Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: NỖI NHỚ MẸ

280

Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020

Vòng chung khảo

———————-

Tác phẩm dự thi: NỖI NHỚ MẸ

Mã số: 003 Văn xuôi

Nhà của mẹ tôi lụp xụp bên con đường làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau nhà là vườn chè. Sau vườn chè là ruộng miên man xanh, tít tắp đến tận chân rừng. Con đường núi nhỏ hẹp, quanh co dốc sỏi phía bên trái căn nhà lợp tranh, vách phên tre yên bình của gia đình, là nơi cha mẹ tôi đào hầm trú ẩn cho cả nhà núp máy bay mỗi khi giặc Pháp bắn phá.

Nhà tranh vách đất của gia đình tôi, cũng như các nhà trong thôn xóm, ở gần sông, suối; cứ mỗi khi mùa mưa về, nhà ở thường bị nước lụt dâng lên từ con sông Tiên chảy ngược, hay suối An Sơn tràn xuống. Do đó, nhà nào cũng làm bếp đứng để nấu ăn.

Cái bếp đứng của mẹ tôi cũng giống như bao cái bếp khác ở miền núi hoặc ở vùng trung du. Bếp được làm chặt chẽ trên bốn cây trụ tre rừng, mặt trên nện đất sét, nhồi rơm. Nấu nướng càng lâu chừng nào, thì bề mặt của cái bếp càng dẽ dặt chừng ấy, nhờ độ nóng của lửa và tro tích tụ lâu ngày.

Mẹ đặt trên bàn bếp một cái kiềng sắt 3 chân và một bếp 3 ông táo bằng đất. Bên cạnh vách, mẹ dựng ống đũa bếp và ống tre thổi lửa. Khoảng trống bên dưới cái bếp đứng, mẹ tôi để đủ thứ, nào là củi tre, tàu cau khô, rơm khô, hoặc vài nhánh cây mít, cây quế bị gãy, mẹ lượm trong vườn. Sáng nào cũng thế, mẹ dậy thật sớm, lui hui nấu nước chè xanh, hoặc chè đen cho cả nhà cùng dùng. Nồi nước chè luôn luôn ấm trên cái kiềng sắt 3 chân, nhờ có khúc củi gộc, ủ tro giữ lửa nóng.

Phía sau cái bếp đứng và cách chừng muơi lăm mét, cha tôi làm cho mẹ một cái chuồng heo nhỏ nhỏ, cạnh bên cây mít già, và mấy bụi chuối.

Khổ nghèo nên phải xa quê, tôi mang theo biết bao kỷ niệm thơ ấu êm đềm. Mái tranh quê nghèo. Chùm dủ dẻ chín vàng làm nải chuối chín bán hàng bên cổng đường làng. Những ngày đi câu cá dọc theo suối An Sơn, hoặc lượm trái dầu trảu, lấy hột phơi khô để bán… Lội nắng, tìm lượm vỏ đạn đồng, sau khi máy bay Pháp dội bom, bắn phá Công binh xưởng QB-150 trong hốc núi Nà Lá.

Một buổi mai đầy u ám, người chú họ dẫn tôi đi. Mẹ ôm túi áo quần của tôi, như níu ôm cả một trời thương yêu vào lòng, đưa tôi xuống tận bến đò sông Tiên. Mẹ khóc, bịn rịn nhắc nhở, lo lắng mọi điều về tôi, đứa con trai mới vừa mười bảy. Không biết rồi đây, tôi sẽ như thế nào trong những ngày đơn độc nơi đất Sài Gòn xa lạ. Tôi tưởng chừng như đất sụp dưới chân, không đè nỗi tiếng nấc nghẹn ngào, bỗng òa lên nức nở, ôm chầm lấy mẹ. Ôi! Cái ngày đầu tiên đi xa, khắc sâu vào nỗi nhớ cho đến tận mãi bây giờ.

Những năm sống trên đất Sài Gòn, đối với tôi, mọi thứ gì cũng trở thành xa lạ. Tôi ở với gia đình cậu mợ Tám hiền lành, trong nếp nhà tôn nhỏ, có cái gác đơn sơ. Đường vào quanh co nhiều nhánh rẽ, có nhánh qua trước nhà của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Minh Cảnh. Tôi còn nhớ như in, số nhà 134/109/243A, quận 3, đường Yên Đỗ, Sài Gòn, nơi đã một thời gắn bó với tôi biết bao kỷ niệm vui buồn. Chợ Tân Định cũng không xa chi mấy, tôi  thường đi bộ đến đó, tìm mua vài quyển sách cũ bày bán bên vỉa đường đông đúc.

Rất nhiều lần, tôi đi xem chiếu bóng ở các rạp bình dân Mô-Đẹc, Kinh Thành của khu Đa Kao – Tân Định, những rạp rẻ tiền, chuyên chiếu phim Ấn Độ. Có khi vào rạp Vĩnh Lợi già nua, phảng phất ẩm mốc, ngây ngây mùi nước tiểu.

Những chiều ngồi một mình trên ghế đá trong vườn Tao Đàn, hay ở Sở Thú, tôi cảm thấy lẻ loi trước những lụa là hoa lệ. Lúc ấy, tôi nghĩ đến vườn chè xanh sau nhà mẹ, vườn quế cay nồng của bác Năm hàng xóm. Đàn trâu về chuồng khi chiều cạn. Con nghé ọ theo bầy. Những đêm trăng làng nguồn…

Chiếc xe đạp của người bán cà rem đi qua trước mặt, khiến tôi hình dung đến những vòng xe nước suối An Sơn thanh bình, cần mẫn quay tròn,. Vòng  nước trắng lóa từ ống tre rừng trút xuống ruộng xanh. Lúa biết ơn trổ mơn mỡn đòng đòng.

Xa làng quê, lòng gói nhớ mang theo dài tuổi tóc

Đường làng quê Thạnh Bình xưa, mỗi khi vào mùa gặt, rơm rạ nằm phơi nắng ửng vàng. Đòn xóc trĩu oằn mùa lúa chín.

Đồi núi trung du tít tắp chập chùng.  Khói sương mai quấn quít gót đi học trường làng. Ngòi bút lá tre chấm mực tím vướng cọng rơm giấy tự túc cần lao.

Tảng đá bên vệ đường dẫn xuống chợ huyện, dựng nghìn năm độ lượng, làm vách tựa lưng khách bộ hành xuôi ngược, xuống lên. Nơi ấy, quán mái rạ đơn sơ lè tè bên triền dốc cây gạo, đậm đà bát nước chè xanh, tô mì Quảng béo ngậy lát thịt heo. Mỗi lần được mẹ dẫn đi chợ huyện, người thường dắt tôi vào ngồi quán trung du.

Nhớ quá cái lò rèn nằm kề con suối An Sơn. Ống bệ thở phì phò hoa gạo sớm hôm theo đôi tay bác thợ chuyên cần. Bên ngọn lửa rực hồng, tay búa người thợ cả cành cạch nhịp nhàng trên thanh sắt đỏ ngạnh chông. Bàn chông đánh Pháp.

Thấp thoáng sau hàng cây xanh, chiếc cầu tre nối tình hò hẹn những mùa trăng oằn gót dại khờ.

Tuổi mười ba, mười bốn mộng mơ, lũ con gái con trai trung du ở trần tắm mưa chí chóe. Nước nguồn mơn man ngực núm nhụy xuân thì. Tuổi thơ rủ ra chái hè, đếm bong bóng nước phập phồng, thả thuyền giấy trôi, cười rúc rích.

Đêm sân đình làng, người người nối vòng tay kết tròn bài ca KẾT ĐOÀN. Cây cốc già lắng nghe. Gió núi lay nhành lá lấp lánh trăng, ngắt vài cọng sương, rơi nghiêng ánh bạc. Những chiếc rụt rè điều kỳ dịu hồn nhiên.

Ngõ về trường làng Gò Hạ êm đềm, đường qua thôn Lộc Yên nhà cổ, lội nước sông Đá Giăng, Lò Thung miên man huyền thoại, hoặc những tháng học hành, sang xã Tiên Lộc, ngồi lớp học Trường Mính Viên giấu mình giữa ngàn xanh để tránh tàu bay Pháp.

Tôi nhớ quê quặn ruột, nhớ mẹ cơ cực sớm hôm. Về thôi.

Vậy là tôi được yên ấm trong vòng tay mẹ đôn hậu, bao dung.

Về lại nếp nhà xưa, không có gì thay đổi sau hơn một năm tôi xa Tiên Phước. Mọi đồ vật vẫn như những ngày trước khi tôi đi. Vẫn cái bếp đứng ấm áp, chuồng heo quen thuộc…Tôi nhớ con heo mọi của mẹ và cây mít già, gót dò dẫm bước ra xem thể nào. Lúc tôi đang nhìn vườn, ngó lại mấy bụi chè xanh, thì nghe mẹ gọi -Thằng Ngọc mô? – Dạ, có chi không mẹ? Chiều ni, con dọn phân chuồng heo cho mẹ, nghe. Dạ.

Cuốc chĩa ba răng, tôi hì hục kéo phân chuồng heo. Những cành phân đã rục lá xông lên mùi hôi hám nồng nặc. Bỗng tiếng bà Hai Phó, từ nhà hàng xóm vọng sang – Ui! Phân chuồng hôi quá. Tôi lật đật vô nhà, lấy con dao cau, đem ra cắt vội mấy tàu lá chuối, bỏ vào, đậy lên trên mặt phân heo.

Tối hôm ấy, con heo mọi của mẹ tôi bỏ ăn. Mẹ không còn thấy cái lưng cong vòng của con heo, cái bụng sa thòng của nó, cái mõm ngước lên ịt…ịt, lăng xăng, mỗi khi cho nó ăn. Con heo buồn rượi, nằm thu mình trong một góc chuồng hôi hám.

Mi làm rứa, tau không ưng cái bụng. Mẹ chỉ nói vậy thôi. Giọng nhẹ nhàng trách móc.

Bữa cơm tối, mẹ chẳng buồn ăn. Những ánh mắt e ngại dè chừng của các em tôi ngập ngựng trên chén cơm độn mít già. Tiếng chó sủa rất xa vọng lại, tan vào bóng đêm tịch lặng núi ngàn. Đêm vô cùng lo lắng. Tôi tưởng chừng như nghe được tiếng hồi hộp của chung quanh.

Bóng mẹ đỗ dài sau cây đèn hột vịt. Người lặng lẽ ra chuồng heo, bưng theo tô cháo trắng và chén mắm cái đã chưng thơm lựng. Mẹ giả làm tiếng con heo – ịt ịt, ịt ịt…Lặng im! Xập xập…xập xập. Con heo vẫn nằm bất động! Mẹ âm thầm một bóng trở vô nhà.

Tôi bỗng giật mình chồm dậy. Đêm trung du tối mịt. Cây mít già sau chái hè im bóng, như đang lắng nghe bước chân lo lắng, dò dẫm của mẹ. Lại cái bóng liêu xiêu đỗ dài sau cây đèn hột vịt. Mẹ lần mò ra chuồng heo. Ịt…ịt. Xập xập…Tôi nghe hình như có tiếng trở mình mệt mỏi của con heo. Tiếng phập phập yếu đuối, và sau đó, từ từ mạnh dần, có vẻ nhanh hơn của con heo đói, khát. Tôi vội vàng chạy đến bên mẹ, chưa kịp hỏi, thì mẹ đã mừng – Con heo nó ăn lại rồi. Mi làm tau lo quá.

Chái nhà tranh bị bóng đêm nuốt chửng tự lúc nào. Trong túp nhà khổ nghèo của xứ nguồn yên ả, có lẽ các em tôi đang nằm mơ về chuyện cổ tích ông Tiên, công chúa…

Mấy bộ quần áo cũ màu mè bán “xôn”, tôi mua ở Sài Gòn đem về, có thể đang chập chờn trong giấc hồng của các em tôi. Giấc mơ giao thoa với những tờ giấy bạc hai đồng, màu tim tím.

Gió núi lao xao. Mẹ âu yếm ôm tôi vào lòng.

Mấy bữa sau, tôi đi xin rơm, rạ ở các nhà làm ruộng, đem về bỏ vào chuồng heo, đi xin chuối cây, chặt vác về cho mẹ xắc nấu với rau lang. Niềm vui lớn lên theo ngày tháng êm đềm. Những ngày đẹp trời, tôi và các bạn cùng trang lứa, đi kiếm củi ở Cửa Rừng, nơi không xa nhà, chừng hai cây số đường núi chập chùng.

Tôi và các em lớn theo từng trang sách, từng miếng cơm độn khoai, ghế sắn qua mùa.

Bỗng một ngày, giông tố bất ngờ trút đau thương lên gia đình. Mẹ tôi ra đi giữa mùa thu vàng vọt. Mây tang tóc. Gió bão bùng. Và sau hai năm mất mẹ, tôi tha phương cầu thực nơi xứ người, giành dụm vài đồng tiền lẻ, gửi về nhà, thêm vào cho các em mua sắm sách vở học hành.

Mẹ tôi qua đời đã hơn 10 năm rồi, nhưng cái bếp thân yêu, như là chỗ ghi nhớ bóng dáng mẹ, thì vẫn được các em tôi dùng làm nơi đun nước hằng ngày, dù cho bây giờ, nhà đã nấu bếp ga.

Sống xa xứ đã lâu, nhưng tôi thường về thăm quê vào những ngày giỗ mẹ. Cứ mỗi lần đi qua ngăn bếp cũ, hoặc vào lấy chén đũa ăn cơm, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến, tưởng chừng dáng mẹ đâu đây, vẫn vào ra, lom khom thổi lửa nhóm bếp bằng cái ống tre nhỏ.

Đã hơn hai năm nay, tôi chưa về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, để thắp nén hương cội nguồn. Một hôm, nhận được điện thoại của em tôi mời về chơi, nhân dịp khánh thành ngôi nhà mới, kết hợp tổ chức vào ngày giỗ của mẹ. Khi đứng trước căn nhà tường xây, mái ngói đỏ tươi, thay cho mái lợp tôn cũ kỹ, tôi vô cùng vui mừng về sự thành đạt của đứa em út. Căn phòng khách đầy đủ tiện nghi. Nhà có phòng ngủ, phòng vi tính riêng… Nền nhà lát gạch hoa màu xanh lam, sạch bóng. Tất cả được thiết trí đẹp, thanh nhã. Nhưng khi đến chỗ căn bếp của mẹ thuở xưa, tôi không thể nén được những giọt nước mắt xúc động.

Căn bếp chật hẹp của mẹ ngày nào, mọi đồ dùng vẫn nguyên vẹn như xưa. Các em tôi đã phá bỏ chuồng heo, và thay vào đó là chuồng gà. Này là cây mít già. Kia là bụi chuối. Ngọn gió núi lao xao thổi qua, tôi tưởng chừng như tiếng mẹ đâu đây, gọi bảo tôi dọn chuồng heo.

Nỗi nhớ mẹ già theo ngọn khói bếp chiều trung du lãng đãng… …

——————

Tác giả dự thi: Võ Khoa Châu

Địa chỉ: Tổ 2, đường Lê Lai, thị trấn Vạn Gĩa, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB