Tiểu sử Hòa thượng Thích Chơn Phát (1931 – 2016)

2342

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN PHÁT (1931 – 2016)

HT chonphat.jpg

Chân dung Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Phát (1931 – 2016) 

I/ Thân thế

Hòa Thượng thế danh Nguyễn Nghi, sinh ngày 13-10 năm Tâm Mùi (1931) tại làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP.Hội An. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Gia pháp danh Ấn Hoa, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Xách pháp danh Như Quý. Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, nhiều đời có người xuất gia học Phật.

Năm Đinh Sửu (1937), thân phụ ngài qua đời, kế tiếp năm sau thân mẫu cũng tạ thế để lại nhiều nỗi thương cảm trong lòng Ngài khi tuổi còn quá nhỏ.

II/ Đạo nghiệp

1/ Xuất gia tu học

-Năm Mậu Dần (1938), Ngài xuất gia tại chùa Long Tuyền (TP.Hội An) với Hòa thượng Phổ Thoại (cũng là chú ruột của Ngài) và được bổn sư ban cho pháp danh là Chơn Phát. Từ đây Ngài hầu Thầy học đạo, tuy là cháu ruột nhưng Hòa thượng bổn sư rất khắt khe so với chúng điệu cùng trang lứa.

Năm 1946, người Pháp trở lại đánh chiếm Việt Nam, Ngài theo dòng người tản cư lên Thanh Châu một thời gian dài. Năm 1949, sau khi hồi cư Ngài nhập chúng tu học tại chùa Phước Lâm do Hòa thượng Đương Như làm trụ trì và ngài được đề cử làm Tri sự chăm lo việc chúng.

Năm Canh Dần (1950) Ngài về lại chùa Long Tuyền hầu Thầy, cũng trong năm nầy, Hòa thượng Bổn sư truyền giới Sa-di cho Ngài và ban pháp tự là Đạo Dũng.

Năm Tân Mão (1951) Ngài được Bổn sư cho nhập chúng tu học tại chùa Chúc Thánh dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng Tăng Cang Thích Thiện Quả.

Đầu năm Giáp ngọ (1954), thấy Hòa thượng Bổn sư sức khỏe yếu dần, Ngài về lại Long Tuyền hầu Thầy. Vào ngày 15-3 năm Bính Ngọ (1954) Ngài được Bổn sư phú pháp hiệu là Long Tôn.

Ngày mồng 9 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1954), Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài cùng môn đồ lo việc tang lễ và xây dựng bảo tháp để báo đáp thâm âm giáo dưỡng của Thầy Tổ. Sau khi tang lễ viên mãn, Hòa thượng Tăng Cang Thiện Quả đã cử Ngài làm tự trưởng chùa Long Tuyền. Tuy nhiên vì muốn thăng tiến trong việc tu học. Ngài đã thỉnh Hòa thượng Đương Như về Trụ trì chùa Long Tuyền, còn Ngài thì vào miền Nam tu học.

Tháng 4 năm Ất Mùi (1955) dưới sự trợ duyên của Hòa thượng Thích Trí Giác, Ngài xuống tàu vào Nam tu học, Ngài trú tại chùa Hưng Long (Sài gòn) và được Hòa thượng Thích Trí Hữu đỡ đầu vào học trường Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang (Chợ Lớn) do Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm Giám đốc. Cũng trong năm nầy Ngài chính thức thọ Sa-di giới tại chùa Ấn Quang do Hòa thượng Thích Huệ Quang làm đàn đầu.

Năm Bính Thân (1957), Hòa thượng thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Hải Đức, Nha Trang vào các ngày mồng 7, 8 và 9 tháng Chạp năm Bính Thân (nhằm ngày 7,8 và 9 tháng 01 năm 1957 do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới.

2/ Phục vụ đạo pháp

Năm Canh Tý (1960) sau khi tốt nghiệp Phật học đường Nam Việt, Ngài được ban Giám đốc cử làm kiểm khán và Giáo thọ Phật học viện Giác Sanh (chi nhánh Phật học đường Nam Việt). Đồng thời, Ngài tham gia vào ban Giảng sư của Hội Phật học Nam Việt đi giảng dạy tại các chùa như Vạn Thọ, Giác Nguyên, Phổ Quang v..v… Cùng thời gian này, Ngài mở các  khóa Giáo lý cho các cư sĩ tại gia cũng như thành lập các Niệm Phật Đường tại ngã tư Bảy Hiền và Phú Thọ Hòa, quy tụ bà con Phật tử người Quảng Nam vào lập nghiệp miền Nam tu học.

Năm Tân Sửu (1961) để đầy đủ giới pháp trước khi về quê hương hành đạo, Hòa thượng đã thọ Bồ tát giới tại chùa Ấn Quang do Hòa thượng Khánh Anh làm Đàn đầu.

Tháng 3 năm Nhâm Dần (1962), Ngài trở về chùa Long Tuyền. Lúc nầy Hòa thượng Đương Như đã già yếu nên giao việc Trụ trì để Ngài tiếp tục gánh vác Phật sự mà Thầy Tổ đã dày công gây dựng. Năm nầy, Ngài được chư tôn đức mời giữ chức vụ Trị sự phó Giáo hội Tăng già Quảng Nam, kiêm Giảng sư của Tỉnh hội.

Tháng 3 năm Quý Mão (1963), Hòa thượng được mời giữ chức vụ Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Quảng Nam. Cũng trong năm nầy, Phật giáo rơi vào Pháp nạn, Hòa thượng là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo Quảng Nam tranh đấu cho sự trường tồn của Chánh pháp.

Năm Giáp Thìn (1964) GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam thành lập, Hòa thượng được cử giữ chức vụ Đặc ủy Tăng sự qua các nhiệm kỳ.

Năm Ất Tỵ (1965) trường Trung học Bồ Đề Hội An thành lập, Hòa thượng được mời giữ chức Giám đốc của trường.

Năm Bính Ngọ (1966), Ngài đảm nhận chức vụ Chánh Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam.

Kể từ ngày kế nghiệp Trụ trì chùa Long Tuyền, hằng năm Ngài đều tập chúng An cư tại đây. Từ đó, việc An cư tập trung của chư Tăng Quảng Nam được hình thành, song song với công việc nầy Ngài còn tổ chức tu Bát Quan Trai cho Phật tử tại gia và duy trì suốt mấy thập kỷ qua.

Vào các năm 1962, 1963, 1965, 1967, 1974 Ngài thường mở các đàn giới Sa-di để truyền trao giới pháp cho hàng xuất gia. Trong các đàn giới nầy, Ngài thường được cung thỉnh làm Yết-ma hoặc Giáo thọ.

Là một người luôn ưu tư cho sự giáo dục đào tạo Tăng tài của Phật giáo tỉnh nhà, vào năm Canh Tuất (1970) Hòa thượng xin phép Tổng Vụ Giáo Dục mở Phật học Viện tại chùa Long Tuyền, đã được Tổng vụ cho phép và bổ nhiệm Ngài chức vụ Giám viện Phật Học Viện. Ngài liền cấp tốc mở lớp Trung đẳng đặc biệt để đào tạo cán bộ kịp thời cho Giáo hội.

Tiếp theo năm 1972, mở lớp Trung đẳng chính quy đã qui tụ học Tăng các tỉnh miền Trung theo học gần 50 vị. Đến năm 1975 vì điều kiện khách quan nên Phật Học Viện không hoạt động nữa.

Sau năm 1975, Hòa thượng nghỉ tất cả các chức vụ của Giáo hội và lui về tu niệm. Ngài hành trì Pháp môn Tịnh độ và xiển dương giáo nghĩa của Pháp môn nầy.

Năm Ất sữu (1985) Hòa thượng khai giới đàn truyền Cụ túc tại chùa Long Tuyền và được cung thỉnh làm đàn đầu Hòa thượng.

Trong suốt cuộc đời tu hành, Hòa thượng đã biên soạn và dịch một số tác phẩm như sau:

-Lịch sử Phật giáo Việt Nam;

-Danh Tăng Tự viện Phật giáo Quảng Nam;

-Chùa Long Tuyền xưa và nay

-Thập đại đệ tử Phật (dịch)

-Đại cương ý nghĩa kinh Địa Tạng (dịch)

-Tứ đại và tứ đại chủng (dịch)

Phần lớn những tác phẩm của Ngài đều in dưới dạng lưu hành nội bộ để phổ biến cho Tăng, Ni, Phật tử trong tỉnh tham cứu.

Kể từ khi Trụ trì chùa Long Tuyền đến nay, Hòa thượng từng bước trùng tu, kiến thiết các công trình qua các giai đoạn như: Tăng đường (năm 1965); Thiền đường (năm 1969); Giảng đường Phật học Viện (năm 1970); Tháp Đa Bảo (trùng tu năm 1984); Hộ pháp đường và Công đức Hoa viên (năm 1989); Đài Quán Thế Âm (năm 1990); Ao Thất bảo (năm 1992). Đặc biệt vào năm 1993, Hòa thượng đại trùng tu Chánh điện và Tổ đường nguy nga tráng lệ.

Năm 1997, GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, Hòa thượng được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam cho đến bây giờ.

Với công phu tu tập tự thân và công đức sâu dày của Hòa thượng trong sự nghiệp Hoằng pháp lợi sạnh, Hòa thượng đã được Trung ương GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng trong kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, nhiệm kỳ IV (2002-2007) đồng thời được cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Dưới sự dạy dỗ của Ngài, hàng đệ tử đã có nhiều vị thành danh, đã thừa đương những Phật sự tại Quảng Nam trước đây như: Cố Hòa thượng Thích Như Luận, Cố Hòa thượng Thích Như Nhiệm, cố Hòa thượng Thích Giải Trọng… Hiện tại có các vị như Hòa thượng Thích Như Phẩm, chư Thượng Tọa Thích Như Dũng, Thích Như Tường tiếp tục chăm lo Phật sự tại bổn tự.

Chư Tăng tham học các khóa tại Phật Học Viện Long Tuyền do Ngài làm Giám Viện hiện còn các vị như Hòa thượng Thích Hạnh Lạc, Hòa thượng Thích Trí Thắng (Trưởng và Phó ban Trị Sự PG tỉnh Quảng Ngãi); Thượng Tọa Thích Đồng Nguyện (Trưởng ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Quảng Nam), Thượng tọa Thích Nguyên Minh, trụ trì chùa Kim Sơn Nha Trang v.v…

Bảo tháp HT Thích Chơn Phát được tôn trí trong khuôn viên chùa Long Tuyền

III/ Những ngày cuối đời và giờ phút viên tịch

Thời gian thấm thoát trôi qua, đời người cũng đã về chiều, Ngài thấy sức khỏe giảm đi nhiều nên giao tất cả mọi Phật sự tại chùa cho chúng đệ tử, còn Ngài nghiêm mật trì danh niệm Phật buông bỏ mọi duyên.

Kể từ năm Bính thân 1957, Ngài tấn đàn thọ Cụ túc giới đến năm Bính Thân nầy là vừa đúng 60 hạ lạp. Sau lễ kỷ niệm Phật đản sinh PL.2560 – DL.2016, chư Tăng vào mùa An cư kiết hạ mới được mấy ngày thì vào chiều tối ngày 22 tháng 4 năm Bính Thân, không bệnh tật gì Ngài nhóm họp đệ tử dặn dò rồi an nhiên viên tịch vào lúc 17 giờ 50 phút (tức giờ Dậu), hưởng thọ 86 tuổi và 60 hạ lạp.

Nam mô tân viên tịch từ Lâm Tế chánh tông tứ thập thế trụ trì Long Tuyền Tự húy thượng Chơn hạ Phát, tự Đạo Dũng, hiệu Long Tôn Hòa thượng Giác linh chứng giám.

Ban TTTT Phật Giáo Hội An

QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB