Văn học là một hình thái ý thức xã hội, gắn liền với xã hội cụ thể. Do đó, văn học của một dân tộc phải gắn liền với lịch sử dân tộc ấy. Văn học Trung Quốc cũng vậy, cuộc sống và con người bản xứ đã phản ánh và in dấu trong nền văn học. Văn học không chỉ là tấm gương phản chiếu đời sống mà còn là hình bóng của đời sống gắng liền với lịch sử trong quá trình phát triển của mình.
Ngay từ những năm đầu công nguyên, Phật giáo đã bắt đầu truyền vào nội địa Trung Quốc, lưu truyền và phát triển cho đến nay đã được hơn 2000 năm. Là một tôn giáo phát xuất tại Ấn độ được thỉnh mời đến đất nước Trung Quốc, Phật giáo đã trải qua các thời kỳ sơ truyền, cách nghĩa tỷ phụ, xung đột, thay đổi, thích ứng, dung hợp, dần dần đã thẩm thấu sâu sắc vào trong văn hóa Trung Quốc, đối với sự phát triển văn hóa lịch sử Trung Quốc phát sanh nhiều mặt ảnh hưởng lớn. Văn học là bộ phận không thể thiếu được khi đánh giá toàn diện suốt chiều dài phát triển cùng lịch sử văn hóa Trung Quốc. Nói đến văn học nghĩa là nói đến tính nghệ thuật trong văn chương, do đó không phải toàn bộ kinh sách Phật giáo đều có tính văn học, nhưng Phật giáo thật sự có một nền văn học thật là hoành tráng. Trong Phật điển Hán tạng vào thời kỳ đầu, kinh điển của Phật giáo giàu sắc thái văn học nhất là kinh Pháp Cú. Những lời vàng ngọc của đức Như Lai được cô đọng lại thành những câu kệ vừa trong sáng, vừa sâu sắc. Kinh Thí Dụ, kinh Bản Sanh cũng là những tác phẩm văn học đậm đà tính chất cổ tích. Các tác phẩm viết bằng tiếng Phạn nổi tiếng có Phật Sở Hành Tán (Buddha-carata) của ngài Mã Minh (sống vào thế kỷ thứ II tán thán đức Phật). Hý khúc Xá-lợi-phất Chi Sở Thuyết (viết về ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên), Tôn-đà-lợi Nan-đà-thi (Saundarananda-Kàvya) nói về sự tích em cùng cha khác mẹ của Phật là Nan-đà, đây là những tác phẩm văn học có từ rất sớm. Các tác phẩm viết bằng văn Pàli nổi tiếng nhất là các bộ Pháp Cú kinh chú, Bản Sanh kinh do ngài Phật Âm (Buddha Ghosa) soạn vào thế kỷ V. Khi Đại thừa phát triển, kinh điển Phật giáo trở thành một kho tàng quý báu về văn học, như kinh Duy-ma, kinh Hoa Nghiêm, đặc biệt là kinh Pháp Hoa vừa phong phú về ngôn từ hình ảnh, vừa thoáng đạt trong cách nghĩ, cách nhìn …mang tính văn học rất cao, trở thành tác phẩm văn học vĩ đại và tráng lệ nhất của nhân loại.
Người ta cho rằng kinh Pháp Hoa đã được ghi chép vào khoảng 700 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Những thay đổi của Phật giáo trong bảy trăm năm đầu đã tạo nên một mẫu thức thay đổi cho suốt cả lịch sử lâu dài của nó. Chúng ta nghĩ rằng sự việc này có một ý nghĩa sâu xa. Theo tài liệu lịch sử Phật giáo của Nguyễn Lang và một số tài liệu phổ biến đương thời, thì Phật giáo đại thừa có mặt tại Ấn độ vào khoảng giữa thế kỷ thứ I BC đến thế kỷ thứ I AC. Kimura Taiken thì cho rằng thời kỳ đại thừa là thời kỳ phát triển các bộ phái, xuất hiện rõ rệt vào khoảng thế kỷ thứ II AC, dựa vào các tài liệu trước tác ở Ấn và các tài liệu phiên dịch của hình thức Hoa. Tuy nhiên về phát triển đại thừa thì có thể tin vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch.
Thỉnh Phật được xác định trong phẩm phương tiện, khi đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề. Muốn đem pháp tối thượng giảng dạy, Ngài quan sát thấy chúng sanh trí kém, đang bị nung nấu trong nhà lửa tam giới. Nếu Ngài chỉ nói “Nhất Phật thừa” họ không thể hiểu, sẽ chìm đắm trong sanh tử.
Pháp Phật chứng được không tự vắng lặng, chỉ có chư Phật mới thấu tột và không thể diễn tả bằng ngôn ngữ phàm phu. Muốn chỉ cho chúng sanh tướng chân thật, Ngài phải dùng phương tiện. Trong 49 năm thuyết pháp, Phật dùng vô số phương tiện nói các pháp giúp cho chúng sanh xa rời ngũ dục thế gian. Đối với Pháp Hoa chúng ta có dịp được tận hưởng nhiều pháp âm huyền diệu, mỗi lời kinh chứa đựng muôn ngàn thâm ý sâu kín. Muốn tận hưởng phần nào sự màu nhiệm ấy, chúng ta phải đi vào tìm hiểu kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa, vì kinh Vô lượng nghĩa là cửa dẫn vào thế giới Pháp Hoa.
Theo Ngài Thiên Thai, thọ trì Pháp Hoa tam đại bộ gồm Vô lượng nghĩa, Pháp Hoa và Quán Phổ Hiền mới trọn vẹn được. Trước khi Phật giới thiệu pháp hội vượt ngoài tầm thấy biết của con người. Ngài nói kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa hay nói những gì mà tâm thức con người không thể tiếp thu được và sự vật luôn biến đổi không dừng. Lúc trước chúng hội tu hành theo mô hình cố định để diệt trừ tham sân si phiền não. Đến nay bước vào thế giới Vô lượng nghĩa thâm nhập vào dòng thánh trí tuệ Như Lai, không còn khuôn mẫu cố định nào có tác dụng được cả.
Tất cả các pháp trôi chảy miên viễn biến hóa linh hoạt vô cùng tận, chỉ hiện hữu những Bồ tát đa dạng, tùy loại hiện thân để cứu độ chúng sanh. Linh hoạt tánh của Vô lượng nghĩa diễn nói vô cùng tận.Trụ trong Vô lượng nghĩa, một câu một chữ trong kinh mang ý nghĩa biến đổi không lường, là nhịp cầu đưa hành giả đến thế giới màu nhiệm của pháp thân và báo thân Phật.
Như vậy, chính kinh Vô lượng nghĩa được triển khai đầy đủ qua 3 phẩm của kinh: Đức hạnh, Thuyết pháp và Công đức. Ba phẩm này tiêu biểu cho 3 tầng kiểm tra tư cách hành giả, vượt ra 3 tầng này, hành giả là mẫu người lý tưởng tràn đầy tư cách thánh thiện để bước vào cảnh giới màu nhiệm Pháp Hoa.
Đến hội Linh sơn, hàng A-la-hán dứt sạch chấp trước, lên bờ giải thoát, bấy giờ Ngài mới chỉ bày chân lý Pháp Hoa bằng cách khai tam thừa nói nhất thừa hay khai phương tiện bày chân thật. Vì vậy, bộ kinh Pháp Hoa là bộ kinh có vị trí quan trọng trong nền giáo lý, được đức Phật sử dụng phương tiện nhiều nhất để xiển dương giáo lý đại thừa. Giá trị của kinh Pháp Hoa không chỉ giới hạn trong 28 phẩm, mà nó gồm toàn bộ giáo điển Phật kiết tập.
Tên kinh Saddharma-Dundànke hatra theo Ngài Cưu-ma-la-Thập dịch là Diệu Pháp Liên Hoa tên nói gọn là Pháp Hoa. Theo truyền thống Phật giáo, hoa sen là biểu tượng của chân lý, Diệu Pháp là vô nhiễm. Tên kinh đã nói gọn nội dung, cho rằng tất cả chúng sanh có thể giải thoát trọn vẹn giữa dòng đời ác trược.
Bộ kinh Pháp Hoa được nghiên cứu ở đây là do Ngài La-Thập dịch 7 quyển, 28 phẩm. Ngài Thiên Thai chọn bản kinh này là bản kinh chính yếu để lập tông và chia 28 phẩm này làm 2 phần. Phần đầu gồm 14 phẩm gọi là Tích môn, phần sau gồm 14 phẩm cuối gọi là Bổn môn. Môn ở đây không phải là cửa mà là phương tiện.
Phần Tích môn nói sự giáo hóa của đức Phật có dấu tích biểu hiện ra giữa trần gian cho chúng ta nghe thấy được, thấy được rõ ràng thì gọi là Tích môn. Trong phần này phẩm phương tiện là trung tâm điểm. Phẩm này gọi là Pháp thuyết châu, cũng chỉ bày tri kiến Phật, nhưng chỉ có bậc đệ tử thượng trí như tôn giả Xá-lợi-phất mới lãnh hội đủ.
Phương tiện là gì? Phương là phương pháp, tiện là thuận tiện. Nghĩa là pháp dùng một cách thuận tiện. Chữ Phương tiện có nhiều nghĩa.
Nghĩa thứ nhất, chữ Phương tiện không chỉ dành riêng cho Pháp Hoa, mà còn có trong toàn thể các bộ phái Phật giáo, như diễn đạt rằng: Hết thảy kinh điển đều như ngón tay chỉ mặt trăng, hay giáo lý như chiếc bè để vược qua sông. Nghĩa thứ hai, các hình ảnh biểu hiện của khung cảnh nói pháp cũng là một hình thức diễn bày diệu pháp mà hàng thượng trí có thể liễu ngộ. Cả pháp giới đang nói diệu pháp, vì cả pháp giới đều là diệu pháp, chúng ta là kẻ thiếu trí tuệ thiếu khả năng thấy nghe và hiểu. Chính các pháp đang phơi bày tính duyên sanh của chúng qua nhiều dạng biểu hiện. Sự kiện thành đạo của Thế Tôn đã nói lên diệu pháp, nhưng hàng đệ tử hữu học không nghe thấy nên Ngài phải dùng phương tiện chuyển bánh xe pháp. Nghĩa thứ ba, do vì cảnh tánh chúng sanh bất đồng nên Thế Tôn đã chỉ dạy diệu pháp vào con đường qua nhiều dạng khác nhau. Do vì ý chí và khả năng trí tuệ của chúng sanh có giới hạn và không đồng nên Thế Tôn thiết lập nhiều pháp tu để dẫn dắt từ ác đến thiện, từ hữu học đến vô học, từ tự độ đến độ tha, từ sanh tử đến giải thoát, rồi đến thể nhập pháp thánh. Ngay cả cái nói “Thật tướng, Niết bàn, Vô tướng…” cũng chỉ được sử dụng như phương tiện, bởi chúng chỉ là cái xác chết của khái niệm, nhất là chúng đang được đón nhận bởi những tâm thức đầy ngã tướng.
Nội dung trọng yếu của phẩm phương tiện đó là mục tiêu của đức Phật ra đời, chỉ nhằm khai mở tri kiến Phật, chỉ cho chúng sanh thấy tri kiến Phật, làm cho chúng sanh nhận rõ tri kiến Phật và giúp cho chúng sanh đi vào tri kiến ấy, nghĩa là thành Phật. Chỉ có một Phật thừa là con đường dẫn chúng sanh đến quả vị Phật không có hai hay ba thừa nào khác. Ba đời chư Phật, hiện tại, quá khứ, vị lai cũng đều dạy như vậy và chúng sanh nghe theo tu hành đều sẽ thành Phật. Nhất thừa ví như gương sen, tam thừa ví như cánh sen. Nương theo tam thừa đạt nhất thừa thì tam thừa không cần nữa. Khi ở bờ mê thì dùng thuyền làm phương tiện để đưa ta đến bờ giác. Bỏ tam thừa để không kẹt vào pháp thế gian. Nhờ Phật khai phương tiện mới chứng chân thật tướng
Lời Phật là kim ngôn, là huyền thâm tuyệt mỹ, chúng ta không thể nào giải bày hết được, âu đó cũng là sự giới hạn trí tuệ chúng sanh. Tuy nhiên văn hóa của con người đều là sản phẩm trong tư duy con người. Một xã hội thật sự văn hóa thì điều trước tiên con người phải văn hóa. Nói đến văn hóa thì không thể thiếu phần văn học, văn học là một phần quan trọng và cũng là cái hay cái đẹp trong các tác phẩm văn chương.
Pháp Hoa là một bộ kinh rất cao quý, tóm thâu tất cả các giáo lý mà Phật đã dạy cho đệ tử suốt 45 năm. Trước khi thuyết kinh này, vì căn cơ của hàng đệ tử không đồng, Ngài đã dùng phương tiện để dẫn dắt họ đến nhất thừa đạo. Khi thành tựu được tam thừa (Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa), đến đây Phật mới dạy pháp môn ấy chỉ là phương tiện để bước lên nhất thừa. Vì chúng sanh căn tánh có ba nên giáo pháp Phật có ba thừa, trên thực tế thì Phật chỉ có một pháp duy nhất. Vì chúng sanh không bắt kịp trí tuệ thậm thâm của Phật, Ngài phải phương tiện ứng theo trình độ của họ mà khai ngộ.
Vì cái thực của Phật, mọi người không hiểu được, Ngài phải đưa ra cái không phải của Phật, mà cũng không phải thật nhưng gần với chúng sanh để họ nhận ra. Ý này thường được diễn tả rằng giáo lý Phật giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Giáo lý không phải là chân lý cũng như ngón tay không phải mặt trăng. Nhưng nhờ ngón tay chúng ta thấy mặt trăng, nhờ giáo lý chúng ta tiến đến chân lý.
Ngôn ngữ trong phẩm phương tiện biểu đạt đầy đủ cách nhìn của chân lý, thông thường đều có thái độ phủ định. Đối với thái độ biểu đạt chân lý của ngôn ngữ chữ viết không lạc quan, cơ bản ngôn ngữ dùng để tải chân lý, nhờ ngôn ngữ nên chúng sanh có thể hiểu được chân lý mà đức Phật muốn nói đến, khi đã ngộ ra chân lý rồi thì ngôn ngữ cũng chỉ là phương tiện mà thôi.
Phương tiện của Phật có hai phần, phương tiện lực và phương tiện trí lực. Phần truyền vào cho hành giả để hiểu biết suy luận thuộc phương tiện trí lực của Phật. Phương tiện lực thì thực biến vạn hóa. Tùy căn cơ hoàn cảnh từng người mà Phật ban cho họ phương tiện thích nghi khác nhau, dù thuận hay nghịch, dù tốt hay xấu đều đưa hành giả đến giải thoát.
Tinh thần nhân bản trong nhà Phật cũng được nhắc đến trong phẩm Phương tiện. Phật giáo chú trọng đến con người lấy con người làm gốc. Hạnh phúc sung sướng hay khổ đau đầy đọa cũng đều do nơi con người. Phẩm Phương tiện đặt con người vào trọng tâm, giáo dục con người làm thế nào để đạt được an lạc giải thoát. Hệ thống giáo nghĩa đại thừa ra đời nhằm phát huy giáo nghĩa của đức Thế Tôn đến đỉnh cao hơn và dễ dàng truyền bá đối với thời bấy giờ. Tuy nhiên, dù là hệ thống giáo nghĩa phát triển thế nào đi nữa thì cũng không xa rời tinh thần nhân bản ấy. Trong phẩm Phương tiện đức Thế Tôn ra đời là vì một đại sự nhân duyên “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”
“Xá lợi phất! sao nói rằng các đức Phật Thế Tôn chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời? Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời, vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời, vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời, vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời” (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).
Lập trình nhân bản trong phẩm Phương tiện không chỉ đề cao con người mà còn hướng dẫn con người xây dựng một cuộc sống hiện tại tốt đẹp.
“Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa
Thị pháp trụ pháp vị
Thế gian tướng thường trú
Ư đạo tràng tri nhĩ
Đạo sư phương tiện thuyết…”
Việt văn:
Chư Phật, các bậc tròn đức và tuệ
Tuyên dạy nhất thừa vì các ngài biết rằng
Tất cả pháp là vô tự tánh
Quả thật là từ duyên khởi
Bậc đạo sư tuyên dạy Pháp với các phương tiện
Sau khi chứng ngộ nơi đạo tràng rằng
Đây là chỗ trú của pháp, là vị trí của pháp
Thực tại của cuộc đời là thường như vậy.
(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
Bài kệ trên đức Thế Tôn đã xác định rõ vũ trụ vạn hữu này là duyên sinh. Nhân duyên sinh là sự thật. Nên đức Thế Tôn chỉ nói lên một sự thật, chỉ giới thiệu một thừa pháp là thật tướng vô ngã tướng: Tất cả là một, một là tất cả và là duyên sinh vô ngã. Thấy rõ sự thật đó thì ánh sáng trí tuệ xuất hiện, những ngu si mờ ám bị tiêu diệt. Như thế vô minh diệt tức là sầu bi khổ ưu não diệt.
Con người sinh ra là để hạnh phúc, để phục vụ cho mục tiêu hạnh phúc. Vì thế muốn có được cuộc đời an lạc và hạnh phúc tâm hồn cần phải tìm hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Nhìn lại quá khứ lịch sử hình thành xã hội, con người từ những bộ tộc tiến dần đến xã hội công xã, xã hội phong kiến. Tất cả cũng vì mục đích tìm hạnh phúc cá nhân và xã hội ngày một tốt hơn. Đó cũng là tính nhân bản, tuy nhiên thời bấy giờ tinh thần ấy không phát triển nỗi vì mang những tư duy ngã tính của con người và xã hội. Đến thời Khổng Tử, Ông ta cho xây dựng một xã hội yên bình trên tinh thần nhân bản cao hơn nhưng cũng mang một quá trình đầy tư duy ngã tính. Tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử cũng mang màu sắc của tư duy ngã tính. Đức Thế Tôn ra đời đưa tinh thần nhân bản đi đến tuyệt đỉnh. Tư tưởng “tâm bình thì thế giới bình” đó là sự thật, là chân lý. Để thực hiện tư tưởng ấy, để tinh thần nhân bản được rốt ráo, phẩm Phương tiện đã chỉ ra con đường ấy một cách độc đáo, con đường đi đến sự thật tuyệt đối của cuộc đời. Để bước vào sự thật ấy, đức Phật đã phải vận dụng nhiều quyền biến mang tính chất tạm thời. Sự quyền biến chính là Phương tiện, là thềm thang, là cửa ngõ dẫn vào cứu cánh. Sự thật của cuộc đời khó hiểu khó nhận. Nói ra chỉ làm cho con người hoảng sợ, không tin tưởng vào bản thân, mà bản thân mất lập trường thì sẽ ra vào nẻo ác, chìm vào biển khổ đau; còn không nói ra thì mất đi bản hoài của chư Phật. Con người khó thấy biết sự thật, bởi vậy đức Phật mới khai triển tam thừa nói nhất thừa. Khi đạt được tam thừa thì thọ ký thành Phật. Đây là tinh thần nhân bản rốt ráo, là con đường dẫn dắt loài người đến nơi an lạc hạnh phúc. Vì sao? Vì nơi đây mọi người đều bình đẳng, suy nghĩ và thực hành bằng những phương pháp giải thoát. Nơi đây tất cả chúng sanh đều có thể vào Phật đạo từ bất cứ mặt nào.
“Nếu có loài chúng sanh
Gặp các Phật quá khứ
Hoặc nghe pháp bố thí
Hoặc từ giới nhẫn nhục
………………………
Người cúng dường xá lợi
………………………
Nhẵn đến đồng tử giỡn
Nhóm cát thành tháp Phật
……………………….
Nếu người lòng tán loạn
Vào nơi trong tháp miếu
Một xưng Nam Mô Phật
Đều đã thành Phật đạo”.
(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
Muốn thấy sự thật ấy là nhập vào tri kiến Phật. Vì tri kiến Phật là tri kiến thông suốt thực tướng của vạn pháp. Thực tướng đó được giới thiệu qua thập như thị.
“…Thôi Xá Lợi Phất! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhất mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.” (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
Mười như thị là mười phương tiện biểu hiện của các pháp. Mười phương tiện biểu hiện ấy đều là do nhân duyên sanh, chúng vô tự tánh, có thể gọi chúng là duyên khởi. Nhìn chúng với cái nhìn duyên sanh gọi là cái nhìn Trung đạo. Thật sự chỉ có duyên khởi mà không có ngã tướng. Tất cả pháp là duyên khởi như thế, đấy là nghĩa thập như thị và đấy là sự thật. Do thấy rõ sự thật ấy mà xa lìa tham ái chấp thủ đi đến chứng ngộ Phật trí. Từ Phật trí thực tướng hiển lộ và thập như thị là thật tướng của cuộc đời.
Nguồn suối phát sinh của đạo Phật là một sự giác ngộ về sự thật của cuộc đời, vì vậy đạo Phật có tính cách vượt lên trên cuộc đời. Có người nghĩ rằng đạo phật quá cao siêu huyền bí, không thể thực hành được bởi những người bình thường trong thế giới của chúng ta hằng ngày. Sự suy tàn của tất cả chúng sanh nhằm chỉ những mâu thuẩn sinh khởi do những khác biệt bên ngoài của bản tính con người. Vì con người không nhận ra được tất cả mọi người đều được thấm nhuần bằng một sinh lực lớn lao là “tri kiến Phật”. Con người giác ngộ đi vào cuộc đời bao giờ cũng đem tâm niệm giải thoát, không tham đắm không chấp trước. Vấn đề giác ngộ ở đây không có nghĩa là một sự nhận thức bằng suy luận mà là một sự tiếp xúc thẳng với bản thân thực tại, một sự thể nhập thực tại, một sự thể nhập không cần đến khí cụ trí thức suy luận. Với phẩm Phương tiện đức Phật đã chỉ dạy một nền giáo lý rất khoa học, một con đường thực tại mà ai cũng có thể bước đi trên đó. Đến với phẩm phương tiện là cơ hội giúp cho chúng ta có đủ cơ sở lý luận được tất cả và tất cả phương tiện Phật sử dụng trong kinh Pháp Hoa nói riêng và kho tàng kinh điển đại thừa nói chung.
Vận dụng tư tưởng Phật giáo đại thừa không cố chấp vào mô hình cố định nào để phát huy tinh thần đạo Phật. Khéo vận dụng giáo lý, những phương tiện khác nhau tùy hoàn cảnh, tùy sinh hoạt từng nơi, từng thời kỳ làm sao dung hòa lời Phật dạy với dân tộc tính, văn hóa từng nơi, tạo thành sức sống mảnh liệt chỉ đạo sinh hoạt xã hội. Chính nhờ sử dụng phương tiện một cách khéo léo mà Phật giáo Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng, ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn học Trung Quốc.
Kinh Pháp Hoa là một bản trường ca về tính nhân bản hào hùng và con đường sống toàn diện đầy nghệ thuật. Lộ trình đi đến giải thoát của kinh Pháp Hoa là một con đường hoa thơm ngát, xây dựng mẫu người lý tưởng, đầy đủ giới định tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, kết hợp chặt chẽ và điều hòa tinh thần của vị Bồ tát với hạnh tự lợi và lợi tha, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Như vậy Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng tối thượng thừa. Đây là giáo lý tối thượng dạy cho con người có một cuộc sống đúng theo chân lý, không bị điên đảo vì ảo tưởng trong khi sống trong cõi Ta bà này. Nếu ai hành trì kinh này thì sẽ đem lại lợi ích cho mình cho người, cho xã hội nhân loại và có khả năng nhận biết mình có thể thành Phật thì Đức Phật mới đem sự thật này ra chỉ bày. Chơn lý là lẽ thật của vạn pháp thành, trụ, hoại, diệt, không là chân lý, vì trên bình đẳng môn thì mọi người đều có tâm thanh tịnh như nhau, nhưng vấn đề thành Phật sớm hay muộn đều do mỗi con người gạt bỏ vô minh, bao nhiêu thì tri kiến ấy hiển bày bấy nhiêu gọi là chứng đắc thành Phật.
Qua sự phân tích trên chúng ta thấy được tính văn học trong phẩm phương tiện của kinh Pháp Hoa rất cao. Đức Phật đã áp dụng rất nhiều Phương tiện để chuyển hóa tâm thức của chúng sanh, từ ngôn ngữ đến các quả thánh mà Ngài cũng chỉ dạy đó là phương tiện mà thôi. Giáo pháp của Ngài nói ra tuy khó hiểu nhưng mang tính nhân bản đạo đức giáo dục con người thật tại rất cao. Chính nhờ thế mà tư tưởng đại thừa ngày càng phát triển mạnh ở Trung Quốc và đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn học nước này.
Viên Hải Mặc Nhân
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB