Mỗi ngày khoảng từ 5h00 đến 6h00 sáng, cò chia nhau từng đàn bay về mọi phía trời, thoạt nhìn không biết chúng đi đâu, nhưng biết chắc một điều là chúng sẽ tìm đến những cánh đồng xa, những bưng đầm nhiều lau sậy, cỏ lác hoang vu để kiếm miếng ăn, rồi khi bóng chiều tàn phai chúng lại quay về nơi chỗ đã ra đi.
Như bất cứ một loài động vật nào cũng đều có khả năng bảo vệ và tăng trưởng sự sinh tồn nhất định nào đó, cũng phải đối diện với bao thử thách khó khăn, vất vã để có được cuộc sống và cũng phải đổi lấy bao công sức sẵn có để tự mình tìm kiếm miếng sống cho từng ngày đi qua..
Từ hình ảnh ấy, chúng ta lại nghĩ đến xã hội con người cho dù đã tự ngàn xưa hay đến tự ngàn sau, sự đối đầu với bao nhiêu thử thách, nghiệt ngã đã và đang diễn ra mỗi lúc không ít những cảm phức, bắt nguồn từ ý niệm sinh tồn để được an vui hạnh phúc và đau khổ, sang hèn, thành công và thất bại…
Không ai giống ai cùng trong một hình thức con người, cùng dấn thân nhập cuộc vào trong cộng đồng, tiếp xúc với bao việc đời, cũng không ngoài mục đích đầu tiên là chuyện áo cơm, nhà cửa, chút danh quyền, mọi của cải và trăm thứ lo toan, rồi yêu thương, rồi hờn giận, rồi bao nỗi vui buồn, thăng trầm lẫn lộn trải dài theo tháng năm, sớm hôm ngược xuôi dòng chảy của kiếp nhân sinh, cũng chỉ vì phục vụ đắp đổi cho chiếc thân tứ đại sinh diệt nầy thôi! Và nếu làm được một điều gì đó thì cũng phải ngang qua cái giá của sự trải nghiệm hay để chóng chọi với bao nghiệt ngã của dòng đời, sự chi phối của thời gian, những tàn hại nhiệt não của bao
tâm thức đồng dị với nhau từ phía con người, những cuồng nộ của thiên nhiên, tất cả đều đổ dồn về phía con người và do con người.
Trong đạo lý của đức Phật, với cái nhìn thuần tịnh siêu nhân, bậc đạo sư không những đã hiểu được dòng chuyển động tâm thức của chúng sanh mà còn thể hiện tình thương yêu từ mạch suối nguồn tâm linh vi diệu, với nguồn mạch ấy,
đức Phật mong rằng:
“Mong mọi loài chúng sinh
Được an lạc, an ổn
Mong họ chứng đạt được
Hạnh phúc và an lạc…”
Kinh Từ Bi, 507-145.
Với những lời tâm nguyện ấy, chúng ta thấy đức Phật hay
đạo Phật luôn hướng đến sự sống và cuộc sống hay chính đạo Phật là nguồn sống lành mạnh trong sáng trên mọi sự sống. Có trải lòng ra bằng những ý niệm từ bi và bao dung, có quán sát với cái nhìn “như thật” vào trong mọi hiện tượng giới, ta mới thật sự hiểu được, lắng nghe được sự rung động tâm tư của muôn loài.
Trở lại với đàn cò, ta thấy thường chúng có từng đàn xuôi ngược khắp chốn trời xa, khi thì đồng cạn, lúc đồng sâu, khi dãi dầu mưa nắng, khi ấm no, khi đói khát, khi tranh giành nhau, khi chia sẻ nhau để được phần thức ăn nuôi mạng trong ngày, lại có khi bị các loài điểu thú khác hay loài người đánh ngả, giết hại cướp đi mạng sống. Cảm nghĩ rằng: cò cũng có tình thương yêu, hờn giận, ganh ghét của cò, cũng có nỗi lo toan đói no ấm lạnh của cò.Chính vì vậy mà cò phải sớm chiều lặn lội kiếm ăn, chia nhau từng đàn mỗi ngày đi về mọi hướng trời, đến khi sắc nắng tàn phai, vệt chiều đổ dài trên nương rẫy, nơi đầm ao suối đồi, thì cò lại gọi nhau về nơi trú ẩn, xếp đôi cánh mỏng qua đêm.
Nhưng liệu rồi một ngày mai kia nơi trú ẩn có còn không và cò lại phải tìm đâu khác nữa! Khi nơi trú ẩn ấy nay đã bị tàn phá hoang vu, nhường lại cho bao sắc màu cuộc sống khác. Cò có biết đâu rằng ngày mai rồi ra sao! Bởi vì khi dòng nghiệp thức của chúng sinh chuyển động lên hoặc xuống thì duyên cảnh cũng được đổi thay theo, hoặc trong sáng tươi mát hoặc thấp kém tối tăm hơn.Nhưng dù có tìm đâu và ở đâu, nếu là con người, sự thể hiện một đẳng cấp cao nhất qua ý thức sống giữa mọi loài (tính từ cõi người trở xuống).Điều đầu tiên, đức Phật đã giới thiệu một nếp sống an định bằng sự
chuyển hóa tâm tư thuần thiện, ẩn chứa sự an bình mầu nhiệm từ phía nội tâm như :
“Mong rằng không có ai
Lường gạt lừa dối ai
Không có ai khinh mạn
Tại bất cứ chỗ nào
Không vì hờn giận nhau
Không vì tưởng chống đối
Lại có người mong muốn
Làm đau khổ cho nhau…”
Nếu chúng ta trải lên cuộc sống bằng những tâm niệm chân thật, với đôi mắt đầy lóng ái kính, thì ở đây mọi tác dụng của bất thiện sẽ không có chổ để tựa vào mà sinh sôi nẩy nở, không trở thành cứ địa của ác dục, trái lại làm tăng thêm sự tươi mát thuần tịnh trong cảnh giới hiền thiện, đó là sự có mặt vô cùng lợi ích lớn lao cho sự sống của mọi loài.
Và ở đây, nếu đàn cò kia, thì những con cò đầu đàn cũng phải biết được những hình thức quan hệ chăm lo và trật tự nhứt định trong loài cò. Dù có bao nhiêu ngàn con hay nhiều hơn thế nữa, cò cũng đã làm nên nếp sống thanh bình cho xứ sở, cò cũng đã trở thành hình ảnh đầy ấn tượng sâu xa khi cánh cò thong dong bay lã vào nhân gian qua tiếng hát câu hò, bay vào cổ tích tình yêu của con người,
quê hương từ muôn thuở xa xôi. Vì thế, dù ngày mai cò có đi đâu và ở đâu.
Chiều nay, như bao chiều đã qua, sương chiều trải một màu trắng đục, phủ lên cánh đồng tràm tạo thành những gợn sóng mong manh lãng đãng trong chiều rồi hòa tan với hương tràm phảng phất đâu đây, những cây dừa nghiêng mình soi bóng dưới dòng kinh thầm lặng tháng ngày, cảnh sắc thanh bình như đọng lại bao thanh âm.Trông từng chấm, từng chấm trên nền trời chiều đang di động mỗi lúc một gần hơn, những cánh cò trắng mỏng chao nghiêng quanh vòng như dấu hỏi rồi sà xuống những ngọn tràm đang trổ trắng bông như để gởi vào
hoàng hôn, vào cuộc sống.Chợt hiện cảm nghĩ trong tôi như có một niềm hoan lạc hạnh phúc nào đó của đàn cò kia sau một ngày lặn lội, sau một chiều về nơi trú ẩn, làm tôi nhớ thêm lời kinh của Phật với ước mong:
“Các loài hiện đang sống
Các loài sẽ được sinh
Mong mọi loài chúng sinh
Sống hạnh phúc an lạc.”
Mặc Phương Tử