1. Thế nào là tín đồ của một tôn giáo?
Quan niệm thế nào là tín đồ của tôn giáo không giống nhau giữa các tôn giáo ở Việt Nam. Mỗi một tôn giáo có quan niệm về tổ chức tín đồ khác nhau.
Đạo Nho quan niệm những nhà nho được coi là tín đồ. Đạo Giáo quan niệm chỉ những chức sắc của địa phương mới được coi là tín đồ. Đạo Hòa Hỏa bắt nguồn từ Bửu Sơn Kì Hương với hình thức tu tại gia là chủ yếu, xem tín đồ là những người truyền bá, giáo dục, in ấn kinh sách… Còn theo quan điểm đạo Hồi toàn bộ người dân trong cộng đồng theo đạo Hồi được gọi là tín đồ.Tương tự đạo Hồi, đạo Cao Đài quan niệm tín đồ được tính theo cộng đồng làng xã ở nông thôn, theo các gia đình ở các thị trấn, thị xã. Đạo Thiên Chúa công nhận tín đồ từ khi đứa trẻ sinh ra, đã qua phép rửa tội hay thanh tẩy khi đứa bé được một tháng.
Đạo Tin Lành công nhận tín đồ chi khi cá nhân đủ tuổi cần thiết để hiểu được lẽ đạo (thường 15 tuổi trở lên), tin nhận giáo lý của đạo; đạo này còn có quan niệm những ai đã qua lễ Báp têm (lễ gia nhập tôn giáo) là tín đồ chính thức, những ai chưa làm lễ Báp têm gọi là tín đồ chưa chính thức. Quan điểm của Do Thái giáo, để trở thành một tín đồ phải qua lễ Bar Mitsva, tức lễ thụ giới lúc con gái vừa đúng 12 tuổi và con trai thì 13 tuổi.
Trên đây là điểm qua một số quan điểm của các tôn giáo khi nhận định thế nào là tín đồ của tôn giáo mình ta thấy trên lý thuyết là như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế lại khác, một số tôn giáo mặc nhiên coi đứa bé mới ra đời cho dù có làm lễ hay không làm lễ nhập môn đã là một tín đồ. Hoặc cũng có những trường hợp được sinh ra trong một gia đình có truyền thống, hay bố mẹ theo tôn giáo nào thì những đứa trẻ trong gia đình đó cũng mặc nhiên tự nhận mình là tín đồ của đạo đó.Theo ý kiến của Đặng Nghiêm Vạn: “Dù hình thức tổ chức có khác nhau, một người theo một tôn giáo đậm đạo hay nhạt đạo, thậm chí khô đạo, mức độ đánh giá cơ bản vẫn là dựa theo niềm tin (hay tín ngưỡng), niềm tin của chính bản thân người theo, cho dù là tín đồ hay chỉ là quần chúng…” [ ,tr.18].
Về phương diện định nghĩa theo các từ điển, chúng ta có thể liệt kê thêm một số định nghĩa về tín đồ. Theo Đại từ điển tiếng Việt (1999): “Tín đồ là người theo một tôn giáo”[ , tr.1646]. Theo định nghĩa này tín đồ được hiểu theo nghĩa rộng, không có sự phân biệt giữa tín đồ chính thức với những người có cảm tính, hoặc có xu hướng tâm linh về một tôn giáo mà chưa phải là tín đồ chính thức. Còn theo Từ điển tôn giáo (2002): “Tín đồ là những ai tin ở những gì một tôn giáo dạy bảo và qua một thủ tục nhập đạo”[ , tr.633]. Định nghĩa này coi tín đồ là người có niềm tin vào tôn giáo và đã qua thủ tục gia nhập tôn giáo đó.
|
Ngày lễ Vu lan ở chùa Hoằng Pháp (Tp.HCM). Ảnh: Chí Giác Thông |
Ví dụ lễ Quy y của đạo Phật, lễ Báp têm của đạo Tin Lành, lễ Rửa tội của Thiên Chúa. Nhưng hiểu như vậy thì không bao quát được hết tất cả các tín đồ của các tôn giáo đang diễn ra trong thực tế vì ngoài tín đồ chính thức còn có tín đồ chưa chính thức. Và điều này từ trước đến nay đã gây ra nhiều tranh luận trong các cuộc điều tra số lượng tín đồ tôn giáo ở Việt Nam.
Tiếp theo, chúng tôi xin trích một định nghĩa từ Quốc hội khóa XI đã thông qua. Theo Khoản 8, Điều 3, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, tín đồ được hiểu như sau: “Tín đồ là người tin theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo thừa nhận”[ ]. Đây là định nghĩa được giới nghiên cứu đánh giá toàn diện hơn cả, vì bao quát được số lượng tín đồ mà một số tôn giáo thừa nhận trong thực tiễn.
Một tín đồ như định nghĩa, thứ nhất phải là người có đời sống tôn giáo, tức là có niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo trong đời sống của mình, bao gồm cả nhà tu hành và người sống đời bình thường; thứ hai những người đó phải được tổ chức tôn giáo thừa nhận, điều này có nghĩa có những người chưa chính thức trở thành tín đồ nhưng đã có cảm tình và có nếp sống hướng về tâm linh của tôn giáo đó, được tôn giáo đó chấp nhận thì vẫn được gọi là tín đồ, ngược lại nếu tôn giáo đó chưa thừa nhận thì vẫn chưa gọi là tín đồ. Khó khăn nhất vẫn là cái gì minh chứng cho sự thừa nhận của tổ chức tôn giáo với những tín đồ chưa chính thức hay đó là sự cảm nhận trực giác của mỗi cá nhân, tổ chức.
2. Định nghĩa tín đồ Phật giáo
Trong đạo Phật, quan niệm thế nào là một tín đồ là một điều khó khăn. Theo Hòa thượng Thích Trí Thủ, tín đồ Phật giáo là những người đã quy y Tam Bảo và tu tại gia theo giới luật của đạo Phật. Nếu quan niệm tín đồ như vậy, thì số lượng tín đồ của đạo Phật trên lý thuyết và thực tế là hoàn toàn chênh lệch nhau.
Vì trên thực tế, nhiều người có thờ Phật ở nhà, có đi chùa lễ Phật, sám hối, tham gia các hoạt động tôn giáo, có niềm tin vào giáo lý nhưng lại chưa quy y, số lượng những người này rất đông đảo. Một quan niệm cho rằng tín đồ Phật giáo chỉ là những nhà tu hành (sư thầy, sư cô) sống đời thoát tục thì số lượng rất hạn chế và lại không chính xác phù hợp với đạo Phật ở Việt Nam.
Đạo Phật quan niệm tín đồ bao gồm có hai giới đệ tử của Phật là tại gia và xuất gia. Xuất gia chỉ cho giới tu hành, còn tại gia chỉ cho những người thiện nam, tín nữ, cư sĩ, thí chủ hộ trì đạo Phật. Giới xuất gia thì dễ dàng nhận biết qua sắc phục, và đời sống tu hành ở các cơ sở tôn giáo. Còn giới tại gia để được gọi là tín đồ, đệ tử của Đức Phật thì khó xác định hơn.
Trong luận án của mình chúng tôi tập trung nghiên cứu trên tín đồ tại gia nên cần phải tìm hiểu rõ về giới này. Và để hiểu rõ thế nào là tín đồ Phật giáo thiết ngĩ chúng ta cần nghiên cứu theo hướng dựa vào lăng kính của các nhà Phật học thì mới biết được Phật giáo thừa nhận người như thế nào là tín đồ của mình.
Theo sách Phật học cơ bản (2002) của Ban Hoằng pháp Trung ương – Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Hai thành phần cư sĩ tại gia là Ưu bà tắc và Ưu bà di. Ưu bà tắc (Upàsaka) được dịch ý là Cận sự nam, nghĩa là người nam cư sĩ thân cận chùa chiền, phụng sự Tam bảo; ngoài ra còn gọi là Thanh tín sĩ, nghĩa là trang nam tử có niềm tin Tam bảo trong sáng. Hạng thứ hai là Ưu bà di (Upàsikà), được dịch ý là Cận sự nữ, Thanh tín nữ, nghĩa là người nữ đã thọ ba quy y, giữ gìn năm giới, thực hành thiện pháp, thân cận phụng sự Tam bảo”[ ]
Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (2005), “Ưu Bà Di dịch nghĩa thanh tín nữ, cận thiện nữ, cận sự nữ, cận túc nữ, tín nữ. Chỉ nữ chúng gần gũi Tam bảo, thụ Tam quy, giữ ngũ giới, thực hành thiện pháp, là 1 trong 2 chúng tại gia, 1 trong 4 chúng đệ tử Phật”[ , tr.5938]. “Ưu Bà Tắc dịch nghĩa cận sự nam, cận thiện nam, tín sĩ, tín nam, thanh tín sĩ. Chỉ người cư sĩ nam tại gia gần gũi phụng thờ Tam bảo, thụ trì ngũ giới, là 1 trong 2 chúng tại gia, 1 trong 4 chúng đệ tử Phật, là người tại gia tín ngưỡng Phật pháp” [ , tr.5940].
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chương X, Điều 60: “Tín đồ cư sĩ phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những người tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý Đức Phật và tùy khả năng, tự nguyện thọ trì giới luật Phật chế” [ ].
Sơ lược trình bày về các định nghĩa như trên, chúng tôi nhận thấy một tín đồ tại gia của Phật giáo đúng nghĩa có thể được hiểu như sau:
Thứ nhất, họ là những người nam và nữ có niềm tin và thực hành Phật pháp;
Thứ hai, những người này đã quy y Tam Bảo;
Thứ ba, đã phát nguyện giữ gìn ngũ giới (năm điều ngăn cấm của đức Phật dạy cho người Phật tử tại gia hay còn gọi là năm điều đạo đức của Phật giáo dành cho Phật tử tại gia). Như vậy, cách định nghĩa tín đồ Phật giáo như trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là bao quát nhất (bao gồm cà người đã quy y và chưa quy y Tam bảo). Theo đó, muốn trở thành một tín đồ – phật tử của chính thức của đạo Phật cá nhân mỗi người phải tự nguyện quy y Tam bảo, tức là nương tựa vào Đức Phật, giáo pháp và Tăng đoàn. “Đấy là tấm gương để chúng ta noi theo (Đức Phật), con đường giúp ta bước theo (giáo pháp), và tập thể những người đảm trách việc truyền giáo (Tăng đoàn)”[ , tr.34]. Còn với những cá nhân chưa qua lễ quy y chỉ được gọi là người có cảm tình với đạo Phật, hoặc tín đồ chưa chính thức của Phật giáo.
Tóm lại, quan điểm Phật giáo, theo nghĩa hẹp tín đồ Phật giáo là người đã tự nguyện
Quy y Tam bảo, và phát nguyện giữ năm giới Phật dạy. Đây là tín đồ chính thức. Theo nghĩa rộng, bên cạnh tín đồ chính thức, chấp nhận luôn cả tín đồ chưa chính thức là những người chưa quy y Tam bảo nhưng có cảm tình với đạo Phật, có niềm tin và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày.Tuy nhiên, các nhà Phật học khuyên nhủ tín đồ của mình sau khi tìm hiểu rõ ràng về Phật pháp thì nên phát nguyện quy y Tam bảo để chính thức trở thành người phật tử, đệ tử của Đức Phật. Đó cũng chính là đường lối tu tập và thực hành lời Phật dạy đúng đắn nhất.
Thích Không Tú/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014
—————————————————————————————————-
Chú thích
1. Đặng Nghiêm Vạn (2003), “Bàn về tín đồ và tổ chức của một tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 2, tr.14-20.
2. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Mai Thanh Hải (2002), Từ điển tôn giáo, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội (2004), Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo, Số 21/2004/PL-UBTVQH11, ngày 18 tháng 6.
5. Ban Hoằng pháp Trung ương – GHPGVN (2002), Phật học cơ bản, Chương trình Phật học Hàm thụ (1998-2002), tập 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Thích Minh Cảnh (2005), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 7, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Thích Minh Cảnh (2005), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 7, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2013), Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sửa đổi lần thứ V), được ký theo Quyết định số 016/QĐ/HĐTS, ngày 30/01/2013.
9. Fabrice Midal (2012),( Hoàng Phong chuyển ngữ), Phật giáo nhập môn, Nxb Phương Đông, Tp.HCM.