Khi quý Thầy tác nghiệp

1778

Khi quý Thầy làm truyền thông, làm báo Phật giáo ngoài những kiến thức, ngoài những kỹ năng cơ bản thì ẩn sâu trong cõi lòng các Thầy là Tâm nhà Phật. Tâm hướng thiện và luôn hoan hỉ với những việc mình đang làm.

Trong cuộc sống hiện đại đầy ắp thông tin ngày nay, nếu ai đó tự hỏi: Chúng ta tìm thông tin và đọc thông tin ở đâu là nhanh nhất, có lẽ ai cũng biết nên tìm đọc trên internet. Và trong làng báo hiện nay ở Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều sắc thái làm báo khác nhau. Làm báo thông thường, làm báo chuyên ngành, làm báo theo lĩnh vực. Xuất thân từ một sinh viên báo chí, nhưng đến cuối năm 2013 tôi mới có duyên với Phật giáo, có cơ duyên đến với báo chí Phật giáo và truyền thông Phật giáo. Điều đó còn an vui hơn khi giữa tháng 6 vừa rồi, lại được dự lớp tập huấn truyền thông của Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Lúc này tôi mới lí giải và hiểu được các quý Thầy làm báo và tác nghiệp như thế nào.
Mới đặt chân lên cổng chùa Ba Vàng, khi hai chân còn mỏi nhừ, thở không ra hơi, chúng tôi đã thấy rất nhiều Thầy vận bộ quần áo nâu sòng của nhà Phật thi nhau bấm máy tanh tách. Mỗi thầy chọn cho mình một góc chụp, một khoảng không khác nhau để lấy cảnh. Có Thầy sau khi chọn được những bức ảnh vừa ý, lại nhờ các Thầy khác chụp cho mình một kiểu để kỷ niệm. Có lẽ từ lúc bước chân bào trường Học viện báo chí, tốt nghiệp đi làm, thì đây là lần đầu tiên tôi mới tận mắt chứng kiến các Thầy tác nghiệp. Cũng như các phóng viên bình thường khác, có Thầy đeo ba lô, có Thầy chỉ cần máy ảnh, nhưng điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất đó là chiếc túi màu vàng, màu nâu nhỏ nhắn của các Thầy luôn đeo bên mình. Trong chiếc túi đó là các vật dụng cá nhân và có cả những thứ phục vụ cho tác nghiệp. Thế mới biết các Thầy làm báo vất vả nhường nào.
Suốt buổi chiều thăm quan tại Bảo tàng Quảng Ninh và khu du lịch Tuần Châu, các Thầy không rời máy ảnh. Cứ thấy khoảnh khắc nào đẹp, ấn tượng là các Thầy lại tác nghiệp. Có rất nhiều Thầy ở miền Trung, miền Nam thì đây là dịp để ghi lại những cảnh đẹp hữu tình của sông nước mảnh đất vùng than. Vừa tác nghiệp, các Thầy lại cho nhau xem những bức ảnh vừa chụp được, rồi bình luận, lấy quyển sổ nhỏ ra ghi chép và đánh dấu cẩn thận.
21 giờ đêm, khi ai cũng cảm thấy thấm mệt sau một buổi chiều đi tham quan, ngồi trên xe trở về chùa Ba Vàng, quý Thầy người Quảng Nam mang máy ảnh ra khoe với tôi về những chiến tích mà Thầy đã ghi được khi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất mỏ Quảng Ninh.
– Chú thấy tấm ảnh này Thầy chụp thế nào?
– Dạ! thưa Thầy con thấy đẹp ạ.
– Chú cứ động viên Thầy! nói thật Thầy chưa học báo chí bao giờ, nhưng vì Ban giao cho Thầy làm công tác thông tin, tuyên truyền nên Thầy phải tự học, tự viết, tự chụp thôi con ạ! Đúng là làm báo mệt thật!
Bước vào hai ngày của khoá học, ngoài những kiến thức được trang bị từ các giảng viên về kiến thức Phật giáo, cách truyền thông Phật giáo và cách làm báo về Phật giáo. Chúng tôi còn được bất ngờ hơn nữa khi các quý Thầy tất bật tác nghiệp. Để rảnh tay có được những bức ảnh đẹp tại khoá học, đối với các đoàn đi ít người, quý Thầy sử dụng các phương tiện khác nhau để ghi lại lời giảng, có Thầy sử dụng máy ghi âm, điện thoại ghi âm. Đối với đoàn có nhiều Thầy, thì được phân công Thầy chụp ảnh, Thầy dùng máy tính ghi chép và chuyển bài về luôn để kịp đăng bài. Có thầy đứng cuối hội trường, có Thầy đứng sát diễn giả, có Thầy đứng cạnh hành lang để chụp ảnh. Trong suốt quá trình tác nghiệp, các Thầy đều lặng lẽ, giữ gìn trật tự. Giờ nghỉ giải lao là vui nhất, mỗi Thầy chọn cho mình một việc làm khác nhau, nói chuyện với diễn giả, tự chụp hình cho nhau và tranh thủ cóp hình ra máy tính để lựa chọn.
Khoá học đã trôi qua được 10 ngày, nhưng những lúc rảnh, tôi lại mở những tấm ảnh của khoá học ra xem và cảm thấy trân trọng biết bao khi Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo điều kiện cho những cư sĩ như chúng tôi được tham gia. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi đã cảm nhận được sự vất vả của những quý Thầy làm công tác truyền thông, làm báo chí Phật giáo. Dẫu sao đó cũng là một nghề, nghề nào cũng có sự vất vả, khó khăn riêng. Nhưng khi quý Thầy làm truyền thông, làm báo Phật giáo ngoài những kiến thức, ngoài những kỹ năng cơ bản thì ẩn sâu trong cõi lòng các Thầy là Tâm nhà Phật. Tâm hướng thiện và luôn hoan hỉ với những việc mình đang làm.
Đức Tuỳ
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB