Về nguồn gốc của Bát-nhã Tâm kinh

192

Năm 1992, Jan Nattier viết một bài nghiên cứu về nguồn gốc của Bát-nhã Tâm kinh với tựa đề rất khiêu khích, “The Heart Sutra: A Chinese Apocryphal Text?”1 (Tâm kinh, một văn bản chữ Hoa ngụy tạo?) trên một chuyên san Phật học. Bài viết đã gây sôi nổi một lúc trong giới nghiên cứu Phật học. Trong bài viết ấy, Nattier đã đưa ra 5 điểm lạ về bản Hán văn Tâm kinh do Huyền Trang dịch (tức là bản T251 trong mục lục của Đại Chính tân tu Đại tạng kinh). Từ 5 điểm riêng biệt này, Nattier cho thấy khung cảnh cấu trúc của Tâm kinh rất khác lạ so với các kinh luận khác thuộc hệ Bát-nhã.

1. Tâm kinh quá ngắn so với các kinh khác.

2. Tâm kinh không có “Tự phần” và “Phần lưu thông” như tất cả các kinh truyền thống (tức phần mở đầu “Như thị ngã văn” giới thiệu không gian thời gian nói kinh và phần kết luận “hoan hỷ tín thụ phụng hành” như thường thấy trong các kinh khác).

3. Tâm kinh không có sự hiện diện của Đức Phật.

4. Vai trò trung tâm của Bồ-tát Quán Tự Tại, một Bồ-tát chưa từng thấy xuất hiện trong các kinh khác.

5. Thần chú gate là được thêm vào sau vì kinh Bát-nhã không có thần chú.

Từ 5 điểm khác lạ này, Nattiet đưa ra 4 giả thuyết:

1. Bản Tâm kinh có trước bản của Huyền Trang trong mục lục của Đại Chính tân tu, tức bản T250 mà người ta quen gọi là bản dịch của Cưu-ma-la-thập, thực sự không phải do Cưu-ma-la-thập dịch.

2. Tâm kinh không phải có từ bản Phạn ngữ Bát-nhã nào mà là lấy từ bản Hán văn Đại Bát-nhã và Đại Trí độ luận (Luận về Đại Bát-nhã của Cưu-ma-la-thập) do chính vị này dịch.

3. Không có tài liệu viết rõ Huyền Trang dịch Tâm kinh mà chỉ nói ngài gặp bản Tâm kinh lúc còn ở Trung Hoa trước khi đi Ấn Độ.

4. Thần chú gate thêm vào cuối Tâm kinh cũng rõ ràng Tâm kinh là sáng tác của người sau và ở Trung Hoa.

Sau bài báo này, các học giả Nhật Bản đã trả lời rất rõ ràng, đặc biệt là hai giáo sư Fuikui và Harada . Sau đây là phần trả lời cho các giả thuyết của Nattier; gồm nguyên ý của hai học giả Nhật Bản và có phần ý kiến của người viết.

1. Tâm kinh quá ngắn so với các kinh khác? Tâm kinh (bản ngắn) không có sự hiện diện của Đức Phật? Xá-lợi-tử chưa hề xuất hiện trên các kinh Bát-nhã?

Nếu Nattier từng đọc các bản kinh ngắn trong Tạp A-hàm hay Samyuktagama thì sẽ thấy có rất nhiều “tiểu kinh” cũng ngắn như Tâm kinh. Từ xưa, các học giả đạo sư Á Đông cũng không thắc mắc về sự hiện hữu của các Quảng bản (các bản Tâm kinh dài có thêm phần Tự và phần Lưu thông), nên cũng không thảo luận về việc người sau thêm vào để cho đồng bộ với các kinh khác. Các quốc gia Á Đông chỉ dùng Tâm kinh ngắn; quảng bản thường chỉ phổ biến ở Tây Tạng và các quốc gia trong khu vực Tây Tạng như Nepal hay Mông Cổ. Các học giả đạo sư Á Đông xưa nay cũng không tranh luận Tâm kinh là một bản kinh riêng biệt, mà đa số còn xem Tâm kinh như là bản tóm gọn tinh hoa của các kinh Bát-nhã (nên không thắc mắc việc Tâm kinh thiếu phần Tự và phần Lưu thông, hay không thấy không có sự hiện diện của Đức Phật). Harada đã vạch ra cho thấy Xá-lợi-tử từng xuất hiện trong quyển kinh cổ nhất của các kinh Bát-nhã là Bát-nhã bát thiên kệ tụng 8.000 bài kệ (Astasahasrika Prajna Paramita) cùng với Tu-bồ-đề và A-nan-đà).

2. Vai trò trung tâm của Bồ-tát Quán Tự Tại, là một Bồ-tát chưa từng thấy xuất hiện trong các kinh Bát- nhã khác?

Đây thêm một chứng cớ thiếu đọc của Nattier. Bà chỉ chép lại sách Essays in Zen Buddhism của Suzuki xuất bản từ hơn nửa thế kỷ trước. Sách này rất danh tiếng, nhưng bà không biết danh tác này cũng có chỗ lầm, và sai lầm ở đây là hai lần liên tiếp Suzuki nhắc lại rằng Bồ-tát Quán Tự Tại chưa xuất hiện trong bất kỳ bản kinh nào thuộc kinh hệ Bát-nhã. Ở đây, chỉ cần ghi rằng để bổ túc cho sai lầm của Suzuki, cả Harada Waso2 và Donald S. Lopez3 từng trưng rõ Bồ-tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) từng xuất hiện trong các kinh Bát-nhã khác.

3. Bản dịch T250 mà người ta quen gọi là bản dịch của Cưu-ma-la-thập không thật là của La-thập mà là của một người đời sau?

Để làm tiền đề cho giả thuyết rằng bản dịch Tâm kinh T251 của Huyền Trang (604-664) là bản “nguyên thủy” chứ không thể có bản Tâm kinh bằng Phạn văn hay Hán văn nào có trước, Nattier phải đả phá rằng không hề có bản dịch trước như bản T250 của Cưu-ma-la-thập (344-513). Tuy nhiên, việc nghi ngờ bản T250 không phải do chính Cưu-ma-la-thập dịch cũng không phải là ý kiến nguyên thủy của Nattier, vì từ nửa thế kỷ trước (1948), Edward Conze đã chú thích cho biết theo một nghiên cứu của Matsumoto Tokumyo công bố năm 1932 thì có thể bản T250 chỉ là bản dịch của một đệ tử của La-thập mà thôi. Theo nghiên cứu của Matsumoto thì Cao tăng truyện viết năm 519, được coi là thư tịch cổ nhất về Cưu-ma-la-thập, không ghi quyển T250 này là dịch phẩm của La-thập. Tuy nhiên, dù Conze không khẳng định bản T250 là do chính La-thập dịch, nhưng ông vẫn chấp nhận bản T250 là bản sớm nhất. Nghĩa là bản T250 phải có trước bản T251 là bản do Huyền Trang dịch năm 649. Vì dù bản T250 chỉ là “bản dịch của đệ tử của La-thập” thì cũng không thể có bản dịch T251 của Huyền Trang sinh sau La-thập 260 năm lại có trước bản T250. Để củng cố giả thuyết này, Nattier cũng dựa vào nghiên cứu của John McRae về Tâm kinh, cho rằng tuy bản Mục lục của Đạo An (312-385) đã mất nhưng trong Xuất Tam tạng Ký tập (出三藏記集)T.55 của Tăng Hựu (僧 祐, 445-518) viết vào khoảng năm 515 dù có tên hai bản dịch giống tên Tâm kinh T251 là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật- đa thần chú (bản 1) và Bát-nhã Ba-la-mật thần chú (bản 2) nhưng không đề tên người dịch. Chỉ có bản in sau mới cho tên hai người dịch là Chi Khiêm (190-250) và Cưu-ma-la- thập. Bản của Chi Khiêm đã mất từ lâu, còn bản của Cưu- ma-la-thập tức là bản T250, cho nên bà cho rằng bản T250 không phải là của La-thập. Tuy nhiên, dù lý luận này có thể đúng, nghĩa là “bản T250 không phải do La-thập dịch” thì cũng không thể chứng minh là nó có sau T251. Cũng vì lý do phần cốt lõi của bản T250 rất giống với Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經) do La-thập dịch ra Hán văn và cũng giống với Đại Trí độ luận của Long Thọ cũng do La-thập dịch ra Hán văn năm 405, nên bà cho rằng bản Tâm kinh T250 phải do một người nào đó sau đó quen thuộc với hai bản dịch này tạo ra.

Phần lý luận của Nattier cho rằng bản T250 không phải của La-thập hoàn toàn không vững chãi, dù người đồng thời không có ai viết La-thập dịch T250 thì cũng chưa đủ chứng minh La-thập không dịch T250. Nattier chưa chứng minh bản T250 có sau bản T251 của Huyền Trang; nhưng trong cùng bài báo của mình, bà còn cho rằng bản Tâm kinh đầu tiên Huyền Trang được thấy trước khi Tây du là bản T250. Trong khi đó, Fukui cho thấy trong Khai Nguyên Thích giáo lục (開元釋教錄) do Trí Thăng hoàn tất năm 730 cũng đã đề tên La-thập là tác giả bản dịch T250.

Ở đây, có thể không cần đi vào tranh luận bản T250 có là do La-thập dịch hay không, nhưng nếu có giả thuyết cho rằng Huyền Trang dịch Tâm kinh (bản T251) dưới ảnh hưởng của bản dịch T250 thì giả thuyết này có xác suất đúng cao hơn, đặc biệt khi so sánh hai bản T250, T251 với các bản dịch kinh luận khác của Cưu- ma-la-thập. Có nghĩa là bản T250 dù không do La-thập dịch thì cũng phải có trước bản T251 của Huyền Trang.

Cũng cần ghi chú ở đây về quan niệm dịch (譯) của cổ đại Trung Hoa và đặc biệt là vấn đề trùng dịch (dịch lại) trong lịch sử dịch kinh luận Phật giáo ở Trung Hoa. Quan điểm này rất khác ý niệm translation (dịch) của ngày nay. Thí dụ như chúng ta thử xem lại phần căn bản của 8 bản Hán văn Tâm kinh mà chúng ta đang có trong Đại tạng thì chúng ta thấy ngoài dăm chữ khác biệt, về đại thể chúng y hệt nhau; thế mà mỗi bản đều có danh xưng của từng vị dịch giả với ngày tháng năm dịch lại. Cho nên, chúng ta thấy tiêu chuẩn “dịch” và “trùng dịch” của ngày xưa rất khác với quan niệm translation của ngày nay. Đặc biệt là với các luật bảo vệ tác quyền (copyright) thì các vị đại sư dịch giả của chúng ta ngày trước sẽ rất nhức đầu, vì rất nhiều bản dịch lại của các ngài có nhiều điểm rất giống với bản có trước.

4. Phải chăng Tâm kinh không phải có từ bản Phạn ngữ Pancavimsathisahasrika Prajna Paramita (Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng) mà từ bản dịch Hán văn Đại Bát-nhã và Đại Trí độ luận? (Ý nói Tâm kinh chỉ có thể được sáng tác tại Trung Hoa).

Chúng ta nên biết Đại Bát-nhã là một bản kinh tự bản thân đã có nhiều bản khác nhau, đúng như Edward Conze đã viết trong The Prajna Paramita Literature. Trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chúng ta hiện có đến 4 bản Hán dịch Đại Bát-nhã. Bản đầu tiên là do Dharmaraksa (Trúc Pháp Hộ) dịch năm 286 dài 70 trang (theo trang giấy của Tam tạng Hán văn do Đại Chính tân tu Đại tạng kinh thực hiện); đến bản thứ hai của Moksala (Vô-xoa-la) dịch năm 291 đã dài đến 148 trang, bản T233 của La-thập dịch năm 404 dài 208 trang, bản T220 do Huyền Trang dịch năm 663 dài 425 trang. Như vậy chứng tỏ là chúng ta có nhiều văn bản Sanskrit của kinh này dài ngắn rất khác nhau đúng như Conze đã nói. Và quan trọng là chưa có ai xác định bản Sanskrit nào là nguyên bản của các bản dịch Hán văn chúng ta đang có.

Với những dẫn chứng của Harada Waso và Lopez, có thể thấy bà Nattier chưa hề đọc kỹ kinh điển Bát-nhã cả bằng Hán văn lẫn Phạn văn, cho nên bà không biết rằng bộ kinh Bát-nhã xuất hiện kéo dài cả bốn thế kỷ và các bản Hán văn lại càng không phải chỉ có mình Huyền Trang dịch, mà do rất nhiều người dịch cũng kéo dài trong nhiều thế kỷ. Trước sau đã có đến 33 người tham gia vào công trình đồ sộ này chứ không chỉ có các đại dịch giả danh tiếng như Chi-lâu-ca-sấm, Chi Khiêm, Khương Tăng Hội, Trúc Pháp Hộ, Cưu-ma-la-thập, Huyền Trang hay Nghĩa Tịnh. Cho nên bộ Đại Bát-nhã khổng lồ 600 quyển do Huyền Trang dịch là bộ kinh lớn nhất trong Đại tạng kinh Hán văn nhưng chưa bao giờ bộ này được coi là bao gồm toàn bộ kinh Bát-nhã, và quan trọng hơn là các bản kinh Phạn ngữ mà Huyền Trang dùng làm cơ sở chỉ là kinh điển đại biểu cho một thời đại hay một bộ phái nào đó. Ngoài các kinh này còn có nhiều bản Phạn ngữ được các dịch giả khác dịch thì là kinh điển Bát-nhã của thời đại khác và bộ phái khác.

Cho nên, bản Phạn văn Đại Bát-nhã mà Nattier dùng không phải là cùng một nguyên bản của các bản Hán văn có trong Hán tạng. Hiện chúng ta có nhiều bản Phạn văn Đại Bát-nhã như văn bản thế kỷ IV mới khám phá ở Gilgit (Pakistan) năm 1931 và các văn bản Phạn văn được giữ ở Nepal trong nghiên cứu của Edward Conze (1947). Cho nên, điều Nattier cho rằng “việc hai bản (Phạn văn panca và Phạn văn hrdaya) giống nhau về nội dung nhưng khác nhau về ngữ vựng” cho thấy việc Nattier kết luận “có thể cắt nghĩa rằng bản hrdaya chỉ là bản phản dịch từ bản Tâm kinh Hán văn” là không chính xác.

Trong bài viết của mình, Nattier đã làm “thao tác” ngôn ngữ khi bà so sánh đoạn văn hrdaya với một đoạn ngắn thuộc bản Phạn ngữ Pancavimsathisahasrika Prajna Paramita (Nhị vạn ngũ thiên Bát-nhã tụng) để chứng minh “nội dung chúng giống nhau nhưng từ ngữ và văn pháp khác nhau”. Thêm nữa, bà Nattier còn chứng minh về văn pháp Phạn ngữ ở bản hrdaya không chuẩn như bản Panca để cho rằng người “viết” bản hrdaya chỉ có thể là người ngoại quốc chứ không thể là do người bản xứ Ấn Độ viết.

Thao tác đối chiếu ngôn ngữ của bà làm nhiều người không trong giới chuyên môn rất thán phục trước bài báo uyên bác của bà. Hiện nay chúng ta có rất nhiều bản dịch Anh ngữ từ bản Hán văn T251, và ai cũng có thể thấy ngay văn phạm và câu cú của các dịch bản này rất khác biệt. Có nghĩa là nội dung chúng gần giống nhau nhưng từ ngữ khác nhau; và đương nhiên nếu dịch lại từ bản Anh ngữ ra chữ Hán người ta cũng sẽ thấy những bản tái phản dịch không thể chuẩn như ban đầu, đúng như lời phê bình của Nattier về các bản Sanskrit và các bản dịch Hán văn của Huyền Trang và La-thập. Vì vậy, ta có thể hiểu là Fukui nhận định Nattier chỉ mới so sánh một bản Tâm kinh với một đoạn Đại Bát- nhã và Đại Trí độ luận bản dịch của La-thập thì không có ý nghĩa nào cả để đòi kết luận là Tâm kinh giống hay sai kinh điển Đại Bát-nhã.

5. Không có tài liệu viết rõ Huyền Trang dịch Tâm kinh mà chỉ nói ngài gặp bản Tâm kinh lúc ở Trung Hoa, trước khi đi Ấn Độ thỉnh kinh?

Như chúng ta biết, theo Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện (大唐大慈恩寺三藏法師傳) do Huệ Lập (慧立) đệ tử Huyền Trang viết, ghi lại chuyện Huyền Trang được vị Tăng lạ cho Tâm kinh ở chùa Không Huệ, Ích Châu trước khi lên đường Tây du, và ngày đến Ấn Độ, Huyền Trang cũng gặp lại vị sư này ở Tu viện Nalanda. Thêm vào đó là chuyện khi học ở Nalanda, Huyền Trang không thấy có quyển Đại thừa Khởi tín luận của Mã Minh nên Huyền Trang cũng từng dịch quyển này ra Sanskrit. Vì hai chuyện này đã khiến Nattier càng tin chính là Huyền Trang là người đã phản dịch (Back-translation) từ Tâm kinh chữ Hán ra bản Phạn văn hrdaya. Cho nên Nattier viết, “Thêm vào nữa là các bản chú sớ chữ Sanskrit đầu tiên về Tâm kinh chỉ xuất hiện ở Ấn Độ nhiều năm sau khi Huyền Trang đến đây… Vì vậy, cho đến khi có thêm tài liệu khác, Huyền Trang tiếp tục có khả năng chính là người phổ biến Tâm kinh vào Ấn Độ”.

Nhưng cũng từ đây cho thấy Nattier đã tự mâu thuẫn và chỉ muốn thấy những gì bà muốn thấy. Điển hình là tuy phủ nhận bản dịch T250 là của La-thập, nhưng lại cho bản Tâm kinh mà Huyền Trang tiếp xúc lần đầu tiên khi chưa Tây du chính là bản T250; hoặc chỉ sử dụng truyện về Huyền Trang của Huệ Lập khi phù hợp với ý kiến của bà, còn các chi tiết khác của Huệ Lập viết thì bà coi như hư thuyết. Nattier luôn luôn đòi hỏi phải có chứng cớ Tâm kinh từ các nguồn Ấn Độ, nhưng bà không biết rằng Phật giáo đến thế kỷ X đã bắt đầu bị tàn hoại ở Ấn Độ từ lâu. Đã từ lâu, người ta không hề tìm ra văn bản Phật giáo Sanskrit nào ở Ấn Độ, kể cả các sáng tác danh tiếng của một vị đại sư danh tiếng lẫy lừng như Long Thọ, thì làm sao có thể có bản Tâm kinh bằng Sanskrit ở Ấn Độ. Các kinh luận Phật giáo bằng các loại chữ Phạn trong những thế kỷ vừa qua tìm lại được, không phải từ đất Ấn Độ, mà là ở các địa chỉ khảo cổ hay các chùa cổ quanh Nepal, Tây Tạng hay ở tận phía Tây bắc Ấn Độ là Pakistan hay Afghanistan. Ngoài một số di tích, trong suốt một thế kỷ trước, người ta chưa hề tìm thấy trên đất Ấn Độ một mảnh nhỏ cổ thư Phật giáo lớn như các bộ Đại Bát-nhã cũng như các kinh Đại thừa thời hậu kỳ Bát-nhã, thì nói gì đến Tâm kinh rất ngắn nhỏ có thể tồn tại ở Ấn Độ sau 14 hay 15 thế kỷ.

Sự thực, Nattier không đủ thời gian đi sâu vào nội dung mênh mông và thư tịch Hán ngữ chứ chưa nói đến thư tịch Phạn văn. Chẳng hạn, trong Khai Nguyên Thích giáo lục (開元釋教錄) do Trí Thăng (智昇)soạn, khi nói về Bát-nhã Tâm kinh cũng còn viết “Năm Trinh Quán thứ 23 đời Thái Tông, ngày 24 tháng 5, Pháp sư Huyền Trang đến cung Thúy Vi ở núi Chung Sơn dịch kinh này, Sa-môn Trí Nhân thụ bút” (Thái tông Trinh Quán nhị thập tam niên ngũ nguyệt nhị thập tứ nhật, Huyền Trang Pháp sư vu Chung Nam sơn Thúy Vi cung trung dịch xuất thử kinh, Sa-môn Trí Nhân thụ bút, 太宗貞觀 二十三年五月二十四日,玄奘法師/于終南山翠微宮 中譯出此經,沙門知仁笔受).

Nattier thường lặp lại là không có học giả nào trước Huyền Trang nói về Tâm kinh hay có bản Tâm kinh nào khác trước khi có bản dịch của Huyền Trang. Bà không thấy rằng Huyền Trang từng nổi tiếng là nhà sư trẻ trí thức cũng chỉ biết đến Tâm kinh trước khi Tây du thỉnh kinh, và việc Trung Hoa thiếu kinh luận là lý do chính khiến Huyền Trang có chí nguyện Tây du.

6. Thần chú Gate thêm vào cuối Tâm kinh cho thấy rõ Tâm kinh là sáng tác của người sau và ở Trung Hoa?

Vì kinh hệ Bát-nhã xuất hiện từ thế kỷ I trước Tây lịch và tiếp tục cho đến thế kỷ IV Tây lịch, trong khi Mật tông, một tông phái chuyên trì tụng thần chú, chỉ trở thành một tông môn Phật giáo vào khoảng thế kỷ VII, do đó, Nattier lập luận rằng nếu Tâm kinh thuộc kinh hệ Bát-nhã thì tại sao lại có sự hiện diện của thần chú Gate là của Mật tông. Cho nên, việc này có nghĩa là do người đời sau thêm vào; vì vậy, Nattier cho rằng chỉ có thể cắt nghĩa Tâm kinh là sáng tác của người Trung Hoa vào đời sau.

Quả thực, kinh luận Phật giáo thời đầu rất ít nói đến thần chú; nhưng lúc Tâm kinh xuất hiện cũng là thời xã hội Ấn Độ đang cùng cực phát triển các loại trì chú, chân ngôn. Vì vậy, Tâm kinh nhấn mạnh “Tâm kinh có giá trị như một thần chú” (còn việc người đời sau muốn dùng Tâm kinh làm thần chú là việc của đời sau). Không như là một thần chú thông thường, Tâm kinh còn nhấn mạnh “là một đại thần chú, một thần chú siêu việt và cao sâu hơn tất cả mọi thần chú khác” vì Tâm kinh có thể đưa người hành trì đến giác ngộ, trong khi các thần chú khác chỉ mang lại hiệu năng, nếu có, giải quyết một số vấn đề gần gũi và cụ thể của nhân sinh như chữa bệnh tâm thần và thân thể.

Thực tế ta thấy, Tâm kinh bằng Hán văn có mặt và nổi danh ở Trung Hoa rất lâu trước khi được dịch ra Tạng ngữ để phổ biến ở Tây Tạng và Nepal. Nhưng khi Tâm kinh đến Tây Tạng hay Nepal, trong không khí Mật giáo đang thịnh, không những bản kinh ngắn này được chấp nhận ngay mà lập tức được sử dụng như một thần chú căn bản trong mọi nghi lễ hành trì tại các xứ này. Trong khi đó, ở Trung Hoa và các xứ Đông Á, Tâm kinh chưa bao giờ trở thành một thần chú trong sinh hoạt hành trì. Như vậy, việc đưa thêm thần chú Gate vào Tâm kinh cũng không chứng minh được điều gì về nguồn gốc Tâm kinh. Do đó, việc nêu giả thuyết viết thêm thần chú Gate vào Tâm kinh để hỗ trợ giả thuyết Tâm kinh là do người Trung Hoa đời sau sáng tác hoàn toàn không có chút giá trị.

Tóm lại, bài viết của Nattier không có giá trị nào cho việc nghiên cứu nội dung Tâm kinh, và có thể nói, quan điểm cho rằng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh là một kinh ngụy tạo của người Trung Hoa đời sau hoàn toàn không có cứ sở. Người viết khẳng định niềm tin Bát-nhã Tâm kinh là tinh hoa của các kinh Bát-nhã Ba-la- mật-đa; và bản Bát-nhã Tâm kinh của Huyền Trang (bản T251) chỉ là một bản dịch, xuất hiện sau bản T250 (bản Hán dịch của Cưu-ma-la-thập). Còn việc tìm ra được bản Phạn ngữ nguyên thủy viết trước các bản Hán dịch lại là chuyện khác. Sau cùng, chúng ta có thể kết luận rằng bản Hán văn Bát-nhã Tâm kinh quen thuộc của chúng ta (bản T251 do Huyền Trang dịch) quả thực chỉ là một bản dịch từ một bản Phạn văn. Và các bản Phạn văn chúng ta đang có nếu không phải là nguyên tác thì cũng rất gần với bản nguyên tác mà Huyền Trang đã dùng để dịch ra bản Hán văn T251.

Chú thích: 1. Jan Nattier; “The Heart Sutra: A Chinese Apocryphal Text?”, Journal of the International Association of Buddhist Studies 15, No.2 (1992): 155-223. 2. Harada Waso, History of the Establishment of Prajnaparamitahrdayasutram, 2020. 3. Donald S. Lopez, Jr. The Heart Sutra Explained: Indian and Tibetan Commentaries; State University of New York Press, 1988.

Vũ Thế Ngọc/Văn hóa Phật giáo số 350

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB