Vọng ước đêm trăng

130

(QCB) – Năm nay không bận rộn, vội vã như mọi năm. Mọi thứ dường như chậm lại, lặng yên bên cánh cửa chùa đã khép kín, lắng nghe tiếng thì thầm trong gió của lũy tre già thân thương. Những ngày giãn cách để phòng chống đại dịch COVID-19, chúng tôi tranh thủ dọn dẹp lại nhà kho đã cũ của chùa. Nơi góc phòng bụi bặm, chúng tôi tìm thấy một chiếc đầu lân đã bạc phếch, nghiêng nghiêng gác lên chiếc trống nhỏ ngày xưa. Ngồi trên thềm chùa, lặng nghe ký ức vươn mình thức dậy, những kỷ niệm ngày thơ ấu, những ngày còn sư phụ, còn được kề cận bên huynh đệ vui ngày Trung thu bất chợt ùa về.

Trung thu của thế hệ chúng tôi là một cái gì đó thật diệu kỳ. Ngày ấy, chùa của chúng tôi chưa được khang trang như bây giờ mà chỉ là những gian nhà nhỏ, lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Chúng tôi là lứa đệ tử đông nhất của sư phụ. Một tay sư phụ đã nuôi nấng, dạy bảo gần ba mươi đứa trẻ nên người. Dù khó khăn là vậy, nhưng gần đến mùa Trung thu, sư phụ vẫn dành một khoản nhỏ để mua chiếc đầu lân cùng cái trống con cho huynh đệ chúng tôi được sống trong không khí rộn ràng. Chúng tôi đã lập được một đội lân gọi là “chú tiểu xóm chùa”, hăng say luyện tập ngay từ sau lễ Vu Lan, để rồi chỉ mới đầu tháng Tám thôi chúng tôi đã tung tăng đi múa khắp xóm làng. Ngày ấy, chúng tôi nào biết đến lồng đèn điện tử, cũng chẳng đủ điều kiện để mơ đến tấm giấy kính xanh xanh, đỏ đỏ. Lồng đèn của chúng tôi chỉ được tự tay làm bằng những thanh tre và tờ giấy vở học trò hay những cái vỏ lon đã cũ mà chúng tôi nhặt được. Mà lạ ở chỗ, năm nào cũng thế, cứ đến đúng đêm Trung thu sẽ có một trận mưa rào thật lớn. Lũ trẻ chúng tôi ù té chạy mà không quên cẩn thận che chắn cho những chiếc lồng đèn như là báu vật, chỉ sợ giấy ướt rồi mai lại chẳng có mà chơi. Ngày ấy, bánh kẹo, trái cây cũng chẳng đủ đầy, dư dả như bây giờ. Mâm cỗ đêm trăng của chúng tôi có khi chỉ đơn giản là những trái bưởi xanh đã héo mà sư phụ vừa hạ xuống hay ít đồng quà, tấm bánh các cô, chú Phật tử biếu cho. Nghe thì thật đơn sơ nhưng là cả một gia tài quý giá đối với những đứa trẻ như chúng tôi. Những ngày tháng ấy, cả chùa rộn rã tiếng trống lân, tiếng cười giòn tan. sư phụ cũng vui theo, phá lệ mà không la rầy, chống chiếc gậy tre đứng bên hiên chùa mỉm cười, nhìn chúng tôi đang hồn nhiên đùa giỡn. Cứ như thế, chúng tôi đã bước qua khoảng thời gian thơ ấu bằng những đêm Trung thu rực rỡ màu cổ tích. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, chúng tôi đã xa những mùa Trung thu ấy hơn nửa đời người. Chúng tôi đi qua từng mùa, từng mùa Trung thu để rồi nhận ra, mọi thứ đều dần thay đổi. Ánh trăng cổ tích ngày xưa đã bị che mờ bởi những tòa nhà cao tầng, những ánh sáng từ các thiết bị điện tử đang thi nhau chớp nháy. Đoàn lân cây nhà, lá vườn của chúng tôi đã bị thay thế bởi những đoàn lân sư rồng chuyên nghiệp. Những chiếc lồng đèn lon, lồng đèn giấy của chúng tôi nay đã chuyển thành những chiếc lồng đèn điện tử có thể hát, múa đủ hình, đủ dạng. Những đêm rước đèn khắp làng trên, xóm dưới của chúng tôi nay đã trở thành những chương trình Trung thu được phát sóng trên tivi hay internet. Ngay cả chúng tôi cũng đổi thay, từ những đứa trẻ háo hức đợi Trung thu, giờ đã trở thành những người mang Trung thu đến với các em nhỏ. Thứ chúng tôi muốn mang đến cho các em là một không gian mở, nơi các em có thể buông xuống chiếc điện thoại mà tắm mình trong ánh trăng của thiên nhiên, xích gần hơn với bạn bè, trải nghiệm cái Trung thu chân thật nhất mà chúng tôi đã may mắn có được những ngày thơ ấu.

Đứng trên thềm chùa, nhìn ra khoảng sân tĩnh lặng. Trăng đã treo trên cành tre cao vút. Chợt nhận ra, đã bao lâu rồi ta mới thấy được vầng trăng vẹn nguyên đến vậy. Những ánh đèn thành phố đã thôi rực rỡ, không gian đã ngớt tiếng còi xe. Cả thành phố đêm nay như khép mình trong tấm màn nhung kỳ vĩ, lặng yên chờ đến một ngày bình minh lại rực rỡ phía biển xanh. Trung thu năm nay có lẽ là một mùa Trung thu buồn nhất mà chúng tôi từng trải qua. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ngăn bước chân chúng tôi mang đến cho các em thơ một đêm trăng cổ tích. Nhớ đến những ánh mắt vui tươi, hạnh phúc và tràn đầy mong đợi của các em, lòng chúng tôi trĩu nặng. Nhưng biết làm sao được, thời điểm này, sức khỏe cộng đồng vẫn là ưu tiên trên hết.

Đêm nay, trăng vẫn là trăng của ngày xưa, vẫn thủy chung rót xuống trần gian thứ ánh sáng lung linh, huyền diệu. Ánh trăng như dòng suối mát, bồng bềnh nhẹ chảy, tưới tắm cỏ cây, thanh lọc đất trời và xoa dịu tâm hồn mỗi chúng ta. Nương theo dòng suối trăng, xin cho phép chúng tôi một lần trẻ lại, sống với tâm hồn trong trẻo, hạnh phúc của những đứa em thơ. Qua lăng kính ngây thơ ấy, chúng tôi thấy dường như cuộc đời hôm nay lại ngập tràn sức sống. Sự vô tư, hồn nhiên của các em lại vô tình trở thành nguồn năng lượng tích cực, mang lại sựlạc quan, điểm tô thêm màu sắc cho bức tranh cuộc sống đang toàn một màu xám vì dịch bệnh. Ngẩng đầu nhìn ông Trăng tròn vành vạnh, vô thức, chúng tôi thực sự như những đứa bé con mà chắp tay cầu nguyện. Bật cười khi thấy mình lại trở về những ngày xưa, thi nhau nói ra ước mơ trong khi chờ đến giờ phá cỗ. Cũng là mơ ước, nhưng nếu so với ngày xưa thì ước mơ của những em bé năm nay lại giản đơn: Ngày trước, chúng ta băn khoăn lựa chọn bánh dẻo hay bánh nướng, nhân thập cẩm hay đậu xanh. Hôm nay, các em chỉ ước có thể cầm một chiếc bánh Trung thu dù có là hương vị gì cũng được. Ngày trước, ước mơ của trẻ con là được ngồi phi thuyền lên cung trăng dạo chơi cùng thỏ ngọc. Ngày nay, các em chỉ ước lại được ngồi sau yên xe bố mẹ, tung tăng đi khắp những con đường. Ngày trước, trẻ con mơ được gặp chị Hằng, chú Cuội. Hôm nay trẻ con chỉ mơ được gặp lại ông bà, thầy cô và bè bạn. Ngày trước, trẻ con mơ được cả ngày rong chơi, nhảy dây, đá cầu, bắt dế… Hôm nay, được đến trường đi học cũng đã trở thành niềm ao ước của các em…

Vậy mới thấy, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người trưởng thành mà trẻ em cũng là đối tượng bị tác động, ảnh hưởng sâu sắc. Những điều tưởng chừng rất bình thường, chúng ta có thể thực hiện hằng ngày nay cũng đã trở thành niềm ước ao đối với các em. Đêm trăng tĩnh lặng, xin gửi tấm lòng thành, ước nguyện dịch bệnh sớm tiêu tan, cuộc sống bình yên lại trở vềvới mọi nhà, các em thơ lại được vui Trung thu trọn vẹn. Ánh trăng là dòng suối mát, bắt nguồn từ quá khứ, vắt ngang qua hiện tại và chảy về phía tương lai. Xin hãy để trăng mãi là chứng nhân cho sự đoàn viên, hạnh phúc. Xin hãy để ánh đèn lồng xanh, đỏ, tiếng trống múa lân rộn ràng vẽ lên những nét chấm phá rực rỡ trên nền trời bàng bạc ánh trăng thu.

Nếu có một điều ước cho riêng bản thân mình, tôi sẽ ước một lần được quay về những mùa Trung thu ấy, mùa Trung thu tôi còn sư phụ ở cạnh bên.

* Thượng tọa Thích Tâm Như – Phó Ban Hoằng pháp tỉnh Khánh Hòa

VĂN HÓA PHẬT GIÁO 374

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB