểu rằng : đã có thêm một con người ra đi vì căn bệnh thế kỷ. Người chủ nhà có tang tặng ông mớ cá linh non và một rổ bông điên điển, đặc sản của miền đất An Giang đang vào mùa lũ.
Ông 2 Thiện hướng đôi mắt già nua nhìn ra sông rộng. Ông mơ màng nhìn thấy nhìn bóng người thấp thoáng trên sông, nhìn thấy những bóng trắng chao qua, chao lại trên những nấm mồ với đôi mắt vô hồn lẫn ân hận đỏ hoe màu máu.
———
Tác giả dự thi: Trương Thanh Liêm
Địa chỉ: Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.Cần Thơ,
170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB