Cuộc thi: “Sáng tác Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về Đạo hiếu” – năm 2020
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
———————
Tác phẩm dự thi: SỐNG TIẾP CUỘC ĐỜI MẸ CHA
MS 096 Văn xuôi
Tôi vô cùng hạnh phúc khi có một đứa con gái luôn cận kề ba mẹ. Đi học thì thôi, về nhà là ôm mẹ hôn tới tấp, kể đủ chuyện trên đời. Những hôm tôi đứng rửa chén, con gái từ phía sau ôm eo mẹ, một cảm giác ấm áp lan tỏa khắp cơ thể. Làm mẹ, với tôi như thế là hạnh phúc rồi.
Có lần tôi nói với con: Già, ba mẹ sẽ về quê sống quãng đời còn lại. Con gái 18 tuổi khi nghe tâm tư của tôi đã vô cùng buồn bã, về sau, thỉnh thoảng con hay hỏi: “Mẹ có từ bỏ ý định đó không, con nhất định không cho ba mẹ về quê”. Hình như con chẳng khi nào làm ba mẹ buồn phiền. Một đứa con ngay từ tấm bé đã biết quan tâm đến ba mẹ, lớn thêm một chút càng sâu sắc, đáng yêu. Tôi cảm thấy mình khỏe mạnh, an yên cũng nhờ đứa con gái hiếu thảo này. Tầm tuổi ấy, ngày trước tôi khá vô tâm, chưa bao giờ biết nói lời yêu thương để bày tỏ tình cảm với ba mẹ, cũng chẳng có hành động đáng yêu như con gái tôi, có lẽ vì ngại ngùng. Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, ba mẹ thuộc thế hệ 3X, cái ăn cái mặc ngày ấy hết sức thiếu thốn, thời gian ba mẹ dành cho con cái cũng không nhiều. Chúng tôi trưởng thành theo cách sống ngay thẳng, tốt bụng, chăm chỉ, cầu tiến. Ba mẹ dạy cứ vịn phương châm ấy mà nối dài truyền thống gia đình. Chị em tôi hồn nhiên lớn lên trong vòng tay thương yêu của mẹ cha, hiếu thảo lúc này là chăm ngoan, khỏe mạnh, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, trông em, gánh nước, quét nhà. “Nước mắt chảy xuôi”, ba mẹ tôi làm ruộng mẫu, nhưng nhất định không cho đàn con ra ruộng, lúc nào cũng hối thúc học hành, kiếm chữ, thoát nghèo. Chúng tôi đón nhận tình thương ấy như một sự thật hiển nhiên. Cho đến sau này, khi đối diện chông gai, đôi lần vấp ngã, mới nhận ra chỉ có mẹ cha là người cưu mang, yêu thương con cái vô điều kiện mà thôi.
Con cái khi đủ lông đủ cánh thì cũng tới lúc phải rời tổ. Chúng tôi, dù trai hay gái, cũng đều sống tiếp cuộc đời mẹ cha, với những hành trang mà mẹ cha đã gói ghém. Hiếu thảo lúc này cụ thể hơn, mồn một hơn, mạnh dạn thể hiện, chứ không còn ngại ngùng như ngày thơ dại. Là những cú điện thoại hỏi han cặn kẽ. Nếu nghe mẹ ho khan một tiếng, phải truy cho ra bệnh mới chịu, rồi nhắc mẹ đi bác sĩ, có đứa gửi tiền về cho mẹ thuốc thang. Chị em tôi phần lớn xa quê. Thỉnh thoảng nhìn các bạn gái lấy chồng gần, trên xe tòng teng chút quà, tạt về thăm mẹ, một cảm giác ghen tỵ không hề nhẹ. Lúc đó tôi chỉ biết chạy mau về nhà, lao vào phòng đóng chặt cửa, gọi điện thoại tâm tình với mẹ cha. Biết niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ cha là cận kề bên con cháu, chị em tôi chẳng ai bảo ai, cứ về thăm khi có thể, để được tựa lên đôi vai gầy guộc tháng năm, nghe yêu thương lắng đọng. Lòng hiếu thảo chẳng cần dạy bảo, cũng chẳng có công thức nào, cứ tự nhiên hình thành, tự nhiên bày biện, không phải chờ đợi đến một sự kiện nào đó mới có dịp hô hào, lan tỏa.
Xa quê, hình bóng mẹ cha tồn tại trong miền nhớ. Nhớ từng kỷ niệm nhớ đi. Nhớ có hôm theo mẹ đi thăm ruộng, trên đường đi, mẹ đã kể tôi nghe vài chi tiết vừa buồn vừa hài hước về chuyện mẹ làm dâu khi mới 18 tuổi, mà tận ngày cưới mới biết mặt ba. Tôi đã sử dụng những chi tiết đắt giá, chỉ mình tôi biết ấy, mà chảnh chọe với anh chị tôi – những người rất cuồng cha mẹ, thương quá khứ, nhớ kỷ niệm. Hay có hôm theo ba ghé thăm người họ hàng, ba chở tôi bằng xe đạp, men dọc triền sông Thu Bồn mà đi. Ba nói rằng, ba ước sau này con gái út của ba mãi mãi bình yên, hạnh phúc, thì ba nhắm mắt mới an lòng. Tôi khi ấy vẫn còn dại khờ, cứ lặng thinh chẳng đáp lại lời ba, chỉ có dòng nước Thu Bồn vẫn da diết chảy, vỗ về những ước ao ruột gan của ba tôi.
Rồi ai cũng đến một ngày chứng kiến mẹ cha khuất núi. Có người nói, cha mẹ còn sống thì lo báo hiếu, cha mẹ chết rồi cơ hội không còn. Câu nói không sai, nhưng tôi nghĩ khác. Cha mẹ mất đi, con cái vẫn tiếp tục báo hiếu, chẳng phải bằng những đám giỗ mâm cao cỗ đầy, hay một ngôi mộ bề thế, mà bằng cách sống tử tế, suy nghĩ tích cực, biết đoàn kết, biết cầu tiến, biết thương người, như ba mẹ ngày còn sống vẫn thường làm. Phận con chữ hiếu làm đầu. Chữ hiếu chẳng thể cân đong đo đếm, mà tận sâu trong lòng mỗi đứa con, tự biết làm sao cho chữ hiếu thật tròn, thật đầy, đó là cán cân của tình yêu và trách nhiệm. Ba mẹ tôi khuất núi đã lâu, nhưng tôi luôn tin họ vẫn biết, vẫn thấy những gì tôi nghĩ, tôi làm. Tin thế, cũng là cách tự răn mình sống sao cho tốt, để ba mẹ vui lòng, để con cháu sau này tiếp nối đạo hiếu, lan tỏa tình yêu thương ra khỏi phạm vi gia đình.
——————————–
Tác giả dự thi: Lê Thị Phi Khanh
Địa chỉ: B12F/45 ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp.HCM