Hồi ký: Dư âm trên cao nguyên

321

Ai đã từng đến đây !

Ai đến đó dù chỉ một lần, cũng đủ cảm nhận hết sự khó khăn đeo đẳng hàng ngày trong sinh hoạt của người dân CaDong nơi đây.

Cuộc hành trình thứ 2 của Phân Ban Dân  Tộc tỉnh Quảng Nam đã khép lại, nhưng dư âm còn hoài vang vọng trong ký ức và trở thành kỷ niệm in sâu vào tâm khảm của mỗi người.

Nếu so với lần trước, thì tưởng chừng chỉ cần ngồi hơn 5 giờ đồng hồ trên xe là có thể chạm mặt đất và vào từng nhà lắp đèn, tặng quà cho bà con. 

Nhưng không, kết thúc đi xe là hơn 3 giờ đi bộ, vượt núi, băng ngàn, trên vai khuân vác ba lô và những dụng cụ cá nhân.

Đoàn xe gồm 7 chiếc, lướt đi trong sương sớm, khi những cây cỏ, con kiến còn nằm ngủ im lìm trong mộng mị, mọi người ai cũng dặn nhau: cùng chờ nhau, nối đuôi nhau kẻo lạc đường nhé . 

Nhưng khi kết thúc cao tốc một đoạn thì chúng tôi lạc mất nhau, mỗi xe một hướng, hoặc xe này bám theo xe kia để chạy mà không biết con đường mình đi là ngõ cụt. 

Trên đường núi nếu lỡ đi lạc thì đi xa lắm, đến vài chục cây số hay thậm chí vài giờ là chuyện bình thường. 

Thế là 12 giờ trưa, 4 trong 7 chiếc đã cận đích, cứ tưởng xe cụ trưởng ban và 2 xe kia đã đến từ lúc nào, nhưng không, họ đã đi lạc qua tận Măng Đen (Kon Tum), mãi đến 1,2 giờ họ mới đến. 

Chúng tôi (những người đến trước) vội vàng, kẻ lấy nồi, người tìm nước, mỳ gói và 3 nồi cơm mà người dân tại đây đã nấu sẵn để lo cho bữa ăn trưa muộn. 

Bữa cơm ở núi rừng, với những món ăn đơn giản mà ai cũng khen ngon hết biết, rồi họ cũng chợt nhận ra họ đang rất đói, có người từ sáng đến giờ mãi lo tranh thủ đi cho kịp nên họ chưa có gì trong bụng. 

Dùng cơm xong chúng tôi bàn tính, cắt cử vài người ở lại đón và lo cơm cho vài chiếc xe chạy lạc, số còn lại vội vã lên đường (vừa đi vừa nghỉ ngơi), vừa trèo đèo lội suối, vừa ngân nga khúc hát ân tình và lòng trắc ẩn của từ bi, yêu thương chia sẻ… 

Cứ tưởng tượng 1 xe tải hàng đổ xuống, nhờ người dân vận chuyển bằng đường rừng núi lên buôn làng, mà họ đã xuống đây chờ đợi từ 9 giờ sáng, nhìn họ nhỏ con, đen rắn chắc mà thấy thương lắm. 

Anh làm ở Mặt trận huyện nói với tôi: họ chờ đoàn từ hồi 9 giờ đó thầy, chúng tôi bảo họ về rồi trở lại mà họ không chịu vì đường xa, nên họ ăn đỡ mỳ gói cầm cơn đói để chờ. 

Tôi chua xót nhìn đống hàng ngổn ngang và nhìn họ bé xíu thế kia thì làm sao có thể khuân vác hết được, thương quá! 

Tôi nhìn thấy trong cái kho hàng ấy có 2 thùng bánh chưng và bảo các anh cán bộ phát cho mỗi người 1 cái để họ ăn mà đủ sức vận chuyển hàng về…

Theo dấu chân người bản xứ, chúng tôi men theo lối mòn trên triền núi để đến bản làng.

Rồi 3 giờ trôi qua, đôi chân ai cũng muốn rã rời, vì hết băng rừng, lội suối đến trèo đèo vô cùng vất vả…. 

Tôi rất xúc động, có 1 em thiếu niên vừa thấy chúng tôi, biết không phải những nhà leo núi chuyên nghiệp, nên khi đi ngang qua nhà mình, em cầm cái ca uống nước nhỏ ra “con mời chú uống nước nhà con ngon và mát lắm”! 

Tôi thấy cái vòi nước được bắt từ trên núi cao xuống, trên một bục bùn, ban đầu hơi ghê ghê, nhưng khi rửa chân tay, thấy mát lạnh rồi tôi uống rất ngon và giới thiệu cho mọi người cùng uống, nước mát lạnh và trong lành!

Qua cơn khát, chúng tôi tiếp tục lên đường, và rồi cũng đã đến nơi khi trời đã về chiều…

Nhìn các đỉnh núi xung quanh như gợi lên trong tôi một tình yêu vô hạn, tôi nghĩ đến một kiếp người, cũng một kiếp nhân sinh, nhưng phải sinh ra và nối tiếp với duyên núi rừng, tôi chạnh lòng trào dâng cảm xúc….

Ai đi mới trải nghiệm được trái tim của mình, mới nghe được trái tim nói gì, vì nó vốn dĩ chan chứa những viên ngọc long lanh sáng ngời đang ngủ ngầm ẩn tiềm trong mỗi chúng ta. 

Rồi mọi việc tiếp tục diễn ra, theo sự hướng dẫn của cụ trưởng ban, cả đoàn chúng tôi bắt tay nhau vào việc lắp ráp đèn năng lượng và hướng dẫn cho bà con cách sử dụng… 

Nhìn gương mặt bà con ai ai cũng rạng rỡ tươi vui.

Màn đêm buông xuống trên cô thôn nằm vắt vẻo sau ngọn đồi, chúng tôi cũng tranh thủ kiếm cái để bỏ vào bụng.

Tiếng hát của các em nhỏ vang lên trong buổi liên hoan, do đoàn tổ chức bữa ăn tối dinh dưỡng và những phần quà bánh đến tay các em, xen lẫn tiếng hát nhịp nhàng trong không gian vốn tĩnh mịch… 

Tôi và cụ Quán cùng vài người đi trong đoàn chế 1 tách trà nhâm nhi trò chuyện, thưởng thức không gian yên bình để chiêm nghiệm về cuộc sống nơi đây.

Xa xa trên đồi núi, các gia đình được thắp sáng lên bởi những bóng đèn năng lượng ấm áp tình thương của những trái tim giàu lòng nhân ái..! 

Thắp lên một ngọn đèn

Dâng tặng mọi yêu thương

Một tâm niệm an lành

Làm rạng ngời mặt đất!

Đến 11 giờ đêm, chúng tôi chìm vào giấc ngủ, một giấc ngủ êm đềm sau một ngày thấm mệt, để sạc lại năng lượng pin hao hụt quá nhiều của ngày hôm nay.

Bình minh ló dạng trên đỉnh núi xa xa, ánh nắng nhuộm hồng những áng mây ngũ sắc vẽ lên những hình hài lạ hoắc, gió rít trên ngàn, những tán cây trải dài trên sườn dốc, mây rất gần và ôm ấp bản làng ngày qua tháng lại trong dòng sống đơn sơ đạm bạc, vô cầu. 

Thưởng thức trà và đùa vui với bao câu chuyện phím để tận hưởng không gian mà có khi có tiền không tìm thấy được, thật tuyệt vời. 

Bữa cơm mai bằng những sợi mỳ ly và mức rong hối hả, chúng tôi chia nhau làm nốt công việc còn lại: nhóm thì đi lợp 2 mái nhà còn lại, nhóm khác chuẩn bị quà phát cho bà con, sẵn sàng cho chương trình buổi tối… Còn tôi thì chuẩn bị để Ban Thông tin Truyền thông tỉnh phỏng vấn về 1 chuyến đi vô cùng ý nghĩa này. 

Cụ trưởng ban thì tổ chức cuộc thi lượm rác dọn sạch môi trường cho mấy trẻ, phần thưởng lớn công đầu toàn là kẹo mút, bánh đơn sơ, thế mới nói cái gì ở đây cũng hóa thành thơ, thành trang sử và biến thành cái đẹp, chân chất bình dị lạ thường.

Phát quà cho bà con xong cũng quá trưa, chúng tôi chụp vội vài tấm hình kỷ niệm rồi khẩn trương khăn gói xuống núi cho kịp về kẻo trời đổ cơn mưa… 

Mây ngũ sắc trên bầu trời nhuộm kín không gian, tô điểm thêm cho non sông hùng vĩ, tôi  khẽ nhủ lòng không biết mây của Từ Bi màu gì mà thấm đượm tình người và tha thiết quá, nó bao trùm vạn vật, vượt ngàn dặm để sẻ chia những cảnh đời không may mắn ở khắp muôn nơi… 

Tình thương hóa lòng từ bi là sứ mệnh thiêng liêng cao cả của vị Bồ-tát là thế, chúng tôi bỏ hết hành trang vào ký ức mang đi ngàn phương để hiến tặng và kính dâng, dẫu cho cuộc hành trình kia đã qua đi và khép lại, trong mỗi con người còn mãi hoài vọng niệm dư âm… một kỷ niệm đẹp tha thiết biết dường nào!.

“Về hỏi lại con sông quê thương nhớ, 

Bạn ta đi từ những tháng năm nào,

Ai lên non, ai về xuôi khắp cả, 

Nhắn nhủ điều gì mà gió mãi lao xao”! 

———————

Thông Huệ

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB