Tư tưởng "Vô vi" của Lão giáo và Phật giáo

17873

Vo vi bien_thumb[11]Triết học là môn học của những tư tưởng và nó không bao giờ đứng yên chấp nhận những thành tựu đã đạt được. Tuy câu hỏi chỉ xoay quanh những vấn đề: bản chất sự vật sự việc là gì ? thế giới vận động như thế nào ? có Thượng đế hay không có Thượng đế ?…. Nhưng ngày nay, sinh viên triết học đi sâu vào những đề tài vật lý lượng tử, thiên văn vũ trụ, sinh học di truyền, công bằng xã hội và kể cả khoa học, máy tính với những đề tài đại loại như trí thông minh nhân tạo. Điều đó cho thấy một bước tiến rất dài của triết học từ thời Aristotle với lửa, nước, đất, không khí với Aether đến thời đại ngày nay của Quark, hạt, phản hạt và cả Big bang.

Nói như vậy để thấy rằng có sự tiến hoá trong các lý thuyết của triết học Trung Hoa. Hãy điểm qua thứ tự tồn tại của các nhân vật: Lão Tử (Thế kỷ thứ VI TCN), Khổng Tử (551 – 479 TCN). Trang Tử (365 – 290 TCN), Hàn Phi Tử (280 – 233 TCN). Dĩ nhiên vẫn còn nhiều bậc như Mạnh Tử, Mặc Tử, Tuân Tử và những bậc khác. Đến với Đạo gia, Lão Tử được xem là bậc có tư tưởng sâu sắc và thâm thuý nhất. Dùng cái đạo vô vi vô bất vi ấy chỉ có những người am hiểu quy luật trời đất, sống hòa mình vào thiên nhiên tỉnh tâm khoáng đạt. Nếu có thể so sánh, thì chỉ có lý thuyết của Đức Phật Thích Ca khi nói về cõi Niết-bàn, đắc đạo là có những tư tưởng tương tự khác biệt. Triết lý đạo Phật có vào thế kỷ thứ VI TCN, xem ra không xa thời Lão Tử là bao.

I/ Vài nét về sự hình thành và phát triển của Phật giáo

     1/ Sự ra đời của Phật giáo

Như mọi người đều biết lịch sử vị sáng lập ra đạo Phật là đức Thích Ca Mâu Ni, Ngài xuất thân từ làng Sakya thuộc xứ Ấn độ. Ngài ra đời như bao người khác nhưng chí nguyện độ sanh khiến Ngài trở nên vĩ đại. Chính do hạnh nguyện độ sanh mà Ngài đã vượt qua mọi cám dỗ và trói buộc của cuộc đời, xuất gia học đạo, chứng đắc quả và rồi sau đó trở lại thế gian để cứu người giúp đời. Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, khước từ ngôi báu, giã biệt vợ đẹp con ngoan, xuất gia tầm sư học đạo với mục đích tìm ra con đường giải thoát khổ đau cho chúng sanh.

Trãi qua nhiều năm tháng gian nan học đạo, nhờ ý chí mạnh mẽ và sáng suốt, nhờ nghị lực vững vàng và kiên trì cộng thêm chí nguyện độ sanh to lớn cuối cùng Ngài đã tìm thấy chánh đạo. Ngài đã chứng ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác dưới cội Bồ đề, đóng sập cánh cửa sanh tử để mở rộng cánh cửa bất tử cho cuộc đời. “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như đức Phật SiddhatthaGotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm trên toàn cõi châu Á như Ngài. Đạo giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế”[1]

     2/ Khái quát quá trình phát triển Phật giáo

Sau khi giác ngộ, đức Phật đã thực hiện sứ mạng thuyết pháp độ sinh ròng rã suốt 49 năm. Cũng từ đó đạo Phật được truyền rộng ra khắp nơi, thấm nhuần trong cuộc sống nhân loại, thích hợp với mọi căn cơ và trình độ. Trãi qua bao thế hệ mà đạo Phật vẫn lưu truyền khắp mọi nơi, phải chăng đó là nhờ sự tiếp thu giáo nghĩa và truyền bá uyển chuyển bởi các vị tổ sư tiền bối của các Tông phái, sự chứng nhập thật tướng của các vị Bồ tát, phát huy đạo Phật làm cho ánh sáng chân lý tỏa khắp mọi nơi.

Thật vậy, như chúng ta đã biết trăm sông đều chảy về biển cả, nhưng biển chỉ có một vị duy nhất là vị mặn, cũng như giáo lý của đức Phật chỉ có một vị duy  nhất đó là giải thoát, song do căn bản và trình độ nên các vị Tổ sư tiền bối tìm hiểu về giáo lý của Phật bằng những nhận thức riêng. Cho nên sự hành trì tu tập cũng không giống nhau, từ những tư tưởng dị biệt đồng nhất này dẫn đến chỗ phân chia thành nhiều tông phái. Mặc dầu tông của mỗi tông phái không đồng nhau, nhưng đều không trái ngược với thực tướng của các pháp.       

                          “Chư Phật vô lượng phương tiện lực

                  Chư pháp quyết định  tướng vị độ chúng sanh”  

Tinh thần đạo Phật phóng thoáng, dễ hòa nhập, cho nên sau khi đức Thế Tôn nhập diệt cho đến ngày nay đạo Phật đã lan khắp mọi nơi trên thế giới, từ Ấn độ sang Trung Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan, Lào, Campuchia … và đặc biệt cũng đã truyền bá đến Việt Nam chúng ta. Tuy theo phong tục nếp sống của từng vùng khác nhau mà phương pháp tiếp cận và hành trì tu tập cũng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung là giải thoát mọi khổ đau của vòng sanh tử luân hồi.

II/ Vài nét về sự hình thành và phát triển của Đạo gia

Từ xưa tới nay người ta thường cho rằng Đạo Lão là do Lão Tử khai sáng, ngày nay còn lại quyển Lão Tử Đạo Đức Kinh và trong sử ký của Tư Mã Thiên có ghi chép về Lão Tử như sau:

Lão Tử là người làng Phúc Nhân, hương Lệ, huyện Hổ, nước Sở, họ Lý tên là Nhĩ, tự Đam, làm quan sử, giữ kho chứa sách của nhà Chu.

Khi Khổng Tử qua Chu, lại hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử đáp: “Những người như Ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thôi. Vã lại người quân tử nếu gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kỹ vật quý, coi ngoài như không có gì, người quân tử đức cao thì dong mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của Ông đi; những cái đó không ích gì cho Ông đâu. Tôi chỉ khuyên Ông có bấy nhiêu thôi. Khổng Tử về bảo môn sinh: “Loài chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, bay thì dùng tên để bắn, lội thì dùng câu để bắt. Đến loài rồng thì cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp Lão Tử là con rồng chăng?”

Lão Tử trao dồi đạo đức, học thuyết của ông cốt ở chỗ giấu mình ẩn danh. Ông ở nước Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi. Đến cửa, quan coi cửa là Doãn Hỷ bảo “Ông sắp đi ẩn, ráng vì tôi mà viết sách để lại”. Thế là Lão Tử viết một cuốn gồm hai thiên thượng và hạ, nói về ý nghĩa của “Đạo” và “Đức”, được trên năm ngàn chữ. Viết xong rồi đi không ai biết Ông ở đâu, sống chết ra sao.

Về sau, người đời theo chủ thuyết của Lão Tử rất nhiều, theo chủ thuyết của Lão Tử thì bài bác Nho học, theo Nho học thì bài bác thuyết Lão Tử. Lúc này trở về sau Đạo Lão là môn học về vũ trụ, thiên nhiên, vật chất, Ông đã soạn ra kinh sách Đạo Đức Kinh để dạy người đời dựa trên nền tảng triết lý, hay còn gọi là đạo Vô Vi – mọi vật thể theo tự nhiên.

III/ Tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử và đạo Phật

  1. 1.    Triết lý “Vô vi” của Lão Tử

“Vô vi” dịch sát nghĩa là không làm gì, “Nhi vô bất vi” mà không gì mà không làm. Vô vi là làm thuận theo tự nhiên, như mặt trời, mặt trăng vẫn chiếu soi bốn mùa tám tiết, điều hòa để nuôi dưỡng bảo toàn vạn loại chúng sanh. Vô vi nhi vô bất vi là làm một cách vô vi, âm thầm, vô danh, vô công, vô kỷ quên mình để lo cho thiên hạ .[2] 

Lão Tử lấy vô làm gốc nên khuyên chúng ta “Vô vi, vô ngôn, vô sự”. Cũng chính lấy vô làm gốc nên Ngài trọng sự “hư tĩnh”, có thể nói học thuyết của Ngài là học thuyết Vô. Vô không có nghĩa là hoàn toàn không có gì, trái hẳn với Hữu. Vô là Di, Hi, Vi (vô sắc, vô thinh, vô hình) đối với cảm quan hữu của ta, như đạo Vô có tính cách huyền diệu, huyền bí, nó sinh ra Hữu, rồi hữu lại trở về Vô. Cho nên Vô, Hữu không tương phản mà tương thành. Chữ Hư là hư tâm, nghĩa là để lòng trống không, vô tri, vô dục. Tâm mà Hư thì trừ được hết các thất tình lục dục, tâm hồn sẽ bình thản thanh tịnh.

  1. 2.    Triết lý “Vô vi” trong Phật giáo

“Vô vi” trong đạo Phật mang những ý nghĩa sau:

“Vô vi” là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra, đối nghĩa với vô vi là hữu vi, cũng thường được hiểu là không làm. Trong Phật giáo nguyên thủy thì chỉ có Niết bàn được xếp vào hạng vô vi, tất cả các pháp còn lại là hữu vi. Quan niệm này được lưu lại trong Thượng tọa bộ và Độc tử bộ. Đại chúng bộ chấp nhận 9 pháp vô vi (Hư không vô vi, Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi tưởng xứ, Duyên khởi, Bát chánh đạo). Thuyết Nhất thuyết hữu bộ công nhận ba pháp vô vi là Hư không, Trạch diệt, Phi trạch diệt. Duy thức tông liệt kê thêm vào ba vô vi pháp thành một Diệt bằng một trạng thái thiền định an vui bất động, sự chấm dứt suy nghĩ và thụ cảm của một A-la-hán và chân như. Pháp tạng bộ được xếp vào loại vô vi pháp chân như và sự “trường tồn của mọi pháp”. Dưới “trường tồn của mọi pháp”, họ định nghĩa rằng cái đặc tính gì không biến đổi của nó (sự không biến đổi chính là sự biến đổi) và định luật nhân quả (nghiệp) cũng như một vài trạng thái định.

“Vô vi” còn có nghĩa là “không làm”, “bất hành nhi hành” không làm nhưng vẫn làm, một câu nói thường được dùng trong Thiền Tông để chỉ những hành động không có tác ý, không để lại dấu vết gì trong tâm của người làm. Đó chính là vô vi nhi vô bất vi.

Thực ra danh từ “Vô vi” trong Phật giáo vốn không có. Do Tổ sư thiền bị ảnh hưởng của triết thuyết Đạo Đức Kinh và mượn danh từ “Vô vi” của Lão Tử để diễn đạt. Sau đó bị ảnh hưởng hoàn toàn tư tưởng Lão Trang tạo thành Tam giáo đồng nguyên về sau. Người bị ảnh hưởng nhiều nhất là Tăng Triệu thông qua tác phẩm “Bảo Tạng Luận”. Song, “Vô vi” trong Phật giáo tuy vay mượn của Lão Tử nhưng đã phát triển tư tưởng theo một triết thuyết khác với “Vô vi” của Lão Tử, để hiểu rõ hơn người viết sẽ trình bày những mục sau đây.

  1. 3.    Giống nhau

Tư tưởng vô vi trong Phật giáo do ảnh hưởng tư tưởng vô vi của Lão giáo nên ngoài giống nhau về từ ngữ “vô vi” còn có một số điểm tương đồng sau.

Theo Lão Tử “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi” (Đạo thường không làm) mà “không làm” tức vô vi hay vô vi là Đạo.

“Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh” (Đạo mà có thể gọi được thì nó không phải là Đạo bất biến. Tên mà có thể gọi được thì nó không phải là bất biến)[3] 

Ý của Lão Tử là Đạo tuy là thực thể, là nguồn gốc của vũ trụ và nhân sinh, nhưng lại là cái không thể nói lên được bằng lời.  

Phật giáo đến Trung Hoa trong thế kỷ thứ I sau công nguyên, trong một thời đoạn mà giới tri thức ở đây khát khao tiếp nhận, nhưng lại mang theo những điểm khó dung hòa. Với tư cách của một Tôn giáo đề cao sự giải thoát, Phật giáo chủ trương triết học siêu hình và nhận thức học, với những điểm trung tâm là chân lý, kinh nghiệm bản thân, kiến thức cần có trước, một tín tâm được thể hiện rõ ràng, một cơ sở tâm lý học chuyên chú đến niềm tin đặt nền tảng trên lý giải như một khả năng tự nhiên của con người.

Trong Phật giáo, chúng ta quen thuộc với các khái niệm như: ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, bất khả tư nghì (xa lìa tướng ngôn ngữ, tướng chữ nghĩa, tên gọi…, không thể nghĩ bàn).

Phật cũng nói tới những cảnh giới như cảnh giới của Phật, của Bồ tát từ địa thứ bảy trở lên, đều là không thể nghĩ bàn.

               “ Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt ”

(Con đường ngôn ngữ đoạn tuyệt, con đường hành tướng của tâm đoạn diệt).[4]

Đối với đạo Phật, chân lý tối hậu, tức Niết bàn là không thể dùng lời lẽ hay tư duy mà nắm bắt được. Vì sao? Vì tất cả mọi tư duy khái niệm, ngôn ngữ, danh từ đều hạn chế trong thế giới hiện tượng. Chúng có ích để mô tả, nắm bắt thế giới hiện tượng, nhưng nó vô ích, thậm chí còn gây trở ngại nữa, nếu chúng ta vướng vào chúng, khi cần nắm bắt chân lý tối hậu cứu cánh.

Tuy nhiên, Phật giáo được trang bị với một nghịch thuyết rất có thể gây cảm hứng đến các Đạo gia, đó là nghịch lý của lòng tham ái – luân hồi hay nói cụ thể hơn, sự tái sinh làm người được xem như là kết quả của tham ái và Niết bàn chỉ có thể được thực hiện khi hành giả buông xã tham ái. Nhưng như vậy có nghĩa là để thành tựu Niết bàn, hành giả cũng phải lìa bỏ lòng tham ái.

Lão Tử thường nói đến dục (ham muốn), người ta chào đời vốn đã có dục, lại nghĩ ra biết bao cách thức để thỏa dục. Càng có nhiều cách thỏa dục thì càng không thỏa mãn hết dục, mà con người còn bị hại. Đó gọi là “quá ham sống thì hại” (ích sinh viết tương), sự đời thêm là bớt (vật hoặc ích chi nhi tổn). Như thế đặt ra nhiều cách thỏa dục chẳng bằng quả dục (bớt dục). Lão Tử nói:

“Ai thường không có ham muốn (dục) thì thấy được cái huyền diệu của Đạo, ai ham muốn thì chỉ thấy những cái nhỏ nhặt”.[5]

Theo Phật giáo, nếu hành giả lìa bỏ tham ái để đạt Niết bàn thì phải quên cả hai Niết bàn – Luân hồi. Và sự kiện này lại tương ứng với câu giải đáp bí ẩn dành cho bản chất Niết bàn cũng như nhấn mạnh lần nữa sự đề cao cách thực hành của Thiền Tông “Ngay lúc này, ngay đây”, sự trực nhận “Tất cả chúng sanh bản lai là Phật”.  

4.  Khác nhau

Tư tưởng vô vi của Lão giáo vẫn ở trong cuộc đời dù không bon chen, tranh dành, nhưng khi có vẫn nhận hưởng, còn tư tưởng vô vi của Phật giáo bắt đầu từ chữ “không” và có khuynh hưóng xuất thế vậy nên không giống nhau.

­a/ “Nhân duyên” Phật giáo với “cái nguyên lý ban đầu” của Lão Tử

Phật Lão là hai triết thuyết lớn ảnh hưởng quan trọng tới đời sống tinh thần của người phương đông. Ngã Phật từ bi, Lão chủ vô vi, đối tượng của Lão Tử là các bậc Đế vương, còn Phật gia chỉ mong độ chúng sanh thành Phật đạo. Bàn về vô vi thì luận trong tư tưởng của Lão giáo và Phật giáo là đúng rồi. Thật sự có khác nhau về cơ bản trong tư tưởng vô vi của hai giáo, đó là sự chấp nhận “cái nguyên lý ban đầu” của Lão không giống “nhân duyên” của Phật, còn hành xử vô vi thì giống nhau.

Lão viết: “Đại đạo phế hữu nhân nghĩa”, lại viết “hành vô vi chi đạo” tức là Lão tin rằng có một quyền năng rất lớn bao trùm thế giới đó là Đạo, Đạo có sức mạnh lan tỏa khắp vũ trụ ảnh hưởng tới thịnh suy của mọi đời người, mọi thời cuộc. Đó là cái “Nguyên lý ban đầu” mà Lão Tử đã đưa ra như một đấng toàn năng điều khiển thế giới, đó là nguyên lý “hữu thần” trong hầu hết giáo lý của các tôn giáo ngoại trừ Phật giáo. Phật chỉ ra rất nhiều thế giới thần linh nhưng tất cả đều bị chi phối của luật nhân quả, nên dưới góc nhìn của Phật giáo chúng: thần, thiên, nhơn, a-tu-la .v.v…cũng chỉ là quảng đại chúng sanh cần phải tu tập, tuyệt nghiệp mới thành Phật đạo. Phật nói “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, tức chỉ nhân duyên sanh quả Phật do tu đắc mà thành, chứ không có vị Phật nào của các vị Phật điều khiển sự thành Phật của chúng sanh, hay nói khác đi là sự suy thịnh của mọi đời người, mọi thời cuộc do chính nhân duyên của đời người đó, thời cuộc đó quyết định. Đây là nguyên lý “Vô thần” của Phật giáo và nó là sự khác nhau cơ bản về tư tưởng so với các tôn giáo khác trong đó có Lão giáo.

Lão Tử cho rằng “Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu”[6], vạn vật bắt nguồn từ “không” (vô) mà thành có (hữu) như thế chính là đã có đầu mối, có điểm khởi đầu (hữu) và điểm kết thúc (vô). Trái với Phật giáo quan niệm tất cả các pháp đều do duyên khởi mà tạo thành hay sanh diệt (có sanh tức có diệt) nên vốn không có đầu mối, điểm xuất phát (vô thỉ).  

“Hành vi vô chi đạo”

Nghĩa đen không là gì cả, có nghĩa bảo ta không làm cái không nên làm chứ không phải bảo ta làm biếng, các bậc Đế vương thấy được cái không nên làm để không làm tức là Thánh đế, nhưng lẽ thường người đời thường xảo biện nên Đạo lớn của Lão Tử khó thành.

Lão Tử than:

“Đại đạo phế hữu nhân nghĩa

Huệ trí xuất hữu đại ngụy”

               (Đạo lớn bị phế bỏ rồi mới có nhân nghĩa

               Trí xảo xuất hiện rồi mới có sự lừa dối lớn)[7]

Lão Tử dùng trí tuệ theo nghĩa đặc biệt, tức là đầu óc đầy thủ đoạn xảo trá. Chứ không phải là trí tuệ của nhà Phật, giúp con người giác ngộ và giải thoát. Cũng không phải trí tuệ dùng các phương tiện thiện xảo để khai ngộ cho chúng sanh. Lý tưởng của Lão Tử là để cho mọi người sống phù hợp với luật đắc tự nhiên, thì con người sẽ sống thiện, xã hội đất nước sẽ yên bình, thịnh vượng. Loài người càng khôn ngoan hơn thì sự dối trá càng nhiều hơn và dùng “Lễ” để che đậy khéo léo hơn và cái sự làm “cái không nên làm” ngày càng nhiều hơn, chính vì thế mà Lão Tử vô cùng kính “Lễ” đặt nó xuống cùng trong trật tự xếp đặt của Ngài đó là Đạo-Đức-Nhân-Lễ-Nghĩa.

Có lẽ không đắc thời để phổ biến thuyết Đại Đạo của mình nên Lão làm cái nên làm của mình là mất đi, mặc cho hậu thế bình phẩm. Vì Lão Tử dùng  vô vi để dạy cách làm vua, chính trị, sử thế….Đạo Đức Kinh là một cuốn sách nói về cách trị thế, cho nên tư tưởng vô vi của Lão Tử cũng chỉ là chính trị, là thái độ nhân văn của cách tự thế mà thôi. Còn tư tưởng vô vi trong Phật giáo là tánh chân thật của pháp giới, là duyên khởi thuộc về thế giới tự nhiên nói theo ngôn ngữ khoa học.

b/ Niết bàn Đạo (Vô vi)

Như trên đã trình bày Niết bàn và Đạo có những điểm tương đồng, nhưng đứng về khía cạnh tư tưởng thì hai điểm này khác biệt nhau rõ ràng.

Theo Lão Tử Đạo là đơn vị tối sơ, nguyên lý của vũ trụ và là cái chết tuyệt đối. Vạn vật xuất phát từ Đạo, nghĩa là cả vũ trụ đều như vậy, trật tự vũ trụ cũng từ Đạo mà ra, tương tự như nguyên tắc tự nhiên, nhưng Đạo lại chẳng phải là một nhân vật toàn năng, mà là nguồn gốc và sự dung hòa tất cả những cặp đối lập và như thế, không thể định nghĩa được. Đạo là vô danh, như câu đầu của bộ Kinh cho thấy.

“Đạo khả đạo phi thương đạo.

Danh khả danh phi thương danh.

Vô danh thiên địa chi thủy.

Hữu danh vạn vật chi mẫu”[8]

(Đạo mà ta có thể nói được, không phải đạo thường còn.

Danh mà ta có thể gọi được, không phải là danh thật sự.

Vô danh là gốc của thiên địạ.

Hữu danh là mẹ của vạn vật)

Về mặt triết học thì Đạo có thể được xem là siêu việt mọi khái niệm vì nó là cơ sở của tồn tại, là nguyên nhân siêu việt và như vậy, là tất cả bao gồm tồn tại và phi tồn tại, trên cơ sở này thì ta không thể luận đàm và định nghĩa được Đạo, vì mỗi định nghĩa đều có bản chất hạn chế. Nhưng Đạo lại là cả hai, là sự siêu việt mọi hạn lượng mà cũng là nguyên lý bên trong vũ trụ. Cái “Dụng” của Đạo tạo ra âm dương, nhị nguyên, những cặp đối đãi (âm – dương, cương – nhu, sống – hết…) và sự tiến hóa, chuyển động của âm dương mà phát sinh thế giới thiên hình vạn trạng.

“Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ. Tư ác dĩ. Giai chi thiện chi vi thiện. Tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan nị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy. Thị dĩ thánh nhân xứ vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo, vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ” [9].

Dịch nghĩa:

Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu, ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác, là vì “Có” và “Không” sinh lẫn nhau; “Dễ” và “Khó” tạo nên lẫn nhau; “Ngắn” và “Dài ” làm rõ lẫn nhau; “Cao” và “Thấp” dựa vào nhau; “Âm” và “Thanh” hòa lẫn nhau; “Trước” và “Sau” theo nhau. Cho nên, Thánh nhân sử sự theo thái độ “vô vi” dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự việc mới còn hoài.

Cái tuyệt đối thể hiện qua hình thức phi cá thể là “vô vi” hay “Niết bàn”. Theo quan điểm Phật giáo Vô vi không những hoàn toàn siêu việt tâm, nó còn vượt ngoài nghiệp và nhân quả. Trong “Pháp tụ luận” thỉnh thoảng có nói đến một số thuộc tính của “Yếu tố vô vi”. Về tâm, nó không sinh ra từ tâm, không phải là cái khởi hiện cùng với tâm, cũng không tiếp nối theo tâm. Về nghiệp nó là vô hạn, nghĩa là không tạo ra nghiệp dù thiện hay ác, không phải là nghiệp báo, cũng không thể là dẫn nghiệp. Về nhân quả nó không phải là một nhân, không có nhân câu hữu, không tương ưng với nhân. Trong “Milinda vấn đạo”, cốt lõi của vấn đề này được đặt ra một cách rõ ràng: Niết bàn không phải là kết quả của một nguyên nhân. Không có nhân nào tạo ra Niết bàn, mà chỉ có đạo tu tập để chứng đắc nó. Niết bàn tự bản chất là không sinh khởi, vì nó tuyệt đối không do bất cứ gì tạo ra. Ta không thể nói nó đã được tạo ra hay không tạo ra, hay có thể được tạo ra, hay nó thuộc về quá khứ vị lai hay hiện tại.

Vô vi “Niết bàn” không có nhân hay quả mà nó vừa là nhân vừa là quả. Nó không có quả vì nó nằm ngoài ba thời, không có nhân nào sinh ra nó vì là vô tác, nó không thể sinh ra tác dụng. Vô vi không thể có nhân  vì cái vĩnh viễn diệt thì không bao giờ tái sinh sau khi đã diệt.

Thái cực chứng đắc đạo của Đạo Đức Kinh mờ mờ mịt mịt sinh lưỡng nghi (âm dương, sống chết, cương nhu….) tức là vô minh duyên hành trong thuyết duyên khởi Phật giáo. Vì thế nói đắc Đạo (Vô vi) của Lão Tử nhưng thật sự là còn nằm trong ba cõi luân hồi (Tiên đạo, Chư thiên) chứ không phải tánh thanh tịnh Niết bàn (Vô vi) trong Phật giáo. Vô vi trong Phật giáo là Niết bàn, đã Niết bàn thì hoàn toàn vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả.[10]

Như vậy, Vô vi (Đạo) của Lão Tử là còn có người (Ngã) tạo ra cái gì đó nhưng không cho mình tạo ra thôi. Thế thì Vô vi (Đạo) ấy chỉ là một thái độ xử thế của một con người, là chân lý công ước, là cách sống cho khỏe, một phép trị nhân sử thế. Còn Vô vi của Phật giáo vượt lên trên thân phận con người, là chân lý tuyệt đối, chân đế, vượt lên trên 4 tướng: Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả.     

Lối thoát khổ đau ra khỏi sự tiếp nối của dòng sanh tử, gọi là Ái diệt – Niết bàn “Chính là sự đoạn diệt, ly tham không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát không có chấp trước”[11]. Muốn diệt trừ tận gốc khổ đau ta phải đoạn trừ tham ái. Đạo Phật (Đức Phật) không nói Niết bàn giải thoát (Diệt đế) là gì? Vì ngôn ngữ không thể diễn tả được. Nếu diễn đạt thì ngôn ngữ sẽ gặp một thách thức không khắc phục được. Bởi Niết bàn thường được diễn tả bằng những từ ngữ phủ định – Ái diệt tức Niết bàn, Vô vi, sự thổi tắt tham ái….

c/ Quan niệm “Không” của Lão Tử với “Không” trong Phật giáo

 Tư tưởng Lão Tử nhấn mạnh khái niệm “Vi vô vi” hay “hành động thông qua không hành động”. Điều này có nghĩa là mọi người chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả, mà có nghĩa là họ phải tránh không để ý cho ham muốn, ý định và sự hăng hái xuất hiện, mọi người chỉ có thể đạt tới hiệu quả thực sự bằng cách đi theo con đường của mọi vật, tự động tăng, tự động giảm.

“Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh, yên hề tợ vạn vật chi tôn”[12]

(Đạo như cái bình rỗng, mà dùng thì không hết, sao vậy thay, tựa hồ như là cội nguồn vạn vật).

Câu trên biểu tượng Đạo (vô vi) của Lão Tử như cái bình rỗng, mà không bao giờ đầy cả, cho nên công dụng của nó là không cùng. Quan niệm “không” của Lão Tử là trống không như trống không của cái bình, tức còn ở trong nhị biên: biên trống không đối lập với biên đặc (biên có đối lập biên hữu)

Tư tưởng “không” trong Phật giáo, đặc biệt là học phái “Trung Quán” của luận sư Long Thọ, giải đáp vấn đề bản chất của Niết bàn hoặc Phật tính bằng Tánh Không Luận. Niết bàn được thực hiện bằng một loại trí huệ đặc biệt, bất khả thuyết, bất khả tư nghì (Bát nhã, Bát nhã Ba-la-mật-đa).

Vô vi (không hay tánh không) trong Phật giáo đã phá mọi vọng tưởng lý luận và mê lầm tà kiến, thực chứng trí Bát nhã, vì tuyệt đối không thể định nghĩa cho nên “tánh không” không phải là một định nghĩa thực tại mặc dầu khi nói đến “tánh không” ta thường có cảm tưởng bản tánh của thực tại là “không”. Nếu bản chất hiện thực là “không” thời hóa ra ta đã nắm được trọn vẹn thực tại trong tay và không còn tinh thần tu tập để tiến đến cảnh giới tự chứng của Phật. Thuyết về “không” của Phật giáo như là phương tiện đối trị, tất cả các pháp đều là do nhân duyên (tục đế), tất cả các pháp đều “không” (chân đế) nghĩa là bản tính của tất cả các pháp là không có tự tánh.

“Nhất thiết pháp không”

Cánh cửa đầu tiên để mở ra và nhảy vào cái “không” chính là sự quán về duyên khởi và vô thường. Nếu trước hết không tri nhận được nó thì không thể biết về “tính không”. “Không” một mặt nào đó là pháp đối trị theo như quan niệm bình thường, nhưng mặt khác nó chính là bản thể tự nội của thế giới duyên sinh, một thế giới mà nếu không có nó thì không hình thành. Nhưng không vì thế mà “tính không” được xem như là một bản thể trường tồn, bất di bất dịch.

Dưới ánh sánh của “tánh không” trong Phật giáo, lần đầu tiên chúng ta biết rằng quê hương của Niết bàn là trần thế. Niết bàn tồn tại ngay trong cuộc sống hiện tại của mỗi chúng ta.

     “Không có đắc cũng không có đến

        Không có đoạn cũng không có thường

        Không có sanh cũng không có diệt

        Như vậy gọi đó là Niết bàn”[13]   

Vô vi của Lão Tử là Hữu vi nhưng không có, cho là mình đã làm, muốn đạt đến vô vi thì phải bắt đầu từ Hữu vi, không hành động theo ngoại giới mà chỉ hồi hướng về nội giới tâm linh: “Vi Đạo nhựt tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi”[14] (Làm Đạo thì mỗi ngày giảm bớt, và giảm bớt nữa cho đến vô vi)

Vô vi trong Phật giáo là chỉ thể tạng chân thật của các pháp, thể tánh ấy không do ai tạo ra cả. Nó là chơn như hay pháp tánh, không thể dùng ý thức suy nghĩ hay lời nói bàn luận được. Nó phi sắc, phi tâm, không sanh diệt, không cấu tịnh, không tăng giảm nên gọi là Vô vi. Bởi nó không ngã, không pháp, rời các cấu nhiễm, rỗng rang như hư không.

d/ Vô vi Lão Tử còn ngã – Vô vi trong Phật giáo vô ngã

Vô vi của Lão Tử là còn có con người (Ngã). Đạo trời vô vi, chỉ đem lợi cho muôn vật: Đạo trời lợi mà không hại, Đạo thánh nhân làm mà không tranh, tức không hề chú ý đến quyền lợi cá nhân, chỉ mong có sự đóng góp tạo sự chuyển hóa cho vạn vật. Ngài muốn đem chủ nghĩa Vô vi áp dụng vào công việc tu thân và cả đến việc trị dân nữa.

Về tu thân, Vô vi không phải là sống nhàn cư vô sự, ăn bám xã hội, mà chính là sống cuộc đời cao siêu huyền hóa với trời. Liệt Tử định nghĩa: Vô vi là hoạt động siêu việt, Trang Tử định nghĩa: Vô vi là hoạt động của trời đất. Vô vi là trở về khế hợp với căn bản tánh, hiệp nhập vào với thượng Đế. Vô vi là nhập đại định, là giai đoạn chót của khoa tịnh luyện để đắc Đạo (Tiên đạo, Chư thiên). Vì thế khi nói đắc Đạo (Vô vi) nhưng thật sự là còn nằm trong 3 cõi luân hồi chứ chưa phải tánh thanh tịnh Niết bàn.

Về trị dân Lão Tử nói: Dân có nhiều ngày kỵ húy thì dân nghèo, dân có nhiều khí giới thì nước loạn. Nhiều người tài khéo thì vật giả càng thêm, pháp lệnh càng tăng thì trộm cướp càng nhiều. Hành động đầu tiên của Thánh vương là bãi bỏ hết những điều ấy, làm cho lòng trống bụng no, yến chí, mạnh xương, thường khiến dân không biết ham muốn, để những kẻ có biết cũng không dám làm.

“Thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường ký cốt. Thường sử dân vô tri vô dục, sử tri giả bất cảm vi giả”[15]

Thánh vương sẽ diệt mọi nguyên nhân rối loạn trong đời, sau đó sẽ trị vì bằng chủ nghĩa Vô vi – Vô vi là không làm gì nhưng mọi việc đều thành.

Vô vi theo Phật giáo là Vô ngã, nghĩa là không có một bản chất trường tồn bất biến, không có một chủ thể tuyệt đối, không có linh hồn bất diệt, không có đấng sáng tạo vĩnh cữu. Vì sự vật đều do duyên sinh, sự hiện hữu của mỗi sự vật, mỗi chúng sanh là sự hiện hữu trong tương quan, do tác động nhân duyên mà tạo thành và thân thể chúng ta cũng do bốn đại kết hợp, năm uẩn định hình trong cơ chế nhân duyên, nên sự hiện hữu của con người là Vô ngã. Chính nhờ Vô ngã mà chúng ta có thể chuyển từ phàm phu trở thành vị giác ngộ, giải thoát, Niết bàn.

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc”  “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” “không tướng, bất tăng, bất giảm, không trung vô sắc, vô thọ…”[16]  

Bát nhã chú trọng đến việc thoát khổ, con người sẽ thoát khổ theo Bát nhã khi thực hành và thấu hiểu “Tánh Không” trong kinh thì sẽ có trí tuệ và thấu rõ được tất cả đều Vô ngã (không). Khổ là Vô ngã và con người cảm thọ khổ là Vô ngã, bởi cả hai đều là duyên sinh, thấy được như vậy nên không còn chấp chặt vào nữa, không cho là tự ngã của ta… từ đó chấp thủ diệt, Ái diệt, Khổ diệt – Niết bàn. Bởi vậy “Tánh Không” – “Vô vi” – “Vô ngã ” là có tất cả chứ không phải là không, nhưng nó không chơn thật, không vững chắc nên là không. Chỉ cần hiểu và không chấp chặt vào (Vô ngã) thì sẽ được giải thoát.

Điểm này cũng là chỗ khác biệt với “không” (Vô vi) của Lão giáo khi chấp chặt, mượn vào con người (Ngã) để tìm cái “không” (Vô vi). Vẫn còn liên quan mật thiết đến con người, chỉ cho con người làm ra cái gì đó nhưng không cho mình làm ra thôi. Đó chính là thái độ xử thế của một con người, khi còn chấp vào con người thì không thể tiến đến bờ giải thoát Niết bàn hoàn toàn như quan niệm (Vô ngã) của Phật giáo.

“Tất cả pháp vô ngã

Với tuệ quán như vậỵ.

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh”

                                                                           (Pháp cú 279)

Như trên đã trình bày, tư tưởng Vô vi của Lão giáo với tư tưởng Vô vi trong Phật giáo đã có những điểm giống nhau và khác nhau rất rõ ràng. Mặc dù Vô vi trong Phật giáo ra đời sau, do ảnh hưởng Vô vi của Lão giáo mà hình thành nhưng nội dung tư tưởng hoàn toàn khác nhau, tư tưởng Vô vi của Phật giáo vượt lên trên con người, là một thể tạng chân thật, là tánh chân thật của pháp giới, một chân lý tuyệt đối, Không, Vô ngã, Niết bàn. Còn tư tưởng Vô vi của Lão giáo là Hữu vi nhưng không có, chỉ là một thái độ chính trị, một triết lý nhân văn về cách trị thế, chân lý công ước chưa vượt qua khỏi con người vẫn còn ở trong luân hồi ba cõi. Khi chưa vượt qua con người thì còn Ngã, khi tạo ra mà không cho là mình tạo ra thì đó chỉ là một thái độ xử thế của một con người. phải chăng nó chỉ giống Vô vi trong Phật giáo về ngôn từ “Vô vi”, cách chế dục, vô cầu, vô danh, cũng có cảnh giới đến an lạc, an vui ( Tiên Đạo, Chư Thiên, Niết bàn) trong hiện tại của con người mà thôi.

Viên Hải Mặc Nhân

 —————————————————————-

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học phương đông, Tập 1-2, Hồ Chí Minh: nxb Tp. HCM, 2001

2. Nguyễn Hiến Lê (dịch), Lịch sử văn minh Trung Quốc, Hà nội: nxb Văn hoá thông tin, 2006

3. Giải Chi-Nguyễn Hiến Lê, Đại cương triết học Trung Quốc, Hồ Chí Minh: nxb Thanh Niên, 2004

4. H. Schumann, The His torical  Buddha

5. Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, Hồ Chí Minh: nxb Khoa học xã hội, 2006

6. Kinh Kim Cang, Sớ giải

7. Lão Tử, Đạo Đức Kinh, thiên thượng, thiên hạ

8. Kinh Tương  Ưng V

9. Quảng Liên Pháp Sư, Triết lý chân không Trung Quán Luận, Tự viện Quảng Đức, 1994


[1]  H. Schumann, The His torical  Buddha, Tr. 178

[2] Nguyễn Hiến Lê (dịch), Lịch sử văn minh Trung Quốc, Hà Nội: nxb Văn hóa thông tin, 2006, Tr . 275

[3] Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, Nxb: Khoa học xã hội, Tp. HCM, 2006, Tr. 243

[4] Kinh Kin Cang, Sớ giải, Tr. 67

[5] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Thiên thượng, Chương I, Tr. 56

[6] Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, Nxb: Khoa học xã hội, Tp. HCM, 2006, Tr. 243

[7] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Chương  XVII, Tr. 78

[8] Lão Tử , Đạo Đức Kinh, Thiên thượng, Chương I, Tr. 09

[9] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Thiên thượng, Chương II, Tr. 12

[10] Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả: 4 tướng trong kinh Kim Cang

[11] Kinh Tương  Ưng V

[12] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Thiên Thượng, Chương IV, Tr. 67

[13] Quảng Liên Pháp Sư, Triết lý chân không Trung Quán Luận, Tự viện Quảng Đức, 1994, Tr. 215

[14] Lão Tử, Đạo Đức Kinh , Chương 48

[15] Lão Tử, Đạo Đức Kinh,   Chương  27

[16] Bát Nhã Tâm Kinh

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB