Tác phẩm đạt giải khuyến khích: “Nhật ký về mẹ” của tác giả Hoàng Thủy

103

Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo Hiếu” – năm 2018

Vòng chung khảo

GIẢI KHUYẾN KHÍCH

———————-

Tác phẩm: NHẬT KÍ VỀ MẸ

Tác giả: Hoàng Thị Thuỷ (Hoàng Thuỷ)

Ảnh minh họa

Quảng Nam, ngày…

Mẹ yêu thương!

Không biết đến bao giờ con mới lo tròn bổn phận làm con với mẹ. Thương mẹ rất nhiều nhưng con chưa tròn lời hứa từ tâm với mẹ. Mẹ ơi! Sau bao năm bôn ba nơi đất khách, nay trở về quê chồng cũng là quê của mẹ, con  lại băn khoăn hành trình đi tìm ông ngoại…

Mẹ ơi! Con thương mẹ quá chừng. Chúng con nay anh chị em đông đủ, còn mẹ, mỗi lần nghĩ đến con không khỏi chạnh lòng. Chuyện mẹ kể con nghe không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nghe là thêm mỗi bận tiếng mẹ thở dài não ruột. Rằng ngày xưa bà ngoại vốn đẹp người… Ông bà cố mất sớm nên bà ngoại về ở cùng chú ruột. Đến tuổi lấy chồng, chú mai mối cho anh canh điền trong làng. Kì thực, bà đã yêu ông – người cai tuần trông coi cu li làm đường sắt dưới thời nhà Nguyễn. Nghe đâu, thỉnh thoảng ông đi tuần qua vùng đất Vĩnh Linh quê bà. Nhìn ông oai nghiêm trên xe ngựa…Thế rồi hai người yêu nhau. Thời đó, yêu đương tự do là chuyện động trời. Chú biết chuyện, cấm cửa, đánh mắng. Bà một mực không nghe. Cuối cùng hai người đưa nhau vào Huế và nhờ ông bà cố – người bà con bên ngoại làm đám cưới. Bà theo chồng về quê Quảng Nam. Sinh được hai người con gái, bà nhớ quê và một mực đòi về. Thương bà, ông đồng ý. Hai ông bà về lại đất Vĩnh Linh làm ăn, sinh sống.  Sau này ông bà sinh thêm một người con trai và hai con gái nữa. Khổ nỗi, theo người xưa thì ông bà ngoại là tay khó nuôi con. Cậu dì của con cứ đến tuổi 12, 13 đều bị bệnh kinh phong, thương hàn một hai hôm là mất. Ông bà ngoại khóc cạn nước mắt vì xót nỗi mất con liên tiếp. Nhất là khi cậu con qua đời… Bà ngoại kể rằng: ông ngoại sinh ốm, ngày nào ông cũng nấu cơm rồi mang ra mộ thắp hương, khấn vái. Sau ông gọi lũ trẻ chăn trâu đến ăn. Còn lại một mình mẹ, ông bà phải nhờ người khác nuôi hộ. Nghe nói chỉ có cách đó mới tránh được tà ma bắt. Cứ thế, ngày qua ngày. Cho đến khi anh em của ông ở Quảng Nam biết chuyện. Họ ra đón ông về quê chữa trị. Lúc đó mẹ chừng 3 tuổi. Mẹ đã khóc chạy theo cha, các chú bảo là sẽ đưa cha con về khi nào lành bệnh. Bà ngoại xin ở lại hương khói cho các con. Rồi chiến tranh xảy ra, vùng đất Vĩnh Linh chìm trong khói lửa. Ông bà bặt tin nhau…

Mẹ ơi! Con thương mẹ bởi cuộc đời mẹ có lắm đắng cay. Con hiểu mẹ của con không quá khổ về vật chất đời thường nhưng mẹ lại mang một nỗi đau tinh thần dai dẳng. Mẹ đã yêu thương che chở chúng con khi mưa khi nắng, lúc ấu thơ và kể cả khi con cái ai ai cũng yên bề gia thất, lòng mẹ vẫn không ngớt lo toan “Con à, mấy cháu dạo ni ra răng rồi? Các con sống vui vẻ, hạnh phúc chớ?…”. Mẹ ơi! Con yêu mẹ vì đôi bàn tay mẹ rám nắng nhưng nụ cười, ánh mắt vẫn rạng ngời khi con cháu mỗi ngày một lớn khôn, thành đạt. Chị em chúng con được sống trong sự bảo bọc yêu thương của mẹ, không phải chịu quá nhiều vất vả thăng trầm bởi vì dường như mẹ đã dành hết khó khăn, khổ cực về phía mẹ. Con càng thương mẹ hơn khi thấu hiểu mẹ lớn lên thiếu tình yêu thương và mơ hồ về một người cha. Giờ thì con cũng đã hiểu vì sao ngày xưa khi chúng con yêu nhau, mẹ đã rất buồn và lo lắng “chúng con liệu có là chỗ thâm tình, máu mủ ruột rà chăng”? Đúng là duyên số. Con vẫn hay đùa mẹ rằng: “mẹ là con gái xứ Quảng, đi lấy chồng xa xứ nay mẹ trả con gái mẹ về làm dâu xứ Quảng, cũng lấy chồng xa xứ”. Để rồi cứ chiều chiều lại tần ngần “chồng gần không lấy mà lấy chồng xa…”. Con biết mẹ thầm lo âu không lẽ số phận con gái mẹ lặp lại chăng?  Mẹ kể rằng: bà ngoại bảo “Chiến tranh ác liệt, biết sống chết ra răng mà tìm. Thôi, chờ ngày thống nhất, tao đưa đi tìm cha. Răng rồi ông cũng về lại mà. Vợ con nằm hết cả đây…” Mẹ yên tâm với lời hẹn của bà. Rồi mẹ lấy chồng, sinh con. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Một buổi trưa năm 1968, bà ngoại tâm sự: “Chừng mô thằng Sơn biết đi cứng cứng. Tao chết cũng yên tâm.” Bà ngoại vừa dứt lời, một mảnh bom lạc rơi chéo xuống nhà, chặt lên đôi chân của bà. Máu trào ra…Không kịp nữa rồi. Trước khi nhắm mắt, bà đưa tấm vàng lá cho ba và dặn: “Của cải, trâu bò các con phải giữ, sau ni có cái cho mấy cháu ăn học đến nơi đến chốn. Và nếu được…cứ đi tìm cha…” Chưa dứt lời, ngoại ra đi. Mẹ chết lặng. Chiến tranh vẫn không ngừng ác liệt trên đất Quảng Trị. Mẹ phải gửi các anh chị sơ tán ra Nam Hà để học…Nhớ lời bà, mẹ luôn khuyên nhủ con cái học hành đến nơi đến chốn. Và chúng con đã không phụ lòng ba mẹ. Chỉ day dứt một điều: ông ngoại đang ở đâu trên đất Quảng Nam này? Có lần, mẹ có dặn con rằng: “chừng nào các con có nhà, hãy làm cái am thờ nho nhỏ ngoài sân để hương khói cho ông ngoại. May chăng ông về…”.  Con nghe mà xót cả ruột gan. Mẹ ơi!

Sau bao năm bôn ba nơi đất khách quê người, con trở về quê chồng và cũng là quê cuả mẹ. Vợ chồng con đến những địa danh mẹ kể, đến Điện Bàn, Điện Minh, La Trung, La Qua…, tìm khắp các tộc Trần, đọc từng trang gia phả…nhưng vẫn chưa tìm được. Có lần chúng con về với họ tộc Trần Văn tại làng La Qua (Quảng Nam) vào đúng dịp mồng 3 tháng 3 âm lịch. Bà con họ tộc  đang chuẩn bị lễ cúng giỗ tổ tiên, nhân tiết Thanh Minh. Lật từng trang gia phả, con hồi hộp đến cháy lòng. Không có tên ông ngoại trong dòng gia phả. Con đau lắm. Tiếng xì xào, thương cảm: tội nghiệp, cháu ngoại đi tìm ông, tội chưa kìa… Rồi một người đàn ông trạc tuổi bảy mươi, cất giọng trầm ấm: “Họ tộc Trần rất mong có những người cháu như các con. Nay các con chưa tìm được ngoại thì cứ hãy coi đây là gốc rễ của ngoại, để hằng năm có dịp đi về cho ấm cúng. Bà con ở đây ai cũng sẵn sàng đón nhận các con…”

Mẹ ơi! Con đã tìm bằng cả tâm linh, đã nguyện cầu hàng trăm ngàn lần không kể hết: ngoại ở đâu hãy về với con, hãy báo mộng để con đi tìm, để trước khi nhắm mắt lìa trần, mẹ con được gọi một tiếng cha ơi. Con cũng đã từng liên hệ với chương trình Như chưa hề có cuộc chia li để tìm ông ngoại, nhưng khi hỏi điền thông tin thì con không thể điền đầy đủ được. Ngoại đang ở đâu bây giờ? Chưa bao giờ con thấy lòng mình nhẹ nhõm khi nghĩ về ngoại. Càng nghĩ, con càng thương mẹ da diết. Không biết ở chốn nào, ngoại có lúc nào nghĩ về chúng con?

Chiến tranh đã lùi xa nhưng con biết vết thương lòng, nỗi đau đáu tìm cha vẫn không nguôi cháy  trong lòng mẹ. Ngoại ở đâu, ngoại ơi? Con vẫn quyết đi tìm. Một năm, hai năm, ba năm hay bao năm còn có trên cuộc đời này, con cũng sẽ vẫn còn tìm ngoại. Chỉ cầu trời đất rằng, hãy cho con tìm được ngoại khi mẹ con còn sống…Ngoại ơi! Mẹ ơi! Hãy sống với lòng tin mẹ nhé!

Ngày…

Mẹ ơi! Con biết mẹ rất thương con nhưng trước đây, cứ mỗi lần con về thăm nhà, rồi khi con gần xách va li lên xe là mẹ lại làm ra vẻ ghét con. Con không hiểu, nhiều khi quay lại hờn mẹ “mẹ không yêu con nữa rồi”. Mãi đến sau này, nghe lại từ lời một người thân “Mẹ con làm vậy là để con ra đi khỏi phải bịn rịn, lưu luyến, đau lòng. Con biết không, mẹ con đã khóc rất nhiều khi nói chuyện về con. Mẹ đã kể cho bác nghe tường tận chuyện từ khi con còn  thơ  bé cho đến khi con  lớn lên, đi học rồi lấy chồng xa xứ …”. Thì ra, đó là cách mẹ yêu con, yêu đến dấu cả nỗi đau trong lòng, để dòng nước mắt chảy ngược vào trong, quặn đau da diết…

Mẹ ơi! Lúc này đây con ước ao trở về bên mẹ, để được vỗ về, được yêu thương, được ngủ một giấc say nhờ bàn tay mẹ quạt. Mưa nắng cuộc đời khiến mẹ từ tâm, bình thản nhìn nhận. Còn con lắm lúc vụng về, nôn nóng, dại khờ…Mỗi lần như vậy, con lại muốn nghe lòng mẹ sẻ chia, dạy bảo…Con thầm mong ông Trời hãy phù hộ để mẹ ba được sống mãi với con cháu vui vầy. Và để con có điểm tựa bình yên trước cuộc đời giông bão …

Ngày…

Con không tin. Ngàn lần không tin. Không lẽ mẹ đã ra đi thật sao? Con hỏi cả tỉ tỉ lần mà vẫn không chịu chấp nhận được thực tế phũ phàng, tàn nhẫn ấy! Mẹ yêu thương! Con muốn gọi mẹ thiết tha như thế. Xa xôi cách trở ngàn trùng nhưng con tin mẹ vẫn luôn ở gần bên con như những ngày nào…Bởi có bao giờ mẹ không nghĩ về con – đứa con gái ngốc nghếch của mẹ. Mẹ ơi, làm sao con quên khi ngày mồng 8 tháng 3, con tíu tít gọi điện chuyện trò cùng mẹ…Con hẹn 30 tháng 4 con về mẹ nhé. Mẹ cười, mắng dỗi “Ừ, tổ cha bay“.

Con sợ nước mắt sẽ không ngừng khi nghĩ và viết về mẹ, sợ lắm mẹ ơi! Bao lần trải qua khó khăn, được nghe tiếng nói ấm áp của mẹ, con lại bình tâm đứng lên…Con biết mẹ không bao giờ muốn con gái mình buồn nản đến thế…Và hôm nay, con quyết định bắt đầu …

Không biết đến bao giờ con mới tròn bổn phận làm con với mẹ. Thương mẹ rất nhiều nhưng con chưa hoàn thành lời hứa từ tâm với mẹ – tìm cha cho mẹ giữa mênh mông. Sau bao năm xa cách, nay trở về quê chồng, quãng đường về thăm mẹ ba đã dần ngắn lại. Nhưng rồi con lại vùi trong công việc…Chờ dịp nghỉ hè, chân ướt chân ráo về rồi đi để mẹ ba thêm nhớ nhung, hờn dỗi…Con có về quê mẹ cũng bảo đi thăm bà con, bạn bè, “chẳng mấy khi về mà con” – mẹ thường nói vậy…mẹ có cho con lúi húi bếp núc đâu…Con vô tư ôm mẹ cười, vậy con đi chơi mẹ nhé…Mẹ ơi! Con thương mẹ bởi cuộc đời mẹ có lắm đắng cay. Mẹ đã yêu thương che chở chúng con khi mưa nắng trở trời, lúc ấu thơ và kể cả khi con cái ai ai cũng yên bề gia thất, lòng mẹ vẫn không ngớt lo toan “Con à, mấy cháu dạo ni ra răng rồi? Các con sống vui vẻ, hạnh phúc chớ?…”. Mẹ ơi! Con yêu mẹ vì đôi bàn tay mẹ rám nắng nhưng nụ cười, ánh mắt vẫn rạng ngời khi con cháu mỗi ngày một lớn khôn, thành đạt. Chị em chúng con được sống trong sự bảo bọc yêu thương của mẹ, không phải chịu quá nhiều vất vả thăng trầm bởi vì dường như mẹ đã dành hết khó khăn, khổ cực về phía mẹ.

Mẹ ơi! Con nhớ mẹ hơn bao giờ hết! Chao ơi là nhớ lạ kì, càng nhớ càng đau, con càng giận mình bất hiếu…Giờ đây con mới thấm thía ngày xưa mẹ bảo: “Con gái lấy chồng xa, …” . Giờ khi đã làm mẹ, có những lúc nóng giận cùng con nhỏ. Sau phút tĩnh tâm, con cố nhớ xem mình bị mẹ mắng bao giờ…Hình như mẹ không mắng con, mẹ có cách yêu thương của mẹ, âm thầm, sâu sắc, nhân văn. Con biết rằng, ngày ấy cuộc sống ở làng quê nghèo ai cũng khó khăn, bao nhiêu gia đình đã cho con nghỉ học …Mẹ vẫn một mực khuyên nhủ “Đời ba mẹ khổ rồi, mấy đứa bây phải học kiếm cái chữ, cái nghề để được khác đi”. Vâng! Đơn giản là để …khác đi, không khổ cực như mẹ bấy giờ. Củ khoai, củ sắn và tình yêu thương dạt dào của mẹ đã nuôi chúng con khôn lớn thành người. Mẹ lại gầy rộc đi vì mưa nắng tảo tần. Mẹ ơi! Trong bài giảng với học trò hôm nay, con nói về đạo lí, con nói về tình yêu thương gia đình ngọt ngào, sâu lắng lắm. Có lớp học đã từng rơi nước mắt khi con dành những trang thư  viết về mẹ. Vậy mà nào ai biết con vẫn chưa tròn đạo lí với công sinh thành dưỡng dục của mẹ ba? Con đã sai rồi phải không mẹ yêu thương?

Ngày ấy, nếu không có những quyển sách mới mẹ mua, không có tấm áo lành lặn để đi học trên thị xã thì làm sao con gái mẹ tự tin đến trường? Nếu không có ngày ấy thì làm sao con có ngày hôm nay – Con được làm cô giáo, đem tình yêu văn chương một thuở mà con học được từ những thầy cô giáo giỏi ở thành thị, ở trường Chuyên để gửi đến các em thơ? Con nhớ, hồi ấy, đi học đường xa nhưng con cứ khát khao được lên thành thị học hành. Ở đấy, điều kiện tốt hơn nhưng đồng nghĩa với việc mẹ phải vất vả nhiều hơn. Những bao lúa mẹ làm nên chưa kịp khô, con lợn, con gà mẹ nuôi chưa kịp lớn đã lần lượt theo con những ngày khai giảng năm học mới. Mẹ không muốn con  gái mình thua thiệt với bạn bè thành thị. Mẹ muốn con cố gắng học hành, mong ước của mẹ chỉ có thế thôi. Dẫu bận rộn trăm bề nhưng chưa bao giờ mẹ quên hỏi han mỗi khi con đi học về. Đêm đêm, nép vào lòng mẹ, con lắng nghe làn gió mát từ tâm mà chìm vào giấc ngủ say nồng. Để mỗi sớm mai thức dậy, lại nghe mẹ dỗ dành “ăn đi con, ăn rồi đi cho kịp bạn bè…”.

Mẹ ơi! Ánh mắt mẹ  đã yêu thương, nâng niu bước chân con trên mọi nẻo đường. Ánh mắt mẹ từng long lanh hạnh phúc khi con được sánh vai với các bạn trường Chuyên phố thị. Ánh mắt mẹ từng lấp lánh nước mắt khi được tin con vào đại học. Và mẹ đã từng thăm thẳm nhìn con vào cái ngày con theo chồng làm dâu xứ lạ…

Mẹ yêu thương! Con đã yêu mẹ theo cách của con, yêu thương mà ích kỉ, không muốn xa mẹ nhưng không chịu về thăm mẹ nhiều hơn. Mẹ nói “Nước chảy xuôi con à, cứ lo cho các cháu đi, ba mẹ khỏe cả mà…”. Ngày lễ Vu Lan, con thành tâm nguyện cầu cho mẹ bình yên …Nước mắt con đã rơi ngay từ những dòng đầu tiên khi sư cô mời con đọc bài Vu Lan báo hiếu…Nhiều người đã ôm con khóc sau buổi lễ bởi họ bảo lời con, giọng con thật là cảm động…Họ đâu biết rằng vì con là người trong cuộc, con đau với nỗi đau có thực, con ân hận với nỗi ân hận có thực, con yêu mẹ ba bằng tình yêu có thực nhưng còn quá ít ỏi so với những gì ba mẹ đã dành trọn cho con. ..

Mẹ yêu thương! Xa mẹ, ngày đêm nào con cũng thèm mong được gặp mẹ. Con thèm đến cháy lòng, thèm ở bên để nghe mẹ la mắng một trận cho con nhẹ lòng, thèm cái dỗi hờn của mẹ ngày con đi Đak Lak, thèm ngày con đem cháu về rồi vội vã ra đi, mẹ cứ đứng trên bậc thềm tần ngần…tần ngần…lẩm nhẩm…”tổ cha bây, cứ đi đi về về làm tau nhớ, lần sau đừng có mà về”...Rồi hè chưa sang, con đã nghe tiếng mẹ rối rít gọi cháu: “Hè  về nghe con, ngoại  để dành nhiều thứ  cho con…”

Ai cũng bảo mẹ là người hạnh phúc, con cháu lớn khôn, sum vầy bên mẹ.  Mẹ tủm tỉm cười, có hôm nay là nhờ cả những ngày qua mẹ chắt chiu gieo hạt…

Mẹ ơi! Nếu có kiếp sau, con xin nguyện làm con của mẹ, để lần này con bù đắp những yêu thương, để lại được cuộn mình vào lòng chờ bàn tay mẹ quạt: “Ngủ đi con, ngủ một giấc say…cuộc sống đang chờ…”. Làm sao gặp được mẹ bây giờ? Con nhớ mẹ đến cháy lòng…Mẹ ơi!

Ngày…    

Con nhớ mẹ vô bờ!

Con đã viết cho mẹ thật nhiều, viết để rồi cứ mỗi lần đọc lại, nước mắt cứ tràn ra…Mẹ vẫn mồn một hiện hữu trong trái tim con. Từng tiếng nói, nụ cười, cái cách hờn dỗi… Nhiều lúc đi đường, thấy dáng ai hao hao giống mẹ, ngoái cổ nhìn rồi lại rưng rưng hai chữ giá như mà…giá như mình về sớm hơn, giá như mùa xuân năm ấy mình đừng lỗi hẹn. Con nhớ rằng vì không về được ngày Tết, con hẹn mẹ sẽ về dịp 30 tháng 4. Và con đã về nhưng không phải gặp mẹ bằng xương bằng thịt, không được ôm hình hài nhỏ nhắn, xương xương của mẹ mà là về đúng dịp làm tuần 49 ngày cho mẹ. Thì ra mẹ đã có linh cảm tuổi già gần đất xa trời, còn con lại nấn ná công việc để giờ mãi hoài ân hận trong lòng. Con gái lấy chồng xa…Giờ thì đủ thấm thía lời ngày xưa mẹ dạy. May mà cuộc đời còn cho con hạnh phúc với gia đình nho nhỏ hôm nay. Mẹ là con gái Quảng Nam và có lẽ vì vậy mà mẹ thương đứa con rể út nhất. Mẹ gửi con về lại Quảng Nam quê mẹ! Cuộc đời cứ như một giấc mơ! Tu cả kiếp trong cái vòng duyên phận ấy!

Ngày…

“Mẹ về, ôi mẹ về”. Con đã hét lên hạnh phúc vô bờ. Mẹ về, khoác chiếc khăn quàng cổ màu xanh nhạt, dáng mẹ từ tốn khoan thai khẽ bước đi, từng bước chân có vẻ đài các nữa. Mẹ cười hạnh phúc. Con tỉnh dậy mà không muốn dậy, cứ muốn chìm mãi trong khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Cuối cùng con tự véo tay con để biết đây là thực hay mơ? Lẽ nào, hai ngày qua con đi lễ cầu siêu cho mẹ, nay linh hồn mẹ được siêu thoát, mãn nguyện với cõi trần? Mẹ ơi! Nếu được là vậy con thật an lòng. Con nhớ mẹ thật nhiều. Lòng con luôn cầu mong mẹ được bình an nơi cõi lặng. Nhìn mẹ cười hạnh phúc, con mới thấy nhẹ lòng hơn, đỡ day dứt, đỡ nghe lòng mình bất hiếu. Con yêu mẹ nhưng không thể diễn tả hết thành lời. Xin mẹ hãy hiểu cho lòng người con xa xứ luôn nghĩ về ba mẹ với tất cả yêu thương…

Ngày…

Cái ảng nước của mẹ. Lạ thiệt, mẹ ra đi đã hơn bốn năm rồi, trở về nhà, con vẫn bắt gặp vô vàn hình ảnh của mẹ. Con nhớ nhất là cái ảng nước. Giờ nó đã rêu phong, ba vẫn dùng đựng nước, không phải cái màu nước đục ngầu đầy phèn mà thủa nhỏ con từng gánh từ giếng làng, thay vào đó là nguồn nước máy mát lạnh. Ngày ấy, giếng làng lắm phèn, mẹ phải bỏ cát biển vào ảng một lớp dày với một cái màng lưới để lọc cho ra màu nước trong xanh, sợi dây su mẹ buộc đã sờn, vẫn còn bên cái vòi nước lạnh. Lòng con thấy nhớ, thấy thương…Cứ cảm giác mẹ vẫn quanh đây!

Con về, có lần con xả hết nước để lau chùi cái ảng, ngó xuống đáy, dòng nước cuộn xoáy tràn qua cái lỗ lù nhỏ xíu. Lạ thiệt, con soi mặt con vô mà sao cứ thấp thoáng bóng mẹ, trong vắt cả miền kí ức. Dáng mẹ tất bật với ruộng vườn. Lúi húi chợ búa, cơm nước. Lời mẹ kể, lời mẹ dạy…Bên cái ảng nước này mẹ kể về cuộc đời của mẹ… Mẹ lớn lên thiếu tình yêu thương của cha. Bà ngoại một tay chăm lo nuôi dưỡng. Rồi chúng con lớn lên. Lần theo lời kể, chúng con đi tìm cha cho mẹ. Bao lần đi tìm ngoại giữa mênh mông, hi vọng rồi thất vọng. Tiếc rằng, chúng con chưa làm tròn tâm nguyện thì mẹ vĩnh hằng ra đi. Ruột gan con đau từng chặng. Kí ức của mẹ về ông ngoại mơ hồ bởi bà ngoại đột ngột ra đi cũng vì chiến tranh nên chưa kịp kể lại tường tận…Đau đáu giữa cuộc đời, mẹ vẫn lấy con cháu làm vui. Bên cái ảng nước này, ngày con ra trường, mẹ dạy con làm con gà thì răng, con vịt thì răng, con cá tràu thì phải lấy hết hột máu tanh dưới họng như răng, con cá nào đánh vảy, con cá nào thì đừng; con gái ăn mặc cho ra con gái, đi đứng nói năng…Tỉ tỉ thứ mẹ dặn, cái nhớ cái quên, cái cho là mẹ nhiều chuyện, cứ lo bao đồng… Con đi lấy chồng, mẹ bậu tay vào ảng nước quay mặt đi, mẹ không qua bất ngờ nhưng không trọn lòng hạnh phúc vì phải xa con. Cứ hè về lại vọng ngóng con cháu đường xa. Đời mẹ quẩn quanh hiên nhà, ảng nước, cặm cụi lo toan để nuôi cả đàn con tròn trịa, tám người con chơ có ít chi! Ba vẫn dùng cái ảng đựng nước bởi nó trở thành hồn quê, nơi ba soi mình vào mà cũng như con, vô cùng nhớ mẹ!

Ngày…

Không biết ngẫu nhiên hay là duyên phúc mà ngày hôm nay –  khi con quỳ trước Phật tổ xin gửi hương linh của ngoại, của bà, của mẹ…nơi cửa từ bi cũng là Ngày Gia đình Việt Nam. Nước mắt con đã không ngừng rơi, con khóc vì hạnh phúc, khóc vì nghĩ rằng, hôm nay mẹ được gặp cha cho thoả lòng mong ước, sau bao tháng năm thăng trầm của cuộc sống.  Ngày gia đình sum họp, đoàn viên, ngày con tìm được ngoại theo tâm nguyện…Chỉ nghĩ đến đó thôi con đủ ấm áp trong lòng. Thương lắm mẹ ơi! Con chân thành cảm ơn tấm lòng của sư trụ trì chùa Phú Quang, cảm ơn nhân duyên làm nên cuộc hạnh ngộ yêu thương… Cảm ơn mỗi mùa Vu Lan báo hiếu để lại dậy lên những con sóng yêu thương vô hạn vô hồi, để nhắc nhở nhau rằng:

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?

Hoàng Thị Thuỷ (Hoàng Thuỷ)

Năm sinh: 1977

Giáo viên Trường THPT Duy Tân, Tam Kỳ, Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB