Thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, thí dụ trong kinh Pháp Hoa

7087

  • CdphaphoaTrong kho tàng kinh điển Đại thừa, kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh được truyền bá rất sớm và rất rộng rãi, đã từng là bộ kinh cơ bản cho Tông Thiên Thai tại Trung Hoa và Nhật Liên Tông tại Nhật Bản. Các vị thiền sư đời Lý Trần ở Việt Nam cũng thường chú trọng trì tụng, giảng dạy Kinh Pháp Hoa song song với Kinh Viên giác, Kim cương. Hai thiền sư Bảo Tính và Minh Tâm thời Lý (khoảng 1034) suốt 15 năm trì tụng Kinh Pháp Hoa chưa từng trễ nãi. Thiền sư Chân Không lúc 18 tuổi, tầm sư học đạo, nhân đến hộ giảng của Thảo Nhất tại chùa Tĩnh Lự núi Đông Cứu nghe giảng Kinh Pháp Hoa, bổng nhiên tỏ ngộ. Sau đó Ngài được vua Lý Nhân Tông mời vào đại hội giảng kinh Pháp Hoa. Bấy giờ Thiếu úy Nguyễn Thường Kiệt (tức Lý Thường Kiệt) và thứ sử Lạng Châu là tướng quốc Thân Châu càng thêm kính trọng. Và ngày nay, trong hiện tại việc trì tụng Kinh Pháp Hoa rất lan rộng trong giới Phật tử, giúp họ rất nhiều trong việc tu tâm hành thiện theo đạo Giác ngộ.

Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Đại thừa Phật giáo, được các học giả phương Tây cho là 1 trong 20 Thánh thư phương Đông. Sự hành trì tụng niệm một cách sâu rộng và bền bỉ của Phật tử đối với Kinh Pháp Hoa cho thấy rằng đây là một bộ kinh đặc biệt về cả hai mặt triết lý và huyền bí. Ở Việt Nam, Kinh Pháp Hoa được trì tụng hàng ngày như một thời khóa tu học kể cả chư tăng lẫn Phật tử tại gia. Vì vậy rất khó mà nói hết được giá trị của Kinh Pháp Hoa và tại sao lại có tác dụng rộng lớn như thế. Sự nghiên cứu về mặt lịch sử  cũng như khái quát bố cục nội dung kinh là điều cần thiết cho những Phật tử quan tâm đến bộ kinh lớn này.

Trong bản Kinh Pháp Hoa có đoạn kinh rất đặc biệt, nêu lên mục đích ra đời của mười phương chư Phật. “Các đức Phật chỉ vì một việc trọng đại duy nhất mà ra đời, đó là vì Khai ngộ cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Như vậy Kinh Pháp Hoa chính là kinh nêu rõ mục đích ra đời của chư Phật.

Thiên kinh vạn quyển Phật nói ra cùng với những pháp môn tu hành trong đó như quán sổ tức, quán bất tịnh, tham thiền, trì trai giới… Đều đưa đến mục đích làm Phật. Có kinh nói rộng, có kinh nói đơn giản, nhưng tựu trung chẳng có pháp môn nào dễ dàng để tu thành Phật. Pháp môn nào cũng khó. Quán bất tịnh phải thật sâu xa, kỷ càng chứ không phải quán qua loa mà thành tựu được. Sổ tức cũng không phải dễ, không cứ chỉ thở ra thở vào là xong. Tham thiền, trì trai giới, các pháp môn khác đều khó như vậy cả. Vậy mà theo Kinh Pháp Hoa thì việc thành Phật lại quá dễ.

Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng Nam mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo” (nếu người tâm tán loạn, đi vào trong tháp Phật, niệm một câu “Nam mô Phật”, cũng đã thành Phật đạo). Qua những vấn đề đã được trình bày cho chúng ta thấy bản Kinh Pháp Hoa đã được rất nhiều giới quan tâm và thực hành tu tập. Vì lẽ rằng, Kinh Pháp Hoa là bộ kinh với cú nghĩa gãy gọn, súc tích, quyền thừa phương tiện Đức Thế Tôn đã dùng những hình ảnh cụ thể, ví dụ minh họa, ẩn dụ để toát yếu nội dung kinh đã làm cho nội dung kinh thên phần hấp dẫn và nhẹ nhàng trong phương pháp hành trì.

Nội dung Kinh Pháp Hoa

    Kinh Pháp Hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát.

   Tâm nguyện của Phật là tâm nguyện khắp độ chúng sanh đạt thành đạo quả Giác ngộ. Bởi thế nên ngay quyển đầu của kinh về phẩm phương tiện đã nói: (Phật ra đời là vì một nhơn duyên lớn duy nhất là Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật), có nghĩa là Phật rộng mở phương tiện pháp môn, chỉ bày chơn tâm Phật tánh để chúng sanh tin tưởng khả năng thánh thiện của mình mà tiến tu đến Phật quả.

    Phương tiện của Phật là phương tiện huyền diệu được sanh trưởng và nuôi dưỡng bởi trí huệ Từ Bi Hỷ Xả lợi tha có khả năng đưa tất cả chúng sanh đồng chứng nhất thừa Phật quả. Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành, nếu chúng sanh tinh tấn nỗ lực tu hành thì cũng sẽ thành Phật như ta vậy. 

    Nhưng chúng sanh đắm chìm trong ngũ dục lạc, nên tạo nhiều tội lỗi để rồi hiện thành căn tánh cao thấp, nghiệp duyên nặng nhẹ khác nhau. Đức Phật lại phải từ đó mà lập ra có muôn ngàn phương tiện để hóa độ. Nghĩa là từ nhứt thượng thừa mà đức Phật đã phải phương tiện quyền khai làm thành ba thừa để rồi sau đó, khi căn tánh chúng sanh thuần thục Ngài lại dần dần đưa lên nhứt thừa vô- thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

     Hai mười tám phẩm Kinh Pháp Hoa chan chứa tâm hạnh của Phật và đại Bồ-Tát, trải dài những con đường phương tiện giáo hóa thênh thang ngõ hầu đưa chúng sanh từ phàm đến thánh, từ tam thừa Thanh-văn Duyên-giác và Bồ-Tát đến quả vị nhứt thừa Vô thượng Phật quả.

     Nội dung kinh Pháp Hoa cho ta thấy không phương tiện độ sanh nào mà không có, không cửa pháp môn giải thoát rốt ráo nào mà không mở, không cảnh giới Phật nào mầu nhiệm thiện duyên thâm mật với chúng sanh cõi Ta bà này mà không ảnh hiện, không hạnh nguyện giáo hóa độ sanh nào của Phật và Bồ Tát mà không thể đạt đến Ba La Mật. Thật là một bộ kinh khế hợp cho đủ mọi trình độ căn tánh nghiệp duyên của chúng sanh. Vì thế, xưa nay Kinh Pháp-Hoa đã được không biết bao nhà Phật học uyên bác chú thích sớ giải làm cho kinh Pháp Hoa rạng rỡ từ ngàn năm này đến ngàn năm khác và phổ cập nhân gian. Đến nỗi nghĩa lý của Kinh Pháp Hoa quá ư vi diệu tuyệt vời, kinh bản được đời đời ấn hành phổ biến uy thế tạo thành một Tông phái với danh xưng là Pháp Hoa Tông hay Thiên Thai-Tông, một Tông phái có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản và Trung Hoa do Trí Giả Đại Sư thành lập.

1. Thủ pháp nghệ thuật thí dụ trong kinh Pháp Hoa

1.1. Giới thiệu thủ pháp nghệ thuật thí dụ trong kinh Pháp Hoa

Để nắm bắt được giá trị của kinh Pháp Hoa chúng ta cùng nhau tìm hiểu thế nào là thủ pháp nghệ thuật Đức Thế Tôn đã khéo léo vận dụng vào trong kinh nhứ thế nào qua từng phẩm như sau:

Hỏa trạch dụ (phẩm Thí dụ): Đây là câu chuyện dụ về một ngôi nhà lớn đang cháy. Chủ nhà là một trưởng giả, trở vào cứu thoát bầy con. Nhưng dù trưởng giả cắt nghĩa và đốc thúc đến mấy, lũ con cũng vẫn ham chơi, không có ý thức chạy thoát. Trưởng giả biết sức mình có thể gom chúng lại ôm và chạy ra, nhưng do ham chơi, ý thức chạy thoát không có, chúng có thể kháng cự, rơi lại, và bị đốt cháy, nên chủ nhà phải dùng mưu chước. Biết đứa nào cũng thích xe và đồ chơi, ông bảo có 3 loại xe để sẵn ở ngoài, với đủ mọi đồ chơi, hãy chạy gấp ra mà lấy. Nghe nói đúng sở thích, chúng tranh nhau chạy ra và thoát khỏi nhà lửa. Nhưng rồi chủ nhà giàu có nên đứa nào ông cũng cho loại xe lớn và đẹp nhất.1

Cùng tử dụ (phẩm Tín giải): Ví như có người tuổi nhỏ, bỏ cha trốn đi xứ khác đến 50 năm. Gặp cảnh nghèo khốn, người con phải bôn ba kiếm tìm cơm áo, lần hồi đến đô thành cha ở. Cha cùng tử giàu sang, có oai thế rất lớn. Xa con hơn 50 năm mà ông vẫn thương nhớ khôn nguôi. Ông lo nghĩ khi mình chết, tài sản không biết sẽ giao cho ai. Người con đến nhằm lâu đài của cha, nghĩ đây là chỗ sang trọng, không phải nơi mình có thể kiếm ăn. Vì vậy, cùng tử quyết đi đến xóm nghèo làm thuê kiếm sống, nghĩ xong liền bỏ chạy. Người cha sai người hầu chạy theo dẫn con về. Người con sợ quá, tưởng phen này bị bắt tội, liền ngất đi. Người cha thấy vậy, biết con mình thấp kém nghèo hèn, sợ ngay chính cả sự giàu sang của cha, bèn kín đáo sai vài kẻ bần cùng, xấu xí đi dụ con về, nói ông muốn thuê người dọn đồ dơ bẩn, trả giá gấp đôi. Sau đó, ông từ từ cất nhắc con lên. Rồi nhận thấy tâm tánh con mình đã bớt phần hạ liệt, ông bèn giao những công việc quan trọng hơn. Cuối cùng, ông tuyên bố với mọi người rằng đây chính là con ông và tất cả những tài sản mà ông có chính là tài sản của cùng tử…

Dược thảo dụ (cũng gọi là Vân vũ dụ – phẩm Dược thảo dụ): Dụ này nói rằng đại thiên thế giới, núi đồi hang rãnh và ruộng đất mọc lên cây cối và cỏ thuốc, với bao nhiêu chủng loại mà tên gọi và màu sắc không hề giống nhau. Nhưng mây dày nổi lên và mưa bủa giăng xuống khắp cả đại thiên thế giới ấy; mưa xuống một cách đồng thời và đồng đều, thấm nhuần tất cả. Tất cả cây thuốc rễ nhỏ, nhánh nhỏ, thân nhỏ, lá nhỏ; cây thuốc rễ vừa, nhánh vừa, thân vừa; cây thuốc rễ lớn, nhánh lớn, thân lớn, lá lớn… tùy theo tính chất mà được hấp thụ đủ cả. Một trận mưa lớn, xứng hết với các mầm, nên thứ nào cũng được sinh ra, lớn lên, trổ hoa, ra trái và kết hạt. Cùng một đất mọc lên, một mưa thấm xuống, nhưng các cây cối và cỏ thuốc vẫn có khác nhau.

Hóa thành dụ (phẩm Hóa thành dụ): Đức Phật kể câu chuyện: Có một con đường hiểm ác dài đến 500 do tuần, nằm trong chốn hoang vắng và ghê rợn. Một đoàn người muốn vượt qua con đường ấy để đến chỗ vàng ngọc. Một vị hướng dẫn rất thông minh, lại biết rõ con đường hiểm ác này chỗ nào thông, chỗ nào nghẽn. Vị ấy dẫn đoàn người vượt qua con đường này. Nhưng đoàn người nửa đường mệt mỏi, lười biếng, muốn thối lui. Vị hướng dẫn có lắm phương tiện, nghĩ rằng đoàn người này thật đáng thương, sao lại bỏ vàng ngọc to lớn mà muốn trở về. Nghĩ rồi, vị ấy sử dụng phương tiện lực, ngay nơi đoạn giữa của con đường hiểm ác, biến hóa ra một thành quách lớn, bảo mọi người có thể vào nghỉ. Đoàn người rất vui mừng, nghĩ rằng mình đã thoát con đường hiểm ác, có thể ngơi nghỉ an toàn, tưởng đã đến đích. Nhưng khi mọi người hết mệt, vị hướng dẫn biến mất thành, bảo mọi người hãy nên đi tới, chỗ vàng ngọc đã gần đây. Cái thành đó chỉ là do người hướng dẫn hóa ra mà thôi.

Y châu dụ (hay Hệ châu dụ – phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký): Phẩm này kể lại rằng xưa kia có một người bạn đến nhà người bạn thân chơi do đã say rượu, chủ nhà có việc bận, gấp nên phải đi ngày. Trước khi đi ông đã để lại trong chéo áo viên ngọc quý giá có thể đủ cho anh bạn sống một cách thoải mái suốt đời. Do quá say nên không biết trong mình có viên châu báu. Trãi qua thời gian khá lâu sau tình cờ một hôm hai người gặp lại, thuật rỏ câu chuyện về trước khi ra đi đã để lại cho anh viên châu và muốn cho anh vui thú nên tôi đã đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của anh, nay đang còn kia. Sao anh không biết để phải tự kiếm sống khó nhọc.

Kế châu dụ (hay Đảnh châu dụ – phẩm An lạc hạnh): Vị luân vương hùng cường nọ muốn sử dụng uy thế làm cho các nước khác thuần phục. Nhưng các quân vương không tuân lịnh. Luân vương phải động binh chinh phạt. Thấy chiến sĩ ai có công thì luân vương mừng, tùy công mà thưởng bằng cách ban cho đủ thứ cần dùng và hiếm có. Chỉ viên ngọc sáng trong búi tóc thì không đem cho, vì chỉ trên đỉnh đầu của luân vương mới nên có viên ngọc sáng ấy. Cho đến khi chiến sĩ lập được chiến công vô cùng hiển hách, nhà vua lúc bấy giờ mới đem viên minh châu trên đầu mình mà ban tặng.

Y sư dụ (hay Y tử dụ – phẩm Như Lai thọ lượng): Đây là Phẩm Như Lai thọ mạng thứ 16. Đức Thế tôn thuật lại sự việc có người cha nọ rất giỏi về nghề thuốc đã dùng phương tiện cứu sống các người con của mình vì uống phải thuốc đọc mà chết. Ông dùng hết khả năng vốn có của mình và cộng thêm một ít phương tiện thức tỉnh những người con.

1.2. Phân tích thủ pháp nghệ thuật thí dụ trong kinh Pháp hoa

Hỏa trạch dụ: Như trên đã trình bày đây là câu chuyện Thế Tôn dụ về một ngôi nhà lớn đang cháy. Chủ nhà là một trưởng giả, trở vào cứu thoát bầy con. Nhưng dù trưởng giả cắt nghĩa và đốc thúc đến mấy, lũ con cũng vẫn ham chơi, không có ý thức chạy thoát. Trưởng giả biết sức mình có thể gom chúng lại ôm và chạy ra, nhưng do ham chơi, ý thức chạy thoát không có, chúng có thể kháng cự, rơi lại, và bị đốt cháy, nên chủ nhà phải dùng mưu chước. Biết đứa nào cũng thích xe và đồ chơi, ông bảo có 3 loại xe để sẵn ở ngoài, với đủ mọi đồ chơi, hãy chạy gấp ra mà lấy. Nghe nói đúng sở thích, chúng tranh nhau chạy ra và thoát khỏi nhà lửa. Nhưng rồi chủ nhà giàu có nên đứa nào ông cũng cho loại xe lớn và đẹp nhất.

Ở đây, kinh dùng một thí dụ để giải thích tại sao chỉ có một con đường Phật đạo, mà trước kia Phật dạy có tới ba. Trong thí dụ này, ta có thể hiểu rằng: ông nhà giàu là Phật, những đứa con là chúng sanh; lửa cháy, sự mục nát, rắn rít,… chỉ cảnh khổ của chúng sanh là sanh, già, bệnh, chết, sầu não, mê muội; ba xe chỉ cho ba thừa hay ba bậc tu hành: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Còn cỗ xe lớn chính là Nhất thừa hay Phật thừa. Những đứa con của trưởng giả ra khỏi nhà lửa, chỉ chúng sanh, nhờ sự dụ dẫn của Tam thừa, ra khỏi tam giới, được an ổn và khoái lạc, chính là Niết bàn. Ở trên đã nói, ông nhà giàu là dụ cho Phật, mà Phật cũng chính là Tâm. Vậy câu: “ông trưởng giả giàu có, kho tàng đầy ngập” có nghĩa là Tâm đầy đủ mọi công đức (Đức tạng), mọi pháp (Pháp tạng). Mà Tâm thì ai cũng có và không sai biệt. Vậy ai cũng có sẵn nơi mình mọi khả năng, mọi điều kiện để đạt đến quả vị cuối cùng là Phật quả. Điều cần yếu là mỗi người phải tự biết mình có sẵn kho tàng quý báu vô song đó và phải biết khai thác, diệu dụng. Đó chính là mục đích của Phật giáo Đại thừa2.

Cùng tử dụ: Đây là phẩm Tín giải thứ tư Đức Thế Tôn dụ gã cùng tử đã thất lạc người cha đã hơn 40 năm mới gặp lại người cha của mình,do hoàn cảnh kiếm miếng ăn nên gã cùng tử lần hồi tìm đến nhà phú hộ là người cha để làm thuê, làm muốn. Người cha thất lạc người con đã bấy lâu nay bỗng nhiên gặp lại như một phép màu làm thỏa lòng ao ước bây lâu nay của mình, ông rất mừng rỗ nhưng do ý chí của người con quá nhu nhược không giám làm khiếp sợ người con, vì vậy ông bèn dùng phương tiện lần hồi gặp người con và chỉ bày những cái cần phải chỉ bày đặng sau này trao truyền gia tài quý báu của mình lại cho con.3 Kinh Hán văn gọi anh chàng bỏ nhà, bỏ cha trốn đi là “cùng tử”, nghĩa là đứa con bần cùng. Trong thí dụ này, ta dễ dàng nhận thấy đứa con bỏ nhà, bỏ cha ra đi, là trước kia cha con đã cùng ở chung một chỗ. Chỗ đó là “Phật độ viên giác, thanh tịnh”. Không riêng gì Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên… mà tất cả chúng ta và Phật đều cùng nguyên quán, đều cùng ở một chỗ là nơi hoàn toàn sáng suốt (viên giác) và trong sạch (thanh tịnh). Nhưng khi “vô minh bất giác” nổi lên, bèn quên cả nguồn gốc cao quý của mình, đến nỗi bỏ nhà viên giác thanh tịnh mà ra đi, dấn thân vào cảnh phàm phu, làm đứa con hoang, làm anh chàng cùng tử, một mảnh trí huệ quý báu không có, thành phải chịu phiền não luân hồi. Người cha nhớ thương con, bỏ xứ đi tìm, dụ cho việc Phật xuất thế hạ trần, sống hòa trần trong cảnh ngũ trược để độ chúng sanh. Nhưng cha thì giàu tột bậc (Phật đầy đủ đức tướng) còn con thì bần cùng khổ sở (chúng sanh phước mỏng tội dày), nên đứa con không dám nghĩ rằng mình cũng vốn có sẵn đức tánh cao quý như cha. Cũng vậy, chúng sanh đều có tánh giác, lại tự thấy mình quá hèn kém, không dám nhận mình là con Phật, không dám nghĩ mình có thể thừa hưởng gia tài quý báu của Như Lai. Chúng ta quen với những thứ tầm thường, dơ bẩn, bỗng nhiên một hôm Đức Phật tuyên bố rằng mỗi chúng ta đều là những vị Phật sẽ thành, thì ngơ ngác hoảng sợ. Phật phải dùng nhiều phương tiện dẫn dụ mới có thể khiến chúng ta tin và biết được nguồn gốc của mình, mới vui mừng nghĩ rằng: không cầu mà có, tự nhiên mà đến.

Dược thảo dụ: Phẩm này nói rằng đại thiên thế giới, núi đồi hang rãnh và ruộng đất mọc lên cây cối và cỏ thuốc, với bao nhiêu chủng loại mà tên gọi và màu sắc không hề giống nhau. Nhưng mây dày nổi lên và mưa bủa giăng xuống khắp cả đại thiên thế giới ấy; mưa xuống một cách đồng thời và đồng đều, thấm nhuần tất cả. Tất cả cây thuốc rễ nhỏ, nhánh nhỏ, thân nhỏ, lá nhỏ; cây thuốc rễ vừa, nhánh vừa, thân vừa; cây thuốc rễ lớn, nhánh lớn, thân lớn, lá lớn… tùy theo tính chất mà được hấp thụ đủ cả. Một trận mưa lớn, xứng hết với các mầm, nên thứ nào cũng được sinh ra, lớn lên, trổ hoa, ra trái và kết hạt. Cùng một đất mọc lên, một mưa thấm xuống, nhưng các cây cối và cỏ thuốc vẫn có khác nhau. Ở đây, dược thảo (cỏ thuốc) dụ cho căn tánh của chúng sanh trong 3 thừa. Cỏ có 3 loại: cỏ nhỏ, cỏ vừa, cỏ lớn, theo thứ tự mà thí dụ cho Nhân – Thiên là cỏ thuốc nhỏ, Thanh văn Duyên giác là cỏ thuốc vừa và Bồ tát là cỏ thuốc lớn. Cùng mọc từ đất, cùng thấm nước mưa, nhưng mọi cây cỏ phát triển đều khác nhau mà không thứ nào tự biết như vậy. Qua âm thanh duy nhất của Phật, như trận mưa pháp lớn, qua việc Phật thường xuyên tạo yếu tố cho bước tới Nhất thừa, tất cả cùng nghe pháp đồng nhất, nhưng mỗi người tu nhân và nhận quả khác nhau mà không ai tự biết. Chỉ có Phật biết rõ mà thuyết pháp cho. Do đó, ví dụ cây cỏ (hay mưa lớn) này cho thấy Ngũ thừa hay Tam thừa cùng xuất từ Nhất thừa mà vẫn khác nhau.4

Hóa thành dụ: Đức Phật kể câu chuyện: Có một con đường hiểm ác dài đến 500 do tuần, nằm trong chốn hoang vắng và ghê rợn. Một đoàn người muốn vượt qua con đường ấy để đến chỗ vàng ngọc. Một vị hướng dẫn rất thông minh, lại biết rõ con đường hiểm ác này chỗ nào thông, chỗ nào nghẽn. Vị ấy dẫn đoàn người vượt qua con đường này. Nhưng đoàn người nửa đường mệt mỏi, lười biếng, muốn thối lui. Vị hướng dẫn có lắm phương tiện, nghĩ rằng đoàn người này thật đáng thương, sao lại bỏ vàng ngọc to lớn mà muốn trở về. Nghĩ rồi, vị ấy sử dụng phương tiện lực, ngay nơi đoạn giữa của con đường hiểm ác, biến hóa ra một thành quách lớn, bảo mọi người có thể vào nghỉ. Đoàn người rất vui mừng, nghĩ rằng mình đã thoát con đường hiểm ác, có thể ngơi nghỉ an toàn, tưởng đã đến đích. Nhưng khi mọi người hết mệt, vị hướng dẫn biến mất thành, bảo mọi người hãy nên đi tới, chỗ vàng ngọc đã gần đây. Cái thành đó chỉ là do người hướng dẫn hóa ra mà thôi.

Như vậy, Đức Phật đã dùng thí dụ hóa thành để chỉ rõ nhân tố khiến Nhất thừa hiện ra Tam thừa, đó là do ý chí cầu giải thoát quá yếu kém của chúng sanh. Thế Tôn phải nương vào ý chí, giới hạnh đó mà dẫn dắt chúng sanh đến chỗ giải thoát tối hậu. Ngài bèn phương tiện chỉ bày giáo lý Tứ đế (giải thoát) qua từng chặng để tránh các phản ứng không thuận lợi do tâm lý mệt mỏi của các hàng đệ tử với nhiều căn cơ bất đồng. Vì thế, Thế Tôn thoạt đầu đầu mở ra lộ trình đầu tiên đi ra khỏi tham, sân si – đi ra khỏi sinh tử luân hồi – với bốn Thánh quả. Về sau, với căn trí nhạy bén của đệ tử, Thế Tôn mới dạy chặng đường đến Phật trí.

Y châu dụCó kẻ đến nhà bạn thân, say rượu nằm ngủ. Người bạn sắp đi việc công, nên đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của người ấy. Người ấy ngủ say, không hay biết gì cả. Tỉnh dậy thì lang thang đến xứ khác, làm ăn rất cực nhọc, và kiếm được chút ít tự cho là đủ. Về sau người bạn gặp lại, thấy mà phải kêu lên, sao anh đến nông nỗi này. Trước đây muốn cho anh vui thú nên tôi đã đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của anh, nay đang còn kia. Sao anh không biết để phải tự kiếm sống khó nhọc. Anh thật khờ dại, hãy đem viên ngọc ấy đổi lấy những thứ cần dùng, thì không còn thiếu thốn gì nữa. Đức Thế Tôn cũng vậy. Khi Ngài làm Bồ tát, đã gieo vào mỗi chúng ta chí nguyện tối thượng, chí nguyện cầu tuệ giác của Bậc Toàn giác. Nhưng chúng ta quên ngay, không hay biết gì hết. Được tuệ giác La hán là tự cho đã Niết bàn, như kẻ kiếm sống cực nhọc, có được chút ít tự cho là đủ. Trong khi đó chí nguyện nói trên vẫn còn y nguyên. Đến khi được Đức Thế Tôn thức tỉnh, chúng ta mới hay rằng cái mà chư vị Thanh văn, Duyên giác, ngay cả Bồ tát đạt được cũng chưa phải là Niết bàn. Nhưng qua đó, chúng ta cũng nhận ra rằng trong mỗi chúng sanh đều có tánh giác, đều có hạt châu vô giá, đó chính là Phật tâm, là sự sáng suốt vô ngại5.

Kế châu dụ: Đức Như Lai cũng như vậy. Nhờ sức mạnh của thiền định và trí tuệ, Như Lai làm vua “nước pháp”, thống trị ba cõi. Vì ma vương không quy phục nên Như Lai mới dùng Hiền Thánh làm tướng để đánh ma vương. Đối với các bậc hữu công trong trận chiến này, Pháp vương Như Lai ban cho cái quý báu của thiền định, giải thoát, vô lậu, ban cho thành quách Niết bàn để dẫn dắt tâm họ, khiến mọi người hoan hỷ, nhưng Như Lai chưa vì họ mà nói kinh Pháp Hoa. Chỉ đến khi “quân đội” Hiền Thánh dẹp trừ được ma năm ấm, ma não phiền, ma ba độc, phá lưới ma ba cõi… Pháp vương mới ban cho kinh Pháp Hoa, là lời thuyết giáo cao cả nhất của Đức Như Lai.

Y sư dụ: Thí như vị thầy thuốc hay, trí tuệ thông đạt, luyện rành các phương thuốc. Ông thầy thuốc đó có nhiều con. Vì có duyên sự, ông đi sang nước khác, những đứa con của ông ở nhà uống phải thứ thuốc độc làm cho tâm sầu muộn, mê man, rối loạn, vật vã trên đất. Bấy giờ người cha từ nước khác trở về, thấy những đứa con bị trúng độc, có đứa mất cả bản tâm, có đứa không mất bản tâm, thấy cha về thì mừng rỡ, xin cha cứu giúp. Người cha thương con, bèn chế thuốc hay đưa cho các con uống. Những đứa không mất bản tâm, nghe lời cha uống thuốc thì được bình phục. Còn những đứa mất bản tâm, tuy thấy cha đến cũng biết thưa hỏi, cũng muốn chữa bệnh, nhưng khi cha đưa thuốc lại không chịu uống. Bởi lẽ chất độc đã ngấm sâu, làm mất bản tâm, cho nên đối với những thứ thuốc hay, chúng không cho là tốt. Vị lương y bèn nghĩ ra phương tiện giúp các con uống những thứ thuốc hay đó, bèn bảo: Ta đã già rồi, ngày chết sắp đến nơi, thứ thuốc hay đó ta nay để đây các ngươi tự lấy uống, chớ lo không lành. Xong, ông trở về nước khác, sai sứ trở về bảo rằng cha các người đã chết. Những người con nghe vậy thương nhớ vô hạn, nghĩ đến tấm lòng và phương thuốc của cha cho, liền lấy ra uống và lập tức khỏi bệnh. Người cha biết các con đã chịu uống thuốc và lành bệnh, liền trở về cho chúng thấy mặt. Ở đây, vị lương y chính là Phật, các người con điên đảo chỉ cho chúng sanh. Như Lai thành Phật đến nay đã vô lượng kiếp, chỉ vì cứu độ chúng sanh mà phương tiện tuyên bố nhập diệt. Nhưng không phải Như Lai nói dối. Phật thấy biết chúng sanh ai đang đi theo đường chánh và ai đang lạc vào nẻo tà, nên biết tùy trường hợp mà hóa độ. Nhờ vậy mà Đức Phật có thể cứu độ chúng sanh. Đó chính là phương tiện thuyết pháp và hóa độ của Như Lai, rằng Như Lai nhập diệt nhưng kỳ thực không phải nhập diệt.

2. Thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ trong kinh Pháp Hoa

2.1. Giới thiệu thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ trong kinh Pháp hoa

Ẩn dụ về người con trai cùng khổ:

Một thanh niêm rời bỏ người cha mà đi xa. Ông ta sống trong một xứ khác trong một thời gian dài, trãi qua hơn 50 năm, càng lớn tuổi ông càng trở nên nghèo. Lang thang đây đó để tìm việc làm, cứ thế cho đến khi ông trở về quê hương. Người cha vốn rất đau khổ vì đứa con trai đã bỏ nhà ra đi từ lâu, đã tìm đứa con khắp xứ mà không tìm được. bấy giờ người cha đã lập nghiệp ở một thành phố nọ. Ông trở nên rất giàu, hàng hóa và tài sản của ông không kể xiết. Ông có rất nhiều tôi tớ, người hầu kẻ hạ…6

Ẩn dụ về sự đào đất trên một cao nguyên.

Kế đến, Đức Phật dạy cho chúng ta qua Ẩn dụ đào đất ở một cao nguyên rằng: Một người tu tập kinh Pháp hoa phải nỗ lực cầu tìm pháp với niềm hy vộng và nhiệt tâm bền bỉ. Một người đang bị khát cùng cực đào đất trên một cao nguyên để tìm nước. Bao lâu người ấy vẫn còn nhìn thấy đất khô, người ấy biết rằng nước đang còn ở dưới đất sâu. Tiếp tục công sức không ngừng, đến một lúc người ấy thấy đất ẩm, rồi dần đần đến đất bùn. Bấy giờ người ấy biết rằng sắp có nước. Người ấy càng nỗ lực hơn, không nhụt chí, không nghi ngờ.

Ẩn dụ về viên Ngọc ở đỉnh đầu.

Sau khi giảng về bốn hạnh hoan hỉ, Đức Thế Tôn nhấn mạnh về sự tối thượng của giáo lý Kinh Pháp hoa qua Ẩn dụ về Viên ngọc trên đỉnh đầu sau đây:

Cũng như một vị Chuyển Luân Thánh Vương hùng mạnh muốn dùng sức để chinh phục các quốc độ khác. Khi các tiểu vương không tuân lệnh Chuyển luân vương, vua bèn triệu tập các đạo quân của mình lại mà đi chinh phạt họ. Thấy các chiến sĩ của mình giỏi về chiến trận, vua rất toại ý và tùy theo công trạng của họ, Ngài ban thưởng, cho ruộng đất, nhà cửa, làng mạc, thành trì, hoặc cho quần áo, đò trang sức cá nhân hoặc cho đủ thứ báu. Chỉ có viên ngọc Vương miện trên đỉnh đầu là Ngài không cho ai vì Viên ngọc này chỉ có thể được gắn trên đầu một vị vua mà thôi, và nếu Ngài cho đi thì tất cả các tùy tùng của Ngài rất kinh ngạc. Này Văn Thù, sự việc trước đây Như Lai đã không giảng kinh Pháp hoa cũng giống như vậy.7

2.2 Phân tích thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ trong kinh Pháp hoa

Phân tích ẩn dụ về người con trai cùng khổ: Đức Phật giảng kinh Pháp hoa trước khi Ngài nhập diệt, Ngài tuyên bố: “Mối liên hệ giữa Đức Phật và hết thảy các chúng sanh là mối liên hệ cha và con. Tất cả đều có thể thành Phật”8 mới đầu các đệ tử ngạc nhiên về lời tuyên bố lớn lao này của Đức Phật, và họ vô cùng hoan hỷ mà nhận ra rằng bỗng nhiên tài sản đức Phật (sự chứng ngộ của Đức Phật) rõ ràng thuộc về họ.

Phẩm ẩn dụ này minh họa quá trình tu tập lâu dài của bốn vị Thanh văn (Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Ca Diếp và Mục Kiền Liên) ấy và cũng thể hiện lòng từ bi và năng lực thiện xảo của Đức Phật mà qua đó Ngài kiên định chăm sóc các đệ tử và dần dần đưa họ đến trình độ cao hơn. Tuy vậy, cũng may là chúng ta có thể đối mặt với Kinh Pháp hoa mà không cần trãi qua quá trình lâu dài ấy. Do đó, chúng ta có thể lao thẳng vào đôi cánh tay của Đức Phật. Nhưng những thái độ tâm thức khác nhau là cần thiết nếu chúng ta phải làm như thế. Phẩm kinh này cũng bàn đến những thái độ tâm thức ấy.9

Phân tích ẩn dụ về sự đào đất trên một cao nguyên.  Phẩm Pháp sư thứ 10: Đức Thế tôn dụ chư vị Bồ tát cũng giống như người đào giếng vậy. Nếu họ không nghe, không thấy, không hiểu, không thể quán sát kinh Pháp hoa này thì họ còn cách xa sự toàn giác, nhưng nếu họ nghe, họ hiểu, suy nghĩ và quán sát kinh này thì họ gần đến toàn giác.

Một khi chúng ta biết kinh Pháp hoa , chúng ta không bao giờ bối rối không biết làm gì. Nếu chúng ta rời bỏ kinh sau khi chỉ mới tu tập chút ít, cũng như khởi sự đào dất ở một nơi nào khác vì không thấy nước xuất hiện ngay, thế thì chúng ta không thể liễu ngộ được kinh, cũng như chúng ta không thể dập tắt cơn khát bằng cách chỉ đào một chút đất. Ở đây, Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta kiên trì, nỗ lực để đạt chánh giác, cũng như khi chúng ta tiếp tục nỗ lực đào đất, chắc chắn chúng ta có thể đạt được tuệ giác, giống như chúng ta có thể đạt tới lớp bùn. Đây là điểm thiết yếu thứ sáu của phẩm này vậy.10

Phân tích Ẩn dụ về viên Ngọc ở đỉnh đầu. Bằng năng lực Thiền định và Trí tuệ, Đức Thế Tôn đã chiếm hữu quốc độ của Pháp và làm vua ba cõi. Nhưng các ma vương không chịu tuân phục. Các tướng hiền thánh của Như Lai chống lại chúng. Đối với những người xuất sắc thì Ngài rất toại ý và đứng giữa bốn chúng, Ngài giảng kinh này cho họ, khiến họ rất hoan hỷ và ban cho họ Thiền định, giải thoát căn góc toàn hảo(vô lậu căn), năng lực và tài sản pháp. Hơn nữa, Ngài cho họ thành trì Niết bàn, bảo rằng họ đã được diệt độ, thu hút tâm họ khiến tất cả đều hoan hỷ, tuy vậy Ngài vẫn chưa giảng kinh Pháp hoa cho họ nghe.

Này Văn Thù, giống như vị chuyển luân vương thấy các chiến sĩ của mình rất giỏi thì rất sung sướng đến nỗi giờ đây, rốt lại cho họ Viên ngọc kỳ diệu mà từ rất lâu Ngài vẫn mang trên đỉnh đầu, Viên ngọc mà phải cẩn trọng khi phải cho ai, Đức Như Lai cũng như thế. Là vị Đại Pháp Vương ba cõi, giảng dạy và cải hóa chúng sanh bằng pháp, khi Đức Phật thấy đạo quân Hiền Thánh của Ngài chiến đấu chống các loại ma và chiến đấu với thành tích và công lao to lớn, tiêu diệt tam độc, thoát khỏi ba cõi, phá thủng lưới của Ma, thế rồi Đức Như Lai rất vui mừng và giờ đây, rốt cuộc Ngài cũng giảng kinh Pháp hoa này mà trước kia chưa từng được giảng và có thể khiến tất cả chúng sanh đạt Toàn Giác, dù rằng cả thế gian còn Phật ý và khó tin ở kinh. Này Văn Thù! Kinh Pháp hoa này là giáo lý tối thượng của Như Lai và thâm sâu nhất trong tất cả mọi giáo lý. Cuối cùng ta ban kinh này cho các ông, như vị vua hùng mạnh cuối cùng đã ban hạt minh châu mà từ rất lâu Ngài vẫn giữ”.11

3. Vị trí và vai trò bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong đời sống

3.1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa với đời sống văn học

Pháp Hoa là nói tóm tắt của kinh Diệu Pháp Liên hoa. Kinh Pháp Hoa lấy hoa sen làm biểu tượng. Vì sao ta lấy hoa sen làm biểu tượng? Vì hoa sen không những thường được nhắc đến trong kinh điển mà thế gian cũng rất ưa thích như ca dao việt nam có câu:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

Nhị vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Hoa sen là một loài hoa rất đặc biệt, bản chất thanh cao của nó hơn hẳn các loại khác. Cuộc đời của Phật từ khi Ngài đản sanh cho đến khi nhập diệt, luôn luôn gắn liền với hoa sen. Vì vậy, hoa sen là biểu tượng cho sự giải thoát trong Phật giáo (chín phẩm sen vàng lên giải thoát). Khi đức Phật giáng sinh, Ngài đi trên hoa sen bảy bước. Khi Đức Phật truyền pháp cho tôn giả Ca diếp, Ngài cũng cầm hoa sen. Vì vậy Đức Phật luôn luôn được tôn trí ngồi trên hoa sen.

Hoa sen ấy cao quý vô cùng. Nó từ dưới bùn mọc lên, nhưng không dính mùi bùn. Hoa sen có hoa mọc trước, có hoa mọc sau, nhưng khi có cơ hội mọc lên gặp ánh sáng mặt trời, tất cả đều nở ra, tỏa mùi thơm ngát như nhau, các loài hoa khác khi mọc lên, mọt thời gian hoa rụng mới có kết quả; còn hoa sen vừa búp đã có quả, quả bọc trong gương sen. Hoa sen to chừng nào thì quả và gương sen to chừng ấy. hoa quả đồng thời, hoa sen có điểm đặc biệt là bướn không đậu, sâu không ăn, người ta không lấy để trang sức trên đầu.

Ngoài những chi tiết và ý ngĩa của hoa sen trong đời sống văn hóa, thì hoa sen còn có những ý nghĩa khác mà phần sau đây người viết sẽ trình bày trong phần Kinh Diệu Pháp Liên Hoa với đời sống thực nghiệm tâm linh.

3.2. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa với đời sống thực nghiệm tâm linh

Khi Đức Phật mới vừa thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài liền suy nghĩ: “Giáo lý mà ta chứng ngộ, quá siêu việt, siêu lý luận, siêu ngôn ngữ, thậm thâm vi diệu. còn chúng sanh ở giữa đời này thường ham thích ai dục, khoái ái dục thì làm sao hiểu cho thấu”. Cho nên Ngài chần chừ, ngần ngại chưa muốn thuyết pháp. Hàng chư thiên biết rỏ tâm ý của Ngài, cho nên mới đi đến thỉnh cầu Thế Tôn thuyết pháp. Đức Phật nhìn giữa hồ sen, thấy các hoa sen, có thứ đã ngoi lên khỏi bùn mà chưa khỏi nước, có thứ mọc lên giữa nước mà chưa mọc lên khỏi mặt nước, có thứ mọc lên khỏi mặt nước mà chưa nỡ, có thứ sắp nở đang đợi ánh sáng mặt trời mới tỏa bong ra.

Đức Phật nghĩ rằng: “Tất cả chúng sanh ở thế giới này cũng đều như thế, có hạng căn cơ thấp, có hạng căn cơ vừa, có hạng căn cơ cao, nhưng nếu các hạng căn cơ đó được gặp ánh sáng, được gặp giáo lý của Đức Phật cũng sẽ được giải thoát và giác ngộ”. Do đó, Ngài quyết định chuyển pháp luân, thuyết pháp độ sanh.

Lại nữa, hoa sen còn có một đặc tính rất đặc biệt, vì tính đặc biệt đó nên Thế Tôn đã lấy nó ví dụ cho Diệu pháp của Ngài.Vậy Diệu pháp đó là gì? Đó chính là cái Phật tánh, tri kiến Phật. Thấy biết như thế nào gọi là thấy biết Phật? Thấy biết như thế nào gọi là thấy biết chúng sanh? Phải mà thấy trái là thấy biết chúng sanh. Thấy biết sự thật là thấy biết của Phật.  Giả mà thấy thật là thấy biết của chúng sanh, thấy đúng sự thật là thấy biết của Phật. Vô thường mà thấy là thường, vô ngã mà thấy là ngã là thấy biết của chúng sanh. Trái lại vô thường thấy là vô thường, vô ngã thấy là vô ngã là thấy biết của Phật vậy…thật đúng như vậy cái thấy biết của Phật là thấy đúng sự thật, cái thấy biết đúng chân lý, đúng tánh tướng của sự vật. Đó là cái thấy biết thoát ra ngoài sự tướng có, không, thường, đoạn, nhị biên theo thiên kiến của chúng sanh. Thấy biết Phật đó nó bao hàm tất cả tính từ bi, hỷ xả, trí tuệ, giải thoát nên cái thấy biết đó cao quý vô cùng, ví như hoa sen ở trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Hoa sen mọc trong bùn là gì? Phật giáo ví dụ bùn đó là phiền não của chúng sanh, phiền não đó là cho cái thấy biết của Phật bị khuất lấp, không hiện và không mọc lên được, cũng như bùn khuất lấp hoa sen, nhưng khi thứ bùn đó được vạch ra, hoa tất sẽ mọc lên. Hoa mọc lên từ trong bùn cũng như cái thấy biết Phật mọc lên từ trong tâm phiền não của chúng sanh. Vì thế thiền sư Chân Nguyên ở Việt Nam đã diễn tả:

Trần trần sát sát Như Lai.

Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen.

Hoa là bản tánh trạm viên.

Bao hàm trời đất dưới trên cùng bằng.

Hậu học có biết hay chăng?

Tâm hoa ứng miệng, nói năng mọi lời”

Hay Ngộ Ấn Thiền sư cũng có bài kệ nói về một chút hoa sen trong mình như sau:

Diệu tánh rỗng không chẳng thể bâu

Rỗng không tâm ngộ có gì đâu.

Trên non ngọc đốt màu thường đẹp,

Sen nỡ trong lo ướt chưa khô.” (Lê Mạnh Thát dịch)

Đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ hằng ngày pháp môn Niệm Phật rất phổ biến và thích hợp với mọi căn cơ của chúng sanh. Chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh cũng là lấy biểu tượng hoa sen (Chín phẩm sen vàng lên giải thoát…). Thành thử hoa sen bên trong ứng với hoa sen bên ngoài. Bên ngoài phù hợp với bên trong. Nếu tâm của chúng ta thanh tịnh đến chừng nào thì hoa sen của chúng ta khi cầu nguyện vãng sanh cũng lớn chừng đó (Thượng phẩm thượng sanh). Ngược lại nếu hoa sen của chúng ta nhỏ bé, chỉ lu lu dưới nước thì dù có ngồi lên hoa sen để vãng sanh tịnh độ cũng chỉ được ngồi hoa sen hạ phẩm mà thôi, chứ không thể ngồi lên được hoa sen trung phẩm và thượng phẩm. Thế cho biết hoa sen trong tâm như thế nào thì ứng hiện ra hoa sen bên ngoài như thế ấy. đời này nó hiện ra như thế nào, thì ngày mai ở cõi Tịnh độ cũng hiện như thế ấy.

Vậy trì tụng, sao chép, diễn nói…Kinh Pháp Hoa cũng để làm sao cho cái hoa sen trong chính tự tâm chúng ta ngày càng mọc lên tươi tốt, thoát khỏi bùn, xuất hiện phô bày toả hương ngát thơm cho đời.

Kinh Pháp Hoa đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc hàn gắn sự đổ vỡ của các trường phái Phật giáo. Mặt khác đặt lại giá trị của mọi đường lối tu tập và nhất là giá trị tâm thức hướng thiện, hướng thượng của mọi chúng sanh. Sự tồn tại của Đức Phật là vĩnh cửu, mọi hiện tượng dưới con mắt người giác ngộ đều là biểu hiện chân lý. Ý tưởng này đã làm nền tảng cho tư tưởng Đại thừa và con đường thực hành Bồ-tát hạnh.

Trên chiều tuyệt đối, chân lý của thực tại vượt ngoài ngôn thuyết, ngoài tất cả những mô tả, diễn đạt. Với một đường lối dung hòa, với tư tưởng pháp chân không siêu thoát, Kinh Pháp Hoa đã đạt được mục đích của mình là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Có lẽ cũng vì vậy mà kinh được tôn thờ quý kính, hành trì và phổ biến một cách sâu rộng.Như vậy, nếu Đức Phật không dùng nhưng phương pháp tư duy và nhận thức của chúng sanh thì không có con đường nào mở ra để chúng sanh đi về cảnh giới của chư Phật được cả. Sử dụng tập quán tư duy và nhận thức của chúng sanh có nghĩa là tìm ra một định thức căn bản của tri thức. Định thức này vừa là hiển nhiên vừa là bao hàm cả chân lý tuyệt đối, nghĩa là vừa mang đủ tính cách duy nghiệm của tri thức và cả bản chất siêu nghiệm của kết quả.

Kinh Pháp hoa là một bộ kinh rất cao quý, tóm thâu tất cả giáo lý mà Phật đã dạy cho đệ tử suốt 45 năm. Trước khi thuyết kinh này, vì căn cơ hàng đệ tử không đồng, Ngài đã dùng rất nhiều phương tiện để dẫn dắt họ dần dần đi đến nhất thừa đạo. Đến khi căn cơ của chúng sanh thuần thục, Phật mới nói thẳng đạo nhất thừa. Nhất thừa đạo không có nghĩa là phủ nhận tất cả các pháp môn phương tiện mà Đức Phật đã nói trước đây. Nhất thừa đạo chỉ muốn nói rằng những pháp môn trước kia chỉ là những nấc thang, những phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh vào nhất thừa ( Hội tam quy nhất, khai quyền hiển thực). Ví như vị lương y sau khi đã hiểu rỏ căn bệnh, hiểu rỏ thuốc chữa trị, cách điều trị, mới cho bệnh nhân dùng thuốc này hay thuốc khác. Cũng vậy Đức Phật cũng chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh ra khỏi ba cảnh đời lửa đốt.

  • Cảnh đời của thân vật chất
  • Cảnh sống của thân vận động, tham dục
  • Cảnh sống của lo nghĩ, tính toán, khái niệm.

Đức Thế Tôn đã tùy theo căn cơ chúng sanh mà dùng phương tiện này hay phương tiện khác. Tuy tạm chia có ba trình độ ở phương tiện giải thoát, thật ra chỉ có một, vì dầu nói chứng quả Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, tất cả những quả ấy đều như những trụ đá đánh dấu trên con đường duy nhất, là con đường đưa đến giác ngộ, thể nhập tri kiến-trí tuệ Như Lai (Phật đạo).

Như vậy con đường (Phật đạo) chỉ có một (Duy một Phật thừa) nhưng vì chúng sanh có nhiều giai tầng khác nhau, sợ chúng sanh nãn lòng, Phật đã lấy dụ Hóa thành (Phẩm thứ 7) để quyền thuyết Niết bàn với Thanh văn, sự thật tuyệt đối Niết bàn ấy chưa phải mức cuối cùng, đó chỉ là những thành phố được Như lai hóa hiện cho chúng nhơn tạm nghĩ mà thôi. Như vậy giáo nghĩa Nhất thừa, chư pháp thật tướng hay bao nhiêu chân lý tuyệt vời trong kinh thường được trình bày dưới hình thức những ví dụ, có giá trị như những câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta cần phải nhận định và tìm hiểu cái nghĩa ẩn chứa trong ấy. Những ví dụ, ngụ ngôn ấy Đức Phật gọi là phương tiện, mà phương tiện thuộc về thế gian. Vậy lối trình bày trong kinh Pháp hoa là lối “ dĩ huyễn độ chân”. Lấy việc đời mà dẫn ý đạo- cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Chúng ta dựa trên cơ sở các ví dụ này mà thông hiểu toàn bộ giáo lý của kinh Pháp hoa. Pháp hoa gỡ bỏ bán víu cuối cùng của con người vào trạng thái an lạc trong nội tâm để tiến lên trên một con đường rộng lớn (ví dụ nhà lữa, ví dụ hóa thành…). Con đường này đưa hành giả đi giữa lòng cuộc đời để hoàn thành tuệ giác vô thượng. Bằng cách đem ánh sáng lành mạnh của nôi tâm mình chan hòa lên mọi sự sống, giúp tất cả chúng sanh đều thấm nhuần hương vị giải thoát của Phật pháp, và nhờ đó, thế giới của chúng sanh được chuyển hóa thành thế giới thanh tịnh trang nghiêm của mười phương chư Phật.

Tóm lại, tiếng nói của Pháp hoa là tiếng nói của trí tuệ, của niềm tin (tín và giải) và hòa bình. Trong xã hội nhân loại ngày nay, thiết tưởng Pháp Hoa vẫn là tiếng nói mang đầy giá trị thiết thực cho sự an bình của thế giới. tìm hiểu ý nghĩa thực tiễn một vài ví dụ trong Kinh Pháp Hoa thiết nghĩ là điều quan trọng và việc làm đầu tiên cho những ai thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa, chúng ta cần phải ghi nhớ và áp dụng trong công phu tìm hiểu, thông nghĩa và huyền nghĩa chân thật của kinh. Nếu không như thế, thì người đọc tụng kinh Pháp Hoa sẽ không hiểu được Đức Phật muốn nói cái gì, muốn chỉ gì trong những câu chuyện, sự tích… ghi trong kinh. Người viết xin đuowcj góp sức mình phân tích tầm quan trọng của những thủ pháp ví dụ, ẩn dụ trong kinh Pháp Hoa tạo thành những con sóng nhỏ hòa nhập vào biển pháp mênh mông, mang hương liệu từ bi, giải thoát, tỏa ngát hương thơm bay khắp muôn phương, lợi lạc quần sanh, đồng nhập Phật trí.

Nhuận Bình   

Tài liệu tham khảo:

1 Ca dao việt nam.
2HT Thích Thiện Siêu, Lược giảng kinh Pháp Hoa, nxb Tôn Giáo 2006, tr. 507
3 Trí Quang Thượng nhân, Pháp Hoa lược giải, nxb Tp Hồ chí Minh 2542- 1998, tr.260
4 Theo nguồn: http://www.giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=564652
5 Theo nguồn: http://www.giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=564652
6 NIKKYO NIWANO biên soạn, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật Ngày Nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, nxb Phương Đông 2009, tr.166
7 NIKKYO NIWANO biên soạn, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật Ngày Nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, nxb Phương Đông 2009, tr. 359
8 NIKKYO NIWANO biên soạn, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật Ngày Nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, nxb Phương Đông 2009, tr.168
9 NIKKYO NIWANO biên soạn, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật Ngày Nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, nxb Phương Đông 2009, tr.169
10 NIKKYO NIWANO biên soạn, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật Ngày Nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, nxb Phương Đông 2009, tr.309
11 NIKKYO NIWANO biên soạn, Trần Tuấn Mẫn dịch, Đạo Phật Ngày Nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, nxb Phương Đông 2009, tr.360 
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ

Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.

Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.

Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.

Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:

Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB