Tác phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo: “Những giá trị tích cực văn hóa đạo đức của Phật giáo trong mối quan hệ với đời sống hiện nay” của tác giả Lê Thị Thu Thanh

196

Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018

Vòng chung khảo

———————-

Tác phẩm dự thi:  NHỮNG GIÁ TRỊ TÍCH CỰC VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC CỦA PHẬT GIÁO TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỜI SỐNG HIỆN NAY

Tác giả: Lê Thị Thu Thanh

 

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Dù đường hướng và phương châm hoạt động của các tôn giáo khác nhau, nhưng nhìn chung đều hướng thiện và có giá trị đạo đức tích cực. Trong khuôn khổ bài viết bàn về vấn đề “Những giá trị tích cực văn hóa đạo đức của Phật giáo trong mối quan hệ với đời sống hiện nay”, tôi xin đề cập 2 khía cạnh:

Thứ nhất: Phật giáo đồng hành với dân tộc Việt Nam và tìm được điểm gặp gỡ chung  đó là “Dân tộc, Đạo pháp”.

Một trong những tôn giáo đồng hành cùng với dân tộc qua chiều dài lịch sử và có những đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước đó là Phật giáo. Trải qua gần hai nghìn năm du nhập vào nước ta, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước với tinh thần “hộ quốc an dân“, phương châm hoạt động là: “Đạo pháp Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, cùng trải qua bao thăng trầm và luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình truyền bá tư tưởng giáo lý Phật giáo.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh những giai đoạn hiểm nghèo của đất nước trước họa xâm lăng; nhiều vị thiền sư Phật giáo, đồng bào Phật tử đã chung lưng đấu cật với dân tộc, chống giặc, bảo vệ non sông, tranh đấu cho công bằng và tự do. Đó là gương sáng của thiền sư Khuông Việt thiền sư Vạn Hạnh. Vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay. Đặc biệt tôi ấn tượng mạnh tiếng chuông thức tỉnh của Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn còn vang vọng đâu đây.

“Ngọn lửa Thích Quảng Đức”, nguồn ảnh Internet

Năm 1963 phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam được xem như là một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất kháng chiến chống Mỹ. Cuộc đấu tranh này không  chỉ nói lên sự bất bình đẳng về tôn giáo mà còn là sự đọa đày bất công của người dân miền Nam Việt Nam dưới một chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã anh dũng tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn trước sự chứng kiến của hàng chục vạn Tăng Ni, Phật tử cùng nhiều quan sát viên, báo chí quốc tế. Trong các bút tích để lại, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã nói rõ hạnh nguyện tự thiêu của Ngài là nhằm đẩy lùi bất công và xây dựng công bằng xã hội.

“Vì sự bất công tôi thiêu xác

Khói hồn nguyện độ cảnh hàm oan.

Hoặc:

“Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác

Tro trắng phẳng san hố bất bình(1).

Đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội ở Hòa thượng Thích Quảng Đức chứa đựng một tinh thần vị tha cao cả, rộng lớn của giáo lý Phật giáo: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, hãy thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà vững yên muôn thuở” (2). Hòa Thượng Quảng Đức hiến dâng đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng thống Diệm và lưu ý cho toàn thế giới. Người đã chịu đựng sự đau đớn của tia lửa hồng đang đốt cháy da thịt nhưng không một lời kêu than. Trước khi tự thiêu, Người gởi mấy lời cho Tổng thống Diệm. Đó là  tiếng nói của tình thương, chứa đựng sự giải thoát của nhân dân miền Nam Việt Nam, yêu cầu Chính phủ Sài Gòn thực thi ngay quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo đồ và tự do cho dân chúng Việt Nam. Báo cáo về tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận lần thứ II (1-1-1964) viết: “Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ độc tài phát-xít Mỹ-Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam”(3).

Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với một chế độ độc tài cá nhân gia đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn; đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hoà thượng Thích Quảng Đức”(4).

Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, đỉnh cao là sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tuy mang màu sắc tôn giáo, nhưng thực ra đây là sự vùng lên của cả một dân tộc nhằm xoá bỏ chế độ độc tài, giáo trị, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Điều cần nhấn mạnh là sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ vì để ủng hộ Phật giáo mà chính là ý thức dân tộc: “Cuộc lay đổ chính quyền Ngô Đình Diệm 1963 đã động viên không những được ý thức bảo vệ Phật giáo, mà cả ý thức bảo vệ quốc gia nữa. Nơi những người Phật tử, hai ý thức ấy hoà hợp với nhau không tách rời được. Chính rất nhiều phần tử không Phật giáo cũng tham dự cuộc vận động này, không phải vì để giúp đỡ Phật giáo, mà vì thấy cuộc vận động của Phật giáo phù hợp với nguyện vọng của dân tộc. Trên thực tế, phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam đã vượt khỏi ranh giới đơn thuần mà hình thành một phong trào yêu nước rộng rãi trong toàn dân”(5).

Đến đây tôi sực nhớ trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky có đoạn viết: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người….

Đúng vậy! vốn quý nhất của con người là sự sống, là tín mạng bản thân. Thế nhưng Thượng tọa Thích Quảng Đức đã hiến dâng sự sống của mình vì lợi ích của đại chúng, vì sự nghiệp của dân tộc. Ngài đặt nền độc lập của dân tộc lên trên hết để giải thoát nỗi khổ của chúng sanh như lời phật dạy. Sự hy hiến bi hùng của Bồ Tát Thích Quảng Đức cũng như những ngọn lửa thiêng tiếp nối sau đó đã góp phần làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm càng sớm bị sụp đổ, đúng như triết lý đạo phật đã nói: “gieo nhân nào thì gặp quả đó”. Suy rộng ra, đối với đất nước, cuộc đấu tranh “bước đầu góp phần làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn trong đại thắng mùa Xuân 1975” (6).

Phát huy truyền thống quý báu đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kì anh dũng gần đây của nhân dân ta, Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc; nhiều chùa chiền, tịnh viện là cơ sở cách mạng, nuôi dấu cán bộ; nhiều nhà sư cũng đã tạm gác áo cà sa để mặc chiến bào tham gia chiến đấu chống ngoại xâm góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, Phật giáo lại cùng toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống thông qua hoạt động thường xuyên răn dạy tín đồ, Phật tử phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, trau dồi đạo đức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và làm tất cả vì cuộc sống an lành, ấm no và hạnh phúc của mọi người.

Thực tế cho thấy, lịch sử Việt Nam đã chứng minh từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã có những đóng góp to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng thời gắn bó mật thiết với dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử “phật giáo và dân tộc như hình với bóng” như lời nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, ,… Những việc làm cao cả ấy ngày càng rõ nét và đạt thành quả lớn lao, khẳng định Phật giáo luôn gắn Đạo với Đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc…” và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại lễ khai mạc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, vào ngày 13/12/2007 tại Hà Nội :”Những đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam vào sự nghiệp đổi mới đất nước chứng tỏ Phật giáo hoàn toàn là tôn giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc’’.

Thứ hai: Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

Nhà nước ta đã nhận định tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Vì đạo đức tôn giáo hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức con người. Năm điều cấm giới của Phật giáo nói rõ: Không được giết hại, không được trộm cướp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu. 5 điều cấm giới này chẳng phải phù hợp với những điều nghiêm cấm trong luật pháp Việt Nam hay sao? và nó góp phần bảo đảm trật tự an ninh xã hội, đem lại sự bình yên cho mọi người. Tôi nhớ có một vị tu sĩ đã chia sẻ với tôi rằng “ nếu không có giá trị đạo đực tích cực của tôn giáo thì nhà nước phải tốn nhiều quân đội, cảnh sát”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương-Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo cũng khẳng định trong một cuốn sách chuyên khảo về tôn giáo: “Tôn giáo nào cũng khuyên con người- tín đồ, làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, yêu người, cho người đói ăn, cho kẻ khát uống. Tôn giáo dạy con người tu thân, tề gia, đưa ra những chuẩn mực trong quan hệ vua- tôi, cha – con, vợ- chồng, thày –trò. Hầu hết các nội dung trên là những lời răn dạy của các đấng sáng lập tôn giáo (Chúa Trời, Phật, Thánh Ala…), trở thành quy chuẩn, mô phạm điều chỉnh những hành vi của con người, tín đồ(8) .

Đặc biệt  Phật giáo ngày nay vẫn lưu giữ những giá trị tích cực có thể góp phần xây dựng đạo đức lối sống cho con người Việt Nam, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Vì vậy hằng năm rằm tháng 7 nhà Phật có Lễ Vu Lan ( mùa báo hiếu) đối với bậc sinh thành dưỡng dục.  Điều này rất phù hợp với truyền thống, tính cách con người Việt Nam luôn hiếu kính cha mẹ, niềm tri ân và báo ơn ấy đã trở thành bản tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt và được thể hiện sinh động  qua ca dao dân ca:

Tu đâu mà bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu

Hoặc đi về lập miếu thờ vua

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha

Thêm vào đó, những không gian chùa chiền, nhà thờ luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận…. Tất cả những điều đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo hóa con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản, coi trọng thiên nhiên. Hoặc những ngày lễ của tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Giáng sinh không còn là ngày lễ riêng của tôn giáo đó nữa mà trở thành ngày hội của dân tộc, đem lại không gian văn hóa tinh thần thoải mái, vui tươi, an lạc.

Thêm vào đó tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo; tư tưởng bình đẳng, hoà bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hoà đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy Liên Hiệp Quốc tôn vinh đạo Phật là đạo của trí tuệ, tình thương và hòa bình.  Do ảnh hưởng triết lý của đạo phật thuyết “Nhân – Quả” mà người Việt Nam thường nhắn nhủ nhau chớ có vì danh lợi phù hoa, làm ác hại người để rồi chuốc lấy đau khổ. Hãy ăn ở cho lương thiện rồi thế nào cũng gặp điều tốt lành, may mắn và hạnh phúc:

“Ai ơi hãy ở cho lành

Kiếp này chẳng gặp đề dành kiếp sau”, hoặc “ ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”

Vì sao tôn giáo lại có tính hướng thiện? GS Trần Quốc Vượng lý giải: “Ở trong mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hoá lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt ngọc văn hoá đó (9) .

Hoặc lòng từ bi, bác ái của đạo Phật góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ…. Những giá trị tích cực đó của Phật giáo càng được nhân lên với những hành động cụ thể, như kẻ đói được cho ăn, kẻ rách được cho mặc, người ốm đau bệnh tật được chăm sóc,….Điều này rất phù hợp với tính nhân văn của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”. Thực tế đã chứng minh, Phật giáo đã có những đóng góp vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, từ thiện, chia sẻ gánh nặng cho đất nước. Đó là việc các khám chữa bệnh từ thiện, mở phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc, nhà dưỡng lão, trường dạy nghề miễn phí, nuôi dạy trẻ bán trú, lớp học tình thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, trẻ em tàn tật, người nhiễm chất độc da cam. Khi bão lụt xảy ra thường chủ động quyên góp tiền của để ủng hộ đồng bào bị nạn.

Dẫn chứng cho điều này tôi lấy ví dụ như tháng 10 năm 2013, phái đoàn Ban Trị Sự GHPGVN Quận Tân Bình – TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi thăm hỏi và tặng 797 phần quà cho đồng bào tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị bị lũ lụt, tổng trị giá quà tặng hơn 395 triệu đồng. Món quà  đó thể hiện tấm lòng yêu thương, quan tâm của những tấm lòng nhân ái Ban Trị Sự GHPGVN Quận Tân Bình – TP Hồ Chí Minh mang đến tận tay cho đồng bào nghèo miền Trung từng kg gạo, mì gói và cả những đồng tiền mặt…, đã giúp cho những mảnh đời khó khăn phần nào vơi đi nỗi khổ. Nghĩa cử cao đẹp đó đã nhóm lên ngọn lửa yêu thương sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh trong lúc khó khăn.

Ban Trị Sự GHPGVN Quận Tân Bình – TP Hồ Chí Minh tặng quà cho bà con ở  Quảng Trị, nguồn ảnh Internet

Việc làm ấy chính là củng cố thêm niềm tin Tam bảo trên con đường tu tập trong ánh đạo từ bi, thể hiện nét đẹp trọn vẹn của chữ Tâm với cộng đồng. Trong những chuyến đi ấy, thường thấy ánh mắt trìu mến, yêu thương của các Hòa thượng dành cho mọi người: “ cho đi chính là nhận lại những nụ cười”. Có thể nói, tấm lòng nhân ái Ban Trị Sự GHPGVN Quận Tân Bình đã kết hợp thật ý nghĩa việc lợi đạo ích đời, mang đến đời sống an lạc cho người nghèo khó. Sự giúp đỡ lặng thầm của Ban Trị Sự GHPGVN Quận Tân Bình đã mang lại nhiều ý nghĩa đích thực và tạo động lực, điều kiện để giúp người nghèo khổ vượt qua khó khăn. Họ cũng thấy hoan hỷ khi đã làm được một điều gì đó dù là nhỏ nhoi nhưng có ích cho chúng sanh. Hy vọng rằng, với những tấm lòng hảo tâm nhân ái sẽ  giúp những người bất hạnh vượt lên hoàn cảnh để sống có ích cho đời.

Thượng tọa trong Ban Trị Sự GHPGVN Q.Tân Bình tặng quà cho hộ neo đơn ở Quảng Trị, nguồn ảnh Internnet

Có thể nói hiện nay sự xuống cấp về đạo đức đang trở thành một vấn nạn của toàn xã hội. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, sự cần thiết phải xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội dựa trên cơ sở kế thừa các giá trị tích cực của đạo đức tôn giáo đã được đặt ra, để xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh; con người Việt Nam đủ tài và đức đáp ứng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong thời đại mới như Nghị quyết Đại Hội Đại Biểu toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng tình nghĩa, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và toàn xã hội (10)

——————–

Lê Thị Thu Thanh

Đội 2, Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị

Chú thích :

(1), (2), (3), (4), (5), (6) Lê Cung – “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.

(7). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX,  tr. 46.

(8) Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở VN, Nxb KHXH 2004, tr.43.

(9).  Tôn giáo là và văn hoá, Báo NCGVN Xuân Kỷ Tỵ 1989

(10). (Phạm Minh Hạc, Nguyễn Khoa Điềm (CB) (2003), Về Phát Triển và Xây Dựng Con Người Trong Thời Kỳ Công Nghiệp Hoá và Hiện Đại Hoá, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 5.

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB