Đại hội sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài trong Nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) sẽ thực hiện thành công 09 mục tiêu
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII
NHIỆM KỲ (2017 – 2022)
Từ ngày 21 – 22 tháng 11 năm 2017
Tại thủ đô Hà Nội
Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) sẽ chính thức diễn ra vào ngày 21 – 22/11/2017 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1250 đại biểu gồm Chư tôn đức Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh; Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ thành viên Hội đồng Trị sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại biểu các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước; Đại biểu tăng ni, phật tử Việt Nam ở Hải ngoại.
Khách mời, đại biểu khách quý gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; tổ chức tôn giáo bạn; các vị Đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; Chức sắc lãnh đạo Phật giáo các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với Chủ đề Đại hội “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII là một sự kiện quan trọng nhằm thực hiện các nhiệm vụ: Tổng kết công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ VII (2012-2017); Thảo luận chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ VIII (2017-2022); Thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ VI; Suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, Suy cử Hội đồng Trị sự Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và một số phật sự quan trọng khác.
Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng, đặc biệt là trong Nhiệm kỳ VII (2012 – 2017). Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Nâng cao hiệu quả hoạt động phật sự, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác phật sự của các Ban, Viện Trung ương. Tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học, nổi bật là đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ diễn ra từ ngày 7 – 11/5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Đại lễ Vesak LHQ do GHPGVN đăng cai tổ chức lần thứ hai đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và vô cùng đặc biệt đối với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu khách quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như Chư tôn Giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN các tỉnh/thành, tăng ni, cùng hàng vạn tín đồ phật tử trong và ngoài nước, là cơ hội để giới thiệu về một đất nước Việt Nam hòa bình, hợp tác, hữu nghị và một GHPGVN đoàn kết, hòa hợp, phát triển và hội nhập; Khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Các chùa ở đảo Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh. Tiếp tục cử chư tăng ra trụ trì các chùa tại các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; Cử nhiều đoàn gồm Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và tăng ni, phật tử ra thăm quân và dân ta ở quần đảo Trường Sa; Khánh thành chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc 2014, chùa Trúc Lâm Tà Lùng 2015, tỉnh Cao Bằng, chùa Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, đền chùa sông Bắc Luân, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh…được coi như những cột mốc tâm linh quốc gia; Tổ chức nhiều đoàn đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Các đoàn đi hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu đã thành lập, trong nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại: Nhật Bản, Hàn Quốc, tại các nước châu Phi như Angola, Mozambique. Củng cố Hội Phật tử Việt Nam tại Lào và Campuchia, đã kết nối và mời về thăm Việt Nam các chư tăng của hệ phái Phật giáo Việt tông đang trụ trì 21 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan. Công tác từ thiện xã hội, chăm lo an sinh cho cộng đồng đạt hơn 6.000 tỷ đồng (sáu nghìn tỷ đồng) là những thành tựu phật sự nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đại hội sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài trong Nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) sẽ thực hiện thành công 09 mục tiêu, chương trình tổng quát mà Đại hội đã đề ra như sau:
- Phát huy trí tuệ tập thể, giữ gìn kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp – Dân tộc – CNXH;
- Đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội;
- Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
- Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế;
- Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài;
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam;
- Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của tăng, ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước;
- Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN;
- Định hướng tự chủ tài chính trong các hoạt động phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý. Khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện. Kêu gọi tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội cho cộng đồng xã hội.
Tại Đại hội này cũng tập trung thảo luận nội dung sửa đổi một vài điểm trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp với thực tiễn điều hành hoạt động phật sự trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với luật pháp Nhà nước trong bối cảnh Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 01/2018 nhằm đạt được hiệu quả phật sự cao nhất với mục đích làm ích đạo, lợi đời, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Liên hệ tác nghiệp:
Phòng 221, chùa Quán Sứ, số 73 Quán Sứ, Hà Nội
Điện thoại: 024.6684.6688 – 0934666360
Website: phatgiao.org.vn
Email: phatgiao.org.vn@gmail.com
|
BAN TỔ CHỨC
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO
TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII
|
QUAN TÂM VÀ HỖ TRỢ
Với sự hộ trì của chư tôn đức Tăng Ni, hàng cư sĩ Phật tử, trong suốt 10 năm qua, trang Thông tin Truyền thông Phật giáo Quảng Nam (Truyền hình Phật giáo QCB) do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, vận hành và quản lý đã chuyển tải các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà, những sản phẩm tin tức, chương trình tu học, chuyên đề Phật pháp mang thông điệp Từ bi - Trí tuệ và năng lượng tốt đẹp đến với cộng đồng những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh Phật giáo Quảng Nam với phương châm tốt đời đẹp đạo!.
Hiện nay, Kênh truyền hình Phật giáo QCB (QCB) có trên 20 nhân sự là phóng viên, Ban biên tập và các bộ phận khác với kinh phí hoạt động hết sức hạn hẹp, vì vậy, để QCB tiếp tục duy trì hoạt động và mang lại nhiều thành quả trong công tác thông tin truyền thông Phật giáo, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam tha thiết mong mỏi quý chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện nam, tín nữ gần xa phát tâm thiện lành trợ duyên cho hoạt động của Kênh.
Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Nam xin trân trọng từng tấm lòng san sẻ, tiếp sức trong việc hoằng pháp lợi sanh của tất cả quý vị!.
Quý vị hỗ trợ qua số tài khoản:
Số tài khoản: 1036037035
Chủ tài khoản: Đoàn Công Tùng (Thích Thắng Thiện)
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Đà Nẵng
Nội dung: Ủng hộ QCB