Tổng quan về Phật Viện Đồng Dương, Quảng Nam

2996

Phật viện Đồng Dương nay thuộc làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Về phần địa chí khi viết đến vùng Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65 km về phía Tây Nam.

pv_5_1

Phật viện Đồng Dương được xây dựng trên một địa hình đất đồng bằng bán sơn địa.
Trong ảnh: một phần mảnh tháp Sáng còn sót lại.

Sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn đã mô tả sơ qua khu di tích với các tháp, các nền của đền thờ cổ hoang tàn theo thời gian không kèm theo lời bình luận gì thêm về khu di tích này: “Huyện Lệ Dương có hai ngọn tháp, ở thôn Đồng Dương. Hai tháp này cách nhau chừng mười lăm trượng, có một toà cao bốn trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó bốn trượng thì có một nền cũ…”.

Phật viện Đồng Dương chỉ thật sự được biết đến nhiều khi các nhà khoa học đã công bố nhiều đề tài nghiên cứu, và chúng ta mới thấy được tầm vóc quy mô của nó. Nhất là nhà nghiên cứu L.Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương, ông đã giới thiệu 229 hiện vật đã được phát hiện. Nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng. Tượng Phật đứng được phát hiện đã cho phép các nhà nghiên cứu liên tưởng đến sự giao thoa của trung tâm Amaravati của Ấn Độ và trung tâm Phật giáo Amaradhaura thuộc nước Tích Lan (Srilanka) có niên đại khá sớm được du nhập vào Chămpa. Ngoài sự chú ý của bức tượng nói trên, công trình khai quật khu trung tâm Phật viện Đồng Dương của nhà nghiên cứu Parmentier cũng cho chúng ta khái quát rõ hơn về mô hình xây dựng và diện tích xa xưa của Phật viện này.

Sự hùng vĩ trang nghiêm của một quần thể kiến trúc điêu khắc như đưa chúng ta lạc vào một thế giới nghệ thuật cùng với thiên hướng tâm linh đã được đánh giá là độc đáo vào hạng bậc nhất của Chămpa và Đông Nam Á, cũng như một nguồn di sản văn hóa hết sức lớn lao của Phật giáo.

Theo mô tả của Parmentier, toàn bộ khu vực kiến trúc liên hoàn kéo dài xuyên suốt hơn 1.330m bắt nguồn từ hướng tây và chấm dứt ở hướng đông. Riêng khu vực chánh điện thờ Phật lại là một vành đai hình chữ nhật dài 326m và rộng 155m với hệ thống tường thành bao bọc kiên cố chung quanh. Từ chánh điện mở ra một con đường rộng dài hơn 763m hướng thẳng về phía đông để dẫn vào một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080 m2. Đây được xem là cụm kiến trúc còn bảo lưu được phần đền thờ chính khá nguyên vẹn cùng các bức tượng bằng đá và bằng đồng được phát hiện quanh đó.

Ngoài phần chánh điện được tìm thấy với hệ thống nền gạch của một khu tăng xá và giảng đường nối tiếp nhau trong một chu vi rộng lớn. Những viên ngói dùng lợp cho các công trình cũng được phát hiện rải rác trong di tích của Phật viện này cho phép chúng ta hình dung về một cấu trúc hoàn chỉnh bao gồm phần chánh điện dùng làm nơi thờ tự lễ bái, khu tăng xá là nơi lưu trú cho các chư tăng tu học và giảng đường dùng làm nơi giảng kinh và mở các Pháp hội. Một mô hình Phật viện khép kín như thế rất lý tưởng đào tạo nhân tài ngày trước ở Chămpa.

Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura, theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.

Bia ký còn ghi lại sự sùng đạo của nhà vua, cho biết vào năm 875: “Do lòng tin vào Phật Giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada”. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay “đô thị giải phóng” (moksapura), nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapada). Nhà vua nhấn mạnh đến những kẻ nào phạm tội ác phải chiụ đày đọa xuống địa ngục. Cũng theo bia ký, sau khi xây dựng xong, nhà vua cũng đã cúng dường nhiều ruộng đất, tiền bạc, nô lệ và nhiều thứ khác cho Lôkesvara. Nhà vua dặn: “Sau khi băng hà, được đổi danh hiệu  là Paramabuddhaloka”. Tất cả  những sự kiện trên đã chứng minh là nhà vua Indravarman II đã đồng  nhất với Phật dưới dạng Bồ Tát. Đạo Phật Chăm Pa trong thời nầy theo Đại thừa.

Có thể tìm thấy những sự kiện phát triển của Phật Giáo Chăm Pa. Chẳng hạn, năm 1069 thiền sư Thảo Đường cũng được vua Lý Thái Tôn đưa về Đại Việt khi ông từ Trung Hoa sang Chăm Pa học đạo. Sự hiện diện của sư tổ Trúc Lâm Yên tử cùng với tăng sĩ Đại Việt ghé thăm trung tâm Phật giáo Đồng Dương và thắng cảnh của vương quốc Cham Pa năm 1301 và được ông vua Phật tử tài hoa Jaya Simhavarman III (Chế Mân) tiếp đón một cách nồng hậu, tất cả dường như nói lên tầm vóc quan trọng của trung tâm Phật Viện Đồng Dương như thế nào đối với đạo Phật của các nước trong khu vực. Tầm quan trọng đó đã khiến cho Đồng Dương tồn tại gần như 600 năm dù rằng trong dòng biến suy của lịch sử biết bao cuộc chiến tranh tương tàn đã xảy ra. Phật viện Đồng Dương hiện nay đã không còn gì nguyên vẹn cho chúng ta nghiên cứu và chiêm ngưỡng.

Theo đánh giá của giới khảo cổ học, đây là khu kinh đô còn đầy đủ các di tích kiến trúc chức năng nhất trong số các dấu tích kinh đô của Vương quốc cổ Chămpa. Phần bí mật còn lại của vương quốc hơn 1.000 năm tuổi vẫn còn nằm đâu đó trong những vùng đồi trung du dọc theo sông Ly Ly ra cửa Đại – Hội An và dọc theo suối Ngọc Khô ra tận bãi Bàn Than – Núi Thành đang còn chờ được khám phá, gìn giữ.

Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, mô hình một tiểu quốc Champa dựa trên trục quy chiếu là dòng sông phải có ba thiết chế – ba trung tâm (tính theo dòng chảy của sông, từ núi ra biển) gồm: trung tâm tôn giáo, tạm gọi là Thánh địa (thường về phía Tây, đầu nguồn sông); trung tâm chính trị (thường nằm ở bờ Nam sông) và trung tâm thương mại – kinh tế (thường nằm ở gần sát cửa sông – cửa biển).

Vương triều và kinh đô Indrapura lấy dòng sông Ly Ly làm hệ quy chiếu chung. Đó là con sông nhỏ bắt nguồn từ vùng đèo huyện Quế Sơn và Tiên Phước chảy theo hướng Tây – Đông. Con sông làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Quế Sơn và Thăng Bình trước khi vòng theo hướng Đông Bắc rồi đổ ra biển cửa Đại (Hội An). Vùng Hội An trước đây là một thương cảng cổ và trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của Vương quốc Chămpa. Hệ thống các giếng cổ quanh khu vực, di tích trên đảo Cù Lao Chàm, vị trí các tàu đắm trên khu vực chứng tỏ điều đó. Indrapura cũng giống như kinh đô Simhapura – Trà Kiệu đều lấy Cù Lao Chàm làm bức bình phong và cửa ngõ giao thương với thế giới bên ngoài. Mặt khác ngay chính thôn Đồng Dương – vị trí kinh thành sông Ly Ly tách một nhánh nhỏ gọi là suối Ngọc Khô chảy theo hướng Đông Nam đổ ra khu vực biển Tam Hải huyện Núi Thành, đây là khu vực có nhiều di tích Chăm. Khu vực cảng Kỳ Hà (Tam Kỳ) ngày nay cũng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ là một thương cảng cổ trong khu vực sau Hội An. Hệ thống tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ và các tháp phát hiện mới sau này cũng liên quan đến hệ quy chiếu của dòng sông này.

Về mặt thông thương từ Đồng Dương có thể giao thông thuận lợi theo đường thủy đi ra biển và tỏa ra các hướng Nam – Bắc theo hai ngả khác nhau. Như vậy phía hạ lưu có đến hai thương cảng cho vương quốc cổ, trong đó quan trọng nhất vẫn là Hội An – Cù Lao Chàm. Đó chính là cơ sở kinh tế cho một vương triều tồn tại và phát triển. Vì thế trong vòng hơn 100 năm bá chủ toàn cõi Chămpa xưa, vương triều này đã kịp để lại hàng loạt di tích kiến trúc và bia ký trên khắp lãnh thổ từ Quảng Bình cho đến Ninh Thuận. Indrapura là vương quốc có nền kinh tế hưng thịnh và nền chính trị liên hợp mạnh nhất kể từ khi nó ra đời.

Vị trí kinh đô nằm phía Nam sông Ly Ly cách bờ biển không xa lắm nếu đi xuôi đường sông mất khoảng nửa ngày. Đây là khu vực trung du với dạng đồi núi thấp, xen kẽ ruộng đồng.

Kinh đô Indrapura nằm gọn trong cánh đồng Đồng Dương rộng khoảng 2km2 (Theo kiến giải của những nhà nghiên cứu Pháp thì Đồng Dương có nghĩa là cánh đồng thiêng. Tiếng “Dương” là biến âm của tiếng “Yan”- trời, linh thiêng trong ngôn ngữ Chăm). Đó là một thung lũng hình chữ nhật ba mặt Đông, Nam, Tây được đồi núi cao bao bọc. Phía Bắc là dòng Ly Ly, cửa ngõ thông thương với bên ngoài được bố trí rất kín đáo.

Đứng trên đỉnh Trà Cai – ngọn núi cao nhất bao bọc kinh thành ở phía Tây Nam, ta có thể bao quát toàn bộ kinh đô bên dưới như một lòng chảo rộng ôm trong mình những đồi núi thấp hơn. Đây là nơi phân bố các kiến trúc kinh đô, phía Tây là khu tôn giáo, phía Đông là khu hoàng cung. Hai trung tâm thần quyền và vương quyền này nằm cách nhau khoảng 1km. Kế đến là một tòa thành quân sự lớn giáp 2 mặt suối Ngọc Khô – Bà Đặng án ngữ đường vào kinh thành ở phía Đông. Dọc theo hai bên bờ suối Ngọc Khô ở phía Bắc chảy vòng qua thành được bố trí thêm hệ thống các tháp canh. Đây là kinh thành không có thành lũy nhân tạo bao bọc tổng thể mà dựa vào lợi thế phòng thủ của địa hình tự nhiên. Tuy vậy, các khu chức năng riêng như khu tôn giáo và hoàng cung đều có hệ thống thành lũy bảo vệ riêng và bố trí rất khoa học.

– Từ Phật viện có một con đường cổ dạng bờ lũy chạy về hướng Đông khoảng 750m, băng qua một cánh đồng và mép của một quả đồi nhỏ thì đến cửa phía Tây của khu hoàng cung-trung tâm chính trị của Indrapura. Khu vực hoàng cung kinh đô Indrapura chính là khu vực Ao Vuông.

– Nguyên thủy đó là một quả đồi thấp, sát đồng bị tách ra với phần còn lại ở hướng Đông bằng một đường thủy hào để tồn tại độc lập. Trên đồi đó người ta lại đào tiếp một cái ao hình chữ nhật kích thước khoảng 100x180m. Toàn bộ số đất đào này được đắp thành dạng lũy vuông vức và bằng phẳng chạy vòng theo Ao Vuông.

Quả đồi nhân tạo này được tạo dáng khá cẩn thận, mặt bằng tổng thể của nó hình chữ nhật lồi, hướng hơi lệch Tây Bắc. Bao quanh khu hoàng cung là đường thủy hào nhân tạo để phòng thủ.

– Từ cầu Ông Triệu rẽ lên rừng, Thành nằm mạn Nam của suối sẽ gặp một tòa thành quân sự cổ, gọi là thành Vuông. Đây là một tòa thành có hai lớp. Lớp trong có tường dày xây bằng gạch bao quanh, bình đồ hình vuông hướng lệch Đông Bắc. Tại vị trí 4 góc thành đều có dấu tích tháp canh. Thành Vuông xây tại vị trí cao nhất tại đỉnh đồi đồng thời được tôn thêm một lớp đất dày cao hơn mặt đất tự nhiên trung bình 1m nên khi đứng bên ngoài nhìn vào trông thành nội như một quả đồi hình vuông. Đây có lẽ là đầu não quân sự của Vương quốc Chăm thế kỷ thứ X.

– Thành ngoại chỉ còn dấu tích nền móng bằng gạch bị đứt quãng có chỗ chạy song song với các cạnh của thành nội, quy mô rộng hơn khá nhiều. Khoảng không gian giữa thành nội và thành ngoại khá bằng phẳng. Có thể đây là khu vực doanh trại cho những binh đoàn bảo vệ kinh đô.

– Dọc theo con suối Ngọc Khô án ngữ phía Bắc kinh thành cổ được bố trí các tháp canh. Hiện tại chỉ còn 5 cái, bốn cái được phân bố mặt Nam con suối tức bên phía kinh thành, cái còn lại nằm bên bờ đối diện. Hiện trạng các tháp canh này đã đổ nát chỉ còn lại một khối gạch vụn và dấu tích chân thành phụ hình chữ nhật rộng khoảng 500m2.

Trước những năm 1970, các tháp này vẫn chưa sụp đổ. Chúng có bình đồ hình vuông, phần thân là một khối gạch xây hình tứ giác cụt. Trong lòng là hệ thống bậc thang xây gạch chạy vòng theo chân tường lên tới đỉnh. Độ cao cho mỗi tháp canh khoảng 10m.

– Khu chế tác đá cổ của người Chăm xưa nằm trên đỉnh núi Trà Cai thuộc xã Bình Trị. Đỉnh núi có hình thù kỳ lạ nằm sát quốc lộ 14E. Đó là ngọn núi cao nhất nằm trong hệ thống núi bao bọc quanh kinh đô Indrapura nằm về phía Tây Nam cách Phật viện – nơi tập trung nhiều tác phẩm điêu khắc đá gần 1km. Đỉnh núi được cấu tạo từ những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau tạo thành một hang tự nhiên lớn. Trong thời chiến tranh, đây là một địa điểm trú ẩn của du kích.

Tại đây xuất hiện nhiều phôi đá dạng sơ chế được bóc tách ra từ những tảng đá lớn. Về chất liệu đá theo quan sát khá giống với đá tại di tích Đồng Dương đó cùng là loại sa thạch không mịn lắm, thịt màu xám trắng. Nếu mở rộng quan sát sang các vùng lân cận sẽ thấy người Chăm xưa có một quá trình chọn lọc đá rất kỹ lưỡng. Dấu tích còn lại rõ ràng nhất là một tảng đá cỡ trung bình còn nhiều vết cưa dang dở. Đó cũng là kỹ thuật tách đá đặc biệt dễ đem lại hình khối chính xác nhất mà không bị bể vụn hoặc hao hụt đá. Trên những tảng đá lớn còn xuất hiện những đường đục khoét cổ khác thường. Nhiều người cho rằng đó là một văn tự cổ, hay một sơ đồ kho báu bị lu mờ.

Phật viện Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chămpa cổ mà của cả khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Đây được xem là một thánh địa Phật giáo bởi quy mô đồ sộ của dấu tích kiến trúc còn lại và sự lan tỏa, ảnh hưởng về mặt văn hóa của nó với những khu vực xung quanh.

Phật viện là một quần thể kiến trúc lớn nằm gọn trong một bức tường thành hình chữ nhật, cạnh dài chạy theo hướng chính Đông – Tây kích thước khoảng 155mx326m gọi là thành ngoại. Vết tích nền móng còn lại cho thấy đây là một bức tường thành khá lớn và cao. Thành ngoại chứa 3 cụm kiến trúc đồng trục Đông – Tây và 3 hồ nhân tạo lớn. Có 2 hồ ở góc Đông Bắc và một ở góc Đông Nam. Ngày nay một cái đã bị san lấp làm ruộng. Ngoài ra, góc Đông Nam của thành ngoại còn có vết tích kiến trúc của một tòa nhà dài.

Thành ngoại có hai cửa Đông và Tây. Hiện tại vết tích cổng rất mờ nhạt; cửa Đông là một kiểu kiến trúc rất đồ sộ, có dạng tháp. Hai bên cửa ra vào có tượng thần gác cổng, còn cửa phía Tây thuộc về phía sau của Phật viện.

Bên trong thành ngoại lại có thành nội. Thành nội bao lấy đền thờ trung tâm trong đó có tháp chính mà một phần còn lại ngày nay được chống đỡ. Thành nội còn có một tháp đặc biệt còn gọi là Tháp Giếng. Tháp nằm phía góc Tây Nam của thành nội, nguyên trong tháp có một cái giếng mà ngày nay đã bị vùi lấp. Theo lời truyền miệng đó là cái giếng ăn thông với khu vực Ao Vuông. Nếu ném một trái bưởi xuống giếng thì hôm sau sẽ phát hiện trái bưởi tại Ao Vuông. Nhiều người cho rằng có một đường huyệt đạo bí mật dẫn thủy liên kết giữa khu Hoàng cung và Phật viện. Đây có thể là con đường thoát hiểm của hoàng tộc hoặc có thể là một kỹ thuật cấp nước trong giếng cổ trong hệ thống giếng của người Chăm xưa. Đó cũng là một hướng giải thích cho cái giếng thiêng không vơi không đầy trên đỉnh đồi nhà thờ Đức mẹ Trà Kiệu.

Có thể người Chăm xưa đã biết áp dụng “nguyên lí hai bình thông nhau”. Với kĩ thuật gốm phát triển, họ đã đúc những ống gốm dẫn nước đặt ngầm trong lòng đất. Những ống này sẽ lấy nước từ khu vực nước có chất lượng cao và có cao trình bằng với cao trình nước mà họ muốn khống chế. Điều này giải thích tại sao nước trong giếng Chăm cổ rất trong sạch trong khi nước giếng đào trong khu vực bị nhiễm phèn nặng, hoặc mực nước của họ nằm trên lưng chừng đỉnh đồi mà không vơi không đầy giống như có ma lực.

Đáng tiếc là khu di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Champa đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh, hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc. Năm 1901, L.Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh), tượng Phật đứng trên tòa sen, Phật mặc áo cà sa để hở vai bên phải, các nếp áo uốn cong xếp theo hình các luống cày, 2 tay bắt ấn đưa về phía trước.

Theo các nhà nghiên cứu thì pho tượng này mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn Độ. Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật khu Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quí giá.

– Theo khảo tả của H.Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m.

+ Khu đền thờ chính: nằm trong một khu vực hình chữ nhật, dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Khu đền thờ chính gồm có 3 nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch.

+ Nhóm phía Đông : chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tư viện Phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài này có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có bộ khung gỗ và lợp ngói. Trong khu vực này có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, được chạm trổ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế. Phía trên bệ thờ là một pho tượng Phật Thích Ca rất lớn, ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Champa ngồi trên ngai vàng, hai chân buông thòng xuống, Phật khoác áo choàng phủ bên vai phải buông xuống cổ tay, đầu của pho tượng Phật này đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pháp), chiếc đầu trên pho tượng hiện nay ở Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Champa Đà Nẵng được làm bằng đất sét, không giống với nguyên bản. Trong khu vực này còn tìm thấy một số tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ giáo luật của đạo Phật) ở trên những bệ đá cạnh hai hàng cột gạch. Hiện nay tại BTĐK Champa Đà Nẵng đang trưng bày nhóm 3 tượng ký hiệu 3.5, 3.6, 3.7, gồm 2 pho tượng ngồi theo kiểu Java và một pho tượng đứng theo kiểu lệch hông. Những pho tượng này có gương mặt hơi nặng nề, lông mày giao nhau, cánh mũi lớn, bộ ria mép rậm trên đôi môi dày, bộ râu quai nón được tỉa ngắn. Đầu đội Mukuta có 2 tầng, được trang trí 3 đóa hoa lớn hình lá đề, đeo đôi hoa tai lớn. Y phục là loại sampot có thân lớn ở phía trước, được trang trí những hình hoa và sọc và xen kẽ.

Theo H.Parmentier thì đây là những tượng thần Siva bởi giữa trán những nhân vật này có con mắt thứ ba hình thoi, nhưng theo J.Boisselier, đó là những Daharmapala với một Urna hình thoi trên trán.

+ Nhóm giữa : chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dày lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên 2 vách tường có nhiều cửa sổ. Ngôi nhà này cũng được lợp ngói. Ở đây có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Champa.

+ Nhóm phía Tây : gồm các đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Champa; với mặt bằng hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ ốp tường được chạm những dải hoa văn cành lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương. Quanh chân tháp trang trí những hình đầu voi và những hình tháp thu nhỏ nằm xen kẽ nhau. Trong đền thờ có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dải hoa văn hình vết sâu bò, những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Những đường nét thể hiện trên các tượng người ở Đồng Dương được thể hiện cường điệu quá mức, đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, mũi to, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm. Tượng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực quá lớn.

Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Nữ thần làm bằng đồng thau, cao 114 cm, ở gần khu đền thờ chính. Đây là pho tượng Bồ Tát Laskmindra – Lokesvara, Nữ thần đứng thẳng, hai cánh tay để dọc theo thân, hai bàn tay cầm hai đóa sen đưa về phía trước, thân trên để trần, lộ ra bộ ngực lớn và tròn; thân dưới mặt một sarong dài chấm mắt cá chân, tấm choàng ngoài sarong xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong để lật một múi ra ngoài. Gương mặt Nữ thần mang đậm nét phong cách Đồng Dương; hai hàng lông mày rậm và giao nhau, cánh mũi to, môi dày; ở giữa trán Nữ thần có con mắt thứ 3 hình thoi, có lẽ được khảm bằng một hạt ngọc (đã bị mất từ lâu); mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật A-Di-Đà. Pho tượng này không những là tượng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Champa mà chúng ta đã biết, theo J.Boisselier, đây còn là một trong những tượng đồng Tara quan trọng nhất ở vùng Đông Nam Á. Các nhà nghiên cứu cho rằng trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính.

Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa từ giữa đến cuối thế kỷ IX.

Qua những điều đã nêu trên, chúng ta biết được vương triều Đồng Dương (Indrapura) được xây dựng từ năm 875, nhưng đã mất đi từ lúc nào do chiến tranh.

Tuy vậy, phong cách Đồng Dương thông qua phòng trưng bày ở viện bảo tàng Đà Nẵng, rồi đến Phật viện Đồng Dương trên đất bản địa đều có thể gây ấn tượng mạnh đối với du khách, đó là những nét đẹp sống động mạnh mẽ đến táo bạo. Thông qua những cổ vật còn lại đã phản ảnh được thời đại cực thịnh của một vương quyền khẳng định bằng sức mạnh của chính mình, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc Chàm lên hàng tột đỉnh. Dưới góc độ tôn giáo, Đồng Dương đã đóng góp đặc sắc vào nghệ thuật Phật giáo của nhân loại, mẫu mực trong cách phô diễn, trong ý nghĩa tượng thờ, phù điêu, bố cục và cũng thuộc loại hiếm hoi trong số di tích Phật giáo cổ xưa còn lại tới hôm nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.

Bài do tác giả Cubscout Vietnam tổng hợp trong Hội thảo mới đây ở Quảng Nam

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB