Từ tấm gương Tâm Minh – Lê Đình Thám, suy nghĩ về vai trò của Cư sĩ Phật giáo trong thời hiện đại

1022

Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và truyền bá chân lý Phật tại Việt Nam, đặc biệt là tại miền Trung, vào những năm từ 1930-1945, bác sĩ Lê Đình Thám (pháp danh Tâm Minh) là vị cư sĩ tiên phong cống hiến rất nhiều công lao trong sự nghiệp chấn hưng này. Trong bài tham luận này, chúng tôi trình bày sơ lược về cuộc đời, tư tưởng và vai trò của ông. Qua đó, chúng tôi cố gắng nêu bậc mẫu người cư sĩ lý tưởng của Phật giáo bằng cách tìm kiếm nguồn gốc những hình mẫu lý tưởng trong thời Đức Phật còn tại thế. Từ đó, chúng tôi hình thành nên người cư sĩ Phật giáo lý tưởng cũng như vai trò của họ thời hiện đại trong sự nghiệp truyền bá chân lý Phật vào cuộc đời.

  1. Sơ lược cuộc đời và tư tưởng của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.

Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, sinh ngày 01 tháng 5 năm 1897, tại làng Đông Mỹ, tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.[1] Cư sĩ sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng và quan chức; là thứ nam của cụ Lê Đỉnh và cụ bà Phan Thị Hiệu. Cụ Lê Đỉnh nguyên là Đông các Đại học sĩ kiêm chức Binh bộ thượng thư dưới triều vua Tự Đức (1829-1883) nhà Nguyễn (1802-1945). Ông là em ruột của chí sĩ yêu nước Lê Đình Dương. Lúc nhỏ, hai anh em vừa học Nho học với thân phụ vừa theo học Tây học tại các trường. Cả hai đều là những học sinh xuất sắc. Anh ông, Lê Đình Dương từng thi đỗ á khoa bằng Đông Dương Y sĩ; còn ông thì từ cấp tiểu học cho đến đại học là học trò xuất chúng, luôn đứng đầu tất cả các lớp học và chiếm giải khôi nguyên trong tất cả các kỳ thi. Năm 1916 ông đỗ thủ khoa bằng Đông Dương Y sĩ, đến năm 1930 ông đỗ bằng bác sĩ Y khoa ngạch Pháp quốc tại Hà Nội.[2]

Từ khi ông đỗ thủ khoa bằng Đông Dương Y sĩ năm 1916, công việc chính của ông là làm việc tại các bệnh viện. Tuy nhiên, do ông là một nhà trí thức, xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước và có tầm ảnh hưởng đến quần chúng nên thực dân Pháp luôn luôn chú ý đến mọi việc của ông; dường như ông không được làm tại một nơi cố định mà lưu chuyển từ nơi này đến nơi khác. Trong vòng 10 năm từ 1916-1926, ông lưu chuyển từ Bình Thuận, Quy Nhơn, Tuy Hòa, rồi Hội An. Và cơ duyên đến với chân lý Phật bắt đầu từ sự lưu chuyển đó. Trong thời gian ông làm việc tại nhiệm sở y tế tại Hội An năm 1926, ông có đến thăm viếng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, và tình cờ đọc được bài kệ Bồ Đề Bổn Vô Thọ của Huệ Năng được khắt trên vách chùa Tam Thai (nay là chùa Tam Thai, thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Bài kệ đã gây một ấn tượng sâu đậm trong tâm trí ông, dường như đã thôi thúc ông tìm hiểu cặn kẽ hơn về ý nghĩa bài kệ này. Năm 1928, ông lại bị thuyên chuyển công tác từ Hội An ra Huế để làm Y sĩ trưởng tại Viện bào chế và vi trùng học Pasteur. Tại Huế, ông có cơ duyên gặp thiền sư Giác Tiên, chùa Trúc Lâm. Chính vị thiền sư này đã giải thích bài kệ một cách cặn kẽ và thuyết phục làm cho tâm trí ông khai mở nhiều điều, ông đã quy y Tam bảo và trở thành một vị cư sĩ mẫu mực được quý vị xuất gia quý mến, thiện hữu tri thức ngưỡng mộ và tôn trọng. Và từ đó, ông trở thành tấm gương cho biết bao thanh thiếu niên Phật tử noi theo học hỏi.

Hội thảo Khoa học về Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám tại chùa Từ Đàm (Huế) ngày 10/4/2019

Tư tưởng:

Đọc Lời Nói Đầu ông viết cho bảng dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm, chúng ta thấy rõ ông đã giác ngộ được lý duyên sinh của mọi sự tồn tại trong cuộc sống, từ những hiện tượng to lớn ngoài tầm nhìn, cho đến cái có thể thấy, có thể cảm nhận, cho đến cái vi tế không thể nhìn thấy bằng mắt thường, cho đến những tồn tại không thuộc vật chất mà là những yếu tố xúc cảm, cảm nhận, cảm giác, tri giác, nhận thức; tất cả chỉ là duyên sinh vô ngã, hay như ngôn ngữ ông dùng là “Pháp-giới-tính: tính bản nhiên của tất cả sự vật, nghĩa là của tất cả các chuyển động và các hiện tượng trong vũ trụ.”[3] ‘Các chuyển động’ hay ‘mọi sự tồn tại’ là đồng nghĩa, vì cái gì tồn tại là cái đó phải chuyển động, nếu không chuyển động là không tồn tại, hay nếu một vật muốn tồn tại thì nó phải chuyển động. Ví như trong vũ trụ, hàng tỷ tỷ hành tinh, và tất cả chúng đều di chuyển theo quỷ đạo của chúng. Phật giáo Việt Nam lúc đó giống như là đang đứng yên hay đang ngủ yên trong cánh cửa đóng kín, nếu không chuyển động có thể đi đến diệt vong. Chính vì lẽ đó, ông và các cộng sự, được sự ủng hộ của chư vị tôn đức thiền sư, đã phát động phong trào đưa chân lý Phật phổ cập quần chúng để mọi người đều có thể biết đến giáo lý trí tuệ và bao dung của đức Phật. Đây chính là lý do để báo Viên Âm ra đời năm 1933. Báo Viên Âm ra đời đã truyền đi thông điệp chân lý Phật khắp nơi như chính tên gọi của nó, “Viên Âm nghĩa là tiếng tròn đầy. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn; tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh, tròn làm sao, trong tròn, ngoài tròn, dưới tròn, cùng tam giới khắp thập phương, lớn nhỏ xa gần đâu đâu cũng tròn cả.”[4]

Bên cạnh đó, chính sự trải nghiệm của mình trong cuộc sống nhiều biến động, ông đã giác ngộ và tỉnh giác trước mọi sự việc xảy ra quanh mình với sự hiểu thấu và bao dung. Chính hai đức tính này đã giúp ông đưa chân lý Phật đi vào mọi ngóc ngách của cuộc đời. Từ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Trung, với sự đồng thuận của chư tôn đức, ông cùng một số đồng nghiệp, những nhà Phật học, những nhà trí thức thành lập Hội An Nam Phật Học năm 1932. Chủ trương của hội là đạo tạo Tăng tài làm nòng cốt để lãnh đạo, hướng đạo cho Phật tử bằng cách đề ra chương trình chỉnh lý tình trạng Tăng sĩ kết hợp với việc mở các trường Phật học từ Tiểu học cho đến Cao đẵng. Hơn nữa, hội còn chú trọng đến tầng lớp thanh, thiếu niên Phật tử, những người có kiến thức, có lý tưởng, có nhiệt huyết dấng thân để cho những lời dạy đầy trí tuệ và yêu thương của đức Phật được phổ biến rộng rải khắp nơi. Bởi theo ông, “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai.”[5] Chính vì lý do này, vào mùa thu năm 1940 ông đã thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục tập trung vào việc định hướng tư tưởng cũng như đạo đức cho thế hệ trẻ của Phật giáo Việt Nam. Ông cũng cho thành lập Phật học Tùng thư để xuất bản kinh, sách mà phần lớn là do thành viên của Đoàn biên soạn. Từ chiếc nôi của Đoàn Thanh thiếu niên Phật tử Đức dục, đã đi đến việc thành lập Gia đình Phật Hóa Phổ. Cho đến năm 1951 Gia đình Phật Hóa Phổ đã đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử. Và Gia đình Phật tử Việt Nam là nòng cốt của công cuộc truyền bá chân lý Phật đi vào cuộc đời, là lực lượng vững mạnh và nhiệt huyết đấu tranh bảo vệ chính nghĩa Phật giáo giai đoạn 1963-1966. Như vậy, tư tưởng của ông chính là tư tưởng Phật giáo nhập thế mà đức Phật đã truyền bá lại cho hàng hậu học chúng ta.

Lược sơ tiểu sử và tư tưởng của ông, chúng ta có thể khẳng định rằng ông đã cống hiến cuộc đời mình để chấn hưng Phật giáo Việt Nam, đạo tạo Tăng tài, trao truyền chí nguyện đưa những lời dạy đầy từ bi, hòa bình và tỉnh thức của đức Phật cho thế hệ người xuất gia cũng như người tại gia, đặc biệt là cho thế hệ trẻ kế thừa. Tuy làm rất nhiều công việc cho đạo pháp nhưng ông vẫn khiêm tốn, giữ thái độ tôn trọng và khiêm cung đối với tăng chúng và mọi người. Thái độ khiêm cung của ông được thể hiện qua cách sống hằng ngày cũng như những bài viết, bài thơ kệ:

“Bấy nay vật vã kiếp phù trầm

May đặng vào tai tiếng Phạm âm

Tùy tiện trau dồi gương chánh kiến

Ứng cơ giảng giải lý duy tâm

Ngộ mê vẫn đủ ngôn thân ý

Sinh tử nguyên vì sát đạo dâm

Tam bảo từ bi xin mật hộ

Cho khi hoằng pháp khỏi sai lầm.”[6]

ĐĐ. Tiến sĩ Thích Viên Minh trình bày tham luận tại Hội thảo Khoa học về Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (chùa Từ Đàm – Huế), ngày 10/4/2019
  1. Hình mẫu lý tưởng và vai trò của cư sĩ Phật giáo trong thời hiện đại.

Trong phần này, chúng ta kết hợp những hình mẫu người cư sĩ lý tưởng thời đức Phật còn tại thế, như trưởng giả Cấp-cô-độc, nữ tín chủ Tỳ-xá-khư, trưởng giả Chất-đa (Citta), trưởng giả Duy-ma-cật cùng với hình mẫu Tâm Minh Lê Đình Thám để nêu bật hình mẫu lý tưởng và vai trò của hàng cư sĩ trong sự nghiệp truyền bá chân lý Phật thời hiện đại.

Người cư sĩ Phật tử lý tưởng điều đầu tiên là phát huy khả năng và những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, làm mờ hoặc dần dần xóa bỏ tất cả những tính cách xấu xa, phiền não, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức và nhân cách. Tiêu chí này được các vị cư sĩ nêu trên đã hoàn thiện một cách xuất sắc. Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã đi theo con đường các vị cư sĩ đó hoàn thiện và phát huy những phẩm chất tốt đẹp này của bản thân trong suốt cuộc đời ông. Tiêu chí đó sau này trở thành mục tiêu phấn đấu của những thế hệ kế thừa ông, đó chính là tinh thần Bi-Trí-Dũng, là khẩu hiệu và mục tiêu chính của người cư sĩ, đặc biệt là cư sĩ trẻ, là thành viên của Gia đình Phật tử Đức dục, sau này là Gia đình Phật tử Việt Nam. Bi: từ bi, hỷ xả, chính là sự rộng lượng và nhân cách đạo đức; Trí: khả năng lãnh hội, nhận thức của mỗi người qua ba hình thái: văn: phát huy khả năng thông minh (IQ), tư: hoàn thiện trí tuệ xúc cảm (EQ), và tu: phát triển trí tuệ siêu việt (SQ). Dũng: là đức tính siêng năng và kiên trì trong mọi việc nhằm phát huy cái tốt đẹp và làm lụi tàn cái xấu ác. Ba phẩm chất và năng lực Bi, Trí, Dũng này được phát triển, được hoàn thiện đến mức độ nào thì nó sẽ phát huy năng lực trong chừng mực đó. Hoàn thiện ba phẩm chất này, hay nói rộng hơn đó chính là sáu phẩm hạnh của một vị Bồ-tát giúp đời.

Thứ nhất về năng lực Trí: khả năng nhận thức của con người qua ba dạng như sau: 1. Trí do học rộng, nghe nhiều, nó phụ thuộc vào chỉ số thông minh của mỗi người (IQ): văn; 2. Trí do trầm tư thiền định, làm định chỉ hay làm chủ tất cả những xúc cảm, tình cảm, nó phụ thuộc vào chỉ số trí tuệ xúc cảm (EQ): tư; và 3. Trí do sự quán sát sự sinh diệt của mọi sự vật hiện tượng hay trí thấy rõ bản chất của mọi sự tồn tại, gọi là siêu việt trí (SQ): tu.[7] Ba loại trí này bổ sung cho nhau và tùy theo cấp độ đạt được mà mỗi người phát huy khả năng của mình trong việc tạo dựng cơ nghiệp để mang lại đời sống vật chất cũng như hạnh phúc an vui cho gia đình mình. Và cũng nhờ vào cấp độ đạt được của ba loại trí này mà chúng ta có thể phục vụ trong sự nghiệp truyền bá chân lý Phật vào đời sống thường nhật. Trong phần “Lời Nói Đầu” ông viết cho bảng dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm, chúng ta thấy rằng Tâm Minh Lê Đình Thám đã thấu ngộ được bản chất của các sự vật hiện tượng, hay ông đã thấy được duyên khởi tính, hay Pháp giới tính… đây là loại trí tuệ siêu việt (SQ), là loại trí do sự quán sát thịnh suy của cuộc đời, là chú tâm quán sát sự sinh diệt của mọi sự vật hiện tượng.[8] Nhờ thấu triệt và an nhiên trước thịnh suy của cuộc đời nên ông đã vượt qua mọi chướng ngại của công cuộc chấn hưng Phật giáo để đưa chân lý Phật vào cuộc đời trần thế này một cách khoa học và hiệu quả nhất. Ông giống như là hiện thân của Duy-ma-cật, “Sống giữa mọi người, cũng gánh chịu thân phận như mọi sinh vật; cũng lăn lóc trong trường đời để phấn đấu cho sự sống và lẽ sống, trên sân khấu kịch đời nhộn nhịp; người ta có thể bắt gặp ông trong chốn quan trường nơi mà tầng lớp thống trị thường trực đấu tranh quyền lực với nhau bằng bạo lực và bằng gian dối; gặp ông trong các giảng đường, học đường nơi mà các thế hệ trao truyền cho nhau và đón nhận kiến thức tích lũy, có cái thiện mà cũng có cái bất thiện; người ta cũng gặp ông trong chỗ hang cùng, ngõ hẻm, trong chỗ bùn sình, lầy lội, dưới đáy của xã hội, nơi mà nhiều lớp người đang sống vật vờ trong cảnh tối tăm, cùng khốn.”[9] Lê Đình Thám đến nơi đó để làm gì? Trước tiên, là một người cư sĩ có gia đình vợ con, ông phát triển sự nghiệp của ông để mang lại cho mình và gia đình mình đời sống ấm no hạnh phúc.[10] Đây là tiêu chí đầu tiên mà mọi cư sĩ Phật tử nên hướng đến. Ông vào chốn quan trường nhiều gian nguy để xoa dịu nỗi đau mất mát của những người chịu hậu quả của chiến tranh, và là đầu tàu cho phong trào vận động Hòa bình thế giới của Việt Nam với mong muốn mang lại sự hòa bình, hòa hợp và an ổn cho mọi người dân trên thế giới.[11]

Thứ nhì là về phẩm chất Bi hay Từ Bi. Đó chính là phẩm chất rộng lượng, lối sống trung thực, đạo đức của một người. Nói về phẩm chất rộng lượng, trung thực và đạo đức, chúng ta không thể không nhắc đến hình mẫu của Trưởng giả Cấp-cô-độc và nữ tín chủ Tỳ-xá-khư tại thành Xá Vệ trong thời đức Phật còn tại thế. Cả hai đã dành rất nhiều tâm nguyện và tài vật để hộ trì đức Phật và chư vị xuất gia cũng như thực hiện công tác từ thiện giúp đỡ mọi người vất vả lầm than. Cấp-cô-độc đã từng trải vàng mua đất để tạo dựng Tinh xá Kỳ Viên làm nơi cư trú, tịnh dưỡng, giảng pháp, đào tạo Tăng tài.[12] Tên của ông cũng được mọi người gọi xưng một cách mỹ miều ‘Cấp-cô-độc’, người cung cấp sự an tịnh và cần kíp cho người cô độc.[13] Nữ tín chủ Tỳ-xá-khư cũng đã cho xây dựng Tinh xá Lộc Mẫu dành cho việc lưu trú và đạo tạo Ni tài. Bà được đức Phật ngợi khen là mẫu hình nữ cư sĩ lý tưởng, với đầy đủ Bi-Trí-Dũng, điều mà bà đã áp dụng thành công trong cuộc đời bà.[14] Đây là hai trung tâm đào tạo Tăng ni gương mẫu thời Phật. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nói đến Trưởng giả Chất-đa (Citta) tại Ba-la-nại. Ông cũng đã tạo dựng tu viện cho các vị xuất gia lưu trú và tu học. Ông cũng là bậc trí và được đức Phật ngợi khen là cư sĩ đệ nhất trong việc thuyết giảng truyền bá chân lý Phật.[15] Chất-đa cũng là vị cư sĩ thường xuyên thảo luận các vấn đề về Phật học, tư tưởng, triết lý sống với chư vị xuất gia thời đó.[16] Tâm Minh Lê Đình Thám dường như đã sở hữu những nét đặc trưng từ các vị cư sĩ gương mẫu trên. Ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cùng chư vị xuất gia mở trường đạo tạo Tăng tài, thảo luận cùng chư vị xuất gia cao niên mẫn tiệp, giảng giải và truyền trao kiến thức Phật học cho người tân học xuất gia.[17] Nguyễn Lang nhận định rằng, “Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ thứ hai mươi đã dự phần vào việc đào tạo tăng tài. Phật học của ông được các bậc tôn túc công nhận là uyên thâm, cho nên ông đã được mời vào giảng dạy trong các Phật học đường.”[18] Vai trò là thế nhưng ông luôn dành cho chư vị xuất gia sự tôn kính sâu sắc. Sự tôn kính đó được ông thể hiện qua từng buổi giảng dạy cho các vị qua hình ảnh, “Ông luôn mặc lễ phục (áo tràng) và đảnh lễ chư tăng trước khi bước lên pháp tòa để giảng kinh cho họ.”[19] Có lẽ đức khiêm cung này được được di truyền liên tục trong hàng ngũ cư sĩ từ thời Phật còn tại thế. Trưởng giả Cấp-cô-độc và nữ tín chủ Tỳ-xá-khư luôn dành trọn tấm lòng và sự cung kính của mình đến đức Phật và các vị xuất gia; trưởng giả Chất-đa luôn luôn cung kính đảnh lễ các vị xuất gia tân học, mặc dù những vị đó không thể trả lời những Phật lý mà ông cật vấn;[20] hay như hình mẫu Duy-ma-cật, trong lúc thảo luận, cật vấn Phật lý, ông luôn luôn lất lướt các vị xuất gia, tuy nhiên trong đời sống thường nhật ông luôn luôn tôn trọng và kính lễ chư vị, ông luôn luôn cuối đầu vào chân ngài Xá-lợi-phất để đảnh lễ ngài, tỏ lòng cung kính như đối với chư Phật.[21] Đây là quy tắt, là cung cách của các vị cư sĩ đã thấu ngộ được chân lý Phật-đà.

Thứ ba là phẩm chất Dũng: là sự kiên nhẫn và tinh tấn. Nữ tín chủ Tỳ-xá-khư làm dâu trong gia đình ngoại đạo, tuy nhiên bà vẫn kiên trì giữ vững niềm tịnh tín đối với đức Phật và người xuất gia, bà kiên nhẫn tìm cách chuyển hóa gia đình chồng. Và chính sự kiên nhẫn đó cùng với sự tinh tấn của bà đã dần dần chuyển hóa được họ.[22] Thực hiện sự tinh tấn cần phải được hiểu một cách chính xác, đó là: Siêng năng: 1. làm lụi tàn những điều xấu đã sanh; 2. giữ vững không cho những điều xấu chưa sanh được sanh; 3. làm cho những điều thiện chưa sanh được sanh; và 4. phát huy tối đa những điều thiện đã sanh khởi.[23] Sự tinh tấn như vậy cùng với kiên nhẫn sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ cho mỗi người trong cuộc sống đầy biến động này. Vì kiên nhẫn chính là sự an tịnh và tỉnh thức trước những quyến rũ và khó khăn của cuộc đời, khéo léo tìm cách chuyển hóa những trở ngại đó.[24] Như vậy, Dũng là sự mạnh mẽ tinh tấn, là sự kiên nhẫn hành động để đạt được mục đích cuối cùng. Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã thấu triệt được những phẩm chất tốt đẹp đó. Ông kiên nhẫn và bền bỉ trong công cuộc chấn hưng nền Phật giáo nước nhà, đào tạo Tăng tài, chỉnh lý sơn môn, truyền trao lòng nhiệt huyết và phẩm chất tốt đẹp của chân lý sống đến với tầng lớp thanh thiếu niên. Chính việc làm của ông đã làm lụi tàn những mầm mống của biếng nhác, bi quan, của những cái xấu xa; và làm nảy sinh những đức tính thiện lành, hiền lương tiềm ẩn trong mỗi một con người. Ông đã làm bừng dậy lý tưởng sống của những Tăng ni để phụng sự cho đời; ông làm sống dậy lý tưởng bảo vệ chân lý Phật trong tầng lớp cư sĩ, đặc biệt là thanh thiếu niên Phật tử. Lý tưởng đó được nuôi dưỡng và lớn mạnh trở thành chí khí cho toàn cuộc đấu tranh bảo vệ sự tự do, bảo vệ lẽ phải trong thời kỳ Pháp nạn năm 1963-1966. Đó chính là cái Dũng, hay chính là phẩm chất kiên nhẫn và tinh tấn mà một người cư sĩ Phật tử luôn luôn đề cao, luôn luôn ghi nhớ, luôn luôn phát huy và luôn luôn áp dụng trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời. Cuộc sống hiện tại rất cần những vị cư sĩ có đủ chí khí Dũng này để dấng thân vào cuộc đời, vào những nơi mà những vị xuất gia không thể đến được để xoa dịu nỗi đau của nhân sinh, để thức tỉnh họ và chỉ cho họ con đường đi đến gần bờ giải thoát hơn.

Ngoài việc hoàn thiện bản thân bằng cách áp dụng chân lý Phật trong đời sống hằng ngày, như nói năng, suy tư và lối sống để phát huy khả năng về trí thông minh, tuệ xúc cảm và minh giải siêu việt (Trí); cũng như những phẩm chất cao đẹp như trung thực, kiên trì, siêng năng, mạnh mẽ (Dũng); chia sẻ, dấng thân (Bi) vân vân… làm giảm và xóa bớt những thói xấu như đam mê danh lợi, quyền lực, phóng dật, lừa gạt, chỉ trích, chê bai, người cư sĩ lý tưởng còn áp dụng chân lý Phật nhằm chuyển hóa gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng nơi mình sinh sống và làm việc. Kāla, người con trai duy nhất của trưởng giả Cấp-cô-độc, ngày ngày chỉ biết dồn cả tâm lực vùi đầu vào việc phát triển sự nghiệp, tạo dựng tài sản, không màn đến việc học hỏi bất cứ tôn giáo nào, bất cứ cách thức nào để chuyển hóa tâm thức, kể cả những lời dạy của đức Phật; tuy nhiên, bằng sự kéo léo ông đã dần dần đưa người con của mình đến với những ngày thọ bát quan trai giới, rồi đến với những lời dạy hằng ngày của đức Phật, để rồi, chính con ông, Kāla trở thành vị cư sĩ tín tâm, hiểu biết và gương mẫu trong hàng ngũ cư sĩ Phật tử thời đó và được mọi người trìu mến gọi là Tiểu Cấp-cô-độc.[25] Sujata, vợ Kāla, con dâu trong nhà Cấp-cô-độc, một tiểu thư đài các, danh cao vọng tộc, giàu sang một cõi, kiêu căng ngạo nghễ, không xem những người làm công trong nhà ra gì, la lối chửi bới, đánh đập họ. Cũng bằng phương tiện khéo léo, cư sĩ Cấp-cô-độc tạo duyên lành để cô con dâu được nghe diệu lý từ đức Phật qua lời khai thị về bảy loại vợ. Chính lời khai thị này của đức Phật, cô con dâu của ông đã bừng tỉnh và chuyển hóa thành người vợ mẫu mực, và là một nữ cư sĩ tín thành đối với đạo pháp.[26] Nữ tín chủ Tỳ-xá-khư cũng vậy, bà làm dâu trong gia đình khác tôn giáo. Cha chồng bà là người chấp chặt vào niềm tin mù quáng với nguyện ước được an lạc và được tái sanh cảnh giới chư thiên. Tuy nhiên, mục đích đó của ông không thành tựu. Ngày ngày ông bỏ tiền của để chu cấp cho niềm tin của mình nhưng đổi lại ông không gặt hái được niềm an lạc trong tâm hồn, thế mà ông vẫn cố chấp vào niềm tin đó. Tỳ-xá-khư làm một cô con dâu mẫu mực trong nhà và dần dần đã đưa người cha chồng của mình đến với những lời dạy của đức Phật. Lắng nghe và thực hành theo những lời giảng giải của đức Phật, mục tiêu đời người của ông được thành tựu. Ông hoan hỷ và an lạc trong chánh pháp Phật-đà, đến nỗi ông nói, ông như được tái sanh thành con người khác, con người của niềm an tịnh và thanh cao. Ông tự hào có người con dâu mẫu mực như vậy trong nhà, người đã làm cho ông được trở thành một con người khác, nên mọi người thường gọi con dâu ông, Tỳ-xá-khư là Mẹ tái sinh ông.[27] Dần dần người thân của cả hai gia đình cư sĩ Cấp-cô-độc và nữ cư sĩ Tỳ-xá-khư đều trở thành những Phật tử thuần thành, thấu hiểu đạo lý. Biệt thự tư gia của họ trở thành nơi lui tới để giảng giải Phật lý và thọ dụng thực phẩm của chư vị xuất sĩ.

Biệt thự gia đình cư sĩ Cấp-cô-độc nhiều hôm trở thành như cảnh giới giải thoát với bóng y vàng trong những bước chân thảnh thơi, an tịnh hòa quyện trong sự trang nghiêm thanh tịnh tuyệt đối, không tiếng ồn náo, dù lúc đó trong nhà đang tiếp đãi hơn 700 vị xuất gia.[28] Không chỉ người thân của ông, mà tất cả các gia nhân, kẻ ăn người ở, họ hàng nội ngoại gần xa của những người này cũng trở thành những Phật tử thấm nhuần chân lý Phật; thích bố thí cúng dường tích phước, trau dồi đời sống đạo đức và thường xuyên trai tịnh trong những ngày đầu và giữa tháng.[29] Bên cạnh đó, ông còn kiên trì trong việc tạo ra thuận duyên cho những người bạn, những đồng nghiệp của ông, là những người không tôn giáo, hay tin tưởng mê lầm vào những giáo phái tà bậy trở thành những người thấu hiểu chân lý Phật và trở thành những Phật tử, những con người đạo đức trong cộng đồng và trong xã hội.[30] Không chỉ cư sĩ Cấp-cô-độc chuyển hóa bạn bè thân hữu đến với chân lý và đạo đức Phật giáo, mà rất nhiều vị cư sĩ thời đó cũng tự chuyển hóa bản thân và kiên trì chuyển hóa người thân, bạn bè đến với đạo giải thoát. Cư sĩ Chất-đa tại Ba-la-nại đã hướng dẫn hơn 2000 người bạn đến cúng dường đức Phật và chư vị xuất gia, lắng nghe những lời giảng dạy của Ngài, áp dụng trong cuộc sống thường nhật để trở thành những con người đáng quý và hữu ích.[31]

GĐPT Quảng Nam viếng mộ Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám tại nghĩa Trang Mai Dịch TP. Hà Nội

Trở lại cuộc đời cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, chúng ta thấy ông là mẫu người cư sĩ gương mẫu, tiếp nối những vị cư sĩ thời đức Phật còn tại thế, hoàn thiện bản thân, chuyển hóa gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp hướng đến lý tưởng cao đẹp của Phật giáo. Ông là người tiên phong mang lễ cưới hỏi vào chùa, Phật hóa gia đình bằng việc khuyến khích những nam, nữ Phật tử trẻ tổ chức lễ cưới tại chùa dưới sự chứng minh của Tam bảo. Qua buổi lễ cưới, chư Tăng có bài pháp thoại ngắn hướng dẫn cô dâu chú rể sống đúng với đạo đức và lý tưởng làm người. Buổi lễ cũng là cơ hội để người thân, bạn bè hai họ đến chùa, tiếp xúc trực tiếp với người xuất gia để lắng nghe những bài giảng pháp vô cùng ý nghĩa về đời sống kiếp người. Lê Thị Hoành, con gái đầu của ông đã tổ chức lễ cưới đầu tiên tại chùa được ghi nhận năm 1940.[32] Còn với bạn bè, đồng nghiệp, dường như ông đã thu phục được họ bằng chính sự thể hiện những phẩm chất cao thượng Bi, Trí, Dũng của ông trong đời sống hằng ngày. Chính những người bạn, đồng nghiệp này đã sát cánh cùng ông trong suốt giai đoạn chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài, chấn chỉnh thiền môn. Trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của mình, Nguyễn Lang đã nói về ông với sự trang trọng, “Tâm Minh Lê Đình Thám thật xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại.” Nguyễn Lang thêm rằng ông là người dễ mến và gần gũi, được bao quanh bởi bạn bè đồng nghiệp và bên ông còn có những nghệ sĩ tài ba, những người đã phát huy khả năng riêng của mình để phục dựng Tam bảo, chấn hưng Phật giáo.[33]

Dựa vào mẫu hình cư sĩ lý tưởng trong thời Phật tại thế nêu trên cũng như hình mẫu cư sĩ lý tưởng trong Phật giáo Đại thừa, Duy-ma-cật, chúng ta có thể nói rằng, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám như là hiện thân của hình mẫu lý tưởng người cư sĩ Phật tử trong sự nghiệp ủng hộ, phát triển và bảo vệ chân lý Phật. Tâm Minh Lê Đình Thám dường như sở hữu từ những vị trên mỗi người một nét đặc thù để tạo thành hình mẫu lý tưởng trong giai đoạn khó khăn của Phật giáo Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng.

Vì vậy, mỗi người cư sĩ Phật tử cần phải biết rõ những giá trị, những khả năng của chính mình cũng như những phẩm chất đạo đức chung của xã hội để phát huy và hoàn thiện chúng, làm cho chúng trở nên hữu ích hơn trong cuộc sống thường nhật của mình. Điều đầu tiên và cốt yếu của người cư sĩ Phật tử đó là áp dụng những lời dạy của đức Phật để mang lại niềm an vui và hạnh phúc cho chính mình và gia đình mình. Khi đã hoàn thành mục tiêu trên, người cư sĩ Phật tử nên khéo léo phương tiện chuyển hóa người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm trở thành những người thấm nhuần lối sống đạo đức của chân lý Phật, khuyến khích họ phát huy ba trụ cột Bi-Trí-Dũng trong cuộc sống nhằm bảo vệ cái chân, cái thiện và cái mỹ, phát huy lý tưởng sống cao đẹp trong đời. Xa hơn nữa, người cư sĩ Phật tử nên dấng thân truyền bá đạo đức, chân lý Phật vào những nơi mà người xuất gia không thể đến được như quán nhậu, hay nơi chốn ăn chơi giải trí. Bên cạnh đó, người cư sĩ, dựa vào khả năng và phẩm chất của mình tham gia chính trường, thương trường, giáo dục đường để truyền đi thông điệp hòa bình và an tịnh của đức Phật đến mọi người. Và người cư sĩ Phật tử lý tưởng không bao giờ quên kết hợp cùng với bạn đạo trở thành cộng đồng ủng hộ, bảo vệ và cùng bước với người xuất gia trên con đường áp dụng chân lý Phật đầy khó khăn này.

Thích Viên Minh

Chú thích:

[1] http://www.dienban.gov.vn/Default.aspx?tabid=107&NewsViews=3627&language=vi-VN.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn Học, 2000:817. Thích Trung Hậu-Thích Hải Ấn, Chư Tôn Thiền Đức & Cư Sĩ Hữu Công, Tập II, HCM: NXB Tổng Hợp, 2011:661-663.

[3] Tâm Minh, dịch, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Hoa Kỳ: Phật học viện Quốc Tế, 1983: Lời Nói Đầu.

[4] Nguyễn Lang, sđd, 836.

[5] Thích Trung Hậu-Thích Hải Ấn, sđd, 666.

[6] Nguyễn Lang, sđd, 834.

[7] D, iii.220. (D: Dīgha Nikāya: Trường Bộ Kinh).

[8] Tâm Minh, Ctsđd.

[9] Tuệ Sỹ, Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2017:23.

[10] Nghề nghiệp của ông gắng liền với công việc trị bệnh cứu người, y sĩ rồi bác sĩ. Xem: Thích Trung Hậu-Thích Hải Ấn, sđd, 663.

[11] Ctsđd. Vào năm 1949, ông được mời giữ chức Chủ tịch Phong tròa Vận động Hòa bình Thế giới của Việt Nam.

[12] A, i.25. (A, 1,14:7). (A: Aṅguttara Nikāya: Tăng Chi Bộ Kinh).

[13] Cul, VI: 4.3-5. (Cul: Cullavaga: Tiểu phẩm Luật tạng).

[14] A, i.26. (A, 1,14:7).

[15] A, i.26. (A, 1,14:7).

[16] S, iv.282-298. (S, 41: 1-8). (S: Saṃyutta Nikāya: Tương Ưng Bộ Kinh).

[17] Thích Trung Hậu-Thích Hải Ấn, sđd, 665.

[18] Nguyễn Lang, sđd, 818.

[19] Ctsđd.

[20] S, iv.282. (S, 41:1).

[21] Tuệ Sỹ, sđd, 91.

[22] DhA, i.406. (DhA: Dhammapada Aṭṭhakathā: Chú giải Pháp Cú).

[23] A, ii.73. (A, 4:69).

[24] Dh, 184. (Dh: Dhammapada: Pháp Cú).

[25] DhA, iii.189.

[26] A, iv.91. (A, 7:59)

[27] DhA, i.406.

[28] J, 465. (J: Jātaka: Tiền thân đức Phật)

[29] J, 382.

[30] J, 1.

[31] AA, i.210. (AA: Aṅguttara Aṭṭhakathā: Chú giải Tăng Chi Bộ).

[32] https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=7A5450.

[33] Nguyễn Lang, sđd, 835.

 

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB