Chân Dung Hòa Thượng Thích Viên Mãn
( 1922 – 2001 )
Hòa thượng thế danh Nguyễn Thanh Tịnh, pháp húy Tâm Trì, tự Chánh Không, hiệu Viên Mãn, sinh năm Nhâm Tuất (1922), trong một gia đình trung nông có truyền thống mộ đạo, nơi miền quê yên tỉnh thuộc thôn Dạ Lê, ngoại vi cố đô Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Thanh Bòng và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nuôi. Thân phụ qua đời lúc Ngài còn thơ ấu. Ngài thường được mẹ dẫn lên chùa từ khi còn chập chững. Hình bóng trang nghiêm của chư tôn thiền đức sớm in đậm vào tâm trí cậu bé có căn tu. Không đam mê các trò chơi đồng ấu, không thỏa mãn lối Nho học trường làng, vào năm Giáp Tuất (1934), khi vừa tròn 12 tuổi, Ngài xin mẹ xuất gia, đầu sư với Hòa thượng Trừng Phổ, hiệu Quảng Tu trụ trì chùa Thiên Hưng và được Hòa thượng cho pháp danh là Tâm Trì. Như vậy, Hòa thượng nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 43 và thế hệ thứ 9 pháp phái Liễu Quán.
Từ đó, Ngài theo thầy ngày đêm học đạo. Ngài được Bổn sư thương yêu dẫn đi hóa duyên khắp trong cung ngoài nội chốn Kinh thành.
Năm Mậu Dần (1938), với tâm nguyện thiết tha cầu học, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa Di với Hòa thượng Huệ Minh tại giới đàn chùa Đại Bi tỉnh Thanh Hóa và bắt đầu cất bước vân du cầu pháp. Hết Bắc lại vào Nam, bước chân bộ hành của Ngài không quản gian lao cách sông trở núi.
Năm Nhâm Thìn (1952), Ngài thọ Cụ Túc giới tại giới đàn được tổ chức ở chùa Thiên Bình, tỉnh Bình Định do Hòa thượng Thích Phổ Chiếu, trụ trì chùa Thập Tháp làm Đàn đầu.
Năm Giáp Ngọ (1954), Ngài nhập chúng tu học tại chùa Phổ Thiên (nay là chùa Phổ Đà-Đà Nẵng) dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thích Tôn Thắng.
Năm Ất Mùi (1955), theo lời đề cử của Hòa thượng Thích Tôn Thắng, Ngài vào trụ trì chùa Tịnh Độ, bắt đầu cuộc đời hành đạo trong phố thị nhỏ Tam Kỳ. Cũng trong thời gian này, Ngài đảm nhận chức vụ Thủ bổn cho Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng.
Chùa Tịnh Độ vốn được xây dựng bằng mái tranh vách đất, đã hư hỏng nặng bởi chiến tranh. Ngài về vận động tín đồ chung sức lợp lại nhà phương trượng bằng tranh lá, tạm làm nơi thờ Phật lễ bái sớm hôm. Tín đồ đến quy y Tam Bảo ngày mỗi đông.
Năm Bính Thân (1956), nhận thấy ngôi chùa cũ nhỏ bé hư dột không kham nỗi lòng cần cầu tu học của quần chúng, Ngài đi vận động khắp nơi, kẻ công người của, thậm chí vay mượn để khởi công xây dựng Phật điện. Sau 2 năm thi công, đến năm Mậu Tuất (1958), chùa Tịnh Độ được hoàn thành trong niềm hân hoan của tín đồ Phật tử gần xa. Sau đó, Ngài chú tâm nhiều đến lĩnh vực hoằng pháp, làm cố vấn giáo hạnh cho sự ra đời của Gia đình Phật tử Hương Sơn, Gia đình Phật tử đầu tiên ở Quảng Tín.
Thuận duyên hoằng hóa, năm Canh Tý (1960), bàn giao chùa Tịnh Độ cho Giáo hội, Ngài tìm lên mảnh đất An Thổ hoang vu, lập am tranh nhỏ, kinh kệ sớm hôm. Chốn tiêu sơ không phụ người hành đạo, mãnh đất khô cằn mồ mã chợt bình an. Ngày ngày cuốc đất trồng cây, đất Bụt yên lành chim rừng về kết tổ. Tín đồ gần xã lần lượt theo về. Am tranh nhỏ như chốn hóa thành bỗng hiện ngôi Tam Bảo. Chùa Kỳ Viên ra đời, xóm An Thổ ngày một đông vui.
Năm Nhâm Tý (1972), Ngài bắt tay xây dựng ngôi Phật điện đơn sơ, nhằm có chỗ cho Tăng tín đồ tu học. Chính sự đổi thay, dù gặp nhiều khó khăn song tâm nguyện hoằng hóa độ sanh của Ngài vẫn hằng kiên định.
Sau năm 1975, tùy duyên hóa đạo, Ngài đảm nhận chức vụ Đặc Ủy Nghi Lễ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
Ngày lại ngày, nắng rồi mưa, chiếc dù móc trên tay, bước những bước dài đều đặn, thanh thản, khắp phố thị đến nông thôn, từ xóm nhỏ triền núi về làng chài ven biển, đâu đâu cũng in dấu chân Ngài. Lời kinh kệ bỗng trầm ngân nga dâng tràn âm thanh giải thoát. Tiếng thuyết pháp thao thao vang động xoay chuyển trần tục lòng người. Bắt nhịp tiếng niệm Phật cho các cụ già trên giường bịnh, khiến cho con trẻ nở toét nụ cười mỗi khi gặp mặt. Ngài như quên mình ngày mỗi già đi.
Đại thọ ngã bóng về Tây, tám mươi tuổi đời, năm mươi hạ lạp, vào lúc 21 giờ ngày 17 tháng 9 năm Tân Tỵ (2001), Ngài an nhiên thâu thần thị tịch.
Quả là:
Thầy mang ngọn lửa ấm nồng,
Một đời thầm lặng soi dòng tử sinh.
Năm mươi năm giữ đạo tình,
Ca sa gói trọn bóng hình chân tu.
Bảo tháp của Ngài được tôn trí trang nghiêm bên phải khuôn viên chùa Kỳ Viên, nơi mà Ngài đã đặt những viên gạch đầu tiên kiến tạo.
GHPGVN tỉnh Quảng Nam
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB