Tư tưởng PG trong thi văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh (P.2)

1564

Thiền sư Pháp Thuận là một nhà bác học uyên thâm, một nhà thi thơ linh hoạt, một nhà chính trị đại tài…

II. TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG THI VĂN PHÁP THUẬN
A. PHẦN TIỂU SỬ
Theo Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (1), Thiền sư Pháp Thuận họ Đổ, không rõ tên thật và quê quán, xuất gia lúc còn nhỏ, thọ giáo với Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ, thuộc thế hệ thứ mười của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, cùng thời với Thiền sư La Quí An, Thiền sư Mahamaya và Thiền sư Vô Ngại.
Thiền sư Pháp Thuận sống trong thời đại Lê Đại Hành (980-1005). Sau khi đắc pháp, Thiền sư nói ra những điều phù hợp với Phù Sấm của Mật Tông. Chính Thiền sư sử dụng Phù Sấm của Mật Tông giúp vua Lê Đại Hành nắm lấy quyền bính để chấm dứt tình trạng xáo trộn nguy hiểm trong triều đình cuối nhà Đinh.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Thiền sư Pháp Thuận là một nhà bác học uyên thâm, một nhà thi thơ linh hoạt, một nhà chính trị đại tài. “Trong buổi đầu sáng nghiệp của Triều Lê, ông có công trù tính và quyết định kế hoạch cùng chính sách; nhưng khi thiên hạ đã thái bình rồi thì không chịu nhận phong thưởng. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không gọi tên, chỉ xưng hô là Đổ Pháp Sư mà thôi” (Thiền Uyển Tập Anh).
Thiền sư cùng với Thiền sư Khuông Việt thường cố vấn cho vua Lê Đại Hành trong những quốc sự quan trọng. Một hôm khi Lý Giác, sứ giả nhà Tống bên Trung Hoa sang Việt Nam, vua Lê Đại Hành cử Thiền sư Pháp Thuận đi tiếp đón. Để theo dõi hành động của Lý Giác, Thiền sư Pháp Thuận cải trang người chèo đò đưa Lý Giác sang sông. Khi thuyền đang đi, Lý Giác thấy đôi Thiên Nga đang bơi liền ngâm hai câu thi:
 
“Nga Nga lưỡng Nga Nga,
Ngưỡng diện hướng Thiên nha.”
 
Ngài Thích Mật Thể dịch: 
“Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời.”
Thiề sư Pháp Thuận liền ứng khẩu:
“Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.”
 
Ngài Thích Mật Thể dịch: 
“Lông trắng phơi giòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi.”
Sứ giả Lý Giác nghe xong rất ngạc nhiên và thán phục. Về sau sứ giả Lý Giác có làm bài thơ tặng riêng cho Thiền sư Pháp Thuận. Đây là phần sử liệu được ghi lại trong các sách sử như: “Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, Thơ Văn Lý Trần của NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 1977..v..v…..”
B. PHẦN TƯ TƯỞNG
Đề cập đến thi văn, người có học thường nghĩ đến Thi Tứ. Chữ Tứ nghĩa là ý tứ, tức là tư tưởng của thi nhân. Tư tưởng của thi nhân được chuyên chở ẩn chứa trong thi văn gọi là Thi Tứ. Tư tưởng của thi nhân thường mượn thi văn để gửi gắm tâm sự của mình. Tư tưởng của thi nhân có khi bộc lộ ra ngoài thi văn giúp cho người đọc hiểu biết dễ dàng, có khi ẩn chứa trong thi văn khiến cho người đọc phải phân tích hay nhận định kỹ càng thì mới lĩnh hội được.
Ngày nay các thi nhân sáng tác thi phẩm phần nhiều đều thích tả chân theo lối tây phương, nghĩa là thi nhân thấy như thế nào thì diễn đạt như thế đó, rung cảm như thế nào thì trình bày như thế đó,..v..v….. không nói bóng bẩy, không che dấu tâm tư và nhờ đó đọc giả dễ hiểu biết cũng như dễ cảm thông theo ước mơ của thi nhân.
Ngược lại ngày xưa thì khác hơn, các thi nhân mỗi khi sáng tác thi phẩm cần phải thể hiện được thi tứ mới có giá trị. Thi phẩm mà không có Tứ là loại thi không có hồn và Thi phẩm tả chân là loại thi của hạng bình dân. Người xưa sáng tác thi phẩm thường nhắm đến ba mục đích: Đánh giá trình độ, trắc nghiệm tư tưởng và diễn đạt triết lý.

1. Đánh Giá Trình Độ
Trình độ có hai loại: Kiến thức và Trí thức. Kiến thức là trình độ học rộng, biết nhiều điển tích, đọc nhiều kinh sách..v..v…. Trí thức là trình độ thông minh, linh hoạt, hiểu sâu, nghĩa là hạng người này thông suốt chiều sâu những tư tưởng ẩn chứa trong các kinh sách, trong các thi văn, mặc dù họ không có nhiều kiến thức và cũng không đọc nhiều kinh sách giống như hạng Kiến thức nói trên. Người nào gồm đủ cả Kiến thức và Trí thức thì người đó được ghép vào hạng trình độ Bác Học.

Cho nên nhằm thể hiện trình độ của tác giả cũng như đánh giá trình độ của đọc giả, các thi nhân thời xưa mỗi khi sáng tác thi phẩm thường sử dụng rất nhiều điển tích và tàng trử rất nhiều tư tưởng bên trong thi văn để chứng tỏ mình là thuộc về hạng thông thái uyên bác.

Riêng đối với các đọc giả, họ cũng phải thuộc về hạng trìng độ bác học mới có thể thông suốt được ý tứ của thi văn và mới nhận thức được tư tưởng của thi nhân. Còn hạng tầm thường thuộc về bình dân thì mờ mịt vấn đề ý tứ và hiểu sai vấn đề tư tưởng của các tác giả trong thi văn. Đó là đánh giá trình độ của đọc giả.

2. Trắc Nghiệm Tư Tưởng
Đọc giả nào nhận thức được tư tưởng ẩn chứa trong thi văn là người hiểu được tâm trạng của thi nhân và đọc giả nào rung cảm theo tư tưởng trong thi văn là người tri âm của thi nhân. Còn đọc giả nào tuy hiểu được tư tưởng trong thi văn, mặc dù không đồng tình với thi nhân nhưng cũng là người khích lệ khả năng của thi nhân. Chính vì thế các thi nhân lúc bấy giờ sáng tác các thi phẩm thường hay gửi gắm tư tưởng của mình trong thi văn để tìm bạn tri âm, bạn tri kỷ. Đây là phương thức trắc nghiệm tư tưởng.
3. Diễn Đạt Triết Lý
Thi văn có giá trị là khi nào chứa đựng triết lý dồi dào và bao trùm tư tưởng súc tích bên trong. Thời xưa các thi nhân thường mượn ngôn từ triết lý để diễn đạt ý tưởng cao thâm của mình và đồng thời tô thắm nét son thi tứ cho thêm phong phú. Nhờ đó ý thi dạt dào và lời thi ngọt ngào tuôn chảy. Hiểu được triết lý trong thi văn là hiểu được trình độ đạt đạo của thi nhân. Đó là lý do cho thấy các thi nhân thời bấy giờ thường sử dụng triết lý để điểm son cho thi văn nổi bật.
Thi văn Lý Trần phần lớn chứa đựng triết lý của Phật giáo và của Nho Giáo làm thi tứ, nhất là thi văn đời Lý hầu hết đều chịu ảnh hưởng triết lý Phật giáo làm hồn thi, nguyên vì các thi nhân trong thời kỳ này phần nhiều là các Thiền sư. Những đọc giả muốn hiểu được thi tứ trong thi văn đời Lý thì nhất định phải thông suốt tư tưởng của Phật giáo. Nếu như không thông suốt được tư tưởng của Phật giáo, những đọc giả nói trên rất khó khăn trong sự nhận thức thi tứ của các thi văn đời Lý.

Giờ đây chúng ta hãy duyệt xét thi tứ trong thi văn của Thiền sư Pháp Thuận. Trước hết chúng ta khảo sát thi tứ trong thi văn “Nga Nga lưỡng Nga Nga, Ngưỡng diện hướng thiên nha” của sứ giả Lý Giác và thi tứ trong thi văn “Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba” của Thiền sư Pháp Thuận.

Bốn câu thi vừa nêu trên, Viện Văn học của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam cho rằng: “Đây chỉ là truyền thuyết” và bốn câu thi này “là phỏng theo bài Vịnh Nga (Vịnh Ngỗng) của Lạc Tân Vương nhà thơ đời Đường, làm lúc 10 tuổi.” (2)
Viện Văn học quan niệm như thế chứng tỏ không hiểu biết chút nào về thi tứ trong bốn câu thi của Lý Giác và của Pháp Thuận. Đã vậy Viện Văn học này lại còn vô tình hạ thấp giá trị Văn học Việt Nam như trẻ con và khinh thường Văn học Việt Nam kém thua Văn học Trung Quốc. Bốn câu thi đối đáp giữa sứ giả Lý Giác và Thiền sư Pháp Thuận đều chứa đựng cả kho tàng tư tưởng trong đó mà tư tưởng đây chính là quan niệm chính trị súc tích hồn thi và nó không phải là thứ thi văn tả cảnh ngây ngô tầm thường giống như thi văn của Lạc Tân Vương mà Viện Văn học nhận định.
Trước hết chúng ta thử xét nghiệm bài thi Vịnh Nga của Lạc Tân Vương sáng tác lúc mười tuổi xem sao?
 
“Nga! Nga! Nga!
Khúc hạng hướng thiên ca.
Bạch mao phù lục thủy,
Hồng chưởng bát thanh ba.”
Trần Thanh Mai dịch:
“Ngỗng! Ngỗng! Ngỗng!
Cong cổ hướng lên trời mà kêu.
Lông trắng nổi trên nước biếc,
Bàn chân hồng khua sóng xanh.”
Bài thi này được in trong Thơ Văn Lý Trần, tập I, trang 203, do NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội ấn hành năm 1977. Đây thật sự là một bài thi tả cảnh có tính cách ngây thơ, tác giả thấy như thế nào thì diễn tả như thế đó, không có chút thi tứ ở trong, nghĩa là bài thi trên hoàn toàn không có tí nào tư tưởng ẩn chứa bên trong thi văn để cho đọc giả thích thú suy tư và say mê tìm hiểu.
Ngược lại thi văn đối thoại của sứ giả Lý Giác và của Thiền sư Pháp Thuận là thuộc về loại thi tứ mà nó không phải là thứ thi văn tả cảnh thuần túy. Thi tứ ở đây của thi văn đối thoại giữa sứ giả Lý Giác và Thiền sư Pháp Thuận là loại thi văn mượn hình ảnh đôi ngỗng bơi lội trên dòng sông xanh để diễn tả ý tứ của mỗi người. Nói cách khác, sứ giả Lý Giác mượn hình ảnh đôi ngỗng đang bơi lội để diễn tả tư tưởng chính trị của mình. Còn Thiền sư Pháp Thuận cũng mượn hình ảnh đôi ngỗng đang bơi lội ở trên mà sứ giả Lý Giác dùng làm tiền đề nhằm diễn tả tư tưởng đối kháng của mình để trả lời với sứ giả Lý Giác.

Từ đó hai bên tạo nên một sự kính nể lẫn nhau và cũng nhờ đó sứ giả Lý Giác mới tặng cho Thiền sư Pháp Thuận một bài thi để giao hảo. Rất tiếc bài thi này không thấy ghi lại trong sử liệu, chỉ biết qua sự việc được nhắc đến trong sử học mà thôi. Giờ đây chúng ta thử khảo sát thi tứ trong thi văn đối thoại giữa sứ giả Lý Giác và Thiền sư Pháp Thuận qua câu chuyện đôi ngỗng đang bơi lội trên dòng sông xanh:

“Nga Nga lưỡng Nga Nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha,
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.”
Nhiều nhà văn học cho rằng, bốn câu thi vịnh đôi ngỗng đang bơi lội trên dòng sông xanh ở trên của sứ giả Lý Giác và của Thiền sư Pháp Thuận là rập khuôn theo bài thi tả cảnh con ngỗng của Lạc Tân Vương mà trong đó thêm bớt đôi chữ cho xuôi câu để ứng đối với nhau. Nhưng nếu như so sánh hai bài thi vừa kể, một của Lạc Tân Vương và một của sứ giả Lý Lác cùng của Thiền sư Pháp Thuận, chúng ta nhận thấy có những điểm khác biệt nhau như sau:
a. Bài thi tả cảnh con ngỗng của Lạc Tân Vương như trước đã nói chỉ là loại thơ thuộc thể tả chân, nghĩa là Lạc Tân Vương nhìn thấy con ngỗng bơi lội như thế nào thì diễn đạt như thế đó, không có chút ẩn ý nào của Lạc Tân Vương được gửi gắm bên trong thi văn và chỉ một mình Lạc Tân Vương tự hứng khởi ngâm vịnh mà thôi. Nói cách khác bài thi này hoàn toàn không có chứa đựng tư tưởng sâu xa nào tiềm ẩn bên trong nội dung.

b. Lời văn trong bài thi nói trên có tính cách ngây thơ của tuổi trẻ và không có chút nào hồn thi trong văn chương cũng như không có thi tứ trong tư tưởng. Chúng ta thử đọc lại bài thi đó thì sẽ thấy rõ giá trị của nó:
“Nga! Nga! Nga!
Khúc hạng hướng thiên ca.
Bạch mao phù lục thủy,
Hồng chưởng bát thanh ba.”
 
(Ngỗng! Ngỗng! Ngỗng!
Cong cổ hướng lên trời mà kêu.
Lông trắng nổi trên nước biếc,
Bàn chân hồng khua sóng xanh.)
c.- Khác hơn bài thi của sứ giả Lý Giác và của Thiền sư Pháp Thuận, cả hai đều chứa đựng hồn thi dạt dào tình cảm trong văn chương qua âm điệu vần thi và cũng hàm súc ý tứ kiêu hùng tràn đầy nghị lực trong tư tưởng tự tín được thể hiện qua thi văn.
d.- Bài thi bốn câu, hai câu đầu của sứ giả Lý Giác sáng tác và hai câu sau của Thiền sư Pháp Thuận sáng tác chính là loại thi văn thuộc thể đối thoại mang sắc thái chính trị có tính cách đối nghịch được ẩn chứa bên trong. Hai câu thi của mỗi người tuy trình bày cùng một chủ đề là diễn tả đôi ngỗng đang bơi lội trên dòng sông xanh, nhưng ý tứ ẩn chứa bên trong của hai người là phản kháng với nhau một cách quyết liệt về phương diện tư tưởng chính trị không đồng nhau. Điều này được thấy trong hai câu thi đối thoại của mỗi tác giả.

a. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA LÝ GIÁC
Tư tưởng chính trị của sứ giả Lý Giác được bộc lộ qua hai câu thi của tác giả mà sứ giả này hứng khởi ngâm lên thi nhìn thấy đôi ngỗng đang bơi lội trên dòng sông xanh trong lúc qua đò ngang:
“Nga Nga lưỡng Nga Nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.”
1. Câu “Nga Nga lưỡng Nga Nga”: nghĩa là mượn hình ảnh đôi ngỗng để ám chỉ cho bà Thái Hậu Dương Vân Nga, vợ của vua Đinh Tiên Hoàng, mẹ của Vệ Vương Đinh Tuệ.
2. Câu “Ngưỡng diện hướng thiên nha”:

– Chữ Thiên Nha đọc cho đúng là Thiên Nhai, nghĩa là ven trời hay chân trời. Thiên Nha, theo nghĩa ẩn ý trong câu thi của sứ giả Lý Giác là chỉ bên cạnh Thiên Tử, tức là ám chỉ cho triều đình nhà Tống bên Trung Hoa.

– Chữ Ngưỡng Diện: nghĩa là ngửa mặt. Ngưỡng diện theo nghĩa ẩn ý là ngửa mặt van xin, cầu khẩn nhà Tống.
– Câu “Ngưỡng diện hướng thiên nha”: nghĩa là hướng về van xin thần phục nhà Tống.
3. Hai câu “Nga Nga lưỡng Nga Nga, Ngưỡng diện hướng thiên nha”, theo nghĩa ẩn ý của sứ giả Lý Giác là bà Thái Hậu Dương Vân Nga đã hướng về van xin thần phục nhà Tống.
Sứ giả Lý Giác sở dĩ hứng khởi ngâm lên hai câu thi trên một cách sảng khoái trong lúc sang sông là tự hào cho rằng, mưu đồ của mình mà triều đình nhà Tống giao trách nhiệm xem như đã nắm phần thắng trong tay. Mưu đồ của sứ giả Lý Giác được thể hiện qua hai câu thi trên như sau:
a.- Nhằm tạo sự nội loạn trong triều đình Việt Nam qua sự nghi kỵ giữa phe nhóm của bà Thái Hậu Dương Vân Nga và phe nhóm của Lê Đại Hành để khởi điểm cho cuộc lật đổ triều đại nhà Tiền Lê bằng sách lược chính trị.
b.- Móc nối con cháu cùng phe nhóm còn sót lại của Đinh Tiên Hoàng và hổ trợ cho họ nổi dậy để phục hồi chế độ nhà Đinh theo kế hoạch của vua Tống.
Muốn thành công những mưu đồ đó, sứ giả Lý Giác trước tiên tung ra chiến dịch rao truyền rằng, bà Thái Hậu Dương Vân Nga đã trở mặt với Lê Đại Hành và hiện đang hướng về phần phục nhà Tống. Chiến dịch này nhằm tạo sự nghi kỵ trong nội bộ của triều đình nhà Tiền Lê, để họ tự thanh toán lẫn nhau. Sứ giả Lý Giác tưởng chừng như chiến dịch này của mình đã thành công, cho nên tự hào hứng khởi ngâm lên hai câu thi:
“Nga Nga lưỡng Nga Nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.”
Nguyên do, Lê Đại Hành sau khi chiến thắng quân nhà Tống liền lên ngôi Hoàng Đế (980) với Quốc Phục Cẩm Bào Tước Vị do bà Thái Hậu Dương Vân Nga tấn phong mà Quốc Phục Cẩm Bào Tước Vị này trước kia do Hoàng Đế nhà Tống phong vị cho Đinh Bộ Lĩnh với danh nghĩa là “Giao Chỉ Quận Vương” (Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 161).
Nước Việt Nam ta xưa kia tuy là nhỏ bé so với Trung Quốc, nhưng là một quốc gia độc lập tự chủ dưới triều đại nhà Đinh qua tước vị “Giao Chỉ Quận Vương” do Hoàng Đế nhà Tống sắc phong với “Quốc Phục Cẩm Bào Tước Vị” và với quốc hiệu “Đại Cồ Việt”. Hoàng Đế nhà Tống sau khi ổn định xong nội bộ của Trung Quốc, không muốn nước Việt Nam ta độc lập tự trị với danh nghĩa Vương Tước cũng như với quốc hiệu “Đại Cồ Việt” mà ở đây họ muốn nước Việt Nam ta sáp nhập thành một châu quận của Trung Quốc với danh nghĩa “Giao Châu” và với chức vị “Thứ Sử” như thuở xưa.

Cho nên Hoàng Đế nhà Tống liền lấy cớ là đòi lại “Quốc Phục Cẩm Bào Tước Vị” đã phong thưởng cho Đinh Bộ Lĩnh, nhưng thực sự bên trong nhằm thi hành kế sách đã nêu ở trên, nguyên vì Hoàng Đế nhà Tống rất coi trọng Quốc Phục Lễ Nghi này. Lẽ dĩ nhiên triều đình nhà Đinh không chấp nhận và cũng không khuất phục. Bởi lý do triều đình nhà Đinh không chịu khâm tuân, Hoàng Đế nhà Tống liền sử dụng áp lực quân sự để đòi lại cho bằng được “Quốc Phục Cẩm Bào Tước Vị” của Đinh Tiên Hoàng. Trước hết triều đình nhà Tống cho người ám sát Đinh Tiên Hoàng và kế tiếp cử đại binh hùng hậu tấn công nước Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành lúc bấy giờ theo sử liệu chỉ là tước vị “Thập Đạo Tướng Quân” của triều đại nhà Đinh. Khi Đinh Tiên Hoàng bị Đổ Thích giết chết một cách bất ngờ trong lúc đứa con là Vệ Vương Đinh Tuệ quá nhỏ bé mới có sáu tuổi, bà Thái Hậu Dương Vân Nga thay con điều hành quốc gia.

Theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 163 ghi rằng: “Dương Thái Hậu lâm triều dùng Nguyễn Bặc, Đinh Điều, Lê Hoàng làm phụ chính”. Nước Đại Cồ Việt dưới thời Vệ Vương Đinh Tuệ đang trong cơn lâm nguy, ngoài biên cương bị đe dọa bởi áp lực quân sự quá mạnh của nhà Tống, trong triều đình quần thần chia rẻ trầm trọng bởi dòng họ nhà Đinh dành ăn gây loạn và nhân dân ta thán. Để ổn định lòng dân và để đủ sức chận đứng quân đội xâm lăng hùng hậu của nhà Tống, bà Thái Hậu Dương Vân Nga đành phải trao quyền điều khiển quốc gia lại cho Lê Đại Hành với Quốc Phục Cẩm Bào Tước Vị và gươm báu của Tiên Vương.

Theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 164 ghi rằng: “Thái Hậu bèn cho đem áo hoàng-bào ở trong cung ra, tự tay khoát vào mình Lê Hoàn.” Nhờ đó Lê Hoàn mới thống nhất được lực lượng quân sự trong nước và cũng từ đó mới chiến thắng được quân xâm lăng của nhà Tống một cách vẻ vang. Sau khi chiến thắng quân nhà Tống, Lê Hoàn lên ngôi với chức vị là Đại Hành Hoàng Đế và với Quốc Phục Cẩm Bào Tước Vị.

Sau khi xâm lăng Đại Cồ Việt bằng quân sự bị thảm bại nặng nề, Hoàng Đế nhà Tống đành phải cử sứ giả Lý Giác sang Việt Nam sắc phong “Tiết Độ Sứ” cho Lê Đại Hành để giảng hòa với nhau giữa hai nước. Nhưng nhà Tống không chịu tỉnh thức, lại một lần nữa nhơn cơ hội chưa sắc phong “Tiết Độ Sứ” cho Lê Đại Hành, ra lệnh sứ giả Lý Giác phải tìm mọi cách vận động lật đổ triều đại nhà Tiền Lê.

Trước khi Lý Giác sang Việt Nam, nhà Tống đã phái một số gián điệp đi dọn đường cho kế hoạch trên. Người cầm đầu lực lượng gián điệp này chính là Lý Nhược Chuyết với chức vụ là Tả Cổ Khuyết (Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 167). Không ngờ Hoàng Đế nhà Tiền Lê đã biết trước âm mưu đó liền phái người chận phá tất cả kế hoạch của nhà Tống và đồng thời cử Thiền sư Pháp Thuận giả người chèo đò để theo dõi hành động của sứ giả Lý Giác. Sứ giả Lý Giác lúc bấy giờ chính là chức Quốc Tử Giám Bác Sĩ.

b. TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ CỦA PHÁP THUẬT
Tư tưởng chính trị của Thiền sư Pháp Thuận cũng được thể hiện qua hai câu thi kế tiếp. Hai câu thi của Thiền sư Pháp Thuận bằng cách ứng khẩu nhằm tiếp nối theo hai câu thi của sứ giả Lý Giác để ráp thành một bài thi ứng đối, cũng diễn tả đôi ngỗng đang bơi lội trên dòng sông xanh mà sứ giả Lý Giác chưa kịp suy nghĩ. Nhưng tư tưởng chính trị trong hai câu thi của Thiền sư Pháp Thuận có tính cách đối kháng lại tư tưởng chính trị của sứ giả Lý Giác qua hai câu thi của họ. Tư tưởng chính trị đối kháng của Thiền sư Pháp Thuận được thấy như sau:
 
“Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.”
 
1. Câu “Bạch mao phô lục thủy:
– Bạch Mao: nghĩa là lông trắng, nghĩa bóng là sự trong trắng. Chữ
Bạch có nghĩa là trong trắng, dứt sạch. Chữ Bạch ở đây cũng giống như hai chữ Bạch Nghiệp hoặc hai chữ Bạch Pháp trong Phật giáo.
+ Chữ Bạch Nghiệp: nghĩa đen là nghiệp trắng và nghĩa bóng là dứt  hết nghiệp

+ Chữ Bạch Pháp: nghĩa đen là pháp trong sạch, nghĩa bóng là pháp lành hay pháp mầu nhiệm.
– Phô: nghĩa là phơi bày. Chữ Phô trong câu thi “Bạch mao phô lục thủy” có ý nghĩa sâu xa hơn chữ Phù. Chữ Phù trong câu thi “Bạch mao phù lục thủy” của Lạc Tân Vương chỉ có nghĩa là nổi trên mặt nước mà thôi. Trái lại chữ Phô, ngoài nghĩa nổi trên mặt nước, còn có nghĩa khác nữa là phơi bày một cách trọn vẹn trên mặt nước.
– Lục Thủy: nghĩa là nước trong xanh. Lục Thủy ngoài nghĩa nước trong xanh, còn có nghĩa bóng là sự thanh bạch của đất nước, tức là chỉ cho nước Việt Nam ta không có âm mưu đen tối.

– Câu “Bạch mao phô lục thủy” nghĩa bóng là sự trong trắng được phơi bày một cách trọn vẹn trên đất nước Việt Nam thanh bạch.

2. Câu “Hồng trạo bãi thanh ba”:
– Hồng Trạo: nghĩa là chân con ngỗng có mang màu hồng giống như mái chèo thuyền. Hồng trạo ở đây còn có nghĩa là ám chỉ cho vũ khí chiến tranh.
– Thanh Ba: nghĩa là sóng nước xanh và còn có nghĩa khác nữa là sóng gió nổi dậy trên mặt biển xanh. Thanh ba ở đây chính là ám chỉ cho chiến tranh nổi dậy trên cảnh thanh bình.
– Câu “Hồng trạo bãi thanh ba” nghĩa bóng là vũ khí của con ngỗng có thể lướt qua bất cứ sóng gió từ đâu đến.
3. Ý Tưởng Tổng Hợp: ý tưởng tổng hợp hai câu “Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba” theo Thiền sư Pháp Thuận có nghĩa là sự trong trắng của bà Thái Hậu Dương Vân Nga được phơi bày một cách rõ ràng với quốc gia dân tộc (nước non) và vũ khí của bà Thái Hậu có thể dẹp tan (lướt qua) tất cả sống gió chiến tranh bất cứ từ đâu đến trên cảnh thanh bình của đất nước.
Qua sự đối kháng chính trị bằng thi văn giữa hai người, một là sứ giả của nước to lớn và một người là gả chèo đò tầm thường của nước quá nhỏ bé, Lý Giác vô cùng ngạc nhiên và thán phục Pháp Thuận:
a- Ngạc Nhiên:

– Không ngờ một gả chèo đò tầm thường đã đoán được thâm ý của mình. Sách lược mà triều đình nhà Tống giao phó xem như đã bại lộ. Chính gả chèo đò đã tỏ bày ẩn ý đó qua hai câu thi của họ. Như vậy kế hoạch của mình vạch ra không thể nào thành công trách nhiệm.

– Cũng không ngờ gả chèo đò tầm thường lại có trình độ bác học, hiểu biết nhiều điển tích và thông suốt văn học Trung Quốc một cách súc tích như thế.
b- Thán Phục:

– Gả chèo đò này rất thông minh, phản ứng rất nhanh nhẹn và đối đáp rất tự nhiên không cần phải suy nghĩ. Hơn nữa gả này sử dụng ngôn từ Trung Quốc rất văn chương và áp dụng lời lẽ rất linh hoạt mà không có chút gượng ép.

– Hai câu thi của gả chèo đò nếu đem so sánh thì rất sâu sắc và văn chương hơn hai câu thi của mình.
C. PHẦN NHẬN XÉT
Hai câu thi của Thiền sư Pháp Thuận so sánh thì hay hơn, có ý nghĩa súc tích hơn hai câu thi của sứ giả Lý Giác. Hai câu thi của Thiền sư Pháp Thuận, mỗi câu có một nội dung sâu sắc về hình thức cũng như về ẩn ý. Điển hình cho thấy:
1)- Câu “Bạch mao phô lục thủy”:

a.- Về hình thức:

– Bạch Mao: nghĩa là lông trắng của con ngỗng.
– Lục Thủy: nghĩa là nước trong xanh.
b.- Về ẩn ý:
– Bạch Mao: nghĩa là tả sự trong trắng của bà Thái Hậu Dương Vân Nga.
– Lục Thủy: nghĩa là tả sự trong sạch của nước Việt Nam cũng giống như nước trong xanh của biển cả.
2)- Câu “Hồng trạo bãi thanh ba”:

a.- Về hình thức:

– Hồng Trạo: nghĩa là chân con ngỗng có mang màu đỏ.
– Thanh Ba: nghĩa là sóng biển màu nước xanh.
b.- Về ẩn ý:

– Hồng Trạo: nghĩa là chỉ cho vũ khí của nước Việt Nam mà bà Thái Hậu Dương Vân Nga tiêu biểu cũng giống như bàn chân con ngỗng là vũ khí của con ngỗng.
– Thanh Ba: nghĩa là tả sự sóng gió chiến tranh nổi dậy trên nước Việt Nam thanh bình cũng giống như sóng gió nổi dậy trên biển nước xanh.
Ngược lại, hai câu thi của sứ giả Lý Giác so với hai câu thi của Thiền sư Pháp Thuận thì kém thua cả về hình thức cũng như về ẩn ý. Ngôn từ trong hai câu thi này đã không súc tích và lại còn thừa văn cũng như thừa ý. Điển hình cho thấy:
1)- Câu “Nga Nga lưỡng Nga Nga”:
a.- Về hình thức:
– Nga Nga: nghĩa là chỉ cho hai con ngỗng.

– Lưỡng: nghĩa là hai, tức là dùng chỉ hai con ngỗng.

Về hình thức, câu thi “Nga Nga lưỡng Nga Nga” thật là thừa văn và cũng là thừa ý. Trong một câu thi, tác giả dùng đến bốn chữ Nga mà hai chữ Nga ở đầu câu và hai chữ Nga ở cuối câu không ngoài một nghĩa là đều diễn tả hai con ngỗng đang bơi lội trên dòng sông xanh, đó là thừa văn. Nguyên vì hai chữ Nga ở cuối câu lại trùng nghĩa với hai chữ Nga ở đầu câu. Đã vậy, tác giả lại còn thêm chữ Lưỡng ở giữa bốn chữ Nga thì thật quá thừa ý.

Chữ Lưỡng nghĩa là hai, tức là con số hai, như Lưỡng Diện là hai mặt, hoặc Lưỡng Nga là hai con ngỗng. Nhưng câu “Lưỡng Nga Nga” đã nói lên ý tứ thừa thảy và trống rổng. Trong một câu thi “Nga Nga lưỡng Nga Nga”, chỉ hai chữ Nga Nga ở đầu câu là có ý nghĩa và còn những chữ kế tiếp thì thật vô vị, không có chút nào giá trị văn chương.

b.- Về ẩn ý:

– Nga Nga: nghĩa là ám chỉ tên của bà Thái Hậu Dương Vân Nga.
2)- Câu “Ngưỡng diện hướng thiên nha”:
a.- Về hình thứ:

– Ngưỡng Diện: nghĩa là ngửa mặt lên.
– Thiên Nha: nghĩa là ven trời.
b.- Về ẩn ý:

– Ngưỡng Diện: nghĩa là ám chỉ sự van xin, sự cầu khẩn (ngửa mặt lên) của bà Thái Hậu Dương Vân Nga.
– Thiên Nha: nghĩa là ám chỉ triều đình nhà Tống (Thiên nha).
Chứng tỏ, hai câu thi của sứ giả Lý Giác so với hai câu thi của Thiền sư Pháp Thuận thì kém xa về phương diện văn chương cũng như về phương diện tư tưởng. Và từ những dữ kiện này, chúng ta nhận thấy trình độ học thức của sứ giả Lý Giác thấp thua trình độ hiểu biết của Thiền sư Pháp Thuận.
Theo truyền thuyết, sau khi hai bên đối đáp xong, sứ giả Lý Giác liền hỏi Thiền sư Pháp Thuận rằng:
– Nhà ngươi học ở đâu và học với ai?
– Thiền sư Pháp Thuận trả lời:
– Tôi là người chèo đò, không học với ai cả. Tôi chỉ nghe lén các học sinh nước tôi học với nhau nên hiểu biết được đôi chút đấy thôi.
– Sứ giả Lý Giác hỏi:
– Triều đình của nước ngươi có nhiều nhân tài không?
– Thiền sư Pháp Thuận trả lời:
– Triều đình nước tôi có rất nhiều chí sĩ ủng hộ.
Sau khi nghe Thiền sư Pháp Thuận trả lời, sứ giả Lý Giác có vẻ bối rối lo sợ. Nguyên do, theo quan niệm nhà Tống, triều đình nào được nhiều chí sĩ ủng hộ là chứng tỏ triều đình đó đã có chính nghĩa và có thể vững mạnh. Nhà Tiền Lê xét thấy là một triều đại hợp pháp đã được nhân dân hoàn toàn ủng hộ đúng như tiêu chuẩn nêu trên.

Trong lúc này chúng ta muốn lật đổ triều đại nhà Tiền Lê thì thật không phải dễ dàng. Kế sách của chúng ta có thể xem như hoàn toàn bị thất bại. Sứ giả Lý Giác bắt đầu lo lắng. Thế mà cũng chưa chịu dừng bước, sứ giả này vẫn còn tiếp tục sử dụng nhiều chước thuật để áp đảo triều đình nước ta. Muốn biết những chước thuật áp đảo triều đình nhà Tiền Lê của sứ giả Lý Giác như thế nào, chúng ta hãy tiếp tục theo giỏi những giai thoại sau đây thì sẽ biết rõ:

D. GIAI THOẠI GIỮA NHÀ TIỀN LÊ VÀ SỨ GIẢ LÝ GIÁC
Nhà Tiền Lê và sứ giả Lý Giác có nhiều giai thoại rất ly kỳ, rất hấp dẫn đã được truyền khẩu trong dân gian, nhưng không thấy ghi lại trong văn học Việt Nam. Sự ly kỳ, sự hấp dẫn giữa nhà Tiền Lê và sứ giả Lý Giác đều nằm trên áp lực chính trị và ngoại giao. Những giai thoại đó được kể như sau:
Trước hết, sứ giả Lý Giác ỷ mình là đại diện cho một nước thiên triều to lớn nên luôn luôn có thái độ hách dịch, tự đắc, xử sự thiếu cung cách đối với nước Đại Cồ Việt nhỏ bé. Khi đến nước Đại Cồ Việt, sứ giả Lý Giác và đoàn tùy tùng không chịu vào thành để trình thư ủy nhiệm lên Hoàng Đế Đại Hành, lại ở nơi lữ quán ngoài thành và ra lệnh cho Hoàng Đế Đại Hành phải đích thân ra thành để nghinh tiếp sứ giả.
Hoàng Đế Đại Hành đã không ra nghinh tiếp và liền phái Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Khuông Việt cùng một số cận thần ra thuyết phục sứ giả Lý Giác. Sau khi thuyết phục xong, sứ giả Lý Giác đồng ý vào thành, nhưng với điều kiện là không chịu chun qua Ngọ Môn Quan nhỏ bé của nước ta và ra lệnh triều đình nhà Tiền Lê phải bắt một cái cầu ván đi vào thành cho thật cao và rộng nằm phía trên Ngọ Môn Quan. Để lấy lòng sứ giả Lý Giác, triều đình nước ta đành phải chấp nhận lời đề nghị này.
Thiền sư Pháp Thuận cùng các đại thần ra lệnh bắt một cái cầu bằng ván đi vào thành, khởi điểm từ xa và cao hơn Ngọ Môn Quan, đồng thời cho quân lính khiên kiệu rước sứ giả Lý Giác và đoàn tùy tùng đi vào thành. Sứ giả Lý Giác và đoàn tùy tùng được ngồi kiệu đi trên cầu ván vừa bắt. Đoàn kiệu của sứ giả Lý Giác đi gần đến Ngọ Môn Quan thì cầu ván nói trên hạ thấp xuống đất. Cuối cùng phái đoàn của sứ giả Lý Giác đành phải chun qua Ngọ Môn Quan để vào thành.
Sứ giả Lý Giác và đoàn tùy tùng đều cư ngụ tại Sứ Quán trong thành. Sứ giả Lý Giác liền ra lệnh triều đình nhà Tiền Lê phải thiết lập đài hương án để cho sứ giả lên đài đọc chiếu chỉ phong thưởng của triều đình nhà Tống và bắt buộc Hoàng Đế Đại Hành phải đích thân ra quỳ trước hương án để tiếp nhận chiếu chỉ. Hoàng Đế Đại Hành triệu tập các đại thần lại họp bàn về sự yêu sách của sứ giả Lý Giác. Các đại thần đều đồng ý cho rằng:
* Lý Giác chỉ là một sứ giả của nhà Tống. Bệ Hạ chính là Hoàng Đế của một nước không thể quỳ để xưng thần trước một sứ giả hạ cấp. Nhưng vì áp lực chính trị quá mạnh của triều đình nhà Tống, Bệ Hạ không thể làm phật lòng của sứ giả Lý Giác sẽ gây tai họa đến sự an nguy của nước ta. Chúng ta không thể không cẩn thận. Rất tiếc các đại thần không tìm ra kế sách nào khác.
* Thiền sư Pháp Thuận trình bày: Để tránh sự nan giải này, khi đến ngày tiếp nhận chiếu chỉ của triều đình nhà Tống, Bệ Hạ viện cớ cáo bệnh không ra được và cử đại thần thay thế Bệ Hạ ra tiếp sứ.
Hoàng Đế Đại Hành chấp thuận lời đề nghị đó, liền cử Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Khuông Việt cùng một số đại thần thay vua ra tiếp chỉ và giải thích lý do nhà vua vắng mặt.
Sau khi thay vua tiếp chỉ đâu đó xong xuôi, Thiền sư Pháp Thuận liền tâu lên Hoàng Đế Đại Hành xin hiến một diệu kế để cảnh cáo sự cao ngạo của Lý Giác, một sứ giả tầm thường mà lại có thái độ khinh thường quốc thể nước ta. Diệu kế đó như sau:
– Tâu Bệ Hạ! Bệ Hạ qua ngày sau bằng cách tự mình lội xuống ao sen trong vườn Thượng Uyển để hái hoa. Lúc đó bần đạo tìm cách hướng dẫn Lý Giác trực tiếp nhìn thấy Bệ Hạ tự động lội xuống ao sen. Hành động này để chứng tỏ cho Lý Giác biết rằng, hôm qua Bệ Hạ không có bệnh chi cả. Bệ Hạ hôm qua sở dĩ không ra tiếp sứ là phản kháng lại sự hách dịch thiếu lịch sự trong vấn đề ngoại giao giữa hai quốc gia của Lý Giác. Thật sự Bệ Hạ nếu như có bệnh thì hôm nay không thể lội xuống ao để hái sen.

Đúng thế, sứ giả Lý Giác khi nhìn thấy Hoàng Đế Đại Hành đang lội xuống ao để hái hoa sen liền hỏi Thiền sư Pháp Thuận:
– Nhà vua các ông có rất nhiều cung nữ, tại sao không bảo chúng đi hái hoa, lại tự mình phải cực khổ để lội xuống ao?
– Thiền sư Pháp Thuận trả lời: Vua của nước tôi thương dân như thương con, cho nên vua thích chi thì tự làm lấy và không muốn làm khổ đến dân.
Lý Giác nghe qua rất ngạc nhiên và từ đó hai bên giữa sứ giả Lý Giác và triều đình nhà Tiền Lê trao đổi qua lại trong bầu không khí vui vẻ thân mật. Theo Thiền sư Pháp Thuận, muốn dập tắt chiến tranh giữa hai nước để xây dựng hòa bình lâu dài cho dân tộc, nước ta phải cần đến tiếng nói tốt đẹp của sứ giả này tấu trình lên triều đình nhà Tống. Thiền sư nhận thấy, sứ giả Lý Giác chính là cán bộ nồng cốt của Lão Giáo một trong Tam Giáo Đồng Nguyên (Phật, Lão, Khổng) thuộc Tống Nho. Nhưng trong tiều đình nhà Tống, Khổng Giáo thì lấn áp Lão Giáo, nguyên vì Khổng Giáo được vua yêu chuộng hơn.

Cho nên Khổng Giáo được gọi là Tống Nho mà không phải gọi là Tống Lão. Thành thử Lý Giác không mấy hài lòng cho lắm, nhưng không dám bộc lộ sự bất mãn này. Thiền sư Pháp Thuận nhận thấy nhược điểm đó của Lý Giác, liền mở chiến dịch ngoại giao nhằm đề cao triết lý Vô Vi của Lão Giáo cũng tương đồng với triết lý Tánh Không của Phật giáo để lấy lòng sứ giả. Sứ giả Lý Giác nghe qua rất hợp lý và vô cùng sung sướng.

Từ đó sứ giả Lý Giác sẵn sàng đứng cùng giới tuyến của Phật giáo để lấy lại tư thế của Lão Giáo trong triều đình nhà Tống, đồng thời hết lòng ủng hộ nhà Tiền Lê và hứa rằng, khi trở về Trung Quốc sẽ nói tốt Lê Đại Hành với Hoàng Đế nhà Tống. Điều đó được thấy qua bài thi sau đây của sứ giả Lý Giác tặng cho Hoàng Đế Đại Hành để bộc lộ tâm tình đối với triều đình nhà Tiền Lê:

“Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mả đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu Thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.”
Trần Thanh Mại dịch: 
“Mừng gặp thái bình giúp trí mưu,
Một thân hai lượt sứ Giáo Châu.
Đông Đô đòi biệt se lòng khách,
Nam Việt nghìn trùng mỏi mắt nhau.
Ngựa đạp khói mây băng đá hiểm,
Xe bon rừng biếc vượt dòng sâu.
Ngoài Trời còn có Trời nên chiếu,
Sóng lặng khe đầm, rọi mảnh thâu.”
Trong bài thi này, hai câu cuối “Thiên ngoại hữu Thiên ưng viễn chiếu, Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu” cho thấy, sứ giả Lý Giác rất ca ngợi triều đình nước ta. Sứ giả nói rằng, ngoài Hoàng Đế nhà Tống (Thiên ngoại) còn có Hoàng Đế Đại Hành là một Thiên Tử thứ hai (hữu Thiên). Thiên Tử này rất anh minh, có uy tín với dân gian khắp nơi (ưng viễn chiếu). Nhờ sự anh minh của Thiên Tử này, đất nước họ trở nên thanh bình thạnh trị (Khê đàm ba tĩnh) và nhân dân của họ trở nên an cư lạc nghiệp (Kiến thiềm thu). Đó là những điều chứng minh cho tâm tình của sứ giả Lý Giác đối với triều đình nhà Tiền Lê và cũng nhờ tâm tình này, hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc trở nên hòa bình thật sự.
Để tiển chân sứ giả Lý Giác về nước, Hoàng Đế Đại Hành sai Thiền sư Khuông Việt thay mặt vua làm một bài thi để gửi gấm tâm sự của mình. Thiền sư Khuông Việt vâng lệnh làm một bài thi với tựa đề là “ĐƯA NGỌC LANG VỀ NƯỚC”. Bài thi đó như sau:
“Tường quang phong hảo, cẩm phàm trương,
Thần Tiên phục Đế Hương,
Thiên lý vạn lý thiệp thương lương,
Cửu Thiên quy lộ trường,
Nhân tình thảm thiết đối ly trường.
Phan luyến sứ tinh lang,
Nguyện tương thâm ý vị Nam Cương,
Phân minh báo ngã Hoàng.”
Ngô Tất Tố dịch:
“Trời quang, gió thuận, buồm giương,
Thần Tiên chốc đã giục đường Bồng Lai,
Mông mênh muôn dặm bể khơi,
Lối về trong bóng chín trời xa xa.
Bâng khuâng trước chén qua hà,
Mến ai, lòng những thiết tha nỗi lòng.
Xin ai vì cõi Nam Trung,
Rõ rành gửi lại mặt Rồng trước sau.”
(Văn học Đời Lý, trang 20 của Ngô Tất Tố).
Trong bài thi này, chúng ta nhận thấy có những danh từ rất quan trọng mà Thiền sư Khuông Việt dụng ý nhằm đề cao sứ giả Lý Giác. Những danh từ đó có ý nghĩa như sau:
1.- Thần Tiên: là danh từ tôn vinh các bậc Thánh của Lão Giáo. Lão Giáo là đạo tu tiên và những bậc đã chứng đắc trong Lão Giáo mà họ thường nhắc đến như: Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quày, Tào Quốc Cậu, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô và Lam Thái Hòa, gồm có tám vị Thánh, thường gọi là Bát Tiên.
2.- Đế Hương: là chỉ cho cõi Bồng Lai. Bồng Lai là nơi của tám vị Tiên nói trên cư ngụ.
3.- Cửu Thiên: là chỉ cho triều đình nhà Tống. Chữ Thiên là chỉ cho vua nhà Tống. Chữ Cửu là chỉ cho chín cấp bậc. Thời xưa ông vua thường ngự trên một bệ cao lên đến chín cấp bậc, nên gọi ông vua là Cửu Thiên.
4.- Nam Cương: là chỉ cho triều đình nước Việt Tam ta. Chữ Cương ở đây là chỉ cho hệ thống tổ chức của triều đình nước Việt Nam ta, nên gọi chung là Nam Cương.
5.- Ngã Hoàng: là chỉ cho chính danh Hoàng Đế nhà Tống.
Đại ý bài thi này, Thiền sư Khuông Việt cho sứ giả Lý Giác là bậc tri kỷ và ca ngợi sứ giả Lý Giác là bậc Thần Tiên của Lão Giáo. Thiền sư xin sứ giả Lý Giác khi trở về Trung Quốc vì tình nghĩa thân hữu với nhau cố gắng đem những tâm ý tốt đẹp của nước Việt Nam trình bày lên Hoàng Đế nhà Tống.
Qua bài thi Đưa Ngọc Lang Về Nước, chúng ta nhận thấy sứ giả Lý Giác quả thật là một người theo Lão Giáo. Cho nên Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Khuông Việt đem Phật giáo của nhà Tiền Lê kết thân với Lão Giáo của sứ giả Lý Giác trong công cuộc xây dựng hòa bình giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Từ đó biên giới giữa hai quốc gia không còn chiến tranh tái diễn nữa. Cho nên:
Từ năm 985, Hoàng Đế nhà Tống phong tước cho Hoàng Đế Đại Hành chức “Kim Sử Quang Lộc Đại Phu, Kiểm Hiệu Thái Úy An Nam Đô Hộ Tỉnh Hải Tiết Độ Sứ, Kinh Triệu Quân Khai Quốc Hầu.”
Tháng 10 năm 986, Hoàng Đế nhà Tống lại phong cho Hoàng Đế Đại Hành chức “Kiểm Hiệu Thái Bảo, An Nam Đô Hộ Sung Tỉnh Hải Quận Tiết Độ Sứ Giao Châu Quản Nội Quán Sát Xử Trí Đẳng Sứ, Phong Kinh Triệu Quân Hầu.”
Năm 988, Hoàng Đế nhà Tống lại phong cho Hoàng Đế Đại Hành chức “Kiểm Hiệu Thái Úy Đô Hộ Bộ.”
Năm 990, Hoàng Đế nhà Tống lại phong cho Hoàng Đế Đại Hành chức “Đặc Tiến” là chức quan được đặt ra từ nhà Hán. Theo sử liệu, chức “Đặc Tiến” này được các chư hầu, các vương, công, tướng quân…. trong triều đình nhà Tống đều kính phục.
Năm 993, Hoàng Đế nhà Tống lại phong cho Hoàng Đế Đại Hành chức “Tỉnh Hải Quận Tiết Độ Sứ Giao Chỉ Quận Vương.”
Năm 997, Hoàng Đế nhà Tống lại phong cho Hoàng Đế Đại Hành chức “Nam Bình Vương.”
(Việt Sử Toàn Thư, trang 167-168 của Phạm Văn Sơn)
Với triều đại nhà Tiền Lê, xét thấy Thiền sư Pháp Thuận là một Quốc Sư đóng vai quan trọng hơn cả trong việc hóa giải tai kiếp của vận nước lúc bấy giờ và Hoàng Đế Đại Hành cũng nhờ Thiền sư hổ trợ hết mình mới nắm lấy được quyền bính quốc gia từ trong tay của dòng họ nhà Đinh. Thế nên Hoàng Đế Đại Hành quý trọng Thiền sư trên hết, quý trọng đến nỗi không dám gọi tên và chỉ gọi Đổ Pháp Sư mà thôi. Một hôm Hoàng Đế Đại Hành hỏi Thiền sư Pháp Thuận về cách trị nước an dân. Thiền sư liền trả lời bằng bốn câu thi năm chữ như sau:
“Quốc tộ như đằng lạc,
Nam Thiên lý thái bình.
Vô vi cưa điện các,
Xứ xứ tức đao binh.”
Dịch nghĩa:
“Vận nước như dây quấn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi nơi cung điện,
Khắp chốn dứt đao binh.”
Đại ý bài thi này cho rằng, vận mệnh quốc gia quan hệ nhau một cách chặt chẽ cũng giống như giây leo quấn quít với nhau. Bởi sự quan hệ trên, chiến tranh ngoài biên cương phải có nguyên nhân tạo nên. Nguyên nhân chính tạo nên chiến tranh ngoài biên cương không phải phát xuất từ nơi dân gian tạo phản và nguồn gốc khởi điểm cho cuộc tạo phản ngoài biên cương nói trên nhất định phải có người trong triều đình cầm đầu. Muốn chấm dứt chiến tranh ngoài biên cương, trước hết phải ổn định trật tự (Vô vi) nơi trong triều đình (cư điện các) làm căn bản.
NHẬN XÉT:
Hai chữ Vô Vi trong bài thi năm chữ nói trên có một số người giải thích không được chính xác cho lắm. Đầu tiên, Viện Văn học của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam lại căn cứ nơi triết học của Lão Giáo để giải thích hai chữ Vô Vi của Phật giáo. Họ cho rằng:
“Vô Vi: thuật ngữ trong Lão Tử, nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc vào những khuôn phép, đạo đức nhân tạo.”
Từ lý do này, họ giải thích hai chữ Vô Vi của Thiền sư Pháp Thuận sử dụng như sau:
“(Dùng đường lối) vô vi ở nơi chung điện,
Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.”
Lối giải thích trên của Viện Văn học, chúng ta nhận thấy thật là mập mờ, không nói lên được đường lối trị nước an dân đúng theo ý của Thiền sư Pháp Thuận. Đã vậy lối giải thích này lại còn gây ảnh hưởng không ít cho những kẻ thích sống theo chủ nghĩa tự do cá nhân, lối sống ra ngoài trật tự của tập thể cộng đồng. Những kẻ sống ngoài trật tự tập thể cộng đồng sẽ căn cứ theo lối giải thích trên tạo nên phương châm cho lối sống tự do cá nhân theo sở thích ngoài pháp luật của tập thể cộng đồng quy định.
Đúng hơn, hai chữ Vô Vi trong bài thi năm chữ của Thiền sư Pháp Thuận chính là danh từ triết học của Phật giáo và nó không phải là danh từ triết học của Lão Giáo. Danh từ Vô Vi không phải chỉ dành riêng cho triết học Lão Giáo sử dụng và danh từ này cũng có trong triết học của Phật giáo. Chẳng những thế, danh từ này là do Thiền sư Pháp Thuận, người của Phật giáo sử dụng nhằm trình bày quan niệm trị nước an dân và nó không phải do Lão Tử đặt để. Cho nên những người bình giảng danh từ Vô Vi của Phật giáo sử dụng, nhất là của Thiền sư Pháp Thuận thiết lập nếu như căn cứ theo triết học của Lão Giáo để giải thích thì hoàn toàn sai nguyên tắc và cũng sai nghĩa lý.
Hơn nữa hai chữ Vô Vi mà Thiền sư Pháp Thuận sử dụng là đứng trên lập trường chính trị để bày tỏ và Thiền sư không phải đứng trên lập trường triết học để giải đáp. Chúng ta nếu như đứng trên lập trường triết học để giải thích hai chữ Vô Vi của Thiền sư Pháp Thuận thì cũng sai ý nghĩa của bài thi nói trên mà Thiền sư Pháp Thuận muốn trình bày để trả lời đúng với câu hỏi của Hoàng Đế Đại Hành.
Còn Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang cho Vô Vi của Thiền sư Pháp Thuận là Đạo Đức. Nguyễn Lang giải thích rằng: “Đạo đức ngự cung điện, Muôn xứ hết đao binh.” (Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, trang 146). Nguyễn Lang căn cứ nơi đạo đức giể giải thích hai chữ Vô Vi thì cũng không được đúng ý của Thiền sư Pháp Thuận trình bày. Đạo Đức là danh từ thuộc loại trừu tượng chỉ bày một thứ luân lý tu thân và nó không phải là một sách lược trị nước an dân mà Hoàng Đế Đại Hành muốn biết. Nhưng ở đây, Hoàng Đế Đại Hành chỉ hỏi Thiền sư Pháp Thuận về cách trị nước an dân mà thôi.

Lẽ dĩ nhiên Thiền sư Pháp Thuận phải trả lời lên Hoàng Đế cách trị nước an dân và không phải trình bày cách đạo đức tu thân. Chúng ta hãy đọc lại bài thi trên thì sẽ thấy rõ quan niệm của Thiền sư Pháp Thuận. Toàn bộ bài thi năm chữ của Thiền sư Pháp Thuận không có chỗ nào nói lên tư tưởng đạo đức tu thân cả.

Không riêng gì Lão Giáo, Phật giáo cũng có danh từ Vô Vi. Danh từ Vô Vi và tư tưởng Vô Vi của Phật giáo không giống danh từ VÔ Vi và tư tưởng Vô Vi của Lão Giáo. Ý nghĩa tư tưởng Vô Vi của Lão Giáo là nguyên lý tự nhiên của trời đất. Nhưng nguyên lý đó như thế nào, từ đâu phát sinh và có bao nhiêu loại, không thấy Lão Giáo đề cập đến.
Ngược lại, ý nghĩa và tư tưởng Vô Vi của Phật giáo thì sâu sắc hơn. Theo triết học của Phật giáo, ý nghĩa và tư tưởng Vô Vi là “Nguyên lý trật tự của Tánh Không”. Ý nghĩa Vô Vi có chia làm sáu loại nguyên lý trật tự: Hư Không Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Bất Động Diệt Vô Vi, Thọ Tưởng Diệt Vô Vi và Chân Như Vô Vi. Mỗi loại Vô Vi đều có nguyên lý trật tự riêng của nó và sáu loại nguyên lý trật tự này được gọi chung với danh từ là Vô Vi (Duy Thức Học của Thích Thiện Hoa, trang 76).
Theo Duy Thức Học, Pháp Vô Vi có sáu loại:

1. Pháp Hư Không Vô Vi: nghĩa là nguyên lý trật tự của các pháp thuộc hư không.

2. Pháp Trạch Diệt Vô Vi: nghĩa là nguyên lý trật tự của các pháp khi dùng trí tuệ vô lậu quán chiếu phân loại và tuyển chọn những phiền não ô nhiễm để diệt trừ cho sạch hết không còn dấu vết.

3. Pháp Phi Trạch Diệt Vô Vi: nghĩa là nguyên lý trật tự của các pháp còn lại sau khi tẩy sạch những phiền não ô nhiễm và sau đó không cần sử dụng trí tuệ vô lậu để phân loại và tuyển chọn nữa.

4. Pháp Bất Động Diệt Vô Vi: nghĩa là nguyên lý trật tự của các pháp đã lìa hẳn Tam Tai (Tai họa đao binh, tai họa lửa cháy, tai họa nước cuốn trôi) và không còn bị chi phối bởi Thất Tình (Mừng, giận, yêu, ghét, buồn, ham muốn, ưa thích).

5. Pháp Thọ Tưởng Diệt Vô Vi: nghĩa là nguyên lý trật tự của các pháp còn lại sau khi đã dứt hẳn Tâm Sở Thọ và Tâm Sở Tưởng lôi cuốn.

6. Pháp Chân Như Vô Vi: nghĩa là nguyên lý trật tự của các pháp thuần túy thanh tịnh thuộc thể tính chân thật thường trụ không sinh không diệt (Các pháp thuộc Tánh Viên Thành Thật), không phải loại hư vọng sinh khởi ( không phải loại do Biến Kế Sở Chấp sinh khởi) và cũng không phải loại do điên đảo sinh thành (không phải loại do Y Tha Khởi sinh thành).

Như vậy, hai chữ Vô Vi của Thiền sư Pháp Thuận sử dụng trong bài thi năm chữ của ngài chính là ý nghĩa “Nguyên lý trật tự của Tánh Không”. Thiền sư Pháp Thuận trình bày: Trong Nội Các của triều đình (Cư Điện Các), nguyên lý trật tự (Vô Vi) được ổn định thì chiến tranh các nơi được chấm dứt (Vô vi cư điện các, xứ xứ tức đao binh)”.
Theo Thiền sư Pháp Thuận, chiến tranh các nơi sở dĩ nổi lên được là nguyên nhân có người trong Nội Các của triều đình cầm đầu và ửng hộ. Nếu không, trong dân gian thời bấy giờ không ai có can đảm làm những chuyện nguy hiểm đó, ngoại trừ nước ngoài xâm lấn bờ cõi. Hoàng Đế Đại Hành nếu lấy lại được nguyên lý trật tự, nghĩa là dập tắt được đầu não trong cung đình thì chiến tranh các nơi nhất định phải chấm dứt. Đó là sách lược trị nước an dân của Thiền sư Pháp Thuận mà ngài trình bày lên Hoàng Đế Đại Hành và sách lược này được gói gọn trong bốn câu thi năm chữ (Ngũ Ngôn).
Qua những dữ kiện lịch sử và qua những tư tưởng ẩn chứa trong các thi văn, chúng ta nhận thấy ngài Pháp Thuận là một Thiền sư đắc đạo. Ngài có trí tuệ tuyệt vời và đã sử dụng trí tuệ đó gở rối tất cả sự bế tắt của quốc gia trong triều đại nhà Tiền Lê, sự bế tắt từ nội loạn trong cung đình của cuối nhà Đinh và sự bế tắt từ ngoại xâm của Trung Quốc áp đảo. Tất cả sự bế tắt ở trên đều được khai thông một cách tốt đẹp qua sự ổn định nội bộ và qua sự ngoại giao khôn khéo giữa hai nước trên căn bản hòa bình.

Điều đặc biệt là Thiền sư Pháp Thuận với trí tuệ sẵn có, khéo léo sử dụng sách lược chính trị của đức Phật Thích Ca cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ đã dạy cho các vua chúa cách trị nước an dân của thời xa xưa để giúp cho Hoàng Đế Đại Hành dựng nên đế nghiệp và đồng thời đưa thanh danh của dân tộc Việt Nam đi lên trong sự ngoại giao. Thiền sư Pháp Thuận thật là một Quốc Sư xứng đáng, chẳng những của triều đại nhà Tiền Lê và còn của cả dân tộc Việt Nam.

Tác giả Thích Thắng Hoan
Trích trong Tư tưởng Phật giáo trong thi văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh
Còn nữa…
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB