Tiểu sử HT.Thích Thiện Đạt 1935 – 2014
Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44, húy là Nguyên Phước, tự Thiện Đạt hiệu Quang Thông. Thế danh là Nguyễn Văn Hữu sinh năm Ất Hợi (1935) tại làng Cổ Linh, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Cương, thân mẫu là cụ bà Trịnh Thị Bôi, Hòa thượng là con thứ tư trong gia đình có năm anh em, một gia đình có truyền thống hành nghề đông y gia truyền, thâm Nho, mộ đạo Phật.
Thuở nhỏ Hòa thượng là người con hiếu thảo, tính tình hiền hậu ham học nghề thuốc nên được thân phụ tận tình chỉ dạy và trao truyền nghề thuốc Đông y.
Năm Nhâm Dần (1962) Hòa thượng theo thân phụ lên Tam Kỳ cân thuốc gia truyền về chữa bệnh cho đồng bào và được thân phụ đưa đến đãnh lễ Hòa thượng viện chủ chùa Hòa An, thượng Từ hạ Ý. Duyên lành đã đến, ngài mến mộ đức độ của Hòa thượng, phát tâm xin xuất gia và được Hòa thượng viện chủ chùa Hòa An nhận lời ban pháp danh là Nguyên Phước.
Sau đó, được Bổn sư đưa về chùa Từ Quang, phường Trường Xuân để nhập chúng tu học kinh luật luận trong suốt 6 năm. Năm 1968 được Hòa thượng Bổn sư cho vào tập sự an cư tại chùa An Phú Q.8, Tp.HCM do Hòa thượng thượng Từ hạ Bạch làm viện chủ. Cuối mùa An cư kiết hạ, Hòa thượng được thọ giới Sa di tại giới đàn chùa An Phú và được Bổn sư cho pháp tự là Thiện Đạt.
Vào mùa hạ năm Canh Tuất (1970) được Bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo Bồ Tát giới tại Đại Giới Đàn Vĩnh Gia, do BTS GHPGVN Quảng Nam Đà Nẳng tổ chức – Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm đàn đầu và được ban pháp hiệu là Quang Thông.
Sau khi đắc giới, Hòa thượng trở về đãnh lễ Bổn sư và tiếp tục cùng chúng tu học tại chùa Từ Quang. Vào đầu mùa xuân năm 1978 Hòa thượng phát nguyện về chùa Hòa An hầu Bổn sư và cũng tại đây con đường hành đạo được khai thông mở lối. Được Ban hộ tự chùa Dương Đàn xã Tam Dân thỉnh mời về hướng dẫn tín đồ tu học. Mười năm hành đạo tại chùa Dương Đàn hướng dẫn tín đồ tu học, tiếp Tăng độ chúng, Hòa thượng đã để lại nơi đây nhiều công tác phật sự và nhiều tình cảm đối với tín đồ địa phương.
Cuối năm 1988 Hòa thượng rời chùa Dương Đàn về chùa Từ Quang cùng chúng tu học. Tại đây, vào các ngày sóc vọng Hòa thượng phát tâm về các chùa quê như Khánh Thọ, Dương Đàn Trà Sơn, Kỳ Hương để hướng dẫn các đạo hữu nơi đây tụng kinh, niệm Phật, duy trì sinh hoạt tính ngưỡng cho đạo hữu phật tử.
Trong những năm tháng hành đạo tại chùa Dương Đàn, chùa Từ Quang, ngoài việc công phu bái sám tiếp Tăng độ chúng, Hòa thượng cũng hành nghề đông y gia truyền để giúp đồng bào khi bệnh hoạn và làm được nhiều công tác Phật sự như: tu sửa chùa Dương Đàn, làm nhà tăng, nhà chúng, phối kết hợp với BGH Trường Cơ Bản Phật Học Quảng Nam Đà Nẵng xây dựng nhà nội trú cho Tăng sinh trong những năm tháng còn là phân hiệu của trường CBPH Quảng Nam Đà Nẵng cũng như trường TCPH Quảng Nam ngày nay, tiếp tục xây nhà chúng chùa Từ Quang.
Vào năm 1999 nhận thấy tuổi cao sức yếu, công tác phật sự tại chùa Từ Quang các thầy đã đảm đang được, Hòa thượng khởi tâm đi tìm nơi yên tỉnh tại núi rừng Đại Ninh. Tại đây đã có nhiều huynh đệ đồng hương an trú tu học, Ngài thường lui tới viếng thăm và được Hòa thượng Toại Châu viện chủ tu viện Hương Nghiêm cảm mến thỉnh Hòa thượng ở lại đây tịnh dưỡng tu học về tuổi già và đã hiến cúng cho Hòa thượng mảnh đất trong khuôn viên tu viện.
Vào năm 2000 Hòa thượng xây tịnh thất lấy tên là Hương Quang. Từ đó, mỗi năm ngài thường về đây thăm chư tăng trong tu viện để tịnh dưỡng vài tháng rồi trở lại chùa Từ Quang hướng dẫn đệ tử và quần chúng đạo hữu phật tử tu học.
Với chí nguyện thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, trong suốt cuộc hành trình hoằng dương chánh pháp, Hòa thượng đã quy y rất nhiều phật tử tại gia, tiếp nhận các đệ tử xuất gia, hiện nay một số vị đã đảm nhận trụ trì các chùa, tham gia các công tác Phật sự của tỉnh nhà.
Trong những ngày gần viên tịch, như đã biết trước cuộc hành trình sắp chấm dứt, nhân duyên hóa độ cũng đã kỳ tất, để chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn, Hòa thượng đã viết di chúc để lại chùa Từ Quang, nơi mà Hòa thượng cùng chư huynh đệ tu học. Vào ngày 12/02/Giáp Ngọ, Hòa thượng đã giã từ huynh đệ và đệ tử tại chùa Từ Quang để đến tịnh thất Hương Quang, làng tu sĩ nơi núi rừng Đại Ninh.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc hành trình, dặn dò các đệ tử một lần nữa nên đã viết di chúc lần hai để chỉ dạy cho đệ tử tổ chức lễ tang khi Ngài viên tịch. Mọi việc đã sắp đặt xong, duyên Ta Bà đã mãn, thuận lẽ vô thường, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch vào lúc 21h15 phút ngày 11/03/Giáp Ngọ (10/4/2014), trụ thế 80 tuổi, hạ lạp 44 năm.
Nam mô Từ Lâm Tế Liễu Quán chánh tông, Từ Quang tự, húy thượng Nguyên hạ Phước, tự Thiện Đạt, hiệu Quang Thông Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.
Ban TTTT GHPGVN tỉnh Quảng Nam
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB