Trường Trung Cấp Phật Học Quảng Nam sắp khai giảng lớp Trung Cấp Phật Học khóa VI (2014-2017), chúng tôi có một vài ý kiến sau để đóng góp vào công tác Giáo dục Tăng ni của tỉnh nhà.
1/ Định nghĩa Giáo dục Tăng ni:
Giáo dục Tăng ni nói dễ hiểu hơn là dạy cho Tăng ni học, dạy cho Tăng ni học chánh pháp của đức Phật và dạy cách tu tập. Dạy cho những người khi mới vào chùa và dạy cho họ tu tập suốt cả cuộc đời, chứ không phải dạy vài tháng vài năm rồi thôi. Vì thế công tác Giáo dục Tăng ni là công tác kéo dài suốt cả một cuộc đời người.
2/ Đối tượng của sự giáo dục:
Như đã nói ở trên, Tăng ni là người được nhận sự giáo dục ấy, được quan tâm nhất là lớp Tăng ni trẻ cần phải được giáo dục kỹ lưỡng để trở thành người tu sĩ tốt, tự mình tu hành để giải thoát và giáo hóa người khác tu hành. Nếu không được giáo dục tốt thì chính bản thân người tu sĩ sẽ không biết tu tập như thế nào cho đúng giáo pháp. Đây chính là một nguy cơ cho đạo Phật, vì đức Phật đã dạy: tin ta mà không hiểu ta tức là bài báng ta. Làm thế nào để chính người tu sĩ Phật giáo không bài báng đạo Phật? Đó là một ưu tư của chúng tôi bấy lâu nay.
3/ Nội dung giáo dục:
Như thế, chúng ta cần dạy hàng Tăng ni những gì ?
a/ Nội điển: Chương trình dạy gồm kinh, luật và luận.
-Về kinh: phải đầy đủ theo 2 hệ thống kinh Nam truyền và Bắc truyền để Tăng ni đối chiếu, nhằm hiểu được lời dạy thiết thực nhất của đức Phật.
-Về luật: Phải đầy đủ giới luật của Nam truyền và Bắc truyền để Tăng ni hành trì. Đây là điểm quan trọng vì giới luật còn thì Phật pháp còn.
-Về luận: Phải đầy đủ những bộ luận quan trọng của 2 hệ thống Phật giáo nói trên.
b/ Ngoại điển:
-Sinh ngữ
-Cổ ngữ
-Việt văn
-Pháp luật hiện hành của nhà nước
4/ Phương pháp giáo dục:
Để phương pháp giáo dục đạt được kết quả tốt, ngoài thiện chí đóng góp tích cực trong công tác giáo dục còn có 3 phương pháp giáo dục truyền thống:
-Khẩu giáo
-Ý giáo
-Thân giáo
Đây là điểm quan trọng nhất trong công tác giáo dục, tất cả Tăng ni thế hệ trước phải là tấm gương sáng cho lớp Tăng ni trẻ noi theo.
5/ Đội ngũ giáo dục:
Một số người ngộ nhận rằng chỉ có các vị trong Ban Giáo dục Tăng ni, các vị trong Ban Giám hiệu, các vị Giáo thọ mới là những người có bổn phận giáo dục Tăng ni. Theo chúng tôi tất cả Tăng ni trước phải có bổn phận giáo dục cho Tăng ni sau.
6/ Phương pháp tiếp thu:
Ở đây là phương pháp học đạo, nếu dạy có phương pháp thì học cũng phải có phương pháp để việc học đạt kết quả. Có 3 phương pháp học đạo:
a/ Văn: để có được tuệ
b/ Tư: để có được tư tuệ
c/ Tu: để có được vô sư trí, thân chứng được chân lý giải thoát an lạc
7/ Kết quả:
Nếu Giáo dục Tăng ni theo chiều hướng ấy thì rất thành công. Chúng ta cũng vui mừng rằng ở Quảng Nam không có vấn đề nổi cộm của Tăng Ni như ở những thành phố lớn khác. Hy vọng rằng điều đó được phát huy một cách tích cực hơn.
Trên đây là những ý kiến đóng góp vào công tác đào tạo thế hệ kế thừa của giáo hội tỉnh nhà, nếu có điều gì sai sót thì xin quý Ngài lượng thứ cho.
Hòa Thượng Thích Như Phẩm
Hiệu Phó Trường Phật Học Quảng Nam