Người đọc Tuệ giác

165

Mặt trời truyền thông chói chang, không có dấu hiệu ngã bóng dù đã hết thu sang đông nhưng cảm giác như ‘mùa hè đỏ lửa’. Cú châm lửa này của tác giả rất có ‘tâm’ đã làm cho giới báo chí vốn lắm chuyện nay lại càng bận rộn hơn. Kết quả là mỗi ngày một cái tít ‘giật gân’, các vị đưa tin siêng năng như chú ong có ‘lòng trung thành và tận tụy’ truy tìm và đưa củi vào lò đều đặn để đốt. Thành quả là cả một dân tộc đang ‘sôi máu’ dõi theo và chờ đợi một cái kết ‘công bằng’, theo kiểu nói dân dã thì ‘thân bại danh liệt’ hay ‘không tàn cũng phế’. Tất cả chỉ để muốn nói rằng, truyền thông có một sức mạnh to lớn vô song, gọi là định hướng dư luận. Khi tâm lý xã hội bị truyền thông dẫn dắt, giống như hình ảnh ‘con trâu bị xỏ mũi dễ dàng bị người chăn dắt’. Với lý do đó, bài này sẽ bàn về cách thức đọc, đọc như thế nào để chấm dứt tình trạng “lửa lò đốt cháy nhân tâm,” khỏi “bị chăn dắt”, và trình bày bảy phương pháp giúp người đọc thành tựu cái kết ‘củi hết lửa tắt’. Con đường đó ở đây được gọi là ‘người đọc tuệ giác.’

Người đọc có tuệ giác là người đọc để ‘thấy khổ, thấy nguyên nhân của khổ, thấy sự chấm dứt khổ, và con đường chấm dứt sự khổ. Đây là định nghĩa dựa trên tinh thần bốn chân lý thánh của Phật học, sự thật không thể thay đổi, như phương pháp luận để tiếp cận, trị liệu, ứng dụng, và xử lý chính ngọn ‘lữa lòng’. Thái độ đọc thông minh là tiếp nhận thông tin, nhận diện và xử lý theo hướng ‘thấy vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề’; vì mục đích đem lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân cùng tha nhân. Đọc để thấy sự thật, thấy cái sai, rút bài học cho bản thân và áp dụng để bản thân có sự vui ở hiện tại và ở đây. Ngược lại, người đọc vô trí là người đọc chìm đắm trong thông tin, bị khổ đau và nguyên nhân của khổ đau trói buộc; không thấy được sự thật và bài học đạo lý. Nghĩa là người đọc tiếp thu thông tin, xử lý thông tin, và bị chính thông tin làm ‘vui sướng sầu đau’, rồi khởi lên vô số phiền não tham dục. Ở đây, gọi là tự nuôi lớn khổ đau, tự đốt cháy chính mình; nói vui là tự mang lửa vào đốt nhà mình, và không dừng lại ở đó, còn đốt cả nhà người. Đó là thái độ đọc vô trí, ‘tự làm khổ mình và còn làm khổ người khác.’ Làm khổ mình đã đáng trách, chỉ có thể trách mình ngu; nhưng đặc biệt nguy hiểm hơn là việc gây khổ cho người khác. Một việc không thể chấp nhận, là thái độ đọc vô trí chỉ nhằm tiếp thu thông tin-không chịu suy nghĩ/động não xử/xác nhận đúng sai mà đã bắt đầu làm anh hùng ‘rơm/rạ/bàn phím/’ tuyên truyền những điều xấu ác và sai sự thật, gây sách nhiễu thông tin; hình thành nên làm sóng phân biệt đối xử, miệt thị, coi khinh và chống đối những cá nhân hay tập thể không liên quan đến sự việc. Nói khác, người đọc vô trí là người đọc ‘tự làm khổ mình và người.’ Bởi vì, người đọc vô trí bị những hạt giống bất thiện tâm dẫn khởi, nên ‘thích sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi.’ Người đọc vô trí thường thu thập các thông tin và diễn giải chúng theo chiều hướng tiêu cực. Vì mục đích cá nhân mà phát biểu định hướng thông tin và khơi gợi sự đấu tranh, là điều không đúng với tinh thần Phật học. Vậy nên, người học Phật phải là người đọc tuệ giác, biết thị phi, biết trắng đen và không ‘đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi’.

Về phương diện thái độ của một người đọc tuệ giác, trong Brahmajāla Sutta, đức Phật dạy ‘không để xúc cảm chê mờ lẽ phải’ của một người khi nghe sự hủy báng và tán thán Tam Bảo. [1] Đối với sự hủy báng, người nào đã dùng vô số các phương tiện hủy báng Phật, Pháp, Tăng; thì không vì lý do này mà sach lòng căm phẫn, tức tối, phiền muộn. Vì khi sân giận sẽ tự làm hại chính mình, hệ quả là không thấy được lẽ đúng sai của vấn đề. Điều cần làm là nói rõ sự thật, lẽ phải và chân lý: “như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi.[2] Đối với sự tán thán, khi ai tán thán Tam bảo thì cũng không nên hoan hỷ, vui mừng, và thích thú; vì sẽ tự làm hại bản thân. Vấn đề quan trọng là phải nhìn những gì ‘đúng với sự thật như nó là’. Thái độ của bậc trí là nhận thức được “như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi.[3] Như vậy, ý muốn thực sự của đức Phật là bảo vệ sự thật, không để những cảm xúc gây cản trở việc tìm kiếm chân lý cuối cùng. Người tu không phải là người sống trên ‘ngọn sóng’ của thế gian, bị lay động bởi lời cay nghiệt hay lời ngon ngọt. Bậc trí là người nhận diện đâu là lẽ thật, thấy rõ đâu đúng đâu sai, điều mà các kiếm khách gọi là ‘thiện ác phân minh’. Vì vậy, một người đọc tuệ giác cần có thái độ tâm bình khí hòa để thấy rõ sự thật, không để cảm xúc che mất lẽ phải, nhận diện lẽ phải và truyền thông phơi bày sự thật; với tinh thần đại hùng đại lực – ‘biết khen sự thật và biết phê bình cái sai’. Tinh thần hộ pháp khôn ngoan là ‘không tranh với đời,’ chỉ nhận diện rõ ràng thiện ác, đúng sai; chỉ truyền thông lẽ thật.

Về phương pháp trị liệu phiền não do truyền thông đem lại, người đọc tuệ giác cần thực hành bảy kỷ thuật trong Sabbāsava Sutta, gồm: ‘tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, đoạn trừ, an nhẫn, né tránh, trừ diệt, và tu tập.’ Một là người đọc tuệ giác cần (1) tiếp nhận và cập nhật tri thức khách quan, phải nắm rõ quy luật sống, trật tự sống, hiểu bản thân và xã hội; (2) thân cận và học hỏi với các bậc chân sư; (3) tiếp nhận tri thức và thực hành thuần thục, cùng ứng dụng các pháp được học liên hệ đến đời sống hạnh phúc, tri thức của người thánh thiện; (4) nhớ nghĩ và suy ngẫm các thiện pháp, loại bỏ và dứt trừ các pháp bất thiện ra khỏi suy nghĩ, không bao giờ tác ý đến ác pháp, một lòng suy ngẫm và tư duy chân thiện pháp. Hai, người đọc biết phòng hộ là chỉ sự lựa chọn đối tượng thông tin để đọc, biết giới hạn và kiểm soát việc tiếp nhận thông tin, tránh xa những dạng thông tin sai lầm và bất thiện. Ba là chủ động tiếp nhận những thông tin hữu ích, có lợi trong công việc, đời sống và tiến trình tu giải thoát. Tiếp nhận thông tin là một trong những cách ăn trong Phật giáo, nên thọ dụng ở phương diện tiếp nhận thông tin là nuôi lớn tâm thức. Thứ tư, an nhẫn là một phương pháp quan trọng trong những cách để trừ phiền não, khổ đau trong truyền thông. Người đọc tuệ giác có sức an nhẫn trước những thông tin ‘thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người’; đứng trước những bất như ý của thông tin trong xã hội/truyền thông, mỗi cá nhân tự chuyển hóa bản thân như là kỷ thuật để tự học cách an vui trước mọi diễn biến của tình hình truyền thông-thông tin phức tạp. Thứ năm, người đọc cần né tránh những thông tin độc hại, những bài viết nhiễm độc và tác giả ‘nguy hiểm’ gây ra phiền não.Nghĩa là người đọc cần xác định, khoanh vùng những ‘đối tượng’ (tác giả, dịch giả, anh hùng bàn phiếm, ‘thánh ngôn’, v.v..) và ‘môi trường’ (trang báo/nhóm facebook/blog/viber, zalo v.v..) nguy hiểm; phương pháp xử lý được đề ra là tránh sự sự gặp gở-liên hệ-quan hệ- tiếp xúc với các đối tượng có tính chất nguy hiểm, gây hại cho tâm thức. Thứ sáu, người đọc cần ‘từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại’ với ‘dục niệm, sân niệm, hại niệm, và bất thiện pháp.’ Chính là dứt trừ tận gốc, nơi tự tâm đã không cho khởi niệm, để làm được việc này chỉ có như lý tác ý, như thật tuệ tri đối tượng; nhận rõ rằng ‘bốn yếu tố này là nguồn cơn của mọi khổ đau, thấy được vị ngọt-sự tai hại-mối nguy hại-sự xuất ly-dứt trừ và giải thoát’. Cuối cùng, một người đọc cần tu tập sung mãn bảy giác chi, gồm có ‘niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi’; y cứ vào ‘viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ’ để ‘các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.’ (MN 2) Ngoài ra, muốn có thêm phương pháp kiến tạo sự an tịnh tự thân cần đọc thêm bài ‘An Định Trước Muôn Sự’, tác giả có trình bày bốn Pháp ‘thực hành giới định tuệ, ly tham thiểu dục – đức vô tranh, tỏ ngộ lẽ vô thường, và pháp im lặng sấm sét’ như công cụ để một cá nhân đối diện trước các cuộc khủng hoảng truyền thông, theo khuynh hướng “yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”[4]

Tóm lại, đứng trước chảo lửa truyền thông cũng không ngoại lệ, người tu cần phải nhìn sâu quán chiếu rõ, để thấy rõ những nhân duyên quả trùng trùng điệp điệp bên trong; không vội buồn khổ cũng không vui sướng, nhưng phải bình tâm để tìm cho ra lẽ thật và sự giả dối. Người học phải nhớ đến tông chỉ, mục tiêu của của sự học Phật là ‘thấy sự khổ và con đường thoát khổ’, như vậy nghĩa là tinh thần của sự đọc là để thấy khổ và con đường giải thoát sự khổ; chứ không phải gây thêm khổ và sự tranh đấu. Người đọc như vậy được gọi là người đọc tuệ giác. Ngược lại, nếu là người đọc chưa có trí, tự làm khổ mình và người vì chưa thể thoát khỏi lưới thông tin ma mị và bị truyền thống gây ưu phiền và khổ đau, thì nên nhất tâm nhất ý thực hành bảy phương pháp điều trị phiền não như bảy thần dược trị tận gốc não phiền của kiếp người, bên cạnh bốn phương pháp tự an tịnh bản thân. Luôn suy nghiệm và nằm lòng rằng, người đọc phải lấy luật nhân quả làm nền tảng, tin vào ‘nhân quả công bằng,’ đọc với tuệ giác mới thành tựu sự  hành phúc, đọc với vô tri sẽ làm khổ mình khổ người. Vì ai ‘gieo gió sẽ gặt bão,’ chân lý bất di bất dịch vậy. Nhất là phải nhớ không chỉ dừng ở ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’ mà còn phải học cách đọc; để trở thành một người đọc tuệ giác.

Colombo, ngày rằm tháng chín, 2019
Đức Quang

[1] Duyên khởi là các tỳ-kheo tập trung bàn luận lại câu chuyện ‘ngoại đạo Suppiya hủy báng Tam bảo và thanh niên Brahmadatta là đệ tử của ông lại tán thán Tam bảo trong đoạn đường giữa Rājagaha và Nālandā’. Ở đây, có vấn đề cần làm rõ là ở hai khái niệm ‘người viết và người đọc’ không thể tìm thấy trong văn bản Phật giáo Nguyên thủy, chỉ có thể tìm thấy hai khái niệm được hiểu tương đương là ‘người nói và người nghe’. Lý do là thời Phật sử dụng hình thức khẩu truyền, văn bản viết chưa có thịnh hành.

[2] Xem ‘Kinh Phạm Võng’ trong Kinh Trường Bộ, (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội,  tr.16-17.

[3] Sđd, tr.17.

[4] Đức Quang, “An Định Trước Muôn Sự – bốn phương pháp đối trị khủng hoảng truyền thông theo lời phật dạy” [online] tại: https://thuvienhoasen.org/a31736/an-dinh-truoc-muon-su

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB