TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ ĐẠO
Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam
Viện chủ chùa Hòa Quang, Tp. Tam Kỳ
Chân dung Hòa thượng Thích Chí Đạo (1945 – 2014)
I. THÂN THẾ:
Hòa thượng pháp tự Thích Chí Đạo, pháp danh Quảng Trai, hiệu Tịch Phương, thuộc dòng Liễu Quán thế hệ thứ 10, môn phong pháp phái Tổ đình Từ Quang, cố đô Huế. Trụ trì đời thứ 3 chùa Hòa Quang, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Hòa thượng thế danh Phạm Đại, sinh ngày 10 tháng 4 năm Ất Dậu (1945), tại làng Nam Định, thôn Diêm Phổ, nay là xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Phạm Quy pháp danh Tâm Thống và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Súy pháp danh Tâm Nhiên. Ngài là con thứ 7 trong gia đình có 8 người con, gồm 5 trai, 3 gái, trong đó có người anh thứ 6 cũng thuận chí xuất gia. Gia đình có truyền thống nhiều đời thâm tín và phụng sự Tam Bảo nên Ngài sớm có cơ duyên gặp Phật pháp, ươm mầm hạt giống Bồ đề.
II. XUẤT GIA TU HỌC:
Năm 1957, khi mới 12 tuổi, Ngài được cha mẹ cho phép xuất gia với Cố Hòa thượng thượng Minh hạ Thể, Chi hội trưởng Chi hội Phật học Tam Kỳ, trụ trì chùa Hòa An thời bấy giờ.
Khi Cố Hòa thượng Minh Thể về khai sơn sáng lập tịnh thất trên vùng cát trắng Khu Nam, phủ lỵ Tam Kỳ, vào năm 1959, Ngài theo bước chân Thầy, hành điệu tu học, sớm hôm chấp tác kham cần ngay từ những ngày đầu gầy dựng chùa Hòa Quang. Từ đây, chí khí trượng phu được hun đúc, sở nguyện cầu thọ giới pháp được tô bồi, được bổn sư cho thọ giới Sa Di tại chùa Hòa An, Giới đàn phương trượng do Hội Phật học Tam Kỳ tổ chức vào năm 1959 và được Bổn sư ban cho pháp tự Chí Đạo, hiệu Tịch Phương.
Tâm tánh nhu nhuyến, sở nguyện lân mẫn hữu tình, năm 1962, Ngài xin Bổn sư cho phép vào y chỉ thọ giáo mật pháp với cố trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Thiệu tại chùa Viên Giác, Cầu Đất, Đà Lạt. Chính sự thọ học mật pháp này mà về sau Hòa thượng ứng cơ diệu dụng, tùy duyên cảm hóa chữa trị cho rất nhiều người bịnh được định tĩnh tinh thần, ổn định cuộc sống và biết quay về nương tựa Tam Bảo.
Mùa Vu lan năm 1964, Bổn sư viên tịch lúc Hòa thượng chưa tròn hai mươi tuổi. Đây quả là sự mất mác lớn lao nhất trên con đường tìm về bảo sở. Nén đau thương, sau tang lễ, Ngài quyết chí theo đường học vấn, ngày đêm đèn sách, khích lệ tự thân. Từ năm 1964 đến năm 1967, Hòa thượng theo học lớp Trung đẳng chuyên khoa Huệ Nghiêm. Trong khóa học này năm 1965 được đổi tên thành Phật học viện Huệ Nghiêm, trở thành nơi tiếp nhận và đào tạo hàng trăm Tăng tài dấn thân hoằng hóa của Phật giáo miền Nam. Hòa thượng được tu học và trau dồi ý chí trong hào khí ấy.
Ngày 19 tháng 6 năm Mậu Thân (1968), Hòa thượng thọ Tỳ kheo – Bồ tát giới tại Đại giới đàn được tổ chức tại Phật học viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Đường đầu thể theo lời cầu thỉnh thay thế của cố Hoà thượng Đức đệ nhất Tăng Thống.
III. HOẰNG HÓA LỢI SANH VÀ PHỤNG SỰ GIÁO HỘI:
Với sở học và tâm nguyện thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh, cuối năm 1968, Hòa thượng được tín đồ cung thỉnh về Trụ trì chùa Bửu Minh, thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo), tỉnh Phú Bổn (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Đây là vùng đất khắc nghiệt trong chiến tranh, dân cư thưa thớt, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng với chí nguyện dấn thân phụng đạo đã nuôi lớn, Hòa thượng đã đặt nền móng Phật pháp cho xứ sở này. Với những thành tựu Phật sự ấy, Hòa thượng được Viện Hóa Đạo tin tưởng, cung cử làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Phú Bổn từ năm 1970 đến 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, tùy duyên ứng duyên, Hòa thượng rời chùa Bửu Minh, Gia Lai và được chư huynh đệ cung thỉnh về kế thừa tổ nghiệp, duy trì giềng mối tông phong, kế tục Trụ trì chùa Hòa Quang. Kể từ đây, Ngài được Tăng Ni và Phật tử tín nhiệm thỉnh cử làm Phó đại diện Phật giáo huyện Tam Kỳ.
Năm 1989, Hòa thượng được cung thỉnh làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo thị xã Tam Kỳ và đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 2006. Cũng trong thời gian này, Ngài được giới thiệu tham gia thành viên UBMTTQVN thị xã Tam Kỳ.
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam thành lập, Hòa thượng được cung thỉnh đảm nhận chức vụ Phó trưởng Ban trị sự tỉnh.
Năm 2006, Hòa thượng được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Đại diện (nay là Ban Trị sự) thành phố Tam Kỳ.
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007-2012, Hòa thượng được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng và suy cử làm Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Dù ở giai đoạn nào của Giáo hội, dù ở cương vị nào khi được cung cử đảm trách, Hòa thượng đều lấy đức khiêm cung, hòa khí làm trọng nên trở thành một trong những trụ cột vững chắc của Phật giáo tỉnh nhà. Với công đức mà Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo pháp và dân tộc nên Ngài đã được giáo hội tặng bằng tuyên dương công đức, chính quyền, mặt trận tặng kỉ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và nhiều bằng khen khác.
IV. HOẰNG TRUYỀN GIỚI LUẬT VÀ TIẾP TĂNG ĐỘ CHÚNG:
Để duy trì mạng mạch Phật pháp bằng chính đời sống giới luật như Phật dạy, Hòa thượng luôn ủng hộ và quan tâm đến việc an cư tu học, hay tổ chức trường lớp giáo dục cho Tăng Ni trong tỉnh. Công đức cúng dường tạo phước luôn là tấm gương lớn cho tăng chúng tín đồ noi theo. Vì thế, Ngài thường được cung thỉnh làm Giáo thọ trong các kỳ An cư. Ngài được cung thỉnh làm Đệ Tam tôn chứng tại đại giới đàn Phước Huệ, do Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng tổ chức năm 1996 tại chùa Phổ Đà, Đà Nẵng, làm Yết ma A xà lê trong hai giới đàn Minh Giác và Ân Triêm tổ chức tại chùa Đạo Nguyên, Tam Kỳ do Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam tổ chức vào các năm 2000 và 2004.
Với bổn tự Hòa Quang, Hòa thượng luôn lấy tinh tấn hành trì hằng tự minh biểu mẫu, lấy lân mẫn khoan dung làm phương tiện độ sanh. Đệ tử xuất gia đắc pháp với Ngài có 10 vị, đã kế tục sứ mệnh của Ngài tham gia các cấp Giáo hội, Trụ trì các tự viện tiếp Tăng độ chúng gần xa. Đệ tử tại gia luôn được Hòa thượng ưu ái hướng dẫn tu trì. Hàng ngày, tín đồ luôn được phúc duyên hầu chuyện, được cứu chữa tật bịnh, được nhận sự hỷ lạc khuyên răn.
Tự viện luôn được Hòa thượng dần dần tùy duyên tu sửa. Năm 2011, Hòa thượng phát nguyện khởi công đại trùng tu chùa Hòa Quang để đáp ứng nhu cầu tu học của chư Tăng và đạo hữu phật tử. Công trình xây dựng đến nay cũng đã sắp hoàn thành.
V. MÃN DUYÊN:
Là hành giả Pháp Hoa ngày mỗi ngày trì tụng, liễu sanh tử vô thường, tỏ tứ đại duyên sanh, mặc dù Hòa thượng đã sớm biết bệnh duyên nan y từ năm 2008 nhưng vẫn tự tại vô ngại, tùng sự hóa duyên. Ngài được hàng môn đồ đưa chữa bệnh tại bệnh viện chuyên khoa, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy biết, bệnh mỗi ngày thêm nặng nhưng Ngài vẫn lạc quan tham gia công tác Phật sự của Giáo hội. Lần cuối cùng môn đồ đệ tử đưa Hòa thượng trở lại thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị. Tại đây, Ngài cảm thấy sức khỏe yếu dần cảm nhận sự vô thường sắp đến. Như đã biết, ngày về cảnh Phật không xa, Ngài dạy các đệ tử theo hầu, quý Thầy nên về trước để lo hậu sự, Ngài sẽ về sau. Trong những giờ phút cuối tại chùa Hòa Quang, Ngài vẫn an nhiên cho dù sức khỏe yếu dần. Khi chư tôn đức Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam đến thăm, nghe tin Ngài ra hiệu cho đệ tử đỡ Ngài ngồi dậy để cảm ơn và chào từ biệt Chư tôn đức trước khi quảy dép về Tây.
Với 70 xuân thu trụ thế, 47 hạ lạp, thời đã đến, Hòa thượng xả bỏ huyễn thân, trở về cảnh giới Niết bàn an tịnh vào lúc 13 giờ 25 ngày 16 tháng 10 năm Giáp Ngọ (nhằm ngày 7 tháng 12 năm 2014) để lại cho môn đồ pháp quyến nhiều nỗi tiếc thương, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam vắng đi một thành viên đã đóng góp rất nhiều công đức.
“Chí nguyện huân tu lụy kiếp lai
Đạo tâm kiên cố nhật bồi tài
Pháp lưu tam giới nhơn thiên nhuận
Hoa phát liên đài phúc úc tai”
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ THÀNH VIÊN, QUẢNG NAM PHẬT GIÁO TRỊ SỰ PHÓ TRƯỞNG BAN, TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, TRÙNG KIẾN HÒA QUANG TỰ ĐỆ TAM TRỤ TRÌ, HÚY THƯỢNG QUẢNG HẠ TRAI, TỰ CHÍ ĐẠO, HIỆU TỊCH PHƯƠNG HÒA THƯỢNG TÂN VIÊN TỊCH ĐÀI TIỀN CHỨNG GIÁM.
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB